VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Kiến trúc

Thứ Ba 11:17 17-07-2018

Kính gửi: Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng

Trả lời Công văn số 1229/BXD-QHKT của Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Kiến trúc (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

I. Về sự cần thiết ban hành Luật

Theo Dự thảo, Luật này điều chỉnh vấn đề quản lý Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan tới hoạt động kiến trúc với tính chất là “sản phẩm của một loại hình nghệ thuật, kết hợp với kỹ thuật công nghệ để xây dựng các công trình đáp ứng yêu cầu sử dụng, bền vững, kinh tế và thẩm mỹ”(Điều 1 và khoản 1 Điều 3).

Như vậy, có thể thấy về mặt bản chất, kiến trúc là một sản phẩm xây dựng (công trình xây dựng). Mặc dù ở sản phẩm này yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật suy đoán được nhấn mạnh/chú trọng hơn, cần lưu ý rằng mọi công trình xây dựng đều có kiến trúc của nó (với tính chất là “cấu trúc kiến thiết của công trình”), kiến trúc đó được đánh giá là đẹp hay không đẹp (từ góc độ thẩm mỹ), hợp lý hay không hợp lý (từ góc độ kinh tế), thuận lợi hay không thuận lợi (từ góc độ chức năng sử dụng) tùy tiêu chí đánh giá và chủ thể đánh giá. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi bản chất của công trình. Nói cách khác, yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật chỉ là yếu tố bên ngoài – một công trình kiến trúc không đẹp/thẩm mỹ không có nghĩa đó không phải công trình có kiến trúc, chỉ có điều kiến trúc đó không đẹp mà thôi. .

Về mặt pháp luật, hoạt động xây dựng các công trình hiện đang được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch …), với mục tiêu quản lý quan trọng nhất là đảm bảo công trình đó khi đưa vào sử dụng đảm bảo phù hợp với quy hoạch, an toàn cho người sử dụng (thẩm mỹ không phải mục tiêu quản lý của Nhà nước, ngoại trừ yếu tố thẩm mỹ nằm trong khía cạnh quy hoạch, đã được điều chỉnh trong quy hoạch).

Theo các văn bản đang có này, về quản lý Nhà nước, yếu tố về mặt kiến trúc đã điểu chỉnh tại các quy định quản lý việc xây dựng các công trình ở tất cả các giai đoạn như quy hoạch xây dựng, cấp phép quy hoạch xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở … . Về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan, cụ thể là việc hành nghề kiến trúc (tiêu chuẩn của người hành nghề, điều kiện cũng như thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề), thi tuyển phương án kiến trúc đều đã được quy định rất chi tiết, cụ thể tại các văn bản trong hệ thống pháp luật về xây dựng. Nói cách khác, các vấn đề về quản lý Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến kiến trúc dự kiến quy định trong Luật này đều là các vấn đề đã được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng hiện hành.

Tờ trình cũng nêu một số vướng mắc, bất cập liên quan đến chất lượng của kiến trúc sư, hành nghề kiến trúc, … Tuy nhiên, việc khắc phục những bất cập này hoàn toàn có thể thực hiện được theo cách thông thường (rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật chưa phù hợp) thay vì xây dựng một Luật mới cho một nhóm vấn đề vốn không có đặc trưng riêng biệt, lại kéo theo một hệ thống nhiều văn bản hướng dẫn khác, rất tốn kém về thời gian và nhân lực trong khi lại tạo ra nguy cơ chồng chéo, mâu thuẫn.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát thận trọng và đầy đủ hơn về sự cần thiết ban hành Luật này. Trường hợp không kết luận được về sự cần thiết, đề nghị Ban soạn thảo chủ động đề xuất với Chính phủ và Quốc hội dừng Dự án Luật này, thay thế bằng Dự án sửa đổi các quy định bất cập liên quan tới kiến trúc trong các văn bản pháp luật hiện hành.

II. Góp ý chi tiết

(Những góp ý này chỉ thuần túy về kỹ thuật, không ảnh hưởng tới các bình luận ở trên, và chỉ áp dụng cho Dự thảo nếu Ban soạn thảo giải trình được một cách thuyết phục về sự cần thiết ban hành Luật này)

  1. Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5)

Điều 5 Dự thảo quy định về những hành vi bị nghiêm cấm đối với kiến trúc sư khi hành nghề và đối với chủ đầu tư dự án công trình xây dựng, trong đó có một số hành vi chưa hợp lý, ví dụ:

  • Những hành vi thực chất là quan hệ giữa các chủ thể trong giao dịch dân sự, đã được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự theo hướng tôn trọng quyền tự do thỏa thuận mà Nhà nước không cần/không nên can thiệp như:
  • Tiết lộ thông tin về hồ sơ thiết kế cho bên thứ ba trong khi hành nghề trừ trường hợp khác được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác (điểm c khoản 1)
  • Chuyển giao công việc mà đã nhận cho kiến trúc sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng (điểm e khoản 1)
  • Không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng; có những yêu cầu chi trả kinh phí cho các chủ đầu tư ngoài giá trị hợp đồng (điểm b khoản 2)
  • Những hành vi đã được điều chỉnh bởi các hệ thống pháp luật khác, cụ thể:
  • Vi phạm các điều cấm trong Luật sở hữu trí tuệ và Luật cạnh tranh trong khi hành nghề (điểm d khoản 1) – thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ và Luật cạnh tranh;
  • Cố ý cung cấp tài liệu, số liệu giả, sai sự thật, lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng kém chất lượng không phù hợp quy chuẩn, vi phạm bản quyền trái với các quy định của pháp luật liên quan (điểm a khoản 2 ) – thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật xây dựng, Luật sở hữu trí tuệ;
  • Những hành vi bị nghiêm cấm đối với công chức viên chức của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng (khoản 3) – thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật xây dựng, Luật cán bộ công chức
  • Quy định “Không được vừa thiết kế vừa thi công công trình trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật liên quan” (điểm g khoản 1) dường như là chưa hợp lý, vì không nhận thấy nguy cơ đáng kể nào nếu kiến trúc sư trực tiếp thi công công trình và không rõ tại sao lại cấm hành vi này.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ tất cả các hành vi được liệt kê ở trên.

  1. Thủ tục mới liên quan đến đầu tư xây dựng

Dự thảo quy định:

  • Đối với công trình xây dựng mới tạo điểm nhấn phải được tham vấn ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (điểm b khoản 2 Điều 6)
  • Đối với công trình xây dựng mới xen cài trong đô thị cổ, trong trường hợp phố cổ chưa được công nhận là di sản thì việc xem xét xây dựng mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi có ý kiến của Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc, Hội đồng di sản và ý kiến cộng đồng (điểm b khoản 3 Điều 6)
  • Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và hướng dẫn tổ chức thực hiện Chính sách phát triển kiến trúc, quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chủ đầu tư đối với công trình kiến trúc (khoản 2 Điều 12)

Đây là những thủ tục mới bổ sung bên cạnh thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng hiện hành. Với quy định trên của Dự thảo, khi xây dựng các công trình, chủ đầu tư phải thực hiện thêm các thủ tục (tham vấn ý kiến của các chủ thể có liên quan; phải xin ý kiến chấp thuận của các chủ thể có thẩm quyền, …). Điều này sẽ khiến cho quy trình thực hiện một dự án đầu tư bị kéo dài và ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của chủ đầu tư.

Trong khi đó, mục tiêu cũng như phạm vi của các thủ tục bổ sung này lại không rõ ràng, thiếu minh bạch. Ví dụ:

  • Thế nào được xem là công trình “tạo điểm nhấn”? cơ quan chuyên môn là cơ quan nào (chuyên môn xây dựng hay chuyên môn về yếu tố có tính “điểm nhấn”?) và cơ quan này dựa vào tiêu chí nào để cho ý kiến đồng ý hay không đồng ý (chú ý là không phải cơ quan chuyên môn nào cũng có thể đưa ra ý kiến chính xác tuyệt đối về vấn đề thẩm mỹ)
  • Đối với công trình mới trong đô thị cổ chưa được công nhận di sản: Cơ quan nào sẽ quyết định rằng đó là đô thị cổ? Hội đồng Kiến trúc dựa vào tiêu chí nào để đồng ý hay không đồng ý? (tiêu chí đó có khác so với tiêu chí mà cơ quan có thẩm quyền sử dụng để cho phép hay từ chối hay không? Nếu giống thì tại sao cần 2 cơ quan cho ý kiến trong khi Cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể trưng cầu ý kiến của Hội đồng kiến trúc trong quá trình thực hiện thủ tục phê chuẩn thông thường?)
  • Trách nhiệm, quyền hạn của chủ đầu tư đối với công trình kiến trúc: Như trên đã đề cập, ngoại trừ yếu tố kiến trúc nằm trong quy hoạch, các vấn đề kiến trúc khác thuộc về xây dựng, chủ đầu tư chỉ phải chịu trách nhiệm với công trình từ góc độ kỹ thuật (tính an toàn, bảo đảm các thủ tục xây dựng, tuân thủ quy hoạch…) chứ không thể bị ràng buộc trách nhiệm đối với kiến trúc của công trình nhìn từ góc độ thẩm mỹ, nghệ thuật được. Chính sách phát triển kiến trúc (ở đây chỉ nhìn từ góc độ thẩm mỹ, nghệ thuật) có thể là cần thiết, nhưng chính sách đó chỉ có thể đặt ra các mục tiêu, dự kiến các biện pháp nhằm khuyến khích các chủ thể thực hiện mục tiêu đó chứ không thể ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể này được.

Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta, thì việc bổ sung thêm quy trình thủ tục khi chưa đánh giá kĩ càng về mức độ tác động của quy định, dường như đi ngược lại chủ trương của Chính phủ.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và giải trình rõ những vấn đề trên. Trong trường hợp có thể giải trình hợp lý và thuyết phục về sự cần thiết phải có những thủ tục này thì đề nghị xây dựng theo hướng lồng ghép vào các thủ tục hiện có để tránh phát sinh những thủ tục mới.

  1. Thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc (Mục 4 Chương II)
    a. Các loại công trình phải tổ chức thi tuyển:

Khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định các loại công trình phải tổ chức thi tuyển gồm:

  • Công trình công cộng có quy mô lớn
  • Công trình văn hóa lịch sử, công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng của đô thị
  • Công trình điểm nhấn
  • Công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thu phải tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số vấn đề sau:

  • Đối tượng phải tổ chức thi tuyển: Dự thảo quy định các loại công trình phải thi tuyển, có nghĩa các công trình thuộc đối tượng được liệt kê là phải tổ chức thi tuyển không phân biệt nguồn gốc vốn. Việc yêu cầu các công trình vốn tư nhân phải tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc là chưa hợp lý, can thiệp vào quyền tự chủ của nhà đầu tư. Tính thẩm mỹ của công trình là do chủ đầu tư quyết định, và như đã đề cập, Nhà nước không thể can thiệp hay áp đặt tiêu chuẩn nào về thẩm mỹ, nghệ thuật đối với công trình, vì vậy chủ đầu tư có quyền đương nhiên trong việc lựa chọn cách thức tìm kiếm và giao dịch với các bên cung cấp dịch vụ kiến trúc. Yêu cầu bắt buộc về cách thức tìm kiếm phương án kiến trúc là can thiệp trực tiếp và nghiêm trọng vào quyền tự chủ này của các chủ thể;
  • Quy định trên có một số khái niệm chưa đủ rõ ràng, chưa tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, vì vậy có thể khó khăn trong quá trình triển khai, ví dụ: như thế nào được cho là “công trình có quy mô lớn?”, “công trình có điểm nhấn?”, các công trình nào phải có yêu cầu kiến trúc đặc thù?

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo quy định việc tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc chỉ áp dụng cho các công trình sử dụng vốn ngân sách, đồng thời quy định rõ các khái niệm trên.

b. Hình thức, tổ chức thi tuyển, tuyển chọn (Điều 15)

Khoản 1 Điều 15 Dự thảo quy định “yêu cầu có tối thiểu 05 phương án kiến trúc đề xuất của các tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế có đủ năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định của pháp luật hiện hành để chủ đầu tư lựa chọn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Yêu cầu phải có tối thiểu 05 phương án kiến trúc đề xuất trong mỗi lần thi tuyển là chưa phù hợp bởi:

  • Yêu cầu này can thiệp quá mức vào quyền tự do chủ đầu tư trong lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc đối với công trình của mình;
  • Yêu cầu này không nhằm bảo vệ một lợi ích công cộng nào: Nếu chỉ có 2 hoặc 1 phương án kiến trúc thì có gì cho thấy lợi ích công cộng sẽ bị ảnh hưởng? Ngược lại, việc có 5 hoặc nhiều hơn 5 phương án kiến trúc, có gì bảo đảm rằng phương án được lựa chọn nhất định đẹp hoặc phù hợp thẩm mỹ công cộng?
  • Yêu cầu này không khả thi bởi chủ đầu tư không thể kiểm soát được số lượng cá nhân, tổ chức tham gia thi tuyển. Nếu không đạt được số lượng tối thiểu này, chủ đầu tư sẽ phải dừng việc xây dựng công trình chăng?

Từ các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về giới hạn tối thiểu phương án kiến trúc đề xuất của các tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế tham gia.

c. Thi tuyển hạn chế

Đoạn 2 khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định “thi tuyển hạn chế được áp dụng trong trường hợp công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc có tính đặc thù riêng mà chỉ có một số tổ chức, cá nhân đáp ứng được hoặc vì điều kiện không thể tổ chức thi tuyển rộng rãi và hình thức tuyển chọn”.

Quy định này chưa rõ ràng ở điểm, như thế nào được cho là “điều kiện không thể tổ chức thi tuyển rộng rãi”? Việc thiếu rõ ràng trong quy định này có thể khiến cho việc dễ bị lạm dụng việc thi tuyển hạn chế và giảm ý nghĩa của quy định về hình thức thi tuyển công khai.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ khái niệm này, trong trường hợp không quy định rõ được, đề nghị bỏ quy định này.

  1. Hành nghề kiến trúc (Chương III)
    a. Kiến trúc sư được miễn cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc và đăng ký hành nghề kiến trúc

Khoản 2 Điều 21 Dự thảo quy định “Người đã có giải thưởng hạng Nhất kiến trúc quốc gia, đã đoạt giải thưởng quốc tế; đã chủ nhiệm, chủ trì nhiều đồ án, thiết kế công trình đã được xây dựng”.

Khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định “Người không đăng ký không được đảm nhiệm chức danh chủ nhiệm, chủ trì thiết kế”.

Hai quy định này là mâu thuẫn nhau, vì nếu đáp ứng theo khoản 2 Điều 22 thì không thể đáp ứng được quy định tại khoản 2 Điều 21, vì muốn đăng ký hành nghề thì phải có chứng chỉ, có chứng chỉ thì mới được đảm nhiệm chức danh chủ nhiệm, chủ trì thiết kế. Trong khi đó, khoản 2 Điều 21 lại áp dụng cho người không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tức là không đăng ký, nhưng vẫn làm chủ nhiệm, chủ trì đồ án thiết kế.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại hai quy định trên để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định trong Dự thảo.

b. Hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 24)

  • Về điều kiện hành nghề:

Một trong những điều kiện của người nước ngoài được hành nghề kiến trúc sư tại Việt Nam là “Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Việc có cam kết hay không thì người nước ngoài hành nghề kiến trúc tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Đây là nghĩa vụ đương nhiên. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

  • Về phạm vi hành nghề:

Khoản 2 Điều 24 Dự thảo quy định phạm vi hành nghề kiến trúc của người nước ngoài đã có chứng chỉ ở Việt Nam thực hiện theo phạm vi hành nghề quy định tại Điều 18 Dự thảo – tức là hoàn toàn bình đẳng với kiến trúc sư Việt Nam.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo cam kết WTO của Việt Nam thì dịch vụ kiến trúc chưa mở cửa hoàn toàn, ví dụ:

+ trường hợp kiến trúc sư làm việc trong doanh nghiệp kiến trúc FDI: bản thân doanh nghiệp đó phải được thành lập bởi nhà đầu tư có tư cách pháp nhân theo pháp luật nơi nhà đầu tư có quốc tịch (chứ không thể là nhà đầu tư tư nhân);

+ trường hợp kiến trúc sư cung cấp dịch vụ kiến trúc qua biên giới (ở nước khác nhưng cung cấp dịch vụ cho khách hàng Việt Nam): Việt Nam chưa cam kết mở cửa

+ trường hợp kiến trúc sư cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị thì (i) sản phẩm dịch vụ của kiến trúc sư nước ngoài phải được kiến trúc sư Việt Nam làm việc trong một pháp nhân xác nhận; (ii) không được phép cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn nhạy cảm về an ninh, ổn định xã hội.

Tất nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể mở cửa rộng hơn cam kết, trong những khía cạnh thích hợp. Do đó, bằng Luật này, Việt Nam hoàn toàn có thể mở cửa rộng hơn cam kết cho dịch vụ kiến trúc từ nước ngoài. Mặc dù vậy, điều này, nếu có, phải được thực hiện trên cơ sở nhận biết rõ đây là việc mở cửa sớm hơn cam kết. Ngoài ra, một số giới hạn của cam kết WTO có thể thực sự cần thiết (ví dụ hạn chế quyền hoạt động ở một số địa bàn nhạy cảm về an ninh…), việc tự nguyện bỏ cam kết này cần được cân nhắc cẩn trọng.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giải trình cụ thể về quy định này.

c. Cơ quan cấp chứng chỉ kiến trúc sư (Điều 25)

  • Về quyền lựa chọn của người xin cấp chứng chỉ:

Khoản 1 Điều 25 Dự thảo quy định “Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư là cơ quan quản lý nhà nước, hội xã hội nghề nghiệp”. Quy định này được hiểu, có hai chủ thể có thẩm quyền cấp chứng chỉ kiến trúc sư, tuy nhiên lại không quy định rõ về quyền của người đề nghị trong lựa chọn cơ quan cấp chứng chỉ.

  • Về thủ tục cấp chứng chỉ:

Điều 27, 29 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh nội dung Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư do Hội Kiến trúc sư Việt Nam cấp. Như vậy không rõ trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ kiến trúc sơ do cơ quan nhà nước cấp là như thế nào?

Để đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định thống nhất việc cấp chứng chỉ kiến trúc sư do Hội xã hội nghề nghiệp, cụ thể là Hội Kiến trúc sư cấp, tức là bỏ trường hợp do cơ quan nhà nước cấp.

d. Về hành nghề kiến trúc sư

Để được hành nghề kiến trúc sư, Dự thảo đang thiết kế theo hướng:

  • Người đủ tiêu chuẩn sẽ phải thực hiện thủ tục để được cấp Chứng chỉ hành nghề kiến trúc
  • Người có Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư sẽ phải đăng ký hành nghề kiến trúc sư
  • Người có Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư gia nhập một Đoàn kiến trúc sư
  • Đoàn kiến trúc sư sẽ cấp thẻ kiến trúc sư

Theo quy định trên thì kiến trúc sư đang được quản lý tương tự với luật sư và so với quy định hiện hành về quản lý đối với kiến trúc sư thì người hành nghề kiến trúc sư phải thực hiện thêm thủ tục gia nhập Đoàn kiến trúc để được cấp thẻ kiến trúc sư và đăng ký hành nghề kiến trúc sư (trong khi đó theo quy định hiện hành, khi được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư (nằm trong chứng chỉ hoạt động xây dựng) các cá nhân có thể hoạt động trong lĩnh vực này).

Cần chú ý rằng cho đến nay trong số các dịch vụ chuyên môn, duy nhất chỉ có dịch vụ pháp lý (luật sư) là có cơ chế quản lý theo Đoàn luật sư xuất phát từ (i) tính chất của nghề nghiệp (có liên quan tới trật tự pháp luật của toàn hệ thống Nhà nước); (ii) thông lệ thế giới (quản lý ngành nghề luật sư theo Đoàn luật sư). Ngoài ra, quy định này cũng phải dựa trên lịch sử và điều kiện thực tế: hệ thống đoàn luật sư đã được tổ chức chặt chẽ ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đã có kinh nghiệm và vận hành ổn định.

