Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hồ Trọng Ngũ – Ninh Thuận

Thứ Sáu 09:36 26-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án luật này, đây là lần đầu lấy ý kiến nên chúng tôi không đi vào chi tiết, chỉ xin tham gia một số quan điểm lớn:

Thứ nhất, tôi đồng ý với một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Loan, đại biểu Trần Đình Nhã, đại biểu Trần Thế Vượng và một số đại biểu khác. Bản chất quan hệ dân sự phải tự định đoạt và trên cơ sở tranh tụng, vậy điểm thứ nhất về cơ quan xét xử thu thập chứng cứ, quan điểm của tôi là không đồng ý vì tòa đóng vai trò trung gian, làm trọng tài ở giữa, hai bên có trách nhiệm cung cấp chứng cứ. Nếu như ai đó nói có người này yếu về pháp luật, không hiểu biết v.v... đã có một cơ chế bảo đảm pháp lý của xã hội, họ phải sử dụng luật sư, xã hội phấn đấu đến bước là mọi công dân sử dụng pháp lý thông qua hệ thống luật sư để bảo vệ quyền lợi.

Điểm thứ hai, về cơ chế đặc biệt, tôi rất nhất trí với đại biểu Loan và đại biểu Trần Đình Nhã vừa nêu. Ở đây chúng ta thực hiện nguyên tắc 2 cấp xét xử, chúng ta cũng có cơ chế bảo đảm để cho trong trường hợp mặc dù rất hạn hữu, nhưng có sai sót thì đã có giám đốc thẩm, tái thẩm. Bây giờ chúng ta lại có thêm một cơ chế đặc biệt nữa. Thực ra trong hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta đã có một cơ chế đặc biệt rồi là thông qua Hiến pháp khi có sai sót lớn mà thấy cần thiết thì có thể thành lập Ủy ban để xử lý rồi. Bây giờ ta lại cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quyền xem xét lại thì vô hình chung chúng ta tạo thêm một cấp xét xử mới như đại biểu ở Nam Định vừa nãy đã nói.

Chúng tôi cho rằng giống như quy định trong Bộ luật hình sự, gây hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm sau khi có một bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã tuyên. Công lý cũng vậy, công lý được xác lập khi cơ quan tối cao về tư pháp đại diện cho quyền lực xã hội, quyền lực Nhà nước công bố là công lý được xác lập thì nó phải nhận nó là đúng. Bây giờ chúng ta cứ bắt sửa mãi thì bao giờ cho có công lý? Cơ quan quyền lực tư pháp tối cao đại diện cho một quốc gia, một Nhà nước, một chế độ tuyên bố xác lập công lý rồi, mai mốt lại xem xét lại, chúng tôi không hiểu công lý của chúng ta như thế nào.

Điểm thứ hai, mặc dù chúng tôi cũng hiểu khi giải thích cho điều này có một số đồng chí nói rằng đạo luật này không có hiệu lực hồi tố đối với những sự vụ, những việc đã diễn ra trước khi luật này có hiệu lực, tức là theo nhãn quan chính trị chúng tôi hiểu không thể đưa những vụ lâu nay từ xa xưa để xem xét lại. Nhưng 1, 2 năm, 5 năm, 10 năm sau chúng ta có dám chắc những việc của ngày hôm nay không bị đưa ra xét lại. Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao của những thế hệ sau này họ lôi những quyết định của ngày hôm nay ra xét xử lại không.

Nếu theo cách này thì không biết công lý đến bao giờ thì hết, một việc thì ít, hai việc thì nhiều, ba việc thì thành phổ biến. Tôi không tin rằng cơ chế xem xét lại này Hội đồng chỉ xem 1, 2 việc mà 3, 4, 5 mà kéo dài thêm nữa. Vì thế chúng tôi thấy rằng không nên để cơ chế làm việc này, mặc dù tôi hiểu đạo luật hôm qua chúng ta vừa thông qua cơ chế trong Luật tố tụng hành chính. Tôi nêu lại quan điểm này thể hiện quan điểm cá nhân để nói rằng chúng tôi không ủng hộ quan điểm đó.

Vấn đề bảo đảm công lý là trách nhiệm của nhà nước, của Đảng cầm quyền phải thông qua việc chọn cán bộ, chọn Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước. Một khi Hội đồng đó xét xử sai thì có trách nhiệm, thậm chí phải có cơ chế giải tán hoặc không bổ nhiệm nữa. Vì thế cho nên chỉ cần có một cơ chế đặc biệt, cơ chế đặc biệt chỉ xuất hiện một lần thôi và sau đó giải tán.

Tôi cũng đồng ý với đại biểu Trần Đình Nhã nói là chỉ cần có một căn cứ gì đấy rất xác đáng mới có thể xác lập một cơ chế đặc biệt như thế và họa hoằn lắm. Nếu không thì cứ 1, 2, 3, 4 lần mà đều xem xét lại thì nó không còn là cơ chế đặc biệt nữa, mà nó thành một cấp xét xử.

Vấn đề lớn thứ ba là vấn đề Viện kiểm sát tham gia hay không ở trong quan hệ dân sự. Điểm thứ nhất là chúng tôi chia sẻ ý kiến của đại biểu Vượng vừa nêu là có thể vai trò của viện kiểm sát những năm vừa qua cũng thấy có tác dụng nhất định, đặc biệt trong tinh hình xém xét sai sót nhiều quá. Tuy nhiên, nếu Viện kiểm sát tham gia không chỉ là theo dõi việc tuân thủ pháp luật mà còn cả đánh giá chứng cứ, phát biểu quan điểm của mình trước tòa thì vô hình chung chúng ta biến quan hệ dân sự thành quan hệ hình sự hết cả. Tòa thì thu thập chứng cứ, Viện kiểm sát đánh giá chứng cứ thế thì không còn là quan hệ dân sự. Chúng ta làm biến dạng các quan hệ dân sự và cái mà thế giới nhân loại và lịch sử hàng ngàn năm nay chúng ta không tuân thủ, không theo thì cũng không đúng quy luật. Tôi thấy là không đúng và nên theo tinh thần Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là cải cách tư pháp và làm sao để hạn chế việc Viện kiểm sát tham gia vào đấy mới đúng. Tôi hiểu như vậy. Tức là nếu như tăng cường vai trò của viện kiểm sát thì có nghĩa là viện kiểm sát chỉ tham gia khi mà những quan hệ có động đến lợi ích của xã hội, của Nhà nước. Viện kiểm sát với tư cách là một cơ quan đại diện cho xã hội, cho Nhà nước là đứng ra để bảo vệ quyền lợi chung của Nhà nước, của xã hội. Quan hệ lúc đó là quan hệ hình sự rồi. Vì thế cho nên chúng tôi cho rằng nếu tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động, thậm chí đánh giá chứng cứ, phát biểu ý kiến thì ta đã làm biến dạng quan hệ dân sự, như vậy là không đúng với xu hướng phát triển của nhân loại cũng như không đúng với khoa học tâm lý.

Tôi xin có một số ý kiến như vậy. Xin cám ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan