VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng- thay thế Nghị định 124/2007/NĐ-CP

Thứ Ba 10:13 15-12-2015

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP
VIỆT NAM

 

Số:   3229   /PTM-PC

Vv: góp ý dự thảo Nghị định về quản lý
vật liệu xây dựng- thay thế Nghị định 124/2007/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự
do – Hạnh phú
c

Hà Nội, ngày  15
tháng  12  năm 2015

Kính gửi: Vụ Vật liệu xây dựng  – Bộ Xây dựng

              Vụ Dân
sự Kinh tế  –  Bộ Tư pháp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận
được Giấy mời số 1073/GM-BTP ngày 30/11/2015 của Bộ Tư pháp về cuộc họp Hội đồng
Tư vấn thẩm định dự thảo Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng – thay thế Nghị
định 124/2007/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Do trong quá trình soạn thảo,
cơ quan chủ trì soạn thảo – Bộ Xây dựng không lấy ý kiến VCCI nên VCCI không có
điều kiện để triển khai lấy ý kiến rộng rãi đến các doanh nghiệp và hiệp hội
doanh nghiệp chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Dưới đây là một số ý kiến
góp ý ban đầu của VCCI đối với Dự thảo:

1.
Về căn cứ pháp lý

Nghị định 124/2007/NĐ-CP được ban hành trước Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, khi đó vẫn phù hợp với thẩm quyền
ban hành văn bản của Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thẩm quyền ban
hành văn bản pháp luật của Chính phủ đã bị hạn chế (Điều 14 Luật BHVBQPPL năm 2008).
Theo đó việc ban hành một Nghị định mới về quản lý vật liệu xây dựng đòi hỏi phải
có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Để bảo đảm căn cứ pháp lý đầy đủ,
tính chặt chẽ cho việc xây dựng Nghị định này, chúng tôi  đề nghị cơ quan soạn thảo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội
trước khi ban hành.

2.
Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và Quy hoạch
khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và Quy hoạch
khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã được ban hành cho đến nay đều có nội dung
chi tiết đến từng dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng hoặc thăm dò, khai
thác khoáng sản. Các nội dung này đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ
của các doanh nghiệp và người dân quanh các dự án đó. Nhằm bảo đảm tính hợp lý,
khả thi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên chịu tác động của quy hoạch,
tránh các xung đột xã hội có thể phát sinh từ việc thực hiện quy hoạch, đề
nghị cơ quan soạn thảo
bổ sung các
quy định cụ thể hơn về lấy ý kiến và công bố các loại quy hoạch này
, cụ thể
như sau:


Trong giai đoạn
lấy ý kiến, đề nghị bổ sung quy định về việc phải đăng tải công khai các hồ sơ quy hoạch trên website của cơ quan lập
quy hoạch để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp theo dõi, góp ý kiến ít nhất 45 ngày trước khi ban hành quy
hoạch.


Thực hiện việc lấy ý kiến trực tiếp đối với các doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây dựng, người dân
địa phương nơi có dự án nằm trong quy hoạch thông qua công văn hoặc hội thảo.


Việc công bố quy
hoạch phải được thực hiện trước khi quy
hoạch có hiệu lực
. Theo đó, quy hoạch chỉ nên có hiệu lực sớm nhất là 45
ngày kể từ ngày ký.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường
năm 2014 và Nghị định 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá
môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
thì các quy hoạch vật liệu xây dựng và quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản
(Mục 4.1.5 và Mục 4.2.6, Phụ lục I, Nghị định 18/2015/NĐ-CP) đều thuộc diện phải
thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và có báo cáo ĐMC. Do đó, chúng
tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bổ
sung quy định
về thành phần hồ sơ của quy hoạch phát triển vật liệu xây
dựng
(Điều 11) và hồ sơ của quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng
(Điều 22) phải bao gồm báo cáo ĐMC đã được
thẩm định
theo đúng quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP.

3.
Dự án sản xuất vật liệu xây dựng

Điều 30.1 của Dự thảo quy định: dự án đầu tư sản xuất
vật liệu xây dựng phải phù hợp với các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với tình trạng nhiều quy hoạch vật liệu
xây dựng được ban hành trước khi Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, trong đó có
nhiều nội dung mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh. Quy định của Điều
30.1 của Dự thảo là một quy định dẫn chiếu đến các điều kiện đầu tư kinh doanh
trong các quy hoạch này.

Về tính hợp pháp, quy định như vậy là không phù hợp
với Luật Đầu tư 2014 bởi việc sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (trừ
amiang) không phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo phụ
lục của Luật Đầu tư. Hơn nữa, nếu có thì các điều kiện đầu tư kinh doanh này phải
được quy định ở cấp Nghị định trở
lên, chứ không được thể hiện trong các quy hoạch (vốn không phải là các văn bản
quy phạm pháp luật).

Về tính hợp lý, quy định như vậy sẽ cản trở sự phát
triển của ngành vật liệu xây dựng. Ví dụ, nếu có một doanh nghiệp tư nhân có đủ
năng lực và công nghệ để sản xuất ra vật liệu xây dựng chất lượng cao hơn, giá
thành thấp hơn các nhà máy hiện nay của Việt Nam nhưng nếu các dự án trong quy
hoạch đã được các doanh nghiệp khác triển khai thì doanh nghiệp đó không có cơ
hội gia nhập thị trường cho đến khi quy hoạch được điều chỉnh bổ sung.

Có thể có ý kiến cho rằng việc duy trì quy hoạch
phát triển vật liệu xây dựng và quy định của Điều 30.1 dự thảo là nhằm bình ổn
cung cầu, tránh tình trạng dư thừa trên thị trường. Tuy nhiên, lập luận này đi
ngược lại quy luật của kinh tế thị trường. Thứ
nhất, cung cầu được quyết định bởi người mua và người bán, không phải là nhà nước.
Thứ hai, quan trọng hơn, sự dư thừa cung trên thị trường sẽ là cơ hội tốt để
đào thải, đóng cửa các nhà máy sản xuất không hiệu quả, sản phẩm chất lượng
kém, chi phí cao, và chỉ giữ lại các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn
. Sự đào
thải này có thể sẽ gây lãng phí một số nguồn lực đã được đầu tư vào các nhà máy
yếu kém đó, gây mất việc làm của một số lao động, tuy nhiên, về tổng thể nó
giúp thay thế cái kém hiệu quả bằng cái hiệu quả hơn, năng suất hơn. Từ đó tạo
ra sự phát triển của ngành kinh tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu
dùng.

Trong thời gian trước đây, từng có hiện tượng nhiều
tỉnh đề nghị xây nhà máy xi măng mà không cần quan tâm đến khả năng tiêu thụ của
sản phẩm, gây ra hiện tượng thừa cung trên thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu
ý rằng tình trạng này chỉ xuất hiện đối với các dự án đầu tư của nhà nước hoặc
doanh nghiệp nhà nước, không phải là tình trạng diễn ra đối với các dự án đầu
tư tư nhân. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khả năng quản lý đầu tư công tại
các địa phương, quản lý doanh nghiệp nhà nước yếu kém. Tuy nhiên, các quy hoạch
sản xuất xi măng không chỉ tác động đến các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước
mà còn tác động cả đến các doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều không hợp lý.

Cũng có thể có ý kiến cho rằng việc dư thừa cung
trên thị trường sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ở
đây cần hết sức lưu ý, dư thừa cung chắc chắn sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các
doanh nghiệp, trong đó có cả cạnh tranh lành mạnh (về chất lượng, về giá) và cạnh
tranh không lành mạnh (ép buộc bên mua, cản trở đối thủ…). Vai trò của nhà nước
là cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và trừng phạt hành vi cạnh tranh không
lành mạnh. Các chế tài với hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định
trong pháp luật về cạnh tranh.

Như vậy, Điều 30.1 không bảo đảm cả về tính thống nhất,
hợp pháp và tính hợp lý của quy định. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn
thảo
bỏ quy định này, cho phép các
doanh nghiệp thực hiện các dự án nằm ngoài quy hoạch
(nhưng vẫn phải bảo đảm
các quy định khác về môi trường, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm).

4.
Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư

Điều 30.3 của Dự thảo quy định trước khi UBND cấp tỉnh
quyết định chủ trương đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng thì cần có ý
kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Quy định như vậy không phù hợp với
Điều 33 của Luật Đầu tư về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của
UBND cấp tỉnh. Điều 33.3 Luật Đầu tư quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án đầu tư,
cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có
liên quan đến những nội dung quy định tại khoản 6 Điều này”.
Do đó, chúng
tôi đề nghị cơ quan soạn thảo sửa
đổi Điều 30.3 của Dự thảo thành
: “Trong
quá trình xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án sản xuất vật liệu xây dựng
chủ yếu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của Bộ
Xây dựng.”

5.
Cung cấp thông tin cho người mua, người sử dụng công
trình có amiăng trắng

Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm dần tiến tới
loại bỏ amiang trắng nhằm bảo vệ sức khỏe người mua, người sử dụng công trình.
Tuy nhiên, để bảo đảm quá trình cắt giảm không gây các tác động kinh tế tiêu cực
quá lớn, nên áp dụng phương pháp cung cấp thông tin để người tiêu dùng tự lựa
chọn, giảm cầu thay vì giảm cung. Theo đó, nên
đặt ra các nghĩa vụ pháp lý như sau
:


Yêu cầu các đơn
vị sản xuất và buôn bán vật liệu xây dựng có chứa amiang trắng cung cấp thông
tin cho người mua trước khi về thành phần và nguy cơ tác hại của amiang trắng
. Ví dụ, yêu cầu người sản xuất và người bán hàng phải
phát kèm cho người mua một văn bản nêu rõ về tỷ lệ thành phần amiang trong vật
liệu, các tác hại có thể có của amiang và hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản để
giảm tối đa tác hại này.


Đối với các chủ
thầu xây dựng phải thông báo rõ cho chủ đầu tư công trình về việc dự định sử
dụng vật liệu có chứa amiang trắng trong quá trình xây dựng.


Đối với các công
trình xây dựng được bán lại hoặc cho thuê (như nhà ở, văn phòng) thì người bán,
người cho thuê phải cung cấp thông tin cho người mua người thuê về việc có sử
dụng amiang trắng trong công trình.

Các quy định như vậy sẽ giúp người tiêu dùng biết được
thông tin để tự phòng tránh tác hại cho mình, đồng thời qua đó giúp nâng cao nhận
thức cho người mua, tự chuyển sang sử dụng các loại vật liệu khác, qua đó làm
giảm lượng cầu loại vật liệu này.

6.
Quy định quản lý chất lượng dành riêng cho trường hợp
thử nghiệm vật liệu

Hiện nay, có một số cơ sở kinh doanh tiến hành
nghiên cứu thử nghiệm để sản xuất các loại vật liệu mới hoặc cải tiến, nâng cao
chất lượng các vật liệu cũ. Đây là những hoạt động rất cần được khuyến khích.
Trong những trường hợp như vậy, nhà cung cấp thường có nhu cầu cung ứng một lượng
sản phẩm nhỏ ra thị trường, nhằm thử nghiệm về chất lượng sản phẩm được sử dụng
trong thực tế cũng như thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Do đây là các sản
phẩm mới nên thường không có các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Việc xây dựng và công bố các tiêu chuẩn cơ sở cũng sẽ mất thời gian và kinh
phí, trong khi nhà sản xuất chưa thể chắc chắn về việc có tiếp tục dòng sản phẩm
đó hay không.

Nhằm đưa ra quy định vẫn bảo đảm việc quản lý chất
lượng sản phẩm, nhưng không cản trở sự nghiên cứu, sáng tạo, thử nghiệm công
nghệ mới, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa
ra quy định ngoại lệ của Điều 34.1.c như sau:

“Trong trường hợp nhà sản xuất cung
ứng sản phẩm vật liệu xây dựng ra thị trường nhằm mục đích thử nghiệm và có sản lượng dưới 20 tấn sản phẩm/tháng (tỷ
lệ này có thể điều chỉnh để phù hợp với điều kiện cụ thể) thì không cần có tiêu
chuẩn cơ sở. Nhà sản xuất phải cung cấp
đầy đủ
các thông tin về chất lượng và hướng dẫn sử dụng cho người mua và chịu
trách nhiệm khi người mua bị thiệt hại từ việc sử dụng sản phẩm của mình. Đối với
vật liệu được sử dụng làm kết cấu chịu lực thì không được sử dụng trong các
công trình có mục đích nhà ở thương mại, tập trung đông người”.

7.
Nghĩa vụ báo cáo việc xuất khẩu vật liệu xây dựng

Điều 38.1.d của Dự thảo quy định về nghĩa vụ báo cáo
hàng năm hoặc đột xuất của doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng để cơ quan
nhà nước tổng hợp thông tin. Nhằm giảm nhẹ gánh nặng về chi phí kinh doanh, thủ
tục hành chính cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về nghĩa vụ báo cáo của các
doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng
. Các thông tin này đã được doanh
nghiệp khai báo cho nhà nước khi làm thủ tục hải quan, do đó, cơ quan quản lý về
xây dựng chỉ cần phối hợp với cơ quan hải quan là có được thông tin đầy đủ.

8.
Quy định về sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với
môi trường

Điều 39.4 quy định giao Bộ Xây dựng hướng dẫn các loại
công trình, địa bàn xây dựng bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện
với môi trường. Quy định này sẽ giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ vật liệu xây dựng
thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc bắt buộc này có thể ảnh hưởng đến
quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên được quy định trong Bộ luật Dân sự. Hơn
nữa, trong dự thảo vẫn chưa có quy định về việc khuyến khích sử dụng vật liệu
thân thiện với môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tách Khoản 4 Điều 39 thành một điều luật
riêng với tên gọi
: “Sử dụng vật liệu
xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với
môi trường”
. Điều luật bao gồm các nội dung như sau:


Quy định về việc
bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng thân
thiện với môi trường
đối với các công trình có sử dụng vốn nhà nước hoặc
công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Các công trình có vốn tư nhân
chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích.


Bộ Xây dựng thực
hiện công tác tuyên truyền, vận động
người dân, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng sử dụng vật liệu xây dựng thân
thiện với môi trường.


Có thể áp dụng
chính sách dán nhãn xanh cho các sản
phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, nhằm cung cấp thông tin cho
người mua ưu tiên mua sản phẩm.

9.
Nghĩa vụ phân loại, sơ chế tro, xỉ, thạch cao của cơ
sở phát thải

Điều 42.2.b của Dự thảo quy định nghĩa vụ phân loại,
sơ chế tro, xỉ, thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu
sản xuất vật liệu xây dựng. Quy định này được đưa ra nhằm giúp tận dụng các chất
thải của một số nhà máy khác để làm đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, quy định này có thể gây ra một số tác động
kinh tế, xã hội cần được xem xét kỹ hơn, cụ thể:


Nếu toàn bộ lượng
tro, xỉ, thạch cao được phân loại, sơ chế mà không được sử dụng hết để làm vật
liệu xây dựng thì cũng vẫn sẽ phải đưa đi chôn lấp. Như vậy, toàn bộ chi phí
dành cho việc phân loại, sơ chế chất thải này trở nên lãng phí mà các lợi ích
môi trường không đạt được.


Một số cơ sở
phát sinh chất thải dù có tiến hành phân loại, sơ chế cũng không thể đáp ứng
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, đẫn
đến việc các cơ sở này sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường
năm 2014 và Nghị định 38/2015/NĐ-CP, toàn bộ chất thải rắn công nghiệp thông
thường sẽ phải thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Các chủ
nguồn thải phải tự mình hoặc thuê đơn vị có đủ năng lực tiến hành xử lý loại chất
thải này. Nếu có đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng cam kết mua toàn bộ chất thải
thì các chủ nguồn thải sẽ sẵn sàng đầu tư hệ thống phân loại, sơ chế vì ngoài
việc bán được chất thải với giá cao hơn, họ còn tiết kiệm được chi phí phải trả
cho cơ sở xử lý chất thải. Đây là quan hệ
dân sự dựa trên sự tự thỏa thuận giữa hai đơn vị, nhà nước không nên can thiệp
.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng –
thay thế Nghị định 124/2007/NĐ-CP . Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh
sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

Nơi nhận:


Như trên;


Văn phòng Chính phủ


Chủ tịch Vũ Tiến Lộc (để báo cáo)


Lưu VT, PC

TL. CHỦ TỊCH

KT.TRƯỞNG BAN
PHÁP CHẾ

PHÓ TRƯỞNG BAN

(đã ký)

PHẠM NGỌC THẠCH