VCCI_Góp ý dự thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp

Thứ Năm 14:29 08-08-2019

Kính gửi: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp,

Bộ Công thương

Trả lời Công văn số 3943/BCT-ATMTngày 05/06/2019của Bộ Công Thươngvề việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

Qua rà soát, VCCI nhận thấy trong dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật vẫn quy định mới một số thủ tục hành chính, cụ thể:

  • Điều 21.10: Trường hợp đặc biệt không thể thỏa mãn điều kiện trên, phải có biện pháp che chắn chống cảm ứng điện từ trường, tránh đường điện có thể cháy, đứt rơi vào kho VLNCN và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  • Điều 31.3: Trường hợp muốn sử dụng lại dung dịch hoà tan hoặc chất không hoà tan phải được phép của cơ quan quản lý trực tiếp và phải tuân theo các quy định hiện hành có liên quan.
  • Điều 31.4.b: Trường hợp muốn sử dụng lại dung dịch hoà tan hoặc chất không hoà tan phải được phép của cơ quan quản lý trực tiếp và phải tuân theo các quy định hiện hành có liên quan.
  • Điều 32.1.b: Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử – văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật, phương án nổ mìn phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;
  • Điều 35.1: Chỉ được sử dụng thiết bị di động sản xuất thuốc nổ công nghiệp đảm bảo các điều kiện an toàn theo QCVN 01:2014/BCT hoặc phương tiện chuyên dùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nạp thuốc nổ công nghiệp trực tiếp vào lỗ khoan.
  • Điều 35.9: Không được sửa chữa thiết bị, phương tiện nạp mìn tại vị trí nạp mìn hoặc khi thiết bị, phương tiện nạp đang chứa VLNCN. Khi sửa chữa thiết bị, phương tiện nạp, vật liệu, chi tiết thay thế phải theo đúng yêu cầu kỹ thuật của nhà chế tạo. Chỉ được thay đổi kết cấu của thiết bị, phương tiện nạp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  • Điều 39.1.q: Việc nổ mìn trong hồ chứa nước phải có sự thỏa thuận của cơ quan bảo vệ thủy sản hoặc tổ chức, cá nhân quản lý hồ chứa nước;
  • Điều 39.2.a: Nổ mìn thăm dò địa chấn trên biển phải thỏa thuận với cơ quan quản lý bến cảng ở gần khu vực đó và cơ quan bảo vệ hải sản, trừ việc thăm dò được tiến hành bằng phương pháp kích thích sóng địa chấn;
  • Điều 39.3.i: Trước khi nổ mìn phải đặt người gác, treo tín hiệu cách chỗ nổ mìn 1,8 km về phía thượng lưu và 1,0 km về phía hạ lưu. Không cho tàu thuyền qua lại vùng nguy hiểm và phải được phép của cơ quan quản lý đường sông.
  • Điều 40.1.b: Trường hợp có các bằng chứng về điều kiện địa chất, địa hình tại một khu vực nổ mìn cụ thể chỉ ra việc áp dụng hệ số tỷ lệ khoảng cách theo Bảng 2 là không phù hợp, tổ chức, cá nhân sử dụng VLNCN có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hệ số tỷ lệ khoảng cách với điều kiện mức rung động cho phép của nền đất kết cấu công trình gần nơi nổ mìn không vượt quá quy định tại khoản 1 Điều này khi thực hiện 5 vụ nổ mìn riêng biệt liên tiếp với hệ số tỷ lệ khoảng cách đã được điều chỉnh.
  • Điều 41.1.b: Trừ các trường hợp đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quyết định, giá trị vận tốc dao động phần tử cực trị tại nền đất của công trình không được vượt quá mức cho phép quy định tại Bảng 3;
  • Điều 46.4: Buồng thử phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Trong khi đó, Điều 14.4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã cấm việc đặt ra các thủ tục hành chính mới ở cấp Thông tư. Hơn nữa, các quy định được liệt kê trên chỉ đề cập đến việc cá nhân, tổ chức phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng lại không quy định về thành phần hồ sơ, nộp cho cơ quan nào, thời hạn trả lời là bao lâu, trình tự thủ tục giải quyết như thế nào. Việc thiếu những quy định thành phần như vậy là không đáp ứng Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.

Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và loại bỏ tất cả các thủ tục hành chính phát sinh mới tại Thông tư này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.