VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08 về thủ tục hải quan

Thứ Năm 17:11 31-12-2020

Kính gửi: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 6990/TCHQ-GSQL ngày 30/10/2020 của Tổng cục Hải quan về việc góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Kiểm tra thực tế hàng hoá

Điều 29.5 của dự thảo quy định trường hợp phải kiểm định hải quan hoặc giám định, thử nghiệm nhằm xác định các tiêu chí kỹ thuật đối với mặt hàng như tên hàng, mã số, chủng loại, chất lượng, khối lượng, trọng lượng nhằm phân loại hàng hoá, quyết định thông quan và áp dụng chính sách xuất nhập khẩu. Theo đó, đơn vị giám định, thử nghiệm phải được bộ quản lý ngành công nhận. Theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật thì các bộ quản lý ngành chỉ có quyền chỉ định đơn vị giám định, thử nghiệm khi kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật. Còn việc giám định, thử nghiệm hàng hóa theo các chỉ tiêu khác được thực hiện bởi các đơn vị có đăng ký chức năng tương ứng theo Nghị định 107 về đánh giá sự phù hợp. Các đơn vị này phải được công nhận bởi đơn vị có chức năng công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp và nộp hồ sơ đăng ký với Bộ KHCN. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định tại Điều 29.5.b theo hướng các “đơn vị giám định, thử nghiệm hoạt động theo quy định pháp luật về đánh giá sự phù hợp”.

Thêm vào đó, hiện nay, một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng không thống nhất giữa doanh nghiệp và đơn vị kiểm định hải quan về kết quả kiểm định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định để giải quyết vấn đề này, cụ thể như sau:

  • Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp chủ động thực hiện việc giám định, thử nghiệm tại các đơn vị đủ năng lực để làm căn cứ xác định tiêu chí kỹ thuật của hàng hoá. Cơ quan hải quan căn cứ vào đó để áp dụng biện pháp quản lý hải quan phù hợp.
  • Trường hợp cơ quan hải quan có nghi ngờ hoặc áp dụng quản lý rủi ro thì có thể tiến hành kiểm định lại hoặc trưng cầu giám định, thử nghiệm để phát hiện vi phạm (doanh nghiệp kê khai không trung thực).
  • Cơ chế giải quyết tranh chấp (giám định, thử nghiệm kiểm chứng) khi có sự không thống nhất giữa kết quả giám định, thử nghiệm do doanh nghiệp cung cấp và do cơ quan kiểm định hải quan cung cấp.
  1. Đánh giá tuân thủ pháp luật

Điều 14.1.d của Dự thảo bổ sung “Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh” vào chỉ tiêu, thông tin đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng. Tuy nhiên, các thông tin này lại không liên quan đến “mức độ tuân thủ” của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp không thể chủ động tuân thủ tình hình xuất nhập khẩu. Hơn nữa, các thông tin này trùng lặp với các yếu tố khác liên quan tại Điều 15.2 của Nghị định để phân loại mức độ rủi ro. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này hoặc chuyển vào Điều 15.2 của Nghị định.

  1. Xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan

Điều 24.1 quy định việc xác định trước chỉ được thực hiện khi có đủ cả hai điều kiện: (1) doanh  nghiệp đề nghị và (2) phải là hàng hoá xuất nhập khẩu lần đầu hoặc có thay đổi lớn, bất thường về trị giá hải quan, hoặc có tính đặc định, khó so sánh trên thị trường. Trên thực tế, một số doanh nghiệp có hàng hoá không thoả mãn điều kiện thứ hai nhưng vẫn muốn được xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá nhằm giảm rủi ro khi xuất nhập khẩu. Đây là nhu cầu chính đáng và cần được đáp ứng.

Điều kiện (2) được đặt ra dường như dựa trên lo ngại rằng có quá nhiều doanh nghiệp đề nghị xác định trước sẽ gây quá tải cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này có thể sử dụng biện pháp khác như thu phí hoặc lệ phí xác định trước, thay vì đặt ra thêm điều kiện bất hợp lý. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án thu phí hoặc lệ phí với mức tương đương với chi phí cơ quan hải quan bỏ ra để thực hiện việc xác định trước. Doanh nghiệp nào có nhu cầu xác định trước thì chỉ cần nộp đơn và nộp phí tương ứng với chi phí để thực hiện công việc.

  1. Xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

Dự thảo bãi bỏ hai cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại điểm a và điểm c của Điều 35.1. Việc bỏ cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ như vậy là hợp lý, vì cơ chế này không phù hợp với Luật hải quan, Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ. Các doanh nghiệp này đã ký các hợp đồng sản xuất, kinh doanh với đối tác. Nếu ngay lập tức bãi bỏ hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ như Dự thảo có thể sẽ khiến các doanh nghiệp này không thể thực hiện được hợp đồng, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định lộ trình trong điều khoản chuyển tiếp để các doanh nghiệp có thời gian đàm phán với đối tác, thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

  1. Quản lý hàng hoá gia công

Điều 36.1 của Dự thảo yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hoá để sản xuất hàng xuất khẩu. Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế xuất không chỉ sản xuất hàng xuất khẩu mà còn thực hiện gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Dù thực hiện việc gia công cho nước ngoài, nhưng doanh nghiệp chế xuất đã có quy chế quản lý riêng bảo đảm không bị thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, việc yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện thêm thủ tục quản lý như với các doanh nghiệp gia công trong nội địa là không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại trừ các doanh nghiệp chế xuất ra khỏi diện áp dụng của Điều 36 về hàng hoá nhập khẩu để gia công xuất khẩu.

  1. Thời điểm kiểm tra điều kiện gia công

Điều 39.2 của dự thảo được bổ sung cụm từ “chậm nhất” như sau: “Việc kiểm tra được thực hiện chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được ban hành quyết định kiểm tra.” Trong bản thuyết minh, cơ quan soạn thảo lý giải rằng trên thực tế, có trường hợp doanh nghiệp đã sẵn sàng đón tiếp đoàn kiểm tra, nhưng do chưa đủ 5 ngày nên chưa thể tiến hành kiểm tra ngay. Tuy nhiên, nếu sửa đổi như dự thảo sẽ dẫn đến việc cơ quan hải quan có thể kiểm tra ngay khi tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định như sau: “Việc kiểm tra được thực hiện sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra, hoặc sớm hơn nếu tổ chức, cá nhân đồng ý.”

  1. Kho ngoại quan

Một số doanh nghiệp phản ánh vướng mắc khi thực hiện gửi hàng tại kho ngoại quan. Trường hợp chủ hàng nhập hàng từ nước ngoài rồi gửi trong kho ngoại quan, chưa bán cho doanh nghiệp trong nước thì lại quyết định bán lại cho một đối tác khác tại nước ngoài. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hướng dẫn rõ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục phù hợp trong trường hợp này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.