VCCI_Góp ý dự thảo Thông tư quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan

Thứ Ba 11:00 08-10-2019

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

        Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 4562/TCHQ-QLRR ngày 12/07/2019 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Thông tin quản lý rủi ro và bộ chỉ tiêu thông tin quản lý rủi ro

Điều 6 và Phụ lục I của Dự thảo đưa ra rất nhiều các chỉ tiêu thông tin quản lý rủi ro. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu trong đó chưa thực sự rõ ràng hoặc gây khó hiểu đối với các doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo đìều chỉnh cách diễn đạt hoặc cần có chú thích để giải thích rõ về nội dung thông tin trong Phụ lục I tại các mục sau: A.I.1.7, A.I.4, A.III.2, A.III.4, A.III.5, A.III.6, A.IV.2.2, A.IV.3, B.7, B.8, C.5, D.9, D.10, D.11, D.15, Đ.I.6, Đ.I.7, Đ.I.9, Đ.III.4.

  1. Trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp

Hiện nay, khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan lần đầu tại các chi cục hải quan khác nhau vẫn được yêu cầu điền vào Phiếu cung cấp thông tin doanh nghiệp với lý do để phục vụ quản lý rủi ro. Theo phản ánh của doanh nghiệp, rất nhiều nội dung thông tin trong Phiếu này đã được cơ quan hải quan biết hoặc đã được công khai bởi nhiều cơ quan nhà nước khác như thuế, đăng ký kinh doanh. Nhằm giảm thời gian công sức làm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thực hiện Điều 17.11 của Luật Quản lý thuế “…người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có”, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ về nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp nhằm mục đích quản lý rủi ro khi thực hiện thủ tục hải quan.

  1. Thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro

Khi áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan thì các khâu về lựa chọn đối tượng áp dụng biện pháp nghiệp vụ đều được máy tính thực hiện, không có sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, giai đoạn thu thập và nhập thông tin đầu vào thì vẫn cần có hoạt động của con người. Khi triển khai áp dụng thì khâu thu thập và nhập thông tin sẽ dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất, thậm chí tuỳ tiện. Do đó, các quy định của Thông tư cần tập trung vào việc hướng dẫn chi tiết việc xử lý các tình huống pháp sinh khi thu thập và nhập thông tin. Hiện nay, Điều 7 của Dự thảo quy định về việc thu thập, xử lý thông tin nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ, ví dụ:

  • Thời gian từ khi cán bộ hải quan biết được thông tin cho đến khi cán bộ đó nhập thông tin vào hệ thống là bao lâu?
  • Khi cán bộ hải quan tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và có sự mâu thuẫn nhau thì nên nhập thông tin nào?
  • Nếu doanh nghiệp thấy thông tin về mình không chính xác, gây bất lợi cho kết quả đánh giá rủi ro thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu điều chỉnh không? Thủ tục xin điều chỉnh thế nào? Cán bộ hải quan làm thế nào để xác minh được thông tin điều chỉnh?
  • Xử lý thế nào trường hợp cán bộ hải quan biết thông tin nhưng không nhập liệu? Điều này có thể xảy ra bởi nhiều lý do khác nhau, thậm chí cả nhũng nhiễu, tiêu cực. Ví dụ, nếu là thông tin tốt cho doanh nghiệp thì cán bộ hải quan phải đợi doanh nghiệp “tác động” thì mới nhập liệu.

Ngoài những trường hợp trên, có thể phát sinh rất nhiều những vấn đề khác trong quá trình thu thập, xác minh thông tin và nhập liệu của cán bộ hải quan. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiên liệu các trường hợp thực tế có thể phát sinh và đưa ra quy định hướng dẫn, xử lý các tình huống như vậy.

  1. Những thông tin được công khai

Theo dự thảo Thông tư, người khai hải quan được đánh giá mức độ tuân thủ và được phân loại mức độ rủi ro, các hoạt động xuất nhập khẩu được phân loại mức độ rủi ro. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 11.5 của dự thảo thì chỉ có “Kết quả đánh giá tuân thủ của người khai hải quan được công khai qua Cổng thông tin điện tử hải quan”. Các kết quả phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan và của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thì không được công khai. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai cả kết quả phân loại mức độ rủi ro trên Cổng thông tin điện tử hải quan.

  1. Hướng dãn nâng cao mức độ tuân thủ, nâng cao kết quả phân loại rủi ro

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cơ chế để có thể nâng cao mức độ tuân thủ, nâng cao kết quả phân loại rủi ro của người khai hải quan và của hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện nay, Điều 11.5 của dự thảo mới chỉ quy định “Trường hợp người khai hải quan đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin nâng cao mức độ tuân thủ, cơ quan hải quan có trách nhiệm hướng dẫn”. Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục và biện pháp cụ thể mà cơ quan hải quan tiến hành khi doanh nghiệp muốn nâng cao mức độ tuân thủ, nâng cao kết quả phân loại rủi ro.

  1. Công khai chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ, chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro

Hiện nay, Điều 21.2.a của dự thảo quy định các chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ và chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro sẽ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong từng thời kỳ. Đây là những thông tin được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quản đánh giá tuân thủ, kết quả phân loại mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định tại Điều 21.2.a của dự thảo về việc công bố công khai các chỉ số tiêu chí này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo Thông tư quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.