Trong khi đó, việc bổ sung thêm thủ tục “đăng ký với Đoàn kiến trúc” đối với người hành nghề kiến trúc như trong Dự thảo là dựa trên lý do gì, nhằm mục đích gì và đã tính toán tới tính khả thi chưa?

Việc phát sinh thêm thủ tục hành chính trong khi không có giải trình về mục đích quản lý sẽ khiến cho hoạt động hành nghề của kiến trúc sư gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét thiết kế quy định theo hướng kiến trúc sư chỉ cần phải thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư là có thể hoạt động trong lĩnh vực này mà không cần phải thực hiện thêm thủ tục nào khác.

e. Tổ chức hành nghề kiến trúc (Mục 3 Chương III)

Theo quy định tại Dự thảo thì tổ chức hành nghề kiến trúc phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có tư cách pháp nhân
  • Đủ điều kiện về số lượng, năng lực chuyên môn của cá nhân tham gia lập phương án kiến trúc, năng lực quản lý
  • Các điều kiện kỹ thuật phù hợp với với công việc đảm nhận
  • Cá nhân chủ chốt phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp và có năng lực phù hợp với công việc được đảm nhiệm
  • Tổ chức hành nghề tư vấn kiến trúc phải đăng ký, đăng tải thông tin, công khai trên Cổng thông tin điện tử

Phần lớn các điều kiện trên là thiếu rõ ràng về các khái niệm, ví dụ, như thế nào được cho là đủ điều kiện về “số lượng, năng lực chuyên môn của cá nhân tham gia lập phương án kiến trúc?”; các điều kiện kỹ thuật như thế nào thì phù hợp với công việc đảm nhận? Các cá nhân ở vị trí nào được cho là cá nhân chủ chốt?

Đối với tổ chức hành nghề tư vấn kiến trúc thì phải đăng ký như thế nào? Những tổ chức hành nghề kiến trúc khác thì có cần đăng ký không hay chỉ cần đáp ứng điều kiện mà không cần phải thực hiện bất kì thủ tục nào?

Để đảm bảo thuận lợi thực hiện trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.

Riêng đối với điều kiện “phải có tư cách pháp nhân”:

  • Điều kiện này được hiểu là tổ chức hành nghề kiến trúc bắt buộc phải được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Và theo pháp luật dân sự, điều này có ý nghĩa là tổ chức kiến trúc chỉ chịu trách nhiệm giới hạn ở tài sản được góp vốn vào tổ chức.
  • Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, tương tự như nhiều ngành nghề chuyên môn khác (pháp lý, y dược…), tổ chức hành nghề kiến trúc thường lựa chọn hình thức có trách nhiệm vô hạn để tăng niềm tin của khách hàng và trách nhiệm của người hành nghề. Tất nhiên, trong thông lệ quốc tế, các tổ chức này vẫn có thể lựa chọn mô hình trách nhiệm hữu hạn – có tư cách pháp nhân. Từ góc độ an toàn cho xã hội và lợi ích của người sử dụng dịch vụ thì trường hợp tổ chức kiến trúc chịu trách nhiệm tới cùng bằng tài sản của các thành viên sẽ có lợi hơn là tổ chức kiến trúc chỉ chịu trách nhiệm trong khuôn khổ tài sản của tổ chức.

Vậy, không rõ lý do gì mà ở đây Dự thảo lại bắt buộc tổ chức kiến trúc phải có tư cách pháp nhân, tức là lựa chọn bất lợi hơn cho người sử dụng dịch vụ và người tiêu dùng thay vì để tổ chức kiến trúc tự lựa chọn?

Đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn về lựa chọn này. Trường hợp không giải trình được thì đề nghị bỏ quy định này.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật kiến trúc. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan

Dự thảo Luật Kiến trúc