Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba 11:15 22-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Đồng chí Phó Chủ tịch điều khiển thì những vấn đề quan trọng có đề nghị phát biểu thêm. Tôi xin có 2 ý kiến và một kiến nghị.

Ý kiến thứ nhất, liên quan đến vấn đề mở rộng thẩm quyền quy định ở Điều 67 có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Quan điểm của tôi, trên thực tế một người trong nhiều năm ngồi trực để giải quyết khiếu nại của dân với Quốc hội. Tôi thấy thực tế tại sao việc khởi kiện Tòa hành chính mà ít, rối. Nó có 2 nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất là về thủ tục làm rào cản để kiện ra Tòa đối với quyết định hành chính. Rào cản này tinh vi lắm, tôi ví dụ khi Ủy ban nhân dân cấp quận, cấp huyện ra một quyết định cưỡng chế người dân, ra một quyết định rất rõ ràng. Nhưng khi người ta khiếu nại thì ông không ra quyết định nữa. Ông làm thư trả lời khiếu nại, người dân cầm thư trả lời khiếu nại ra Tòa kiện thì Tòa bảo rằng phải ra quyết định, chứ trả lời này không kiện được và cứ lẩn quẩn như vậy. Tại sao lại có rào cản như vậy? Tôi không rõ. Đấy là ý thứ nhất.

Ý thứ hai là Tòa án cấp quận thì xử quyết định của ông Chủ tịch quận, cấp huyện xử ông Chủ tịch huyện, thực tế rất khó khăn. Và người dân không tin tưởng đó là 2 nguyên nhân. Để giải quyết vấn đề này tôi kiến nghị, tôi đồng tình với các ý kiến là phải mở rộng thẩm quyền của Tòa án về xét xử, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng Điều 25 và dự thảo này Điều 67 chúng ta mới he hé thôi, đặc biệt Điều 67, Khoản 2 và trong các vụ quản lý về đất đai thì phải qua thủ tục xét khiếu nại, có quyết định mới khởi kiện. Tôi đề nghị không loại trừ như vậy mà phải mở rộng tối đa, kể cả trường hợp khởi kiện lần đầu và trường hợp việc khiếu nại quá thời hạn không giải quyết như kiểu tôi nói là không ra quyết định mà chỉ ra thông báo giải quyết, ví dụ như vậy. Lý do rất đơn giản, nói gì thì nói giữa các cơ quan công quyền và công dân là quan hệ giữa người quản lý và đối tượng quản lý, cần có một cơ quan độc lập để xét xử quyết định đó là tòa án.

Tôi không đồng tình nói rằng chúng ta mở rộng loại tòa án không đủ sức làm, nếu thực tế đòi hỏi như vậy người dân phải đóng thuế để nâng việc mở rộng tòa án ra giải quyết việc cho dân, tôi nghĩ người dân sẵn sàng, nâng năng lực lên chứ không vì bất cập mà chúng ta hạn chế lại. Quan điểm của tôi đồng tình với ý kiến là phải mở rộng tối đa, trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng, người dân có quyền khởi kiện quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của mình và nên điều chỉnh lại Điều 67.

Vấn đề thứ hai, đồng chí Phó Chủ tịch có hỏi về thi hành án, tôi chỉ nói đơn giản là về nguyên tắc cơ quan thi hành án là thiên lôi, mà thiên lôi thì chỉ một ông thôi và quyết định nào thì các ông lo thực thi, không nên cứ lập ra một cái lại đẻ ra một cơ quan khác, tức là có một cơ quan thi hành án dân sự tiến hành làm và chịu trách nhiệm thi hành tất cả quyết định. Tôi đề nghị thi hành án như vậy, tổ chức giống như một ông thiên lôi, không để quá nhiều thiên lôi.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến quan điểm, điều này tôi băn khoăn, lúc giải lao tôi có hỏi đồng chí Bộ trưởng Hà Hùng Cường hướng cải cách tư pháp như thế nào. Tương lai chúng ta tổ chức tòa án theo cấp thẩm quyền xét xử từ cấp thẩm hay đơn vị hành chính? Tôi cho rằng vấn đề vướng hiện nay, nếu như trong lĩnh vực hành chính mà không tổ chức Tòa án theo hướng theo thẩm quyền tố tụng, cứ là huyện, tòa án huyện, tỉnh là tòa án tỉnh, tôi cho không hiệu quả. Nếu hướng cải cách tư pháp sắp tới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền tố tụng, không theo đơn vị hành chính quận, huyện tức là tòa khu vực thì toàn bộ Chương III và nhiều điều, khoản của luật này không phù hợp nữa. Như vậy vấn đề căn bản tôi muốn biết hướng tới như thế nào để ra luật này, luật này kỳ tới thông qua, coi chừng vừa thông qua xong lại phải sửa, tôi nghĩ phải có cái nhìn dài hơn về hướng cải cách tư pháp của đất nước. Tôi kiến nghị cần làm rõ về mặt quan điểm trước, rồi chúng ta mới tiến hành thủ tục tố tụng sau. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan