VCCI Góp ý Dự thảo Nghị định về việc thông tin tiền gửi và tài sản khách hàng

Thứ Năm 10:40 11-01-2018

Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 10156/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)
  • Khoản 5 quy định “thông tin về tài sản gửi của khách hàng là các thông tin về tài sản của khách hàng …. thông tin định danh khách hàng; tên loại tài sản; giá trị tài sản (nếu có) và các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản của khách hàng”. Khái niệm “công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản của khách hàng” là chưa rõ ràng và khá khó hiểu, do đó có thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng rõ ràng, dễ hiểu hơn.
  • “Thông tin định danh khách hàng”: điểm b khoản 7 quy định “đối với khách hàng là tổ chức” phải cung cấp thông tin “chủ tài khoản của tổ chức”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 32/2016/TT-NHNN[1] thì “chủ tài khoản của tổ chức là tổ chức mở tài khoản. Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi chung là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện”. Như vậy, quy định vừa yêu cầu cung cấp thông tin định danh của tổ chức (tên giao dịch, địa chỉ đặt trụ sở chính, số điện thoại, … ) vừa yêu cầu cung cấp thông tin chủ tài khoản của tổ chức là trùng lặp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định phải cung cấp “chủ tài khoản của tổ chức”.
  1. Về phương thức giao nhận thông tin khách hàng

Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo thì thông tin khách hàng sẽ được cung cấp bằng các phương thức:

  • Trực tiếp: cung cấp trực tiếp cho người đại diện của cơ quan nhà nước
  • Gián tiếp: cung cấp bằng văn bản thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính
  • Điện tử: cung cấp thông qua phương tiện điện tử, hệ thống mạng tin học

Vì thông tin được cung cấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức do đó các yếu tố bảo mật cần được chú trọng. Xuất phát từ tính chất này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét việc cung cấp thông tin ở các phương thức trên như sau:

  • Đối với phương thức cung cấp gián tiếp:

Điểm a khoản 2 Điều 6 quy định, tổ chức tín dụng phải lập sổ ghi nhận, theo dõi việc giao, nhận thông tin khách hàng giữa tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính. Quy định này chưa rõ ở điểm: tổ chức tín dụng sẽ giao “thông tin khách hàng” cho tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính hay giao hồ sơ có chứa thông tin khách hàng cho tổ chức này.

Nếu giao “thông tin khách hàng” thì yếu tố đảm bảo bí mật loại thông tin này sẽ không được đảm bảo và nhất là trong Dự thảo không có quy định nào liên quan đến trách nhiệm bảo mật của tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính.

Nếu giao hồ sơ có chứa thông tin khách hàng, thì cách thức quy định tại Dự thảo có thể hiểu, hồ sơ này sẽ được vận chuyển theo phương thức thông thường theo quy định của pháp luật về bưu chính. Điều này dường như chưa phù hợp cho trường hợp vận chuyển thông tin có yếu tố bảo mật. Vì trong nhiều trường hợp trên thực tế, việc vận chuyển bưu chính có thể thất lạc, bị mất trong quá trình giao nhận, hoặc không xác nhận được đối tượng cụ thể nhận hồ sơ có chứa thông tin, điều này sẽ gây thiệt hại cho các đối tượng có liên quan và quy định về trách nhiệm bảo vệ bí mật không còn nhiều ý nghĩa.

Do đó, để đảm bảo yếu tố bảo mật thông tin, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định chi tiết liên quan tới phương thức cung cấp thông tin theo phương thức gián tiếp để bảo đảm yếu tố bảo mật hơn (ví dụ: hình thức thông tin được cung cấp: được chứa đựng trong phong bì được gián niêm phong, đóng dấu Mật; có sự trao đổi thông tin giữa tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính về thời gian nhận, thời gian vận chuyển, đối tượng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước …).

  • Đối với phương thức cung cấp qua phương tiện điện tử

Điểm c khoản 1 Điều 6 quy định “việc truyền, nhận, cung cấp thông tin khách hàng theo phương thức này phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp bảo mật, phù hợp với các điều kiện kỹ thuật của hai bên”. Đây là quy định chung chung, không rõ (biện pháp bảo mật quy định ở văn bản nào, lĩnh vực nào?), phụ thuộc vào yếu tố không xác định (“điều kiện kỹ thuật” của mỗi bên có thể là bất kỳ cấp bảo mật nào). Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về vấn đề này để tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng.

Trên đây là một số ý kiến sơ bộ ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

[1] Thông tư 32/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán