Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu
Kính thưa Quốc hội!
Về vấn đề kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự tôi đồng ý với ý kiến của một số đại biểu đã phát biểu trước tôi như đại biểu Loan, đại biểu Hữu, đại biểu Hương. Tức là tôi nghĩ Viện kiểm sát tham gia phiên tòa xét xử chừng mực thôi, bởi vì đấy là một khuynh hướng mà chúng ta nên cổ vũ. Một số đại biểu viện dẫn Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị, một số đại biểu viện dẫn Nghị quyết 49 về cải cách thư pháp. Tôi cho rằng chúng ta nếu viện dẫn thì nên viện dẫn Nghị quyết 49. Nghị quyết 49 theo hướng rồi đây Viện kiểm sát sẽ giảm dần, kể cả kiểm sát hoạt động tư pháp, mà tập trung vào hình sự, tập trung vào chức năng công tố. Trong nghị quyết đấy còn nói rõ nghiên cứu để dần dần cải tiến Viện kiểm sát thành viện công tố, tức là chỉ hoạt động ở lĩnh vực hình sự. Còn dân sự thì sao? Tôi thấy một số đại biểu nêu ra là có những sai lầm này, sai lầm khác trong xét xử dân sự thì dường như do thiếu sự tham gia của Viện kiểm sát, tôi nghĩ không phải. Mỗi năm chúng ta có hơn 200.000 vụ án dân sự, tôi không hiểu 200.000 vụ án dân sự ấy thì Viện kiểm sát có tham gia được tất cả không, có phát biểu được tất cả không.
Nếu bây giờ chúng ta đặt vấn đề là Viện kiểm sát phải tham gia thì lại đặt ra vấn đề là phải tổ chức lại Viện kiểm sát như thế nào, phải tăng cường biên chế, phải thế này, thế kia thì có phải đúng khuynh hướng của chúng ta hay không, đúng xu hướng hay không. Trong khi đó, tôi cũng đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng trong dân sự thì nguyên tắc tự định đoạt và nguyên tắc tranh tụng cần phải đặc biệt quan tâm. Đã tranh tụng là tranh tụng của đôi bên, Viện kiểm sát không thể đứng bên này, đứng bên kia, còn đứng trung gian thì đã có tòa. Cho nên, vấn đề Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự thì tôi nghĩ thậm chí về lâu về dài cần phải xem xét lại như ý kiến của đại biểu Trần Thế Vượng.
Thậm chí ngay cả chuyện kháng cáo, kháng nghị, tức là kháng nghị của Viện kiểm sát đề ra yêu này nọ cũng nên giảm dần, đó là một lĩnh vực khác, nó khác với lĩnh vực hình sự. Khi trong hình sự thì Viện kiểm sát đã trở thành một bên trong tố tụng để thực hiện nguyên tắc tranh tụng.
Một vấn đề nữa tôi cũng muốn đề xuất ý kiến đó là về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ở Điều 309a, Điều 309b thì tôi cho rằng cái này cũng không có gì khó bởi vì ngày hôm qua chúng ta đã biểu quyết thông qua một dự án Luật tố tụng hành chính, trong đó có chế định này tức là ở Chương XV, bởi vì hôm qua thông qua không kịp phát biểu, nhưng chúng tôi thấy để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật thì tôi thấy khi đã bổ sung vào Chương XV của Luật tố tụng hành chính thì cũng đề nghị Ban Soạn thảo, nhưng bây giờ Ban soạn thảo hết vai trò rồi nhưng tôi thấy phải làm thế nào đấy để cho nó thống nhất ngay cả trong đạo luật vừa được thông qua. Bởi vì nếu xem kỹ thì đạo luật ấy sau khi bổ sung Chương XV thì nó hơi trái tức là không thống nhất với Điều 19 và Điều 241. Điều 19 là thực hiện chế độ 2 cấp xét xử, bây giờ chúng ta bổ sung vào một chương mà thực tế đấy là cấp xét xử thứ 3. Nói gì thì nói dù nó đặc biệt, nhưng nó cũng ở cấp xét xử thứ ba. Đấy là một mạnh dạn của Quốc hội khóa này, mặc dù vẫn có ý kiến này, ý kiến kia nhưng trong luật xưa nay chúng ta thực hiện chế độ 2 cấp xét xử, bây giờ có một cấp xét xử thứ ba là đặc biệt, như thế phải chỉnh lý lại Điều 19 mà đã thông qua, hoặc chỉnh lý lại Điều 241 là những bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính được thi hành cũng chưa nói rõ bản án loại này, tức là bản án của tòa đặc biệt này xét xử có được thi hành hay không, mà chúng ta chưa bổ sung, chúng ta phải nói là thi hành những bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, đây là xét xử lại, trong Điều 241 tuy đã thông qua rồi nhưng chưa bổ sung ý này, chúng tôi thấy chưa đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Vậy, thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong dân sự có khác gì với hành chính hay không và có khác gì trong hình sự không? Tôi thấy cần nghiên cứu, chúng ta nên hạn chế bởi vì đặc biệt cho nên cần rất hạn chế những người có quyền yêu cầu kiến nghị. Tôi thiên về một số ý của đại biểu Quốc hội là trong những trường hợp này nếu chúng ta có xem xét lại thì nên từ kết quả giám sát và theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và theo kiến nghị của Ủy ban tư pháp, không nên mở rộng thành 4 nguồn, tức là không nên mở rộng cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nữa, như vậy tôi nghĩ là tràn lan làm khổ cho những người này, bởi vì khi có thông tin này rồi thì rất nhiều bản án Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì chắc sẽ được khiếu nại bằng nhiều nguồn khác nhau, cho nên tôi vẫn cân nhắc chỗ này. Xin hết.