VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về Hội Đồng tư vấn cấp phép kinh doanh chất gây nghiện, chất hướng thần
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định tạm ngưng hiệu lực Nghị định 58 về quản lý hoạt động hàng hải
Kính gửi: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 16146/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về việc đề nghị cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị định tạm ngưng hiệu lực thi hành đối với một số nội dung quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
Theo nội dung của Tờ trình, các quy định tại Nghị định 58 so với các quy định văn bản hiện hành (Quyết định 34/2016/QĐ-TTg1) có một số điều chỉnh quan trọng về: biểu mẫu, chỉ tiêu thông tin; thời hạn khai báo thông tin chứng từ; không quy định trách nhiệm xử lý chính của các cơ quan đối với các bản khai. Điều này đã tác động rất lớn đến các đối tượng thực thi, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, việc cho phép tiếp tục thực hiện thủ tục điện tử dành cho các tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia quy định tại Quyết định 34, tức là hủy bỏ hiệu lực của điểm b khoản 2 Điều 124 Nghị định 582 là cần thiết và hợp lý.
Tuy nhiên, cần chú ý là bản thân Nghị định 58 có nhiều quy định về thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (vốn là các quy định dự kiến sẽ thay thế cho các quy định tương ứng của Quyết định 34).
Như vậy, từ góc độ pháp lý, nếu Dự thảo chỉ hủy bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 124 Nghị định 58 (tức là cho phép tiếp tục duy trì các quy định liên quan tới thủ tục điện tử qua Cơ chế một cửa quốc gia của Quyết định 34) mà không đề cập gì tới hiệu lực của các quy định về thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia tại Nghị định 58, thì có nghĩa là hai nhóm quy định này sẽ tồn tại song song và cùng có hiệu lực. Như vậy, thủ tục tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, vào, rời cảng biển và hoạt động trong vùng biển Việt Nam thông qua Cơ chế một cửa quốc gia sẽ được thực hiện đồng thời ở cả hai văn bản Nghị định 58 và Quyết định 34. Điều này thậm chí sẽ còn gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng nhiều hơn cả khó khăn khi chỉ thực hiện Nghị định 58. .
Do đó, để đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc tạm ngưng áp dụng các quy định liên quan đến thủ tục điện tử dành cho các tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia quy định tại Nghị định 58 (cần rà soát để liệt kê đủ các quy định liên quan cần tạm ngưng áp dụng).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định tạm ngưng hiệu lực thi hành đối với một số nội dung quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
- Quyết định 34/2016/QĐ-TTg ngày 23/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
- Bãi bỏ quy định “Quy định liên quan đến thủ tục tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, vào, rời cảng biển và hoạt động trong vùng biển Việt Nam tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14 và 16 của Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”.