Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Tâm – TP Cần Thơ

Thứ Tư 14:22 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đi thẳng vào mấy ý kiến như sau:

Điều 104 về khởi kiện vụ án hành chính, tôi đồng ý với dự thảo mới này: "Cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền tự mình khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với hành vi đó". Tôi rằng cho đây là khởi kiện trực tiếp ngay từ đầu nếu không đồng ý với quyết định hành chính của hành vi hành chính, đây cũng là điều kiện khởi kiện thể hiện mở rộng dân chủ trong quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thực hiện quy định này tôi nghĩ Tòa án nhân dân các cấp tới đây sẽ có rất nhiều vụ việc, tinh thần của luật nên như thế nào để xử lý công việc nhanh gọn, nếu không sẽ tồn và ảnh hưởng đến việc quản lý Nhà nước.

Ý kiến thứ hai, ở Điều 121 đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, ở Khoản 1 có 3 Điểm a, b, c, tôi đề nghị bổ sung thêm Điểm d là quyết định hành chính đã bị hủy bỏ hoặc thu hồi xem như đây là đối tượng để đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính.

Điểm thứ ba, phát biểu theo gợi ý của Đoàn thư ký, Điều 161 về phát biểu của Kiểm sát viên, tôi đồng ý có thiết kế điều này, nhưng ở điều này không chỉ Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Kiểm sát viên ở đây cần có phát biểu đánh giá về chứng cứ và đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, tiếp theo xung quanh về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan tiến hành tố tụng, còn nếu chỉ một vế như vậy thì hơi thiếu.

Điều 207 về phát hiện bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Ở Khoản 2 tôi cho rằng thiết kế như vậy điểm này rất phù hợp và mới trong quy định của tố tụng mà các vụ án trước đây không có, tức là Viện Kiểm sát và Tòa án nếu phát hiện bản án có sai lầm thì tự mình có thể đề nghị những người có thẩm quyền trong việc kháng nghị mà ở các điều khác không có. Tôi cho rằng đây là điểm rất mới. Còn về thời hạn của các đương sự, cá nhân hoặc cơ quan tổ chức khác đề nghị đối với người có thẩm quyền trong việc kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm 1 năm thì tôi nhất trí. Nhưng ở Điều 211 thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 2 năm thì tôi cho rằng hợp lý, nhưng trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này tức là đã hết hai năm rồi mà cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ chưa hết, chừng nào xem xét xong thì vẫn tiếp tục đưa quyền kháng nghị. Tôi cho rằng như vậy là không hợp lý và kéo dài, không tăng cường được trách nhiệm của cơ quan được giao thẩm quyền. Như vậy Tòa án, Viện kiểm sát cần phải sắp xếp lại cơ quan, sắp xếp bộ phận của mình như thế nào để có trách nhiệm trong việc giải quyết cho nhân dân chứ không thể để tình trạng hết thời điểm đó rồi mà sau đó mình phát hiện mình lại tiếp tục được quyền kháng nghị, tôi cho như vậy là mâu thuẫn với Điều 207 và Khoản 1, Điều 211.

Điều 228, Mục 2 về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Phải nói rằng thiết kế điều luật này đây là qui định rất mới như trong phát biểu của một số đại biểu thì tôi cũng đồng tình. Nhưng tôi nghĩ rằng vụ án giải quyết cũng phải có thời điểm kết thúc chứ không thể có chuyện mãi mãi được. Do vậy, tôi đề nghị ở Điều 228 này cũng như ở Điều 237 thì nên có thời hạn cuối cùng tức là 3 năm, theo tôi 3 năm là kết thúc, chậm nhất 3 năm, chứ còn bây giờ bản án có hiệu lực rồi mà mình kéo dài mãi mãi, xem xét tới, xem xét lui từ sơ thẩm đến phúc thẩm, rồi đến Hội đồng thẩm phán, bây giờ lại xem xét lại quyết định Hội đồng thẩm phán nữa và rồi quay lại sơ thẩm, phúc thẩm nữa thì bản án là quản lý Nhà nước thì quản lý như thế nào, tôi thấy nó rất khó. Cho nên tôi đề nghị ở điều này nên trong khoảng 3 năm và đề nghị với Ban soạn thảo cũng nên có một nghiên cứu, nên có một chương xét xử theo thủ tục rút gọn. Bây giờ tôi nghĩ không phải vụ án hành chính nào là cũng phức tạp, cho nên cần tạo thuận lợi cho chuyện quản lý Nhà nước nên có một thủ tục rút gọn đối với những vụ án nó không phải lớn lắm, chứ còn kéo dài như vậy thì nó rất khó cho công tác quản lý. Tôi xin có mấy ý kiến, xin hết, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan