VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định sửa đổi, bố sung Quyết định 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 sửa đổi bổ sung Quyết định 36/2016/QĐ-TTg ngày 1/9/2016 về thuế suất nhập khẩu thông thường đối với dầu thô và một số loại khoáng sản

Thứ Năm 13:44 21-02-2019

Kính gửi: Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 1560/BTC-CST ngày 31/1/2019 của Quý Cơ quan về việc xin ý kiến đối với Dự thảo Quyết định sửa đổi, bố sung Quyết định 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 sửa đổi bổ sung Quyết định 36/2016/QĐ-TTg ngày 1/9/2016 về thuế suất nhập khẩu thông thường đối với dầu thô và một số loại khoáng sản (sau đây gọi là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

  1. Liên quan tới đề xuất sửa đổi mức thuế suất thông thường đối với dầu thô

Dự thảo dự kiến điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu thông thường đối với dầu thô mã HS 2709.00.10 (từ các nước không phải thành viên WTO, cũng không có FTA với Việt Nam) từ 5% hiện nay xuống 0%.

Về mặt pháp lý, việc điều chỉnh mức thuế suất thông thường đối với các trường hợp như thế này không bị ràng buộc bởi bất kỳ cam kết quốc tế nào, vì vậy hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn chính sách của Việt Nam.

Về mặt thực tiễn, theo số liệu mà Cơ quan soạn thảo cung cấp, nếu chỉ xét riêng lượng nhập khẩu từ Azerbaijan, việc giảm thuế đối với mã hàng này, sẽ làm giảm thu ngân sách là 288 tỷ đồng/năm. Con số thực tế giảm thu có thể lớn hơn nếu tính từ tất cả các nguồn nhập khẩu không ưu đãi (07 nước khác ngoài Azerbaijan). Đây là con số đáng kể, trong bối cảnh thu ngân sách nói chung và thu ngân sách từ thuế nhập khẩu nói riêng đang giảm nhanh chóng do việc thực hiện các cam kết giảm thuế bắt buộc theo các FTA.

Tất nhiên, việc giảm thuế này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp liên quan (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn), qua đó có thể tác động tích cực tới hiệu quả kinh doanh chung của các doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi, và có thể cũng giúp tăng nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp này cho ngân sách Nhà nước. Mặc dù vậy, tất cả các dữ liệu này hiện đều chưa được tính toán hay định lượng cụ thể.

Vì vậy, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc:

  • Giải trình rõ và đầy đủ hơn về tác động kinh tế đối với Nhà nước, doanh nghiệp khi thực hiện đề xuất giảm thuế này;
  • Chỉ thực hiện việc giảm thuế suất nếu trong tổng thể lợi ích thu được từ việc này lớn hơn thiệt hại từ việc thất thu thuế;
  • Cân nhắc mức giảm thuế phù hợp để bảo đảm cân bằng lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.

  1. Liên quan tới đề xuất sửa đổi thuế suất thông thường đối với một số mặt hàng khoáng sản, quặng và nhiên liệu khoáng

Dự thảo dự kiến điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu thông thường đối với 25 nhóm mặt hàng khoáng sản, quặng và nhiên liệu khoáng (từ các nước không phải thành viên WTO, cũng không có FTA với Việt Nam) từ 5% hiện nay xuống 0%.

Theo giải trình của Ban soạn thảo thì hiện tại Việt Nam chỉ nhập khẩu các mặt hàng này từ các nguồn áp dụng thuế suất MFN hay FTA, do đó việc giảm thuế suất thông thường này không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, việc giảm thuế này lại có tác dụng trong khuyến khích đa dạng nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nền kinh tế (không giới hạn ở một hai doanh nghiệp cụ thể nào).

Vì vậy, VCCI đồng tình với đề xuất sửa đổi này của Quý Cơ quan.

  1. Liên quan tới việc sửa đổi mô tả của 03 nhóm mặt hàng

Dự thảo dự kiến sửa đổi mô tả của 03 nhóm mặt hàng cho phù hợp với nội dung trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới của Việt Nam (theo Thông tư sửa đổi Thông tư 65/2017/TT-BTC).

Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, hạn chế vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng. Vì vậy, VCCI đồng tình với đề xuất sửa đổi này của Quý Cơ quan.

  1. Về hình thức và hệ thống văn bản

Liên quan tới vấn đề thuế suất thông thường, nếu Dự thảo này được thông qua, sẽ có cùng lúc 03 văn bản cùng điều chỉnh vấn đề này, bao gồm Dự thảo này (Quyết định năm 2019), Quyết định 45/2017/QĐ-TTg và Quyết định 36/2016/QĐ-TTg.

Như vậy, khi cần xác định mức thuế suất, doanh nghiệp sẽ phải tra cứu nhiều văn bản. Từ góc độ hệ thống, việc theo dõi cũng khó khăn hơn.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xây dựng Dự thảo này để thay thế toàn bộ các Quyết định 45/2017/QĐ-TTg và Quyết định 36/2016/QĐ-TTg, theo hướng:

  • Chuyển toàn bộ các quy định dự kiến giữ nguyên hiệu lực của Quyết định 45/2017/QĐ-TTg, Quyết định 36/2016/QĐ-TTg và các quy định sửa đổi của Dự thảo vào 01 văn bản duy nhất (là Dự thảo này)
  • Bổ sung quy định bãi bỏ Quyết định 45/2017/QĐ-TTg và Quyết định 36/2016/QĐ-TTg vào Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định sửa đổi, bố sung Quyết định 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 sửa đổi bổ sung Quyết định 36/2016/QĐ-TTg ngày 1/9/2016. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo./.

Các văn bản liên quan