VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP về hoạt động in

Thứ Năm 10:35 31-08-2017

Kính gửi: Cục Xuất bản, In và Phát hành

Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 1553/BTTTT-CXBIPH của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 08/5/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

So với Nghị định 60, Dự thảo đã có nhiều sửa đổi theo hướng tích cực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Điều này thể hiện tinh thần nghiêm túc, cầu thị rất đáng hoan nghênh của Ban soạn thảo. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực cải thiện chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60 này.

Để thể hiện triệt để tinh thần của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP[1], Quyết định 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ[2] và yêu cầu từ các doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Một số quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh

Theo nội dung của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP thì Nghị định 60 cần được rà soát và bãi bỏ các quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh. Các sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo, theo chúng tôi về cơ bản đã thực hiện tinh thần của Nghị quyết 19. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tháo gỡ các rào cản, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

 

  1. Về điều kiện người đứng đầu cơ sở in

Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Dự thảo thì người đứng đầu cơ sở in loại sản phẩm (báo, tạp chí, các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí; tem chống giả) phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

Như vậy, so với Nghị định 60, Dự thảo đã bỏ điều kiện người đứng đầu ngành in đối với các cơ sở in loại sản phẩm mẫu biểu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành; hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (không bao gồm tiền).

Sửa đổi tại Dự thảo đã thể hiện tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần xem xét thêm ở các vấn đề sau:

  • Theo nội dung của Nghị quyết 19 thì quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như “người đứng đầu cơ sở in phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in” phải được bãi bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc, tất cả các quy định liên quan đến điều kiện người đứng đầu ngành in đều phải được bãi bỏ. Dự thảo chỉ mới bãi bỏ một số mà không phải tất cả là chưa thực hiện triệt để theo nội dung của Nghị quyết 19;
  • Giải trình từ phía Ban soạn thảo về việc giữ yêu cầu về trình độ, chứng chỉ của người đứng đầu cơ sở in đối với in hai loại sản phẩm trên (vì các sản phẩm này có ảnh hưởng đến văn hóa, tư tưởng, an ninh quốc phòng) là chưa hợp lý, ít nhất ở các góc độ sau:
  • Các sản phẩm báo chí, tem chống giả khi được đặt in phải có các giấy tờ kèm theo như (bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động báo chí đối với sản phẩm in là báo, tạp chí; bản sao có chứng thực giấy phép xuất bản bản tin đối với sản phẩm in là bản tin và các ấn phẩm báo chí khác[3]; đối với tem chống giả do cơ quan nhà nước ban hành phải có bản sao có chứng thực quyết định ban hành mẫu tem chống giả[4]). Với các loại giấy tờ này có thể thấy, các sản phẩm trước khi đặt in đã được kiểm soát về tính hợp pháp, phù hợp của nội dung sản phẩm in. Do đó, yêu cầu cơ sở in/người đứng đầu in phải kiểm soát nội dung của các sản phẩm in này là không cần thiết và chưa phù hợp;
  • Thực tế, theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, việc thực hiện tập huấn và cấp chứng chỉ cho người đứng đầu cơ sở in trong thời gian qua thực chất là việc cập nhật các quy định pháp luật và các nội dung không giúp ích cho việc điều hành hoặc kiểm soát hoạt động của cơ sở in;
  • Việc phân loại sản phẩm in để yêu cầu chứng chỉ chuyên môn của người đứng đầu cơ sở in sẽ phát sinh các bất cập có thể xảy ra trên thực tế: một cơ sở in không chỉ giới hạn in một loại sản phẩm mà có thể in nhiều loại sản phẩm khác nhau. Trong đó có những loại sản phẩm yêu cầu người đứng đầu phải có trình độ chuyên môn/chứng chỉ, có những loại sản phẩm lại không yêu cầu trình độ chuyên môn. Như vậy, vô hình trung, việc bỏ quy định về trình độ của người đứng đầu cơ sở in trong Dự thảo không thể hiện được đúng tinh thần Nghị quyết 19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng điều kiện này, bởi doanh nghiệp không thể chỉ in một loại sản phẩm in mà in nhiều loại.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in, tức là bỏ cụm từ “có trình độ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in” tại điểm e khoản 1 Điều 11 Nghị định 60.

