Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đặng Như Lợi – Cà Mau

Thứ Năm 11:21 17-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa các vị đại biểu.

Tôi có mấy ý kiến thế này:

Một, ở đây tôi chỉ phát biểu ý kiến cá nhân tôi, tôi không thay mặt đoàn đại biểu, không thay mặt tổ thảo luận, cũng không thay mặt với Ủy ban thì cũng rất là khó, nhưng nhiều lúc tôi thấy nhiều đại biểu xưng là chúng tôi thì tôi cũng không hiểu là thay mặt là cái gì cả, cho nên tôi chỉ phát biểu cá nhân thôi, để cho ghi biên bản nó cũng dễ.

Thứ hai, chúng tôi thảo luận ở tổ chúng tôi thấy thế này, trong trường hợp này thường chúng tôi thảo luận ở tổ thì được nghe tổ tán thành ý kiến thẩm tra của cơ quan pháp luật và phải ghi cái đó vào trong biên bản. Tôi thấy cơ quan thẩm tra là cơ quan rất có thời gian và họ đã theo dõi vấn đề này từ đầu chắc chắn là hơn ý kiến của cá nhân mình. Tôi cũng rất tán thành ý kiến của cơ quan thẩm tra, mà tán thành ý kiến của cơ quan thẩm tra thì dự án luật này sẽ phải sửa đổi theo ý kiến của cơ quan thẩm tra thì nó còn lại thay đổi một cách cơ bản. Như vậy ở đây ta bàn theo tôi cũng phải tuân thủ theo những vấn đề mà đã tán thành ở trong các tổ là đã đồng ý theo cơ quan thẩm tra thì dự án luật đó đầu tiên phải đi theo cái của cơ quan thẩm tra đã.

Ý kiến thứ ba, theo Điều 109 và Khoản 2, Điều 112 của Hiến pháp cũng như theo Khoản 2 và Khoản 7, Điều 8 của Luật tổ chức Chính phủ thì có quy định về vấn đề tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Bây giờ ta khẳng định Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, phải có một cơ quan về vấn đề này. Ta khẳng định như vậy, sẽ có một cơ quan quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực đó là vấn đề chấp hành Hiến pháp và pháp luật, giống như các cơ quan khác. Vậy theo Luật tổ chức Chính phủ thì tổ chức của cơ quan thanh tra này sẽ phải là một cơ quan độc lập và có những quyền nhất định của nó. Với định hướng theo Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 21 của Chính phủ đã đổi mới công tác này làm sao cho ngày càng tốt hơn và có hiệu quả, chứ ta cứ lúng túng thế này mãi thì tôi thấy cũng khó. Cho nên, tôi đề nghị đã là cơ quan quản lý giúp Chính phủ mà quản lý ngành, lĩnh vực về chấp hành và thi hành Hiến pháp và pháp luật thì cán bộ mới nên tổ chức như một ngành dọc. Ngành dọc này nên làm sao, chứ còn bây giờ như các ngành khác, tôi thấy có nhiều vấn đề lắm. Mà lại là vấn đề khá hẹp, cho nên theo tôi nên tổ chức một ngành dọc, nếu có thể tổ chức được nó na ná như tổ chức của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát thì theo tôi sẽ có hiệu lực hơn. Tất nhiên những vấn đề này nó sẽ liên quan đến sửa đổi nhiều luật mà đã quy định về thanh tra chuyên ngành ở trong các luật chuyên ngành. Đấy là ý kiến thứ ba.

Ý kiến thứ tư, tôi thấy cũng nhiều ý kiến nói về thanh tra nhân dân. Tôi đọc thanh tra nhân dân thì ruột của nó lại là giám sát chứ không phải là xử lý các vấn đề về chấp hành và thi hành pháp luật. Vậy thì ruột lại giám sát, nhưng tên lại là thanh tra.

Thứ nhất, tôi cho là giữa tên và ruột là không hợp nhau.

Thứ hai là đưa đến phạm vi điều chỉnh của Luật thanh tra cũng không hợp với vấn đề này.

Thứ ba là việc này ta đã từng gượng ép ở Khóa XI năm 2004 khi bàn về vấn đề này rồi. Ta đã gượng ép mãi rồi, bây giờ lại tiếp tục gượng ép nữa thì theo tôi là không nên. Cho nên rất nhiều ý kiến tán thành, về mặt lập luận tôi đề nghị như vậy.

Ý kiến cuối cùng tôi đề nghị Ban soạn thảo cơ quan thẩm tra xem xét thêm vì sao chúng ta ban hành Luật thanh tra Chính phủ năm 2004 từ Pháp lệnh thanh tra. Trong đó có phân tích những hạn chế của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để ra luật. Bây giờ ta lại vòng vo quay trở lại những chuyện trước đây ta gọi là khuyết điểm thì bây giờ lại quay trở lại, lại cần theo khuyết điểm đó. Theo tôi nên nghiên cứu cả dự án trước đây đã trình để có thể đưa ra chứ chúng ta không nên đi vòng tròn mãi. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan