Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị

Thứ Ba 11:16 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Lẽ ra còn nhiều thời gian thì mời đồng chí Chánh án tòa án tối cao, Trưởng ban soạn thảo sẽ có thêm ý kiến và giải trình thêm nhưng vì thời gian còn quá ít cho nên xin phép được gom lại một số vấn đề như sau:

Có 26 đại biểu Quốc hội đăng ký và phát biểu tại hội trường về dự án luật này. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tập trung vào những vấn đề lớn mà Đoàn thư ký đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Thưa Quốc hội.

Vấn đề thủ tục tố tụng hành chính là một vấn đề lớn, quan trọng và được cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Việc giải quyết khiếu nại về hành chính trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng bên cạnh đó chúng ta thấy đây là vấn đề đang còn tồn tại và còn nhiều hạn chế và cũng là vấn đề bức xúc trong dư luận và trong nhân dân hiện nay. Việc Quốc hội ban hành dự án luật này trong thời gian tới là việc làm rất cần thiết.

Về các khiếu kiện hành chính quyết định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa hành chính ở Điều 25 thì hiện nay đang còn 2, 3 loại ý kiến. Nhưng qua ý kiến của các vị đ bại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ và thảo luận tại hội trường hôm nay và ý kiến của cơ quan thẩm tra thì đều tán thành với dự thảo luật là nên mở rộng thẩm quyền của tòa án hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là mở rộng thẩm quyền của tòa hành chính. Hai nữa là cũng có ý kiến theo phương án loại trừ. Ở đây chỉ có vấn đề là các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao thì theo danh mục của Chính phủ hay là theo danh mục Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định sau này. Trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và ngoại giao này thì cũng cần xác định đây là những quyết định hành chính, hành vi hành chính mà liên quan đến bí mật quốc gia. Còn những hành vi hành chính, quyết định hành chính trong các lĩnh vực này, nếu như đó là quyết định hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, công dân tổ chức thì vẫn có quyền khởi kiện ra tòa hành chính.

Ý kiến đại biểu Trần Văn Độ - Đoàn An Giang, cũng đề nghị với Quốc hội cân nhắc nên giao cho tòa án quân sự có thẩm quyền để xét xử khiếu kiện hành chính, quyết định hành chính trong lĩnh vực quốc phòng.

Cũng có ý kiến đề nghị trong phạm vi thẩm quyền cũng nên xác định rõ trong luật này là đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của viên chức Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập mà nếu gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức công dân thì cũng thuộc phạm vi của tòa hành chính.

Còn liên quan đến phần này cũng có ý kiến đề nghị nên tu chỉnh lại các điều khoản ở trong Điều 2 nói về khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính cho nó chính xác và cụ thể hơn như mong muốn nói rằng quyết định hành chính, mà được khởi kiện ra tòa án không chỉ là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính mà đây là cơ quan Nhà nước, cơ quan mà thực hiện những chức năng quản lý hành chính ở trong Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội hoặc các tổ chức chính trị xã hội chúng ta.

Cũng có ý kiến nói rằng, các quyết định hành chính, hành vi hành chính này cũng cần phải được liệt kê trong những hành vi hành chính cũng nên quy định cụ thể rõ hơn, chứ còn như quy định của dự thảo thì quá rộng. Đó là những điều đại biểu Quốc hội kiến nghị với Ban soạn thảo và cơ quan giải trình tiếp thu sau này.

Thứ hai, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, tại Điều 67, đa số ý kiến phát biểu đồng tình với phương án của dự thảo là quy định một cơ chế để cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn là khởi kiện qua thủ tục hành chính ra cơ quan hành chính hoặc khởi kiện trực tiếp ra tòa ngay, không cần qua thủ tục cơ quan hành chính như thủ tục của Pháp lệnh hiện thời hiện hành. Đây cũng là vấn đề đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tiếp thu vào trong dự thảo luật.

Vấn đề thứ ba là thời hiệu khởi kiện ở Điều 68, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại và các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau. Chỗ này cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên quy định theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo là 90 ngày hoặc thời hiệu khởi kiện 2 năm, như quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự.

Về quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, chúng ta thống nhất rằng với quy định hiện nay của pháp lệnh dẫn đến trường hợp khó khăn khi thi hành án nhưng trong dự án luật này cần quy định rõ thẩm quyền của tòa án khi xét xử sơ thẩm các quyết định hành chính, hành vi hành chính, ngoài việc khẳng định đúng hay sai nên quy định rõ phải sửa như thế nào, nên theo hướng đó.

Còn thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính nên quy định theo hướng như dự thảo là không bắt buộc phải có thỏa thuận nhưng cần có quy định về đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trong tố tụng hành chính.

Về cơ chế xử lý đối với bản án, quyết định của Tòa án hành chính đã hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng phát hiện có những sai lầm nghiêm trọng. Vấn đề này là vấn đề rất lớn mà đại biểu Quốc hội cũng đang còn ý kiến khác nhau. Chúng tôi xin tiếp thu, nghiên cứu rồi sẽ báo cáo giải trình với Quốc hội trong thời gian tới đây. Bởi vì nó còn liên quan đến cả tố tụng dân sự, cả tố tụng hình sự, liên quan đến các văn bản pháp luật hiện hành. Cho phép chúng tôi có nghiên cứu sâu hơn và sẽ trình bày báo cáo với Quốc hội sau.

Về vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với dự thảo.

Còn về thi hành án bản án hành chính, qua ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và nhiều đại biểu phát biểu hôm nay chúng ta thấy rằng nên giao cho một cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ giúp cho Chính phủ quản lý thống nhất về công tác thi hành án, trong đó có cả thi hành án hành chính. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần nội dung của Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã ban hành.

Còn cơ quan thi hành án hành chính, hiện nay khoản tiền và tài sản trong các bản án quyết định hành chính đã giao cho cơ quan thi hành án dân sự, còn các quyết định khác về hành chính chưa giao cho cơ quan nào. Nhưng cũng có ý kiến như đại biểu Trần Du Lịch và một vài đại biểu khác muốn giao luôn cho cơ quan thi hành án dân sự. Đây là những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu, chúng tôi xin tiếp thu hết tất cả những ý kiến của đại biểu và sẽ có bản giải trình, tiếp thu và chỉnh lý khi chúng ta xem xét thông qua dự án luật này. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan