Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường – Thái Bình

Thứ Tư 14:35 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin đóng góp một số ý kiến vào Luật tố tụng hành chính như sau:

Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 2 chúng ta có quy định các văn bản không phải là quyết định nhưng cũng được coi là quyết định hành chính. Tôi nhất trí với quan điểm của đại biểu Lê Minh Hiền ở Khánh Hòa, chúng ta không thể coi các văn bản không phải là quyết định hành chính là quyết định hành chính. Bởi vì trong hoạt động các cơ quan Nhà nước, trong quản lý có rất nhiều văn bản, chúng ta có hệ thống văn bản quản lý hệ thống Nhà nước, ví dụ như công văn, các báo cáo, các thông báo. Nếu chúng ta cho rằng các văn bản có chứa đựng của những cái của người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền ban hành áp dụng một lần đối với một số đối tượng nhất định, tất cả các thông báo của chúng ta trong quản lý hành chính đều có thể được coi là quyết định hành chính. Như vậy sẽ gây ra sự cãi nhau, không thống nhất về mặt quan điểm, có thể kéo dài vụ án, chúng ta không thể hợp thức hóa cho việc làm sai của các cơ quan hành chính Nhà nước, có biện pháp để chúng ta điều chỉnh thông qua kiểm tra xử lý văn bản, những cái nào là quyết định, những cái nào không phải là quyết định. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ khổ này của Khoản 1, Điều 2.

Nội dung thứ hai, tại Điều 8 quy định về trách nhiệm cung cấp chứng cứ, tài liệu chứng cứ của cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền quy đinh nếu như các cơ quan có trách nhiệm cung cấp, nếu không cung cấp phải thông báo bằng văn bản. Xin báo cáo, trong thời gian vừa qua chúng ta thực hiện cái này không được, vì ngay Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ, các cơ quan này không cung cấp huống chi người dân, chắc rằng không thể thực hiện được. Nếu không thực hiện được, các Tòa án buộc phải xử khi thiếu chứng cứ, đã thiếu chứng cứ thì sai, Nhà nước bỏ tiền ra bồi thường. Vì vậy, khoản này tôi đề nghị chúng ta phải quy định chế tài cụ thể ở đây, phải có chế tài cụ thể, nếu không quy định chung chung như trong dự thảo luật chức sẽ không thực hiện được như thời gian vừa qua

Tại Khoản 3, Điều 22 về quyết định Viện kiểm sát kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành viên, người mất năng lực hành vi dân sự cư trú cử người khởi kiện hoặc kiến nghị tổ chức khởi kiện. Quy định này của ta rất chung chung, đối với cấp xã dễ, nhưng kiến nghị đối với tổ chức, tổ chức ở đây là tổ chức nào? thanh niên, phụ nữ hay Cựu chiến binh, tổ chức này ở cấp nào, cấp huyện hay cấp tỉnh, cấp xã trong quy định không nói rõ. Chúng tôi nghĩ phải bổ sung vào thật cụ thể để chúng ta có thể thực hiện được khi luật ban hành.

Nội dung thứ ba, tại Điều 27 về thẩm quyền của Tòa án, tại Khoản 3 quy định: "Tòa án có thẩm quyền giải quyết kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng hoặc tương đương trở xuống" Quy định này theo tôi chưa đầy đủ. Hiện nay, theo Luật công chức chúng ta có cán bộ và cán bộ trong luật có khái niệm cho thôi việc, trong công chức thì buộc thôi việc. Còn Luật viên chức chúng ta đang thảo luận là chấm dứt hợp đồng, trong cơ quan hành chính Nhà nước có một đối tượng được thực hiện theo Hợp đồng 68. Nếu quy định như chúng ta ở đây thì các đối tượng này khi bị xâm phạm về quyền lợi thì người ta có được kiện ra Tòa án hay không, thì trong này không thể hiện. Chúng tôi đề nghị với Ban soạn thảo nghiên cứu.

Thứ tư, về thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện thì tôi lại không tán thành với ý kiến đại biểu Vinh ở Hải Phòng, tôi cho là cần phải rút sớm. Bởi vì, theo Luật khiếu nại, chúng ta cho phép 30 ngày nếu như phát hiện thấy quyết định có xâm phạm đến quyền lợi của mình thì người dân có quyền khiếu nại. Bây giờ quy định mới chúng ta đưa thẳng ta Tòa luôn nếu như không đồng ý. Vậy tại sao chúng ta lại phải quy định tới 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Theo tôi vấn đề này chúng ta chỉ cần quy định 6 tháng, 3 tháng và 1 tháng là đủ và cũng phù hợp với Luật khiếu nại.

Thứ năm, Điều 152 phát biểu của Viện kiểm sát tại Tòa án, tôi nhất trí với ý kiến đại biểu Hiền và đại biểu Thuyền. Ở đây, Viện kiểm sát giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử hành chính. Nhưng Viện kiểm sát dự phiên tòa với tư cách tại phiên tòa chỉ được phát biểu về việc chấp hành trình tự, thủ tục tố tụng mà không nói gì về nội dung vụ án, tại sao lại như vậy. Nhưng ở sơ thẩm không được nói, lên phúc thẩm và giám đốc thẩm thì lại được nói, thế là thế nào. Tôi đề nghị ở đây việc mục đích của kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hành chính là nhằm đưa hoạt động tố tụng hành chính tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật tố tụng nhưng đồng thời cũng giúp vụ án giải quyết được đúng pháp luật.

Phát biểu của Viện kiểm sát đạt 3 mục đích, trước hết giúp người dân hiểu rõ hơn về quá trình hoạt động của cơ quan tố tụng, hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Thứ hai là hiểu rõ hơn những việc đã làm của cơ quan tố tụng có khách quan, công minh hay không, có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không.

Thứ ba, điều này rất quan trọng, đây là một phản biện rất tốt để cho Tòa án có thể giải quyết đúng đắn vụ án. Ý kiến của Viện kiểm sát là một ý kiến mà Tòa coi đấy là một phản biện để quyết định vụ án theo hướng đúng đắn thì tại sao chúng ta lại không quy định vào? Nói như đại biểu Thuyền nếu như chỉ nói về hoạt động tố tụng của các cơ quan và người tiến hành tố tụng không tại Tòa thì cũng có lẽ như đại biểu nói là đúng, không cần thiết Viện kiểm sát tham gia làm gì. Tôi đề nghị chỗ này cũng như tố tụng dân sự, lao động chúng ta cho quyền của Viện kiểm sát được phát biểu ý kiến, vì quyền quyết định là quyền của Tòa án không phải là quyền của kiểm sát.

Nội dung tiếp theo, về xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, vấn đề này chúng tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo. Trong thời gian vừa qua chúng ta có một số vụ án mới được phát hiện mặc dù Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử nhưng vẫn có sai thì chúng ta có giải pháp để chúng ta khắc phục. Chúng ta khắc phục vấn đề này không chỉ cho tố tụng hành chính mà cho cả tố tụng dân sự và tố tụng hình sự, nhất là tố tụng dân sự. Chúng tôi nghĩ vấn đề này cũng là vấn đề mở đầu, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, cũng nói như đại biểu Tâm là chúng ta phải có thời gian cụ thể, nếu không có thời gian cụ thể thì không biết đến khi nào mới chấm dứt được vụ việc, đặc biệt là các vụ việc dân sự. Vì vậy, cho nên chúng tôi đề nghị cũng phải có quy định về thời gian cụ thể. Kính thưa Quốc hội, tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan