Mạnh tay hơn với vi phạm

Thứ Bảy 16:19 20-05-2006
Mạnh tay hơn với vi phạm

Khánh An

Tăng thêm những áp lực buộc các doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa các kẽ hở dễ tạo nên các DN được hình thành vì các mục đích tiêu cực có thể coi là những điểm nhấn mới trong nội dung liên quan đến xử lý vi phạm của Dự án Luật DN thống nhất.

Được đánh giá cao và được coi là điểm nhấn bởi mặc dù siết chặt hơn các hành vi vi phạm, song quan trọng là những quy định này không gây nên bất cứ một ảnh hưởng tiêu cực hay bất lợi nào đối với các DN kinh doanh đúng pháp luật. Hơn thế, chính quan điểm tăng cường quản lý nhà nước trên nguyên tắc đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh của DN đã khiến những người có ý kiến phản đối các chương về quản lý nhà nước trong những hội thảo tham vấn ý kiến các dự thảo luật có thể cảm thấy yên tâm hơn.

Cụ thể, theo những quy định của Điều 165, Dự án Luật DN thống nhất, bên cạnh các hành vi đã được quy định như kê khai giả mạo, DN được thành lập bởi những người bị cấm thành lập DN theo quy định của dự án luật này... thì nếu DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh-đầu tư hoặc Giấy chứng nhận thay đổi trụ sở chính; DN không có bất kỳ báo cáo nào về hoạt động kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 12 tháng liên tiếp; ngừng kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh... hình thức xử phạt sẽ là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh -đầu tư và bị xoá tên trong số đăng ký kinh doanh.

Như vậy, so với các quy định hiện hành, thì yêu cầu về tính liên tục trong hoạt động của DN được thắt chặt hơn cũng như nguyên tắc DN phải hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký cũng được pháp lý hoá. Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Thư ký ban soạn thảo, thì các quy định này hoàn toàn "không ngăn cản tính chủ động của người thành lập, sở hữu DN". "Với những DN được thành lập ra để hoạt động kinh doanh thực sự thì việc công khai rõ ràng địa chỉ, thời gian hoạt động là điều cần thiết và quan trọng vì họ cần được các đối tác biết đến và biết rõ về họ. Bất cứ một sự lập lờ, không rõ ràng hay việc thay đổi địa chỉ thường xuyên, không thông báo công khai, không tiến hành các hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh... đều đáng đặt dấu hỏi", ông Cung nói.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc DN "ma" hay tình trạng DN "biến mất" đều xuất phát từ lý do DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cũng như không thực hiện các nghĩa vụ nộp báo cáo tới các cơ quan nhà nước theo luật định. Trong một cuộc khảo sát mới đây tại Hà Nội, tỷ lệ DN không có ở địa chỉ đã đăng ký tại địa bàn này lên tới 48%. Điều đáng nói là không có một chế tài nào để kiểm soát cũng như xử lý các DN này. Cũng chính vì khoảng trống pháp lý trên mà cơ quan đăng ký kinh doanh luôn phải "dơ đầu chịu báng" trong những trường hợp DN "ma", DN đăng ký để mua bán hoá đơn thuế giá trị gia tăng...

"Các động tác về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh- đầu tư cũng như xoá tên có thể sẽ được thực hiện tự động, không có thủ tục. Có nghĩa là những DN có hành vi vi phạm này sẽ bị cơ quan đăng ký kinh doanh đơn phương thực hiện các động tác xoá sổ. DN sẽ không được luật pháp bảo hộ trong bất cứ trường hợp nào sau đó nếu như họ tiến hành các hoạt động kinh doanh", ông Cung nói. Thậm chí, trong trường hợp này, DN tiếp tục kinh doanh mà không có bất cứ sự thông báo nào với cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ là bất hợp pháp.

Rõ ràng, luật pháp đặt "giá" cao hơn đối với những người thành lập DN, buộc họ phải tuân thủ đúng luật chơi mà mình đã chọn. Cũng như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể xử lý nhanh hơn, chủ động hơn các trường hợp vi phạm với các quy định về phân cấp rõ ràng và công khai. Nhưng cho dù nghiêm khắc hơn, thì các quy định ngăn ngừa này đều không làm hại đến các DN làm ăn trung thực

Đầu tư ngày 10/10/2005



Các văn bản liên quan