VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về đăng ký, di chuyển của phương tiện đường sắt
Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 14341/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển của phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
Dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, vì vậy cần đảm bảo các nguyên tắc về tính minh bạch, tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng. Rà soát nội dung Dự thảo cho thấy một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo:
- Về hình thức giấy tờ, tài liệu trong Hồ sơ
Trong Hồ sơ đăng ký phương tiện lần đầu (Điều 5), Hồ sơ đăng ký lại phương tiện (Điều 6) Dự thảo, đối với các trường hợp yêu cầu cung cấp “bản sao hợp lệ/bản sao có chứng thực”, Dự thảo đều yêu cầu phải kèm theo “bản chính để kiểm tra, đối chiếu”.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Dự thảo thì “bản sao hợp lệ là bản sao được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công chứng, chứng thực”. Mà theo theo pháp luật về công chứng, chứng thực, thì các bản sao có công chứng, chứng thực có giá trị tương đương bản chính/bản gốc.
Do đó, việc Dự thảo vừa yêu cầu cung cấp bản sao (hợp lệ/có chứng thực) vừa yêu cầu có kèm bản chính để đối chiếu là quá mức cần thiết, có thể gây phiền phức về thủ tục, giấy tờ cho chủ thể thực hiện thủ tục. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định theo hướng:
- Hoặc là bỏ quy định “và bản chính để kiểm tra đối chiếu” trong tất cả các khoản liên quan của Điều 5, Điều 6.
- Hoặc là bỏ quy định về bản sao “hợp lệ” hoặc “có công chứng” trong tất cả các khoản liên quan của Điều 5-6 đi – Lý do là trong trường hợp chỉ là bản sao đơn thuần (không có công chứng, chứng thực) thì quy định kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu là hợp lý.
- Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (Điều 7)
Khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định về thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trong trường hợp làm mất giấy này, cụ thể:
- Chủ phương tiện sẽ thực hiện khai báo việc mất giấy, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy xác nhận khai báo mất Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện
- Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn xin cấp lại, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ xem xét giải quyết cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện
Quy định trên cần được cân nhắc, xem xét ở một số vấn đề sau:
- Về thời hạn 30 ngày để cấp Giấy chứng nhận đăng ký mới:
Thời hạn này là quá dài nếu cân nhắc các yếu tố (i) hồ sơ chứng từ lưu về phương tiện đã có sẵn, không phải kiểm tra gì (bởi không có thay đổi gì về phương tiện); (ii) thời hạn cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị hư hỏng (tương tự như trường hợp bị mất Giấy); thậm chí cả thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu và đăng ký lại khi có thay đổi thời gian cấp phép cũng không quá 03 ngày (Điều 9 Dự thảo)
- Về việc cấp Giấy xác nhận khai báo mất
Quy trình hiện tại đang thiết kế theo hướng: trường hợp mất Giấy đăng ký và muốn được cấp lại thì chủ phương tiện trước hết sẽ được cấp một Giấy xác nhận khai báo mất để sử dụng chứng minh tạm (nếu bị kiểm tra) trong khoảng thời gian chờ được cấp lại Giấy đăng ký.
Quy định này suy đoán là để tạo điều kiện cho chủ phương tiện (vẫn có thể vận hành phương tiện một cách hợp pháp dù bị mất Giấy đăng ký) trong thời gian xin Giấy đăng ký mới (30 ngày theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Dự thảo). Giấy xác nhận này có hiệu lực trong 180 ngày kể từ ngày cấp.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này là không cần thiết và không có ý nghĩa bởi (i) thời gian cấp lại Giấy không phải quá dài tới mức cần có một văn bản chứng minh trong thời gian chờ đợi (30 ngày hoặc 3 ngày nếu sửa theo bình luận trên) (ii) do hiện không có quy định về quy trình, thời hạn cấp Giấy xác nhận khai báo mất nên rất có thể điều này sẽ khiến cho quy trình cấp lại Giấy đăng ký trở nên phức tạp và kéo dài (chủ phương tiện phải thực hiện 2 thủ tục hành chính thay vì 1 thủ tục).mà không phục vụ mục đích gì.
- Về yêu cầu chủ phương tiện phải cung cấp “hồ sơ phương tiện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký gần nhất” để cơ quan nhà nước kiểm tra, đối chiếu phục vụ cho việc cấp lại Giấy chứng nhận.
Yêu cầu này là chưa hợp lý và tạo gánh nặng về giấy tờ cho chủ thể thực hiện thủ tục bởi (i) những thông tin liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký đã được lưu trong hệ thống dữ liệu của cơ quan cấp Giấy đăng ký, do đó chỉ cần chủ phương tiện cung cấp các thông tin cần thiết để nhận diện phương tiện đã được đăng ký (ví dụ số đăng ký, hình ảnh phương tiện có các đặc điểm nhận diện được phương tiện đã đăng ký…), cơ quan đăng ký có thể tra cứu trong hệ thống thông tin mà không cần yêu cầu chủ phương tiện cung cấp lại hồ sơ phương tiện; (ii) trong hồ sơ cấp lại Giấy nếu bị hư hỏng (một thủ tục gần như giống hệt thủ tục cấp lại Giấy khi bị mất) không yêu cầu cung cấp các thông tin này.
Từ những phân tích trên, để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị mất để cho tương tự như trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng, trong đó chủ phương tiện chỉ cần nộp Đơn đề nghị theo mẫu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét để cấp lại Giấy đăng ký.
- Trình tự thủ tục, thời gian thực hiện (Điều 9)
Theo quy định tại Dự thảo thì trình tự, thủ tục thực hiện các thủ tục hành chính tại Dự thảo đi theo quy trình chung như sau:
- Bước 1: Chủ phương tiện nộp hồ sơ;
- Bước 2: Cơ quan nhà nước xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu bổ sung nếu cần
- Bước 3: Cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ
- Bước đặc biệt: Trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra thực tế phương tiện và sẽ cấp Giấy chứng nhận sau khi kiểm tra
Quy trình trên có một số điểm chưa rõ:
- Cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra thực tế phương tiện trong những trường hợp cụ thể nào? Chú ý, quy định trường hợp “cần thiết” là quá chung chung và trao nhiều quyền quyết định cho cán bộ thực thi, và có thể tạo ra dư địa cho tình trạng phân biệt đối xử giữa các chủ thể trong cùng điều kiện;
- Thời gian kiểm tra thực tế là bao lâu? Sau khi kiểm tra thực tế thì bao lâu sẽ cấp Giấy đăng ký?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề về kiểm tra thực tế nói trên trên. Trong trường hợp không quy định cụ thể được các trường hợp kiểm tra thực tế phương tiện, đề nghị bỏ quy định này, thiết kế trình tự thủ tục theo hướng kiểm tra xem xét trên hồ sơ giấy tờ (các Bước từ 1 đến 3 mà thôi).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển của phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.