Cải cách thủ tục hành chính Hải quan: đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng

Thứ Tư 09:58 31-03-2010
Cải cách thủ tục hành chính Hải quan: đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng
 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai trong toàn ngành công tác cải cách thủ tục hành chính hải quan và đạt được những kết quả cụ thể ở giai đoạn 1. Ngày 6/3 vừa qua, trao đổi với báo chí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã khẳng định, Tổng cục Hải quan quyết tâm thực hiện đúng thời gian, tiến độ và đảm bảo chất lượng công tác rà soát thủ tục hành chính trong giai đoạn 2.  Website Hải quan đăng tải ý kiến phát biểu của Phó tổng cục trưởng (đầu đề chính và các đầu đề phụ do Website Hải quan đặt).

Rà soát thủ tục hành chính giai đoạn 1: đạt kết quả đáng kể

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 30 trong những điều kiện hết sức thuận lợi. Trước hết là trong thời gian vừa qua, chúng tôi đang đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa trong ngành. Định kỳ, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại Hải quan – doanh nghiệp, thông qua đó kịp thời có những sửa đổi kịp thời về thủ tục, chính sách, chế độ của ngành. Chúng tôi cũng thành lập một tổ chuyên trách theo đề án 30 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong thời gian qua tổ 30 của Tổng cục Hải quan cũng phối hợp rất chặt chẽ với tổ 30 của Thủ tướng Chính phủ và tổ 30 của Bộ Tài chính.

Do đặc thù của ngành Hải quan mà ngoài những quy định, hướng dẫn của tổ 30 của Chính phủ thì chúng tôi cũng có những phương pháp bổ sung thêm trong cách thực hiện. Chúng tôi đã thực hiện việc rà soát, sửa đổi thủ tục theo hai hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Từ trên xuống dưới có nghĩa là các đơn vị vụ, cục là tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục sẽ đưa ra lộ trình thực hiện, các dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục... Từ dưới lên nghĩa là các chi cục và cục Hải quan cũng sẽ đưa ra những phương án đề xuất từ thực tế hoạt động của đơn vị. Nếu còn ý kiến khác nhau giữa các vụ, cục và các đơn vị tại địa phương thì lãnh đạo Tổng cục sẽ xem xét, xử lý phù hợp. Chúng tôi cũng ngăn chặn và loại bỏ ngay những tư tưởng bảo thủ, muốn giữ lại những thủ tục cũ, lạc hậu và không còn phù hợp với tình hình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan ngoài ngành. Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, đặc biệt là hiệp hội ngành hàng và với các bộ, ngành có chức năng ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến thực hiện thủ tục Hải quan. Đối với những ý kiến còn khác nhau của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, chúng tôi sẽ xem xét xử lý, nếu vẫn cần phải xem xét thêm, chúng tôi sẽ kịp thời báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét xử lý triệt để. Với cách làm sáng tạo của ngành, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của hai đồng chí Bộ trưởng là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính thì có thể nói trong giai đoạn 1, ngành Hải quan chúng tôi thực hiện có kết quả đáng kể.

Kết quả rà soát trong thời gian qua thì trước hết, chúng tôi đã làm theo đúng yêu cầu và lộ trình mà tổ 30 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là ban hành danh mục thủ tục Hải quan theo Quyết định 1904 ngày 10/8/2009 Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó đã ban hành 239 thủ tục, bao gồm 15 thủ tục cấp Tổng cục, 27 thủ tục cấp Cục và 197 thủ tục cấp Chi cục.

Sửa đổi, bổ sung 22 thủ tục và loại bỏ 2 thủ tục trong 44 thủ tục ưu tiên

Chúng tôi thực hiện cải cách thủ tục theo hai giai đoạn; giai đoạn 1 là công bố danh mục các thủ tục, giai đoạn 2 là xác định các danh mục ưu tiên. Trong giai đoạn 2, chúng tôi đã lựa chọn ra 44 thủ tục ưu tiên và thực hiện rà soát. Theo đó chúng tôi giữ lại 20 thủ tục, còn 22 thủ tục cần sửa đổi, bổ sung và loại bỏ và thay thế 2 thủ tục.

Nội hàm của đơn giản hóa thủ tục đối với ngành Hải quan bao gồm các nội dung như sau: Thứ nhất là loại bỏ những thủ tục không cần thiết; Thứ hai là đơn giản hóa các bước trong quy trình thủ tục; Thứ 3 là đơn giản hóa thủ tục để làm cơ sở ứng dụng CNTT; Thứ 4 là minh bạch hóa thủ tục để người dân dễ hiểu và doanh nghiệp dễ thực hiện; Chúng tôi cũng hợp nhất các thủ tục lại với nhau để đơn giản hóa; Giảm giấy tờ, chi phí, mẫu biểu…

Trong đợt thực hiện ưu tiên lần này, chúng tôi lựa chọn nhóm vấn đề thủ tục Hải quan đối với hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu. Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng, do nhóm này chiếm 1/3 số tờ khai xuất nhập khẩu của ngành, đồng thời chiếm lượng kim ngạch cũng như lao động sử dụng rất đông. Tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 116 của Bộ Tài chính ban hành tháng 10/2008, theo đó chúng tôi sẽ đơn giản hóa một số thủ tục, bao gồm có 07 nhóm vấn đề cần đơn giản hóa theo chủ trương của Đề án 30 của TTCP.

