VCCI_Góp ý chính sách về địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh

Thứ Hai 10:32 06-05-2019

Kính gửi: Vụ Kinh tế tổng hợp – Văn phòng Chính phủ

Trả lời Công văn số 3102/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ ngày 18/04/2019 về kiến nghị của Bộ Tài chính liên quan đến địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng hoá chuyển phát nhanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

  1. Về việc sửa đổi Điều 36.1.b của Nghị định 68/2016/NĐ-CP

Điều 36.1.b của Nghị định 68 quy định “địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh nằm trong quy hoạch khu vực sân bay quốc tế theo quy định của pháp luật”. Bộ Tài chính lý giải mục đích của quy định này là “do cơ quan hải quan phải đảm bảo các trang thiết bị máy móc, con người, quy trình thủ tục đơn giản để đáp ứng tốc độ thông quan đối với hàng chuyển phát nhanh theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh không thể phân tán nhỏ lẻ tạo kẽ hở để cho các đối tượng lợi dụng gian lận thương mại và gửi hàng cấm về Việt Nam.” Đây là mục đích phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có thể vẫn bảo đảm mục tiêu này mà không cần phải đưa ra quy định cứng nhắc rằng địa điểm kinh doanh phải nằm trong quy hoạch sân bay?

Đối với một số sân bay trong tình trạng quá tải, diện tích đất phải ưu tiên sử dụng cho mục đích vận chuyển hàng không, thì việc bố trí mặt bằng để tập kết, kiểm tra, giám sát hàng chuyển phát nhanh sẽ gây chi phí xã hội rất lớn, thậm chí là không khả thi. Nếu có thể tận dụng mặt bằng quanh sân bay (trong bán kính xác định), mà vẫn bảo đảm giám sát tốt, thì có thể giúp giảm chi phí logistics cho hàng hoá của Việt Nam.

Do đó, đề nghị Bộ Tài chính đánh giá kỹ hơn tác động của quy định bắt buộc địa điểm tập kết hàng chuyển phát nhanh phải nằm trong quy hoạch sân bay, đặc biệt là tác động lên chi phí kinh doanh, chi phí logistics của hàng hoá. Trong trường hợp nhận thấy có tác động làm tăng chi phí logistics thì có thể nghiên cứu phương án sửa đổi Nghị định 68 theo hướng cho phép tận dụng mặt bằng ngoài quy hoạch sân bay, trong một bán kính xác định, làm địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng chuyển phát nhanh nếu vẫn đáp ứng được mục tiêu chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng cấm.

  1. Về việc áp dụng quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc áp dụng quy định của Nghị định 68. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án cùng với phân tích ưu nhược điểm của hai phương án:

  • Phương án 1: Bổ sung điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 68 theo hướng: “Đối với địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh đã được công nhận trước khi Nghị định 68 có hiệu lực nhưng không đáp ứng điều kiện về vị trí tại Nghị định này thì doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực”.
  • Phương án 2: Chính phủ có văn bản cho phép Công ty được miễn áp dụng tạm thời điều kiện về vị trí tại Nghị định 68 trong thời hạn 01 năm.

Phương án 1 có ưu điểm là không chỉ áp dụng đối với một công ty cụ thể mà sẽ áp dụng chung cho tất cả các các công ty có địa điểm đã được công nhận trước khi Nghị định 68 có hiệu lực. Phương án 2 có ưu điểm là nhanh, không phải chờ đợi sửa đổi Nghị định 68. Kết hợp ưu điểm của hai phương án này, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu Phương án 3 như sau: Chính phủ có văn bản cho phép tạm thời chưa thực hiện Điều 36.1.b của Nghị định 68 đối với tất cả các doanh nghiệp đã có địa điểm được công nhận trước khi Nghị định 68 có hiệu lực. Phương án này vừa bảo đảm đúng thẩm quyền, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực và có thể triển khai ngay. Trong một số trường hợp thực tế trước đây, Chính phủ cũng đã từng giãn thời gian áp dụng một số quy định tại các Nghị định đã được ban hành. Ví dụ, tại Nghị quyết 101/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2014 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2014, mục 13, Chính phủ đã từng thống nhất quyết định chưa thực hiện Điều 6.3.b và Điều 6.3.c Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra trong thời hạn 01 năm (từ 31/12/2014 đến 31/12/2015).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Công văn số 3102/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ ngày 18/04/2019 về kiến nghị của Bộ Tài chính liên quan đến địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng hoá chuyển phát nhanh. Rất mong Quý Cơ quan xem xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.