VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt

Thứ Tư 09:29 07-08-2019

                                         Kính gửi: Cục Trồng trọt

              Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 3444/BNN-TT ngày 20/05/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính

Dự thảo dành riêng Điều 2 để quy định chung về việc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một số quy định sau:

  • Thứ nhất, cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định tại Nghị định này.
  • Thứ hai, cơ quan tiếp nhận chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần.
  • Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ có bản dịch đã được công chứng thì cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối vì lý do dịch không chính xác.
  1. Cấp đồng thời Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng và Bằng bảo hộ giống cây trồng

Điều 13.4 Luật trồng trọt 2018 quy định: “Việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được thực hiện đồng thời với việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng khi tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị và đáp ứng các điều kiện về bảo hộ giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.” Tuy nhiên, các quy định thủ tục hành chính tại dự thảo chưa hướng dẫn thực hiện việc cấp đồng thời hai loại Giấy này. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc hướng dẫn thực hiện liên thông hai thủ tục hành chính này phù hợp với quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

  1. Mẫu văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng

Mẫu 03 của Phụ lục II về Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng yêu cầu doanh nghiệp phải nộp kèm bản photo Quyết định công nhận lưu hành. Quy định này chưa phù hợp với một số trường hợp cấp lại được quy định tại Điều 15.3 Luật Trồng trọt, như mất do thiên tai, hỏa hoạn… Việc yêu cầu nộp lại bản photo Quyết định công nhận lưu hành cũng không thực sự cần thiết vì cơ quan quản lý đã phải lưu trữ hồ sơ bản cứng hoặc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp nộp kèm bản photo Quyết định tại Mẫu số 03, Phụ lục II.

Góp ý tương tự với Mẫu số 03 Phụ lục III, Mẫu số 02 Phụ lục V.

  1. Hồ sơ cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định cấp vườn cây đầu dòng

Điều 9.1 của Dự thảo quy định Hồ sơ xin cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng chỉ gồm (a) văn bản đề nghị theo Mẫu 01, Phụ lục IV và (b) báo cáo kết quả bình tuyển, báo cáo kết quả thiết lập vườn theo Mẫu 02 và Mẫu 03, Phụ lục IV. Tuy nhiên, Mẫu 01 lại yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm các tài liệu như sơ đồ vườn cây, tóm tắt quá trình phát hiện hoặc lịch sử trồng trọt, kết quả nghiên cứu, đánh giá hoặc hội thi, tình hình sinh trưởng, phát triển của nguồn dòng. Mẫu 02 lại yêu cầu tài liệu kèm theo là phiếu kết quả kiểm nghiệp sạch bệnh đối với cây có múi. Mẫu 03 yêu cầu thêm tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ vườn cây. Việc “cài” thêm các tài liệu nộp kèm vào mẫu đơn, thay vì để ở quy định của điều luật là cách làm thiếu minh bạch, không chỉ dễ gây nhầm lẫn cho doanh nghiệp tuân thủ mà còn gây khó khăn cho các thành viên Chính phủ khi xem xét, biểu quyết thông qua Nghị định. Các thành phần hồ sơ được đưa thêm vào này cũng không phản ánh các điều kiện để được cấp phép tại Điều 24 của Luật Trồng trọt, thậm chí còn là những yêu cầu vượt hơn so với Luật như phải thêm phiếu kết quả kiểm nghiệm sạch bệnh. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ toàn bộ các nội dung về tài liệu nộp kèm trong các Mẫu 01, 02 và 03 của Phụ lục IV.

  1. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính

Điều 7.3.a quy định về trình tự cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng. Trong đó, mới chỉ quy định 2 khoảng thời gian là (1) từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến khi Cục Trồng trọt thành lập tổ thẩm định là 10 ngày, và (2) từ khi có kết quả thẩm định đáp ứng đủ điều kiện cho đến khi cấp Quyết định là 03 ngày. Như vậy, Điều 7.3.a vẫn thiếu quy định về khoảng thời gian từ khi thành lập tổ thẩm định cho đến khi tổ cho ra kết quả thẩm định. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời gian thẩm định tại Điều 7.3.a.

Góp ý tương tự đối với Điều 9.2 về cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng.

Điều 11.2.b cũng mới chỉ quy định thời hạn từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho đến khi Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng Bộ NNPTNT, chứ chưa quy định thời gian từ khi trình đến khi Bộ trưởng phải trả lời doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung khoảng thời gian này.

  1. Mẫu văn bản đề nghị cấp phép xuất khẩu/ nhập khẩu giống cây trồng

Thứ nhất, Mẫu số 01 Phụ lục VIII về mẫu văn bản đề nghị cấp phép xuất khẩu giống cây trồng và Mẫu 01 Phụ lục IX về mẫu văn bản đề nghị nhập khẩu giống cây trồng yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai cả thời gian xuất/nhập khẩu và cửa khẩu xuất/nhập. Thông thường, khi nhập/xuất giống cây trồng theo giấy phép, doanh nghiệp phải xin được giấy phép mới dám thực hiện việc gửi hàng. Tại thời điểm xin phép, doanh nghiệp khó có thể biết được chính xác thời gian và cửa khẩu xuất/ nhập. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung tại Mẫu 01 Phụ lục VIII và Mẫu 01 Phụ lục IX.

Thứ hai, Mẫu 01 Phụ lục VIII yêu cầu doanh nghiệp nộp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư; Mẫu 01 Phụ lục IX yêu cầu nộp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, Điều 11 và Điều 12 Dự thảo quy định về thành phần hồ sơ không yêu cầu những giấy tờ này. Như vậy, hai mẫu văn bản này đã yêu cầu thêm giấy tờ so với quy định tại nội dung Dự thảo. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các thành phần hồ sơ vượt quá trên trong Mẫu 01 Phụ lục VIII và Mẫu 01 Phụ lục IX.

Thứ ba, Mẫu 01 yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết báo cáo kết quả xuất khẩu giống về Cục trồng trọt. Trong khi đó, cả Luật Trồng trọt và Dự thảo Nghị định này không hề quy định nghĩa vụ báo cáo này. Như vậy, Mẫu đơn đã đưa thêm nghĩa vụ cho doanh nghiệp nằm ngoài quy định của pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung cam kết của doanh nghiệp trong Mẫu đơn.

Tương tự, Mẫu 01, Phụ lục IX cũng yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết các nội dung nằm ngoài yêu cầu của pháp luật: “Chúng tôi xin cam kết: Giống cây trồng đề nghị nhập khẩu trên không phải là cây trồng biến đổi gen (GMO); không thuộc nhóm cây có chứa chất ma túy; không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Báo cáo kết quả nhập khẩu và kết quả sử dụng giống về Cục Trồng trọt.Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các nội dung cam kết của doanh nghiệp trong Mẫu đơn.

  1. Trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng

Điều 11 Dự thảo quy định về thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng. Theo đó, cơ quan tiếp nhận sẽ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ theo Điều 2 của Dự thảo, sau đó sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ. Trong giai đoạn thẩm định hồ sơ lại có quy định cho phép yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ. Như vậy, có sự trùng lặp nội dung công việc giữa giai đoạn kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và công đoạn thẩm định hồ sơ. Quy định này còn cho phép cơ quan cấp phép được yêu cầu điều chỉnh, bổ sung hồ sơ hai lần, vi phạm nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 11 theo hướng, cơ quan tiếp nhận chỉ được yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ một lần.

Góp ý tương tự với trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu giống cây trồng quy định tại Điều 12. 2 Dự thảo.

  1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Điều 13 của Dự thảo hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Điều 56.1 của Luật Trồng trọt. Dự thảo đang đưa ra cơ chế là các cơ quan nhà nước sẽ ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở 4 cấp: toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong đó, Kế hoạch cấp toàn quốc sẽ phân hạn mức diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng tỉnh thành, Kế hoạch cấp tỉnh sẽ phân hạn mức diện tích cho từng huyện, Kế hoạch cấp huyện phân hạn mức cho từng xã. Riêng Kế hoạch cấp xã thì không chỉ xác định hạn mức diện tích mà còn phân định rõ luôn thửa đất nào được phép chuyển đổi.

Việc giao quyền cho UBND cấp xã phân định thửa đất nào được phép/không được phép chuyển đổi trong các bản Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ tạo nguy cơ rất lớn cho tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ cấp xã hoàn toàn tuỳ nghi trong việc đưa thửa ruộng của hộ này vào Kế hoạch, loại thửa ruộng của hộ kia ra khỏi Kế hoạch mà không dựa trên những tiêu chí minh bạch. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về việc UBND cấp xã can thiệp trực tiếp đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của từng thửa ruộng.

Các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện quy định về hạn mức diện tích chuyển đổi cho từng khu vực. Quy định này dường như đã can thiệp quá mức vào cung cầu, đi ngược lại các quy luật của kinh tế thị trường. Trong khi đó, Nghị quyết TW 5 khoá XII, nêu rõ chủ trương của Đảng hiện nay là tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường, việc phân bổ các nguồn lực dựa vào cơ chế thị trường thay vì dựa vào mệnh lệnh hành chính của Nhà nước.

Mục đích cốt lõi của chính sách duy trì đất trồng lúa hiện nay là nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa gạo của Việt Nam đạt khoảng 45 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Như vậy, chủ trương cho phép chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang một số loại cây trồng, thuỷ sản khác mà vẫn duy trì khả năng quay lại trồng lúa là rất phù hợp tại Luật Trồng trọt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của chính sách này là cụ thể hoá khái niệm “không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại” tại Điều 56.1.d của Luật Trồng trọt. Có thể quan niệm “đất có khả năng trồng lúa” là một loại tài nguyên giúp bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, các biện pháp quản lý chỉ cần duy trì, không làm mất đi loại tài nguyên này, còn việc phân bổ, sử dụng tài nguyên này vào mục đích trồng lúa hay các loại cây trồng, thuỷ sản khác thì nên để thị trường tự quyết định.

Với những lập luận trên, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Điều 13 của Dự thảo theo hướng như sau:

  • Bỏ việc can thiệp vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, không can thiệp vào việc quyết định từng thửa đất nào được chuyển đổi, cũng như hạn mức của việc chuyển đổi. Tất cả những việc này sẽ do thị trường tự quyết định.
  • Cụ thể hoá các khái niệm “không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại” bằng việc xác định các điều kiện để được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ví dụ, quy định cụ thể danh sách các loại cây trồng, thuỷ sản nuôi được phép chuyển đổi, quy định các biện pháp cải tạo đất, sử dụng nước, phân bón, chất hoá học được phép sử dụng… mà vẫn bảo đảm khả năng trồng lúa khi cần thiết.
  • Người sử dụng đất đáp ứng các điều kiện trên và làm đơn đăng ký với thủ tục minh bạch đều được phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.