  1. Cấp phép nhập khẩu thiết bị in

Dự thảo đã bỏ yêu cầu cấp phép nhập khẩu đối với các thiết bị gia công sau in, tuy nhiên cần xem xét rộng hơn về việc bỏ toàn bộ giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị in, bởi các lý do sau:

  • Mục tiêu kiểm soát việc nhập khẩu thiết bị in: Điều 27 Nghị định 60 xác định các loại thiết bị in phải được cấp phép nhập khẩu và không quy định về tiêu chí cấp phép đối với các loại máy móc này. Như vậy, chính sách đối với hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị in là chưa rõ ràng.

Nếu kiểm soát các máy móc thiết bị in để nhận biết các thông tin về các loại máy móc này, thì có thể thu thập tại cơ quan hải quan. Mặt khác, khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép hoạt động in hay đăng ký cơ sở in, doanh nghiệp cũng đã cung cấp về thông tin các loại máy in sẽ được sử dụng để sản xuất, kinh doanh.

Nếu kiểm soát các máy móc thiết bị in đã qua sử dụng để đảm bảo yếu tố về môi trường, thì hiện nay Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cơ chế kiểm soát về các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

  • Cần đánh giá tác động đối với hoạt động cấp phép nhập khẩu thiết bị in: Trước thời điểm Nghị định 60 có hiệu lực (01/11/2014) việc nhập khẩu thiết bị in là tự do, đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và góp phần tăng trường ngành in – ngành công nghiệp hỗ trợ hiếm hoi ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Việc thay đổi phương thức quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in cần được đánh giá kỹ càng giữa mục tiêu quản lý và chi phí xã hội phải bỏ ra, cũng như những rào cản về thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện để nhận diện tính hợp lý của chính sách này.
  1. Đối tượng được nhập khẩu thiết bị in

Khoản 2 Điều 27 Nghị định 60 quy định các đối tượng sau được phép nhập khẩu thiết bị in:

  • Cơ sở in;
  • Doanh nghiệp chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị ngành in theo quy định của pháp luật;
  • Cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân được phép sử dụng thiết bị in để phục vụ công việc nội bộ

Việc xác định các đối tượng được cấp phép trên chưa hợp lý ở các điểm:

  • Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Tương ứng, hiện nay hầu hết các văn bản pháp luật về kinh doanh, không còn đặt ra yêu cầu về việc xem xét ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp theo giấy đăng ký doanh nghiệp khi xem xét để cấp phép kinh doanh. Điều này thể hiện tinh thần “doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm”. Nghị định 60 vẫn xác định đối tượng dựa vào chức năng, ngành nghề kinh doanh là chưa phù hợp với tinh thần của Luật doanh nghiệp 2014;
  • Việc đóng khung các đối tượng được phép nhập khẩu thiết bị trên đã hạn chế hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (không thuộc đối tượng trên), trong khi cơ chế quản lý hiện tại của hoạt động in đang được kiểm soát khá chặt chẽ từ chủ thể in đến sản phẩm in. Do đó, giới hạn hay kiểm soát chặt chủ thể nhập khẩu thiết bị in là quá mức cần thiết;

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 60.

 

  1. Về thủ tục hành chính

Về cơ bản, phần lớn những điều chỉnh trong Dự thảo đã thể hiện được tinh thần cải cách, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thủ tục hành chính trong thời gian qua. Tuy nhiên, để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo các mục tiêu quản lý Nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:

  1. Về những thủ tục tại Nghị định 60 được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo
    • Thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in (khoản 12, 13, 14 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định 60)
  • Thủ tục đăng ký hoạt động

Theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Dự thảo thì cơ sở in (thuộc đối tượng không phải cấp giấy phép) phải nộp tờ khai đăng ký hoạt động in tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai đăng ký, cơ quan nhà nước có trách nhiệm “xác nhận đăng ký và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu của cơ quan mình để quản lý; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do”. Như vậy, sẽ có trường hợp doanh nghiệp không được xác nhận đăng ký. Tuy nhiên, Nghị định 60 cũng như Dự thảo không có quy định về các trường hợp này.

Để đảm bảo tính minh bạch trong quy định, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về các trường hợp doanh nghiệp bị từ chối xác nhận đăng ký.

  • Thủ tục khai báo của cơ sở in

Theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 6 Điều 14 Nghị định 60 thì, cơ sở in đã đăng ký hoạt động in khi in sản phẩm quy định tại điểm a, c khoản 4 Điều 2 (báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật báo chí; tem chống giả) và điểm đ khoản 2 Điều 23 (các sản phẩm in khác có nội dung về chính trị, lịch sử, địa lý, tôn giáo, địa giới hành chính Việt Nam) phải thực hiện thủ tục khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định trên ở một số điểm sau:

  • Theo quy định tại Nghị định 60 và Dự thảo thì dựa vào loại sản phẩm in, để xác định cơ chế quản lý, đối với các sản phẩm như báo, tạp chí, ấn phẩm báo chí, tem chống giả thì các doanh nghiệp in sẽ phải đáp ứng điều kiện và có giấy phép mới được hoạt động, còn các sản phẩm khác, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động. Theo quy định trên thì các doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động in – tức là in những sản phẩm chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký, có thể in các sản phẩm in – mà các doanh nghiệp khác phải có giấy phép mới được in; chỉ cần thực hiện thủ tục khai báo. Như vậy, ngay chính trong Dự thảo đang có sự mâu thuẫn trong cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp in, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp in, khi cùng in một sản phẩm nhưng có doanh nghiệp lại phải có giấy phép trong khi có doanh nghiệp không cần phải có giấy phép.
  • Đối tượng cần kiểm soát trong hoạt động in chính là nội dung, tính hợp pháp của sản phẩm in. Hiện tại, các quy định pháp luật có liên quan và ngay bản thân Nghị định 60 cũng đã có nhiều quy định để có thể kiểm soát được yếu tố này (ví dụ: khi nhận in, chế bản. gia công sau in đối với từng loại sản phẩm, các chủ thể đặt in phải cung cấp các tài liệu chứng minh tính hợp pháp của các sản phẩm in). Do đó, việc đặt ra điều kiện kinh doanh cho các chủ thể in, nhất là các điều kiện kinh doanh dựa vào các sản phẩm in là không cần thiết, bất hợp lý và phát sinh những bất cập như phân tích ở trên.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét thay đổi phương thức quản lý đối với hoạt động in. Về lâu dài, nghiên cứu để đề xuất, kiến nghị đưa “kinh doanh dịch vụ in” ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư 2014.

  • Thủ tục khai báo thiết bị in

Khoản 17 Điều 1 Dự thảo bổ sung trách nhiệm của cơ sở in, theo đó cơ sở in phải “khai báo trên hệ thống dữ liệu điện tử quốc gia về quản lý thiết bị in trước khi đưa máy in vào sử dụng hoặc khi chuyển nhượng, thanh lý máy in”. Đây là thủ tục mới, được giải trình là nhằm “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung để phục vụ cho công tác quản lý …”.

Như vậy, mục đích chính của chính sách này là nhằm thu thập các dữ liệu thông tin về thiết bị in. Tuy nhiên, các dữ liệu thông tin này, cơ quan nhà nước có thể tập hợp được thông qua các thủ tục hành chính mà các cơ sở in đã phải thực hiện, ví dụ:

  • Đơn đề nghị, Danh mục thiết bị in của thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động in;
  • Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in của thủ tục xin cấp phép nhập khẩu thiết bị in;
  • Tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in của thủ tục đăng ký hoạt động in;
  • Tờ khai thay đổi thông tin đăng ký hoạt động cơ sở in của thủ tục thay đổi đăng ký hoạt động in

Do đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo không bổ sung thêm thủ tục khai báo về thiết bị in, tức đề nghị bỏ khoản 17 Điều 1 Dự thảo.

  • Thủ tục đăng ký, chuyển nhượng máy photocopy màu

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 30 Nghị định 60, khoản 26, 27 Điều 1 Dự thảo thì:

  • Giới hạn phạm vi được sửa dụng máy photocopy màu: chỉ được sử dụng máy photocopy màu phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức, không được sử dụng để kinh doanh dưới mọi hình thức; máy in có chức năng photocopy màu chỉ được sử dụng để sản xuất trong cơ sở in có đủ các điều kiện hoạt động in theo quy định;
  • Thủ tục khi sử dụng máy photocopy màu:
  • Đăng ký sử dụng máy photocopy màu;
  • Xin phép khi chuyển nhượng máy photocopy màu

Về việc cấm sử dụng máy photocopy màu vào hoạt động kinh doanh, quy định này chưa thống nhất với quy định tại Luật đầu tư 2014. Bởi, Điều 6 Luật đầu tư 2014 quy định 6 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm, trong đó không có hoạt động sử dụng máy photocopy màu. Để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 60 tại Dự thảo.

Máy photocopy màu không phải là loại hàng hóa cấm kinh doanh theo hệ thống pháp luật về thương mại hay là loại hàng hóa bị cấm trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo pháp luật về đầu tư, do đó các quy định kiểm soát quá chặt đối với việc sử dụng, chuyển nhượng, thanh lý máy photocopy màu là chưa thống nhất với tinh thần của các Luật thương mại, Luật đầu tư. Việc yêu cầu chủ thể sử dụng phải thực hiện thủ tục như đăng ký sử dụng, đăng ký chuyển nhượng, thông báo khi thanh lý máy tạo ra quá nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn cho những chủ thể này, trong khi mục tiêu chính sách lại chưa rõ ràng (Ban soạn thảo cần giải trình các mục tiêu chính sách đối với các quy định về máy photocopy màu và đánh giá tác động kỹ càng, thận trọng đối với việc sử dụng loại máy này, đặc biệt là tính khả thi khi đặt ra các quy định quản lý về máy photocopy màu).

Xét tính minh bạch, thủ tục đăng ký chuyển nhượng máy photocopy màu quy định tại khoản 27 Điều 30 Dự thảo được thiết kế tương tự như thủ tục cấp phép (gửi hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan nhà nước sẽ xem xét hồ sơ để xác nhận/từ chối xác nhận), trong khi tiêu chí để xác nhận là không rõ.

Để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần quyền tự do kinh doanh cũng như cải cách thủ tục hành chính mà Dự thảo đang hướng đến, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định về thủ tục đăng ký sử dụng, đăng ký chuyển nhượng, thông báo thanh lý máy photocopy màu, tức bỏ khoản 26, 27 Điều 2 Dự thảo.

  1. Về những thủ tục tại Nghị định 60 chưa được sửa đổi trong Dự thảo
    • Thủ tục đăng ký hoạt động của cơ sở in

Theo quy định tại Nghị định 60, các cơ sở in không thuộc trường hợp phải cấp phép phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động. Thực chất đây là hoạt động cung cấp thông tin về việc thực hiện hoạt động in của các cơ sở in khác và cơ quan nhà nước có thể nắm bắt thông tin về số lượng, nhận diện các doanh nghiệp có hoạt động in.

Tuy nhiên, việc yêu cầu doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh lại thực hiện thêm một thủ tục cung cấp thông tin về ngành, nghề mà mình đã đăng ký kinh doanh cho cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ vừa tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vừa không thể hiện được tinh thần cải cách, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh. Đối với các thông tin về doanh nghiệp đăng ký hoạt động in, cơ quan quản lý chuyên ngành có thể tiếp nhận từ cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế.

Do đó, để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về đăng ký hoạt động cơ sở in quy định tại Điều 14 Nghị định 60.

  • Thủ tục báo cáo

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 60 thì “cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng/lần hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in”.

Trong “Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm về hoạt động in” tại Mẫu 19 và “Báo cáo hoạt động in năm” tại Mẫu 21, các nội dung doanh nghiệp phải báo cáo là “tổng doanh thu”, “nộp ngân sách nhà nước”, “lợi nhuận sau thuế”, “thu nhập bình quân”.

Việc yêu cầu tần suất báo cáo ít nhất 2 lần/năm có thể tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, mặc dù thủ tục đã được đơn giản thông qua bằng phương thức điện tử (sửa đổi khoản 7 Điều 15 Nghị định 60). Hơn nữa, với những thông tin được yêu cầu báo cáo trong các Mẫu trên là các thông tin có thể thu thập thông qua hệ thống thông tin của cơ quan quản lý thuế, giữa các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ thông tin để nhận diện được tình hình hoạt động và/hoặc mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bổ sung quy định sửa đổi Điều 8 Nghị định 60 theo hướng, bỏ khoản 1 Điều 8 Dự thảo. Trong trường hợp nhất thiết phải giữ yêu cầu báo cáo của doanh nghiệp, đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 8 theo hướng, doanh nghiệp chỉ phải báo cáo 01 lần/năm;
  • Đồng thời sửa đổi khoản 7 Điều 15 Nghị định 60 tương ứng với đề xuất 01 lần báo cáo/năm.
    • Thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động in (Điều 13 Nghị định 60)
  • Về trường hợp phải cấp lại giấy phép

Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 60 quy định, cơ sở in phải đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động in trong trường hợp “thành lập hoặc giải thể chi nhánh của cơ sở in”. Quy định này là chưa hợp lý và tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp ở điểm:

  • Trong Giấy phép hoạt động in tại mẫu 9 Phụ lục Dự thảo không có nội dung về chi nhánh của cơ sở in, do đó khi cơ sở in thành lập hoặc giải thể chi nhánh thì cũng không ảnh hưởng đến nội dung của Giấy phép hoạt động. Vì vậy, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện cấp lại giấy phép trong trường hợp này là chưa hợp lý và có thể tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp;
  • Việc thành lập hay giải thể chi nhánh không ảnh hưởng đến việc đáp ứng điều kiện kinh doanh về in của cơ sở in, bởi các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 11 Nghị định 60 không có yêu cầu về điều kiện liên quan đến chi nhánh của cơ sở in.

Từ phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 60 theo hướng, bỏ quy định cơ sở in phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động trong trường hợp “thành lập hoặc giải thể chi nhánh”; tức là bỏ cụm từ “thành lập hoặc giải thể chi nhánh của cơ sở in”.

  • Về thời gian cấp lại giấy phép

Điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định 60 quy định là “07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ”. Đây là khoảng thời gian khá dài để xem xét, cấp lại giấy phép trong khi hồ sơ của thủ tục này khá đơn giản. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định 60 theo hướng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và cấp lại giấy phép xuống còn 03 ngày làm việc.

  • Nhận chế bản, in, gia công sau in hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá

Điều 19 Nghị định 60 quy định, cơ sở in chỉ được nhận chế bản, in, gia công sau in khi tổ chức, cá nhân đặt in cung cấp các loại giấy tờ sau:

  • Đối với sản phẩm in là hóa đơn tài chính, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, phải có thêm bản sao có chứng thực một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký thuế
  • Đối với sản phẩm in là các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc để ghi mệnh giá phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký thuế chứng minh có ngành, nghề phù hợp với sản phẩm in và Văn bản đồng ý đặt chế bản, in, gia công sau in của cơ quan, tổ chức ban hành loại giấy tờ đó.

Khoản 8 Điều 2 Dự thảo đã bỏ “Văn bản đồng ý đặt chế bản, in, gia công sau in của cơ quan, tổ chức ban hành loại giấy tờ đó”, điều này thể hiện tinh thần cầu thị của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ yêu cầu tất cả các loại giấy tờ quy định tại Điều 19 Nghị định 60, bởi vì theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh do đó, yêu cầu các loại giấy tờ này cũng không thể nhận diện được ngành, nghề mà doanh nghiệp đăng ký.

Hơn nữa, theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính thể hiện xuyên suốt Dự thảo, thì khi quản lý đối với các sản phẩm in về hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá đã được tháo gỡ và xóa bỏ khá nhiều thủ tục. Mặt khác, những rủi ro xuất phát từ việc sử dụng các sản phẩm này đã được kiểm soát thông qua hệ thống pháp luật về hóa đơn, ngân hàng, tín dụng.

Do đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 19 Nghị định 60.

Góp ý tương tự, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bãi bỏ khoản 2 Điều 20 Nghị định 60.

  • Thủ tục cấp giấy phép chế bản, in, gia công sau in cho nước ngoài

Khoản 3-5, Điều 23 Nghị định 60 quy định về thủ tục cấp giấy phép chế bản, in, gia công sau in cho nước ngoài như sau:

  • Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Hồ sơ cấp phép: Đơn đề nghị (theo mẫu); 02 bản mẫu sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in;
  • Thời gian giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

Thủ tục trên không quy định về tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp phép/từ chối cấp phép đối với hoạt động hợp tác với nước ngoài. Điều này có nguy cơ tạo ra dư địa của tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về tiêu chí cấp phép chế bản, in, gia công sau in cho nước ngoài tại Dự thảo, tức sửa đổi, bổ sung Điều 23 Nghị định 60.

  • Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in

Góp ý tương tự như điểm 2.4, Nghị định 60 cũng như Dự thảo không quy định về tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp phép/từ chối cấp phép nhập khẩu thiết bị in.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về tiêu chí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in, tức bổ sung quy định Điều 28 Nghị định 60.

  1. Thời gian xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ

Hầu hết các thủ tục hành chính được thiết kế tại Dự thảo đều không có thời hạn xem xét tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ và thời gian cơ quan nhà nước xem xét, thẩm định hồ sơ căn cứ từ thời điểm nhận hồ sơ đầy đủ. Điều này có thể dẫn tới hiện tượng, các cán bộ thực thi sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần và khiến cho thời gian giải quyết thủ tục bị kéo dài, gây khó khăn, phiền phức cho doanh nghiệp.

Để hạn chế tình trạng trên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung tất cả các thủ tục trong Dự thảo cũng như Nghị định 60 theo hướng có thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ (khoảng 01 ngày làm việc) và đưa ra nguyên tắc, cán bộ thực thi chỉ được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ trong một lần.

  • Các mẫu biểu

Rất nhiều nội dung trong các mẫu biểu là không cần thiết, do đó đề nghị Ban soạn thảo rà soát tổng thể toàn bộ các mẫu biểu để loại bỏ các nội dung chưa phù hợp, ví dụ:

  1. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in (Mẫu 1)

Đề nghị bỏ các nội dung sau:

  • Văn bằng hoặc giấy chứng nhận của người đứng đầu cơ sở in: Vì yêu cầu trình độ của người đứng đầu cơ sở in đã được đề nghị bãi bỏ theo Nghị quyết 19;
  • Mục đích hoạt động: Đây là Đơn đề nghị cấp giấy phép cho một hoạt động kinh doanh, đương nhiên mục đích hoạt động là “kinh doanh”, “không kinh doanh” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này
  1. Đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động in (Mẫu 2)

Đề nghị bỏ các nội dung:

  • Văn bằng hoặc giấy chứng nhận của người đứng đầu cơ sở in: Vì yêu cầu trình độ của người đứng đầu cơ sở in đã được đề nghị bãi bỏ theo Nghị quyết 19;
  • Mục đích hoạt động: Đây là Đơn đề nghị cấp giấy phép cho một hoạt động kinh doanh, đương nhiên mục đích hoạt động là “kinh doanh”, “không kinh doanh” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này
  1. Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in (Mẫu 4)

Đề nghị bỏ các nội dung về:

  • Quan hệ gia đình
  • Quá trình hoạt động của bản thân
  • Khen thưởng, kỷ luật

Đây là những nội dung không liên quan gì đến điều kiện của người đứng đầu cơ sở in “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

Đề nghị bỏ yêu cầu xác nhận của địa phương hoặc cơ quan, đơn vị công tác và cho phép tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung đã khai.

  1. Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in (Mẫu 6)

Đề nghị bỏ các nội dung:

  • Mục đích nhập khẩu: phù hợp với đề nghị bỏ giới hạn đối tượng nhập khẩu thiết bị in
  • Địa chỉ đặt máy: không rõ liên quan gì đến điều kiện nhập khẩu. Địa điểm này có thể là không cố định.
  1. Mẫu Sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in (Mẫu 18)

Đề nghị bỏ thông tin về giấy chứng minh nhân dân của người đến đặt chế bản, in , gia công sau in vì đây là các nội dung đã được Ban soạn thảo giải trình là bỏ trong Nghị định 60.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

[2] Quyết định 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông

[3] Điều 17 Nghị định 60

[4] Điều 20 Nghị định 60

Các văn bản liên quan