Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Sáu 09:33 26-11-2010

Kính thưa các vị Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin phát biểu mấy vấn đề sau đây:

Một là về lấy lại quy định của Pháp lệnh năm 1989 về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác. Trước hết, chúng tôi xin được trình bày đúng là pháp lệnh giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 có quy định vấn đề này. Nhưng có một vấn đề đặt ra là từ ngày pháp lệnh được ban hành thì trên thực tế quy định này cũng không đi vào thực tiễn vì trên thực tế chưa có lần nào Tòa hủy bất cứ một quyết định nào. Chính vì vậy, cho nên đến năm 2004 ban hành bộ luật chúng ta không lấy quy định này vào nữa, thì lần này chúng ta lấy lại và theo Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra thì thấy là cần thiết, tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị cần phải làm rõ mấy điểm sau đây.

Thứ nhất, quyết định rõ ràng là trái pháp luật của cơ quan, tổ chức thì ở đây cũng cần phải nói rõ quyết định này thuộc loại văn bản nào, có phải ý chúng ta nói các quyết định hành chính không hay nó bao gồm cả các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi vì ngay quyết định cũng thể hiện ở trong các văn bản quy phạm pháp luật. Hai là của cơ quan, tổ chức thì cũng cần phải làm rõ cơ quan, tổ chức nào. Chúng ta có cơ quan dân cử, Hội đồng nhân dân, Quốc hội, chúng ta có cơ quan hành pháp, Chính phủ và các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, chúng ta có cả các cơ quan khác nữa. Đặc biệt đây chúng ta nói đến tổ chức thì tổ chức nào? Chúng ta có tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế khác nữa, v.v. Bởi vì ngay các tổ chức kinh tế như hiện nay các tập đoàn đưa ra nhiều quyết định. Do đó chúng tôi thấy cái vướng của nó là ở chỗ đó. Thứ hai nữa là tòa án là tòa án cấp nào để hủy quyết định của cơ quan ở cấp nào. Vì đặc điểm của chúng ta hiện nay là tòa án được tổ chức theo cấp hành chính, cho nên vấn đề đặt ra, chẳng hạn khi giải quyết một vụ án dân sự mà thấy một quyết định của Thủ tướng, mà cho rằng nó không phù hợp pháp luật mà làm thiệt hại thì tòa án cấp huyện, thậm chí tòa án cấp tỉnh có hủy được không. Do đó về cấp nào cũng cần phải làm rõ. Hai nữa là quy định lần này lại thêm vào một điểm là nếu thấy quyết định đó rõ ràng trái pháp luật thì hủy nhưng lại không trái với các quy định khác của pháp luật. Câu viết này làm cho người ta không hiểu được. Như vậy là thấy một quyết định này nếu thấy nó trái với một pháp luật nào đó thì hủy, nhưng điều kiện hủy ở đây việc hủy đó lại không được trái với các quy định của pháp luật. Câu viết như thế này đúng là rất khó. Người đọc không hiểu ý nó như thế nào. Hình như chúng ta muốn khẳng định hệ thống pháp luật của chúng ta không thống nhất. Có thể trái với quy định này thì anh có quyền hủy, nhưng nếu việc hủy của anh lại trái với quy định của pháp luật khác thì anh lại không được hủy. Quy định như thế này thì quả thật việc thêm vào lại rất khó hiểu.

Vấn đề thứ hai là chúng tôi muốn phát biểu về vai trò của viện kiểm sát. Đúng là trước đây chúng ta đã nêu vai trò của viện kiểm sát có đầy đủ trách nhiệm đối với kiểm sát việc giải quyết hoạt động xét xử nói chung, kể cả hình sự, dân sự, kinh tế v.v... sau này chúng ta cũng xuất phát từ quan điểm phải nói là việc dân sự cốt ở đôi bên, vai trò của Nhà nước là phải hạn chế lại, nhưng chúng tôi cũng đề nghị là thế này: nếu mà nói như vậy nó phải thống nhất bởi vì nếu anh bỏ khâu ở phiên tòa, rồi kiểm sát hồ sơ mà anh vẫn giữ quyền về kháng nghị, kiến nghị yêu cầu của Viện kiểm sát thì như vậy nó lại không thống nhất. Cho nên để làm được yêu cầu kiến nghị và kháng nghị thì dứt khoát anh phải kiểm sát, anh phải nắm từ khâu lập hồ sơ cho đến quá trình xét xử thì mới có thể làm được việc này. Còn nếu chúng ta đã nói như vậy thì kể cả quyền kháng nghị, quyền kiến nghị và quyền yêu cầu của Viện kiểm sát cũng cần xem xét lại. Bởi vì trên thực tế có thể nói hơn chục năm nay, nếu chúng ta đi về các địa phương làm việc với các cơ quan tư pháp ở địa phương thì mới thấy Viện kiểm sát trong những năm vừa qua hầu như việc kháng nghị đối với các bản án dân sự là rất hạn chế, thậm chí có những Viện kiểm sát tôi hỏi đến thì 4 - 5 năm không hề kháng nghị bất cứ một bản án dân sự nào, trong khi đó đương sự người ta kháng cáo lên tòa phúc thẩm xét xử thì cải, sửa, hủy là với một tỷ lệ khá nhiều như có đại biểu đã nêu lên. Như vậy chứng tỏ ở đây là gì? là Viện kiểm sát đã không làm thì nó sẽ dẫn tới một hậu quả như vậy.

Một điểm nữa tôi muốn nói ở đây, tức là khi ta nói dân sự là cốt ở đôi bên là việc giữa công dân với nhau, nhưng mà chúng ta cũng thấy hiện nay tranh chấp về kinh tế là việc rất phổ biến ở trong các doanh nghiệp Nhà nước đối với tư nhân, thậm chí đối với doanh nghiệp nước ngoài. Cho nên nếu để cho các vị này thỏa thuận tự quyết với nhau thì tôi e rằng rất có khả năng tài sản của nhà nước giao cho các doanh nghiệp như chúng ta mấy hôm nay bàn về tình hình của các tập đoàn. Cho nên đối với những vụ án tranh chấp một bên là doanh nghiệp nhà nước với một bên khác thì cần nhấn mạnh vai trò của viện kiểm sát.

Vấn đề thứ ba, xem xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán về việc giám đốc thẩm, tái thẩm. Chúng tôi thấy đây là vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay, lâu nay vẫn tồn tại 2 quan điểm: Một là việc đến đâu cũng phải dừng chứ không thể kéo dài mãi, cho nên đến Hội đồng thẩm phán là phải kết thúc dù việc đó là sai. Quan điểm thứ hai là đã có sai là phải có sửa. Trong chế độ chúng ta không thể thấy việc rõ ràng sai, thiệt hại cho công dân mà lại bảo đến đó là dừng. Lần này chúng ta quyết định chấp nhận quan điểm thứ hai tức là có sai thì phải sửa, cho nên dù đó là quyết định của Hội đồng thẩm phán, nhưng nếu sai thì phải sửa. Nhiều năm nghiên cứu, lần này chúng ta quyết định tìm ra cơ chế này, chúng tôi đồng tình.

Tuy nhiên có một ý nói bây giờ phải chặt chẽ, chỉ có trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban tư pháp giám sát thấy có vấn đề sai thì lúc đó mới tiến hành việc Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét lại. Nhưng chúng tôi thấy ý này về một phía nào đó có thể nói rất tốt. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan