Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Hưng – Hưng Yên

Thứ Tư 14:22 27-10-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có hai ý kiến tham gia góp ý dự án Luật tố tụng hành chính. Trước hết về cơ bản tôi đồng tình nhất trí cao với hầu hết các qui định của dự thảo luật. Đây là một dự án luật rất quan trọng, là một bước tiến mới trong cải cách thể chế và mở rộng dân chủ, cũng là bước đổi mới căn bản mở rộng thẩm quyền xét xử Tòa án, bảo đảm cho người khởi kiện quyền tự do lựa chọn khiếu kiện với cơ quan hành chính hay khởi kiện tại Tòa án. Cũng là sự cụ thể hóa, pháp luật hóa quan điểm của Đảng theo Nghị quyết 49. Vì vậy, các quy định về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo phương pháp loại trừ tại Điều 29, các quy định về khởi kiện vụ án hành chính tại Điều 104 của dự thảo luật tôi thấy phù hợp và cần thiết.

Tuy nhiên, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án, việc quy định những điều kiện thuận lợi nhất cho người khởi kiện sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, phức tạp đối với ngành Tòa án vốn đã đang chịu rất nhiều áp lực về sự quá tải trong công việc, số lượng các loại án hiện tại đã rất lớn và tiếp tục tăng. Theo Báo cáo của thanh tra Chính phủ cũng như của Tòa án nhân dân tối cao dự kiến, ước tính số lượng tăng thêm tới hàng trăm nghìn vụ việc một năm. Như vậy tăng khoảng 40%, 50% so với quy định hiện hành. Mà những quy định theo dự án Luật tố tụng hành chính lần này đưa ra lại thêm một số lượng rất lớn những vụ việc hành chính phát sinh từ hầu hết mọi lĩnh vực quản lý hành chính, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Là một đại biểu của ngành tôi thật sự lo lắng về khả năng thực hiện được một cách căn cơ, kịp thời có chất lượng cao khi giải quyết các khiếu kiện hành chính theo quy định của dự án luật. Vì vậy, để luật đi vào cuộc sống, để việc thi hành luật được đảm bảo khả thi và đạt kết quả tốt, tôi đề nghị bên cạnh việc ban hành luật, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết thi hành luật tố tụng này và tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các đề án, các nghị quyết liên quan tới tổ chức bộ máy biên chế, cơ chế thuận lợi và đặc thù cho ngành Tòa án thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Nếu chỉ coi Luật tố tụng hành chính này cũng như các dự án luật thông thường khác, nếu ngành Tòa án nói riêng và các cơ quan Nhà nước, trong đó có các cơ quan hành chính, các cấp ủy Đảng, chính quyền nói chung mà không có sự nhận thức đúng đắn và thỏa đáng, không có sự chuẩn bị tốt về điều kiện và lực lượng thì những đổi mới quan trọng nêu trên của dự án luật sẽ để lại nhiều những tác động xấu, không lành mạnh trong xã hội và ngành Tòa án sẽ chỉ có thêm những thiếu sót và khuyết điểm mới.

Vấn đề thứ hai về một nhóm vấn đề cụ thể là thủ tục đặc biệt, xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Điều 228, 229, 237, 238. Tôi nhất trí cao với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết cũng như lập luận dưới góc độ pháp lý và đã thể hiện trong dự thảo luật. Đây là một sáng kiến pháp luật hết sức có ý nghĩa vừa giải quyết được yêu cầu của thực tế cuộc sống, vừa xử lý được tình trạng xung đột pháp luật khi Hiến pháp chưa sửa đổi.

Tuy nhiên, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo khi ban hành luật theo hướng là các quy định này chỉ là thủ tục đặc biệt, chỉ đặt ra trong những trường hợp đặc biệt, tránh xu hướng tràn lan. Hơn nữa, tôi được biết các quy định mới này sẽ được đưa vào các dự án luật khác để tháo gỡ tình trạng tương tự như tố tụng dân sự. Vì vậy, cần hết sức thận trọng và chặt chẽ trong luật, dự án luật đã quy định về những điều kiện tương đối khắt khe về tỷ lệ 2/3 thành viên của Hội đồng thẩm phán khi xem xét kiến nghị, tỷ lệ 3/4 tổng số thành viên Hội đồng thẩm phán khi xem xét quyết định chính thức là cần thiết và phù hợp. Nhưng theo tôi đó mới chỉ là các quy định về trình tự, còn chưa đề cập tới các quy định về phạm vi và nội dung. Ví dụ thời gian, ví dụ quy định về sai lầm nghiêm trọng. Theo tôi cũng cần cân nhắc xem xét thêm một tiêu chí, đó là việc xem xét quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng rất cần một tiêu chí là xem xét vụ án đó đã được thi hành hay chưa, diễn biến, kết quả của việc thi hành án đó như thế nào. Theo tôi không nên chỉ đề cập xem xét lại trình tự đặc biệt này đối với những vụ án chưa được thi hành hoặc đã được thi hành nhưng do cưỡng chế thi hành án. Bởi lẽ các vụ án dân sự hay hành chính đều là những xung đột mâu thuẫn giữa công dân với nhau hoặc giữa công dân với các cơ quan, tổ chức, trong đó có cơ quan nhà nước. Nhiệm vụ của ngành Tòa án xét cho cùng là để hóa giải các xung đột và các mâu thuẫn đó để yên dân và giữ gìn sự ổn định xã hội. Một vụ án cụ thể nếu đã qua các cấp xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám thẩm, được cơ quan xét xử cao nhất của nhà nước là Hội đồng thẩm phán ra quyết định, nếu các bên đã tự nguyện thi hành xong, sau một thời gian vì lý do nào đó một đương sự lại khiếu nại, qua kiểm tra lại phát hiện là có sai lầm thì theo tôi không nên xem xét lại. Nếu tiến hành xem xét lại theo quy định mà chúng ta không đưa vào thì sẽ là cứng nhắc và pháp lý thuần túy.

Vì vậy tôi đề nghị bổ sung vào Điều 228, 237 một khoản quy định về nguyên tắc chỉ áp dụng những thủ tục đặc biệt này với những vụ án chưa thi hành hoặc đã thi hành nhưng do cưỡng chế thi hành án, nay phát hiện có sai lầm hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ án. Quy định như vậy vừa nâng cao trách nhiệm của các cấp Tòa án, trách nhiệm của cơ quan thi hành án, vừa có tác dụng nâng cao ý thức pháp luật của công dân khi tham gia tố tụng cũng như trong giai đoạn thi hành án.

Về các vấn đề khác tôi nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Báo cáo giải trình. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan