VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế

Thứ Sáu 09:16 22-02-2019

Kính gửi: Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 144/BYT-ATTP của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2015/TT-BYT ngày 21/12/2015 quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Về việc ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 52

Dự thảo đã bãi bỏ 10 Điều, sửa đổi 8 Điều trong tổng số 23 Điều của Thông tư 52, trong đó bãi bỏ hoàn toàn các quy định về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu. Như vậy, phạm vi và nội dung các quy định tại Dự thảo đã có thay đổi lớn so với Thông tư 52, nhất là tên gọi không còn phản ánh về phạm vi và nội dung của quy định trong Thông tư.

Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị ban hành Thông tư thay thế Thông tư 52, trong đó tên gọi của Thông tư điều chỉnh lại là “Thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế”.

  1. Về hồ sơ đề nghị cấp CE (khoản 2 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 11 Thông tư 52)

Theo quy định tại Điều 11 (sửa đổi) thì trong hồ sơ đề nghị cấp CE cho 01 sản phẩm thực phẩm phải có “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc Bản tự công bố sản phẩm (Bản sao có chứng thực)”. Việc yêu cầu các giấy tờ trên phải là “Bản sao có chứng thực” là chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Việc yêu cầu các giấy tờ này phải được “chứng thực” sẽ gia tăng về thủ tục cho doanh nghiệp khi phải thực hiện thêm thủ tục “chứng thực”, trong khi đó, các thủ tục hành chính khác đang có xu hướng giảm thiểu thủ tục này bằng cách, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn: hoặc là chứng thực hoặc là đưa bản sao và đính kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng:

  • Đối với Giấy tiếp nhận đăng ký bản tự công bố: cho phép doanh nghiệp lựa chọn hoặc là chứng thực hoặc là đưa bản sao và đính kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc khi nộp loại giấy tờ trên;
  • Đối với Bản tự công bố sản phẩm là bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân.
  1. Về trình tự, thủ tục cấp CE (khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 12 Thông tư 52)
  • Về phương thức nộp hồ sơ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 (sửa đổi) thì nộp hồ sơ theo hai phương thức là nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện. Đây là hai phương thức thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức truyền thống và chưa thực sự phù hợp với hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn gần đây, khi các thủ tục hành chính đang được thực hiện kết nối trên môi trường điện tử. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc thực hiện thủ tục cấp CE theo phương thức điện tử (hoặc hướng đến lộ trình để thực hiện thủ tục theo phương thức này);
  • Về việc xem xét tính hợp lệ của hồ sơ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 (sửa đổi) thì ngay khi nhận được hồ sơ, bộ phận tiếp nhận sẽ kiểm tra hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu. Tuy nhiên, trường hợp này xử lý cho trường hợp hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, còn trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ thì như thế nào? Để đảm bảo tính minh bạch của thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cho trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, đầy đủ thì bộ phận tiếp nhận phải hướng dẫn ngay tại thời điểm nhận hồ sơ và nêu rõ lý do về việc chưa hợp lệ, đầy đủ này.
  • Về thời hạn cấp CE: theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP[1] thì thời gian để cấp CFS (Giấy chứng nhận lưu hành tự do) là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. So với Thông tư 52 thì Dự thảo đã điều chỉnh lại quy định, không còn có quy định về cấp CFS mà chỉ có quy định về cấp CE, trước đây thời hạn cấp hai loại giấy này là giống nhau. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời hạn cấp CE từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc.
  1. Trình tự thu hồi CE (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 14 Thông tư 52)

Theo quy định tại Điều 14 (sửa đổi) thì trong trình tự thu hồi CE, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp CE sẽ đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và gửi thông báo đến cơ quan hải quan về việc CE bị thu hồi không còn giá trị hiệu lực khi “không thể thu hồi CE đã cấp”.

Các trường hợp CE bị thu hồi là các trường hợp khá nghiêm trọng, là các trường hợp có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tác động đến lợi ích của bên thứ ba. Vì vậy, các thông tin về việc thu hồi CE sẽ phải được công khai để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Việc chỉ công khai khi không thể thu hồi CE sẽ khiến cho quyền lợi của bên thứ ba không được đảm bảo.

Hơn nữa, quy định tại Điều 14 cũng chưa rõ ở điểm, trường hợp nào được cho là “không thể thu hồi CE đã cấp”: doanh nghiệp không chịu nộp CE trong thời hạn quy định? Trong khoảng thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày hết hạn phải nộp CE thì thông tin này sẽ được đăng tải công khai?

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định này theo hướng, thông tin về CE sẽ được công khai ngay sau khi quyết định thu hồi có hiệu lực.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2015/TT-BYT ngày 21/12/2015 quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật quản lý ngoại thương