VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định điều kiện vay của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh

Thứ Tư 11:04 22-06-2022

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 3021/NHNN-QLNH ngày 06/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định điều kiện vay của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi tắt là dự thảo). VCCI đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp đối với dự thảo và có một số ý kiến như sau:

  1. Về đánh giá tác động các quy định mới liên quan đến điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp

Dự thảo bổ sung các điều kiện đối với khoản vay nước ngoài bao gồm: “(i) áp dụng trần chi phí vay nước ngoài; (ii) thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ để bảo hiểm rủi ro tỷ giá; (iii) yêu cầu Bên đi vay lựa chọn tổ chức đại diện xử lý tài sản bảo đảm là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức là pháp nhân thành lập tại Việt nam trong trường hợp khoản vay nước ngoài có tài sản bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam” so với quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Mặc dù đã có giải trình về cơ sở của việc quy định này nhưng đây là chính sách mới, có tác động trực tiếp đến khả năng và giới hạn vay nước ngoài của doanh nghiệp. Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của các quy định mới nói trên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động về chính sách này. Theo đó, làm rõ việc siết chặt các điều kiện vay nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ sẽ có tác động làm giảm bao nhiêu các khoản vay, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp có liên quan đến ngoại tệ như thế nào, giúp tăng chỉ tiêu về tổng hạn mức rút vốn ròng trung dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm là bao nhiêu.

  1. Về phương án sử dụng vốn vay (Điều 5 Dự thảo)

Điểm b khoản 2 Điều 5 dự thảo quy định một trong những nội dung của phương án sử dụng vốn vay nước ngoài như sau: “ii) Đối với Bên đi vay không phải là Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi hoạt động hợp pháp của Bên đi vay sẽ sử dụng vốn vay nước ngoài;…” Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ là phương án sử dụng vốn vay chỉ cần nêu thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến khoản vay nước ngoài, chứ không phải tất cả các thông tin về sản xuất, kinh doanh của Bên đi vay. Quy định có thể được thiết kế lại thành “…hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sử dụng khoản vay nước ngoài thuộc phạm vi hoạt động hợp pháp của Bên đi vay”.

Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều này quy định Bên đi vay cung cấp nội dung “iii) Đối với mục đích vay để cơ cấu khoản vay nước ngoài hiện hữu của bên đi vay: thông tin về khoản vay nước ngoài hiện hữu…và chứng minh khoản vay nước ngoài hiện hữu đáp ứng điều kiện vay nước ngoài theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện khoản vay.” Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sự cần thiết của quy định này bởi khoản vay nước ngoài hiện hữu đã phải trải qua quá trình xét duyệt của tổ chức tín dụng được phép, việc yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh lại khoản vay này đáp ứng điều kiện vay tại thời điểm thực hiện khoản vay là không cần thiết.

  1. Về chi phí vay nước ngoài

Chi phí vay nước ngoài không phải là quy định mới (đã được quy định tại Điều 9 Thông tư 12) tuy nhiên dự thảo đã bổ sung khá nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động vay nước ngoài của các đối tượng. Vì vậy, để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của các quy định này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, có một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng giới hạn mức trần chi phí đang được quy định là một trong các điều kiện chung cho cả Bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Bên đi vay là các đối tượng khác tại Điều 9 Dự thảo là không cần thiết. Trần chi phí chỉ cần thiết để kiểm soát khoản vay của các đối tượng khác không phải là tổ chức tín dụng. Bởi vì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tuân thủ quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn đã phải tính toán mức chi phí này và chi phí vay nước ngoài thực tế của đối tượng này cũng thấp hơn so với doanh nghiệp khác. Quy định này có thể sửa đổi theo hướng: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép chủ động thương lượng các chi phí vay nước ngoài bảo đảm tỷ lệ an toàn theo Luật tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật có liên quan. đối với Bên vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, đề nghị làm rõ SORF Term Rate được xác định tại “thời điểm gần nhất” trước ngày ký thoả thuận vay nước ngoài và các thoả thuận sửa đổi, bổ sung có liên quan đến chi phí vay nước ngoài là thời điểm nào. Thực tế đàm phán và ký kết thoả thuận vay nước ngoài cho thấy thời điểm chốt lãi suất áp dụng cho khoản vay có thể cách rất xa thời điểm ký kết thoả thuận vay. Vì vậy, để bảo đảm tính hợp lý của quy định, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định mức trần chi phí vay được tính trên lãi suất tham thiếu hoặc SOFR Term Rate tại thời điểm các Bên thoả thuận chốt lãi suất được nêu cụ thể trong thoả thuận vay nước ngoài.

Thứ ba, ý kiến của doanh nghiệp cho rằng trong quá trình thực hiện khoản vay nước ngoài, Bên cho vay có thể đưa ra các chi phí bổ sung (như phí quản lý hợp đồng, phí điều tra tuân thủ…) mà tại thời điểm ký thoả thuận vay vốn không thể tính toán cụ thể được. Thực tế này có thể dẫn tới việc tuân thủ mức trần chi phí vay gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trong trường hợp có thoả thuận sửa đổi, bổ sung về chi phí vay dẫn tới vượt quá trần chi phí quy định tại Điều 9 Dự thảo thì xử lý như thế nào? Đồng thời, bổ sung một số các chi phí thuộc diện được loại trừ như: phí chậm rút vốn, các loại phí liên quan đến trả nợ trước hạn.

Thứ tư, hiện tại Dự thảo chưa quy định trường hợp tổ chức tín dụng được phép phát hiện thông tin về chi phí vay nước ngoài của Bên đi vay không bảo đảm các quy định về cách tính, giới hạn an toàn thì giải quyết như thế nào, có quyền yêu cầu Bên đi vay giải thích hoặc sửa đổi Bảng dự tính hay không? Quy định tại dự thảo được hiểu theo hướng chỉ cần có Bảng dự tính chi phí có ký xác nhận về tính chính xác của người đại diện theo pháp luật của Bên đi vay có thể gây các cách áp dụng khác nhau giữa các tổ chức tín dụng được phép. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung này.

  1. Về các điều kiện vay nước ngoài khác

Đối với giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài, điều 8 Dự thảo quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là một trong các tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về nghiệp vụ này có thể dẫn tới cách hiểu khác nhau khi triển khai trên thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu quy định có liên quan hoặc bổ sung quy định làm cơ sở cho các đối tượng tuân thủ.

Bên cạnh đó, Điều 10 Dự thảo quy định mới về giao dịch phái sinh ngoại tệ nhằm mục đích bảo đảm cho khoản vay nước ngoài trong một số trường hợp. Đây là chính sách rất cần thiết, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý ngoại tệ của Chính phủ. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi, minh bạch của văn bản, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm các tiêu chí đánh giá “Bên đi vay dự kiến có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ” và cả các trường hợp loại trừ giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ khác để trả nợ có thêm không gian hoạt động. Theo ý kiến của doanh nghiệp, có thể cân nhắc bổ sung trường hợp doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ theo dạng cơ cấu lại khoản vay nước ngoài hiện hữu, cổ đông nước ngoài cho vay hoặc bảo lãnh cho vay đều thuộc diện không phải thực hiện giao dịch phái sinh (điểm b khoản 2 Điều 10).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định điều kiện vay của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý của doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.