Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Tiến Dũng – Hà Tĩnh

Thứ Tư 14:25 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu một số ý kiến.

Thứ nhất, tôi thấy cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình và tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin tham gia một số điểm sau đây:

Tại luật này quy định về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 228, Điều 229, Điều 237 và Điều 238 tôi thấy là đúng và cần thiết, nhưng ở đây tôi đề nghị thêm một việc. Thực tiễn qua giám sát của các cơ quan dân cử, đặc biệt là các cơ quan Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hiện không ít vụ án có sai lầm, mà sai lầm nghiêm trọng, cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không thể quy định quyền kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mà cần quy định ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại những vụ án mà qua giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phát hiện thấy có sai sót nghiêm trọng và yêu cầu này là không cần quy định điều kiện nào cả, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền đó.

Ý kiến thứ hai, tôi thấy tại Điều 12 quy định về Tòa án tạo điều kiện cho các bên tham gia đối thoại với nhau để giải quyết vụ án. Có thể quy định như thế là tốt nhưng chưa đủ. Tôi đề nghị xem xét quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trước khi đưa vụ án ra xét xử có thể tổ chức phiên họp để tạo điều kiện ở bên đương sự thỏa thuận với nhau, hòa giải với nhau để giải quyết vụ án đúng pháp luật, nếu quy định như vậy chắc chắn sẽ giải quyết nhanh nhiều vụ án về hành chính.

Thứ ba, tại Điều 31 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong xét xử các vụ án hành chính có 8 khoản. Tôi thấy nêu 8 khoản này dài quá mà cũng chưa đủ, tôi đề nghị từ Khoản 1 đến Khoản 7 gộp lại và được quy định thành một khoản đó là: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quy định tại Điều 29 của luật này, trừ những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 30, tôi thấy như vậy là đầy đủ. Khoản thứ hai là Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định này.

Nội dung thứ tư, tại Điều 32 xác định quyền, trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khiếu kiện thì thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Tôi thấy quy định như vậy là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính tại Tòa án và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào việc tố tụng này. Tôi đề nghị nên giao thẩm quyền này cho Tòa án nhân dân các cấp khi vừa có đơn khiếu nại vừa có đơn khiếu kiện. Nếu giao cho Tòa án nhân dân các cấp xin đề nghị xem xét sửa lại quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 109 cho phù hợp với quy định tại điểm này.

Điểm thứ năm, tôi xin tham gia đề nghị Ban soạn thảo xem xét gộp 3 điều, Điều 64, 65, 66 thành một điều thì gọn và chặt chẽ hơn. Theo tôi tên của điều này đề nghị là "điều kiện áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời" và điều này có 3 khoản, Khoản 1 là lấy nội dung của Điều 64, Khoản 2 lấy nội dung của Điều 65, Khoản 3 lấy nội dung của Điều 66 và gộp tất cả 3 điều này thành Điều 64. Như vậy sẽ gọn và thực chất đây cũng là quy định những điều kiện áp dụng các điều kiện khẩn cấp tạm thời.

Điểm cuối cùng tôi xin tham gia thêm tại Điều 62 có quy định thẩm quyền áp dụng thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại Khoản 1 có quy định "do một thẩm phán xem xét quy định, quy định", như thế này là chưa chặt chẽ vì thẩm phán trong Tòa án có rất nhiều, "do một thẩm phán xem xét quyết định" thì không được mà cần phải quy định chặt chẽ và cần nói rõ hơn do một thẩm phán được giao thụ lý giải quyết vụ án, xem xét và quyết định như vậy sẽ chặt chẽ hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan