Đại diện Ban soạn thảo – ông Trương Hòa Bình phát biểu

Thứ Sáu 09:42 26-11-2010

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin được phép phát biểu một số vấn đề mà Quốc hội hôm nay tranh luận rất sôi nổi, trước hết thay mặt Ban soạn thảo rất cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến rất sâu sắc, toàn diện những vấn đề lớn và lần này đặt ra để sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự. Tôi cũng xin nhắc lại khi trình bày trước Quốc hội về những vấn đề lớn trong sửa đổi lần này, tôi cũng đã nói còn một số vấn đề như dự thảo trình trước Quốc hội thì đã được xử lý ở việc Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với Luật tố tụng hành chính. Sau đó dự thảo này sẽ được chỉnh sửa lại để tương ứng, tất nhiên nếu có đặc thù thì sẽ bổ sung đặc thù nhưng nó tương ứng với Luật tố tụng hành chính. Những vấn đề các vị đại biểu Quốc hội nêu ra ở đây cũng có những vấn đề Ban soạn thảo cũng đã chuẩn bị để sửa cho tương ứng với Luật tố tụng hành chính mà Quốc hội đã thông qua.

Trong buổi thảo luận hôm nay tôi thấy nổi lên hai vấn đề lớn, một là vai trò của viện kiểm sát và hai là cơ chế đặc biệt. Về vai trò của Viện kiểm sát đồng chí Viện trưởng đã phát biểu quan điểm, theo tôi là thỏa đáng, vì hiện nay luật pháp của chúng ta đang quy định viện kiểm sát có hai chức năng. Một là kiểm sát hoạt động tư pháp, hai là thực hành quyền công tố. Thực hành quyền công tố trong dân sự thì rõ rồi còn kiểm sát hoạt động tư pháp là bao trùm tất cả các hoạt động tư pháp cho nên viện kiểm sát có vai trò kiểm sát. Trong tố tụng thì có kiểm sát về hình thức và nội dung. Hình thức đây là chấp hành theo pháp luật trong hoạt động tố tụng. Về nội dung tức là Viện kiểm sát cũng phải có quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, khi trao đổi, bàn thảo, thảo luận cuối cùng Quốc hội đã quyết định trong tố tụng thì vai trò của Viện kiểm sát như dự thảo Luật tố tụng dân sự đã nêu. Nhưng riêng phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tức là kiểm sát viên tại phiên tòa đã thiết kế theo hướng chỉ phát biểu trong phiên tòa phúc thẩm, còn sơ thẩm thì không phát biểu, nếu có phát biểu thì chỉ phát biểu về việc thực hiện các hoạt động tố tụng có đúng pháp luật hay không, vì lúc bấy giờ chưa có bản án cho nên chưa phát biểu quan điểm. Nhưng sau khi có bản án sơ thẩm rồi là đã có phán quyết của tòa án rồi thì viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét phán quyết đó có đúng theo pháp luật về nội dung hay không. Viện kiểm sát còn có nhiệm vụ, trách nhiệm nếu không đúng thì kháng nghị, đã kháng nghị thì người ta phải phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong thực tiễn xét xử thì Viện kiểm sát phát biểu tại phiên tòa nếu bảo rằng đây là tác động mang tính quyết định ảnh hưởng đến việc xét xử, quyết định của Hội đồng xét xử là không khách quan, thực tiễn không có việc đó. Ngay chính tại phiên tòa giám đốc thẩm là quan điểm của Viện kiểm sát thì cứ trình bày quan điểm, còn Hội đồng là xét xử độc lập và tuân theo pháp luật, như vậy mới là bản lĩnh của Hội đồng xét xử. Còn nếu bảo là nghe theo Viện kiểm sát thì lại không đúng. Chúng ta nói là trong tố tụng dân sự thì phải theo nguyên tắc đầu tiên là việc dân sự cốt ở đôi bên, đương sự tự định đoạt.

Hai là có tranh tụng và đảm bảo công bằng trong tranh tụng, nguyên tắc này không ai không công nhận, nhưng giữa lý luận và thực tiễn cũng còn đặt ra. Đất nước chúng ta là một nước nghèo, dân trí còn thấp, đội ngũ luật sư hiện nay chỉ khoảng gần 4.000 luật sư và chúng ta còn thiếu hàng vạn luật sư. Các cơ chế hỗ trợ tư pháp, các định chế hỗ trợ tư pháp, bổ trợ tư pháp đều đang rất thiếu, các cơ quan giám định chưa đầy đủ. Dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi không có tiền mà thuê luật sư, thậm chí thuê cũng không thuê được vì không có luật sư. Đó là thực tiễn với nguyên lý là còn xa lắm, rất xa cho nên nếu không đặt vấn đề cho rõ chỗ này thì chúng ta cũng xa vời lý luận và không sát với thực tiễn. Theo tôi sẽ thiết kế lại theo hướng như tố tụng hành chính là phù hợp, tức là đề cao vai trò của Viện kiểm sát trong việc xét xử các vụ án dân sự và phát biểu của kiểm sát viên ở giai đoạn phúc thẩm. Đấy là vấn đề thứ nhất về vai trò của Viện kiểm sát.

Vấn đề thứ hai là cơ chế đặc biệt. Báo cáo với các đại biểu Quốc hội là vấn đề này không phải là vấn đề mới đặt ra mà đã 3 khóa Quốc hội trước đây đã đặt ra rồi. Trong thực tiễn có những vụ án oan, sai mà đến cấp Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng quyết định là có sai lầm. Ví dụ vụ án Huỳnh Văn Nam trong hình sự, một vụ án kinh tế, một vụ án dân sự mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xem xét và thấy có sai. Trong hành chính thì chưa phát hiện, nhưng trong kinh tế có rồi, trong dân sự có. Chúng ta nói theo nguyên lý là đến cấp xét xử cao nhất mà hiến định thì không xem lại. Rõ ràng là luật pháp của chúng ta hiện nay thì Điều 134 Hiến pháp quy định Tòa án tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật tổ chức tòa án quy định Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất, các Bộ luật tố tụng hành chính cũng quy định thẩm quyền kháng nghị của Viện trưởng, Chánh án, tức là người có thẩm quyền được quyền kháng nghị đối với tất cả các bản án có hiệu lực pháp luật, trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao. Dự thảo này có vi phạm nguyên tắc này không? Báo cáo các đồng chí là không vi phạm vì không có kháng nghị lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong thiết kế này không đặt vấn đề kháng nghị lại, nhưng có đặt vấn đề theo quan điểm Nhà nước của ta là của dân, do dân, vì dân. Chúng ta nói công lý do Tòa án xác lập, nhưng Tòa án sai, dân còn kêu thì ai là người sửa sai đây? Làm sao mang lại chân lý đích thực là sự thật khách quan giải được oan cho người dân. Chúng ta nói nếu Tòa án nhân dân tối cao xác lập công lý là cuối cùng, báo cáo các đồng chí, ngày xưa vua cũng là tối cao mà vua cũng sai. Tổng thống một nước cũng sai. Chúng ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân trên quan điểm có sai là có sửa thì phải sửa sai. Sửa như thế nào không đụng Hiến pháp, sửa như thế nào cho phù hợp với pháp luật và đạo lý. Như vậy thiết kế ở đây, báo cáo các đồng chí, chúng tôi cũng tính đến các nước người ta cũng sửa. Tòa án nhân quyền Châu Âu cũng sửa những bản án sai của các nước Châu Âu tham gia vào định chế này. Chúng ta không quan niệm nhân quyền đơn thuần. Báo cáo các đồng chí, quyền tài sản của con người, các quyền cơ bản của công dân, quyền tự do công dân, quyền chính trị, rất nhiều quyền, trong đó có quyền tài sản cũng là quyền con người, họ cũng xử như vi phạm quyền này. Báo cáo các đồng chí, có hay gì đâu tòa án ngoài quốc gia để xử một quốc gia, tại sao chúng ta không tự xem lại mình, còn định chế về tòa án hiến pháp chúng ta không có. Có những nước tòa án tối cao họ xử lại, không có nước nào, nhất là các nước tiên tiến hiện nay đều có cơ chế xem lại hết hoặc không cũng theo cơ chế bồi thường. Ta theo nguyên tắc hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao thấy mình tự sửa lại quyết định của mình nếu phát hiện ra sai.

Theo thiết kế cuối cùng của Luật tố tụng hành chính, có 4 chủ thể được quyền yêu cầu kiến nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tố cao xem lại là Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị với Chánh án, Viện trưởng đề nghị Chánh án, Chánh án tự mình nếu thấy sai đề nghị với hội đồng. Nhưng trong thiết kế đã có cân nhắc và tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nhất là một số đại biểu Quốc hội đã có nhiều kinh nghiệm và lý luận có học vị, các đồng chí yêu cầu xem nếu sai mới đưa vào cơ chế này. Thiết kế nói rõ quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có sai lầm nghiêm trọng, tức là đã thấy sai rồi, chưa thấy sai là không có đặt vấn đề đưa ra hội đồng xem lại thấy sai qua hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp, một quá trình rất công phu, làm đi, làm lại cuối cùng thấy sai đã có những căn cứ thì mới yêu cầu Chánh án và tất nhiên đã có căn cứ xác định là bản án sai rồi, quyết định của hội đồng sai rồi hay qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng bộ máy của mình qua Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và thông qua Ủy ban tư pháp. Còn Viện trưởng hay Chánh án thì cũng thông qua hoạt động của mình, yêu cầu của Ủy ban tư pháp, yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét lại đơn này, đơn kia, công luận, báo chí, dư luận xã hội, đương sự v.v... mà sau khi bằng hoạt động của chính mình thấy có căn cứ xác định là sai thì mới trình ra, chứ không phải là tất cả. Cho nên đảm bảo yêu cầu là không kháng nghị tràn lan, thủ tục rất chặt chẽ và thủ tục này còn phải có những văn bản dưới luật hướng dẫn tiếp tục, chứ không phải tới đây là dừng để làm sao đảm bảo nó phải rất chặt chẽ kể cả thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Cũng báo cáo với các đồng chí đây ta gọi là cơ chế đặc biệt, chứ không phải là thủ tục đặc biệt. Thủ tục đặc biệt là thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn đây là một cơ chế đặc biệt, cho nên lúc đầu thiết kế ở chương giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hành chính, sau đó đã tách ra thành một chương riêng là cơ chế đặc biệt và đã là cơ chế đặc biệt, thì phán quyết cuối cùng của hoạt động thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng phải có đặc biệt thì theo thiết kế mà Quốc hội đã thông qua, đây là thiết kế theo hướng là xử thẳng luôn, tức là xử thẳng này nó không phải là một cấp thứ ba mà là sửa sai, không phải là một cấp xét xử thứ ba, mà đây là sửa sai, đã sai rồi, thấy sai rồi, bây giờ đưa ra thì còn điều kiện để mà ra những quyết định trong thực tiễn có thể là thi hành được thì hội đồng ra quyết định luôn lúc không còn điều kiện thì quyết định xem xét trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Báo cáo với Quốc hội là như thế, cho nên đây là một thủ tục không phải là thủ tục đặc biệt mà là cơ chế đặc biệt và có cơ chế đặc biệt được Quốc hội thông qua thì nó trở thành luật và như thế là cũng không đụng đến Hiến pháp, pháp luật gì cả, không kháng nghị lại hội đồng của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao mà tự hội đồng thông qua yêu cầu của bốn chủ thể đó yêu cầu đề nghị, kiến nghị của bốn chủ thể đó xem lại và xem lại thì hội đồng vẫn phải biểu quyết, nếu mà hội đồng bác thì phải xin lỗi Quốc hội và báo cáo với các đồng chí còn một cơ chế đặc biệt khác mà nếu như Quốc hội không chịu thì Quốc hội còn thành lập Ủy ban lâm thời nếu thấy cần thiết và ở đây thì Nhà nước ta là Nhà nước quyền lực thống nhất có sự phân công hợp lý và phối hợp với giữa ba quyền, chứ không phải là ba nhóm quyền lực này độc lập hoàn toàn và không phải là tam quyền, chúng tôi nghĩ như thế cho nên đấy là việc tham gia của Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp. Có Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp chủ thể, không xâm phạm lập pháp can thiệp vào tư pháp, ở đây qua giám sát xin báo cáo các đồng chí như vậy. Xin hết.

Các văn bản liên quan