Ví dụ: trước đây doanh nghiệp được làm thủ tục Hải quan ở nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, nay nếu sửa đổi bổ sung, doanh nghiệp được lựa chọn đối với các chi cục làm thủ tục là ở cả nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất lẫn nơi mà doanh nghiệp đóng trụ sở hoặc chi nhánh. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì doanh nghiệp đóng tại TP Hồ Chí Minh có cơ sở sản xuất ở Long An nếu nay phải chạy xuống Long An làm thủ tục thì nay nếu sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại TP Hồ Chí Minh.

Thứ hai là về thanh khoản, chúng tôi cũng đơn giản một số chứng từ, ví như hiện tại phải xuất trình tờ khai xuất khẩu hoặc xuất trình chứng từ thanh toán thì nay cũng được đơn giản hóa, loại bỏ hai giấy tờ này. Điều này sẽ giảm thủ tục và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử như, trước đây theo quy định, doanh nghiệp phải đăng ký định mức khi làm hợp đồng thủ tục nhập khẩu, thì nay chúng tôi dự kiến sửa đổi lại là chỉ khi doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng đầu tiên mới phải đăng ký định mức, đối với gia công hàng hóa. Theo tính toán của một tổ công tác độc lập của Chính phủ, chỉ tính riêng giảm thủ tục này thôi, sẽ giảm được 161 tỷ/năm tương đương tỉ lệ cắt giảm là 61% (chi phí trước khi thực hiện đơn giản hóa là khoảng gần 265 tỷ/ năm, nếu chúng ta thực hiện được đơn giản hóa thủ tục này thì chi phí chỉ còn 104 tỷ/năm).

Trên cơ sở kết quả và kinh nghệm thực hiện giai đoạn 1, chúng tôi hiện đang tích cực triển khai giai đoạn 2, tiếp tục rà soát 197 thủ tục còn lại. Chúng tôi cung đã tính toán và lên kế hoạch phân công cho các đơn vị, quyết tâm thực hiện đúng lộ trình Chính phủ đã quy định, đồng thời đảm bảo chất lượng.  

Theo đó, chúng tôi sẽ tiến hành xem xét, sửa đổi, bổ sung ngay những văn bản thuộc thẩm quyền của TCHQ hoặc của Bộ Tài chính. Trong giai đoạn 1, chúng tôi đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 222 ngày 2/11/2009, thay thế Quyết định 52 về áp dụng thủ tục Hải quan điện tử. Tới đây chúng tôi cũng sẽ xem xét, tất cả những văn bản mới ban hành của Bộ Tài chính và TCHQ, những quy định mới về đơn giản hóa sẽ được thực hiện ngay trong văn bản mới ban hành đó.   

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xem xét để xây dựng một lộ trình sửa các Nghị định của Chính phủ và cũng tính đến lộ trình sửa đổi Luật Hải quan nằm trong khuôn khổ cải cách pháp lý thuộc dự án hiện đại hóa do Ngân hàng thế giới tài trợ.

Tóm lại, ngành Hải quan sẽ quyết tâm thực hiện đúng thời gian, tiến độ và đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn này, với ngành Hải quan là 44 thủ tục ưu tiên, Bộ Tài chính là 86 thủ tục và với các bộ, ngành là 256 thủ tục, thì chúng ta sơ bộ tính toán tiết kiệm được 6.000 tỷ đồng. Như vậy, tôi tin rằng, với 5.400 thủ tục còn lại, chúng ta sẽ tiết kiệm được con số lớn hơn. Hơn thế nữa, tôi cho rằng thực hiện được Đề án 30 của Chính phủ không chỉ dừng lại ở con số tiền tiết kiệm được mà còn tạo được lòng tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính nói riêng và nền hành chính đất nước nói riêng, lành mạnh hóa nền hành chính quốc gia, tiến đến nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó tổng giám đốc Công ty May 10 Hoàng Minh Khang:

Tôi thấy rằng từ khi Chính phủ có chủ trương và đưa vào thực hiện cải cách hành chính thì doanh nghiệp được tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn rất nhiều. Về dự kiến sửa đổi, bổ sung thủ tục Hải quan, tôi có vài nhận xét. Thứ nhất là thủ tục hải quan sửa đổi đã khắc phục được những thiếu sót trước đây, trởn nên bám sát thực tế hoạt động của doanh nghiệp hơn. Ví dụ như trước kia đăng ký định mức trong sản xuất hàng gia công cứng nhắc và gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng khi cải cách, doanh nghiệp chỉ phải đăng kí trước khi xuất lô hàng đầu tiên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hơn rất nhiều. Thứ hai là, tôi nhận thấy thủ tục giờ đây ưu tiên cho xuất khẩu hơn, đặc biệt là tạo tính chủ động cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật. 

Nhưng bên cạnh đó cũng còn một số điểm chưa rõ ràng và chặt chẽ lắm. Ví như thanh khoản, có thể bỏ chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng, nhưng lại phải có bản photocopy vận đơn, nhưng trong xuất khẩu chúng tôi không chỉ có vận đơn mà còn có một số giấy tờ khác. Như vậy nếu quy định chưa chặt chẽ và bao quát thì khi thực hiện thì sẽ lại nảy sinh vướng mắc. Chúng tôi hy vọng là trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì nhà nước và doanh nghiệp sẽ tiếp tục cùng bản thảo với nhau để đưa ra những quy định thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp và vẫn đảm bảo sự chặt chẽ của quản lý nhà nước.

Phượng Diễm (ghi) - Theo Hải quan 8/03/2010

Các văn bản liên quan