Vụ tranh chấp “VCPMC-Khách sạn” trong “Vòng luẩn quẩn”

Thứ Năm 16:57 19-10-2017

VỤ TRANH CHẤP ‘VCPMC-KHÁCH SẠN’

TRONG ‘VÒNG LUẨN QUẨN’

Đỗ Khắc Chiến

Chuyên gia sở hữu trí tuệ

                                                   Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Với tuyên bố ngày 11 tháng 9 năm 2017 của VCPMC về tiếp tục thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trên TV lắp đặt trong phòng ngủ khách sạn từ tháng 10 năm 2017, vụ tranh chấp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và một số khách sạn tại Thành phố Đà Nẵng đã quay trở lại vạch xuất phát ngày 26 tháng 4 năm 2017 và bắt đầu đi vào vòng luẩn quẩn.

Chu kỳ xoay của vòng luẩn quẩn đi qua bốn điểm mốc chính: (i) VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền, (ii) khách sạn phản đối và dư luận bức xúc, (iii) cơ quan quản lý nhà nước “tuýt còi”, (iv) VCPMC tạm dừng thu tiền, xử lý sự cố để được tiếp tục thu tiền.

Vòng thứ nhất đã kết thúc

Ngày 26 tháng 4 năm 2017, VCPMC gửi công văn yêu cầu các khách sạn ở Thành phố Đà Nẵng trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, với khoản tiền được tính bằng 25.000 đồng/năm nhân với số TV lắp đặt trong phòng ngủ khách sạn.

Ngay sau đó, trên phương tiện đại chúng một số khách sạn đã công khai phản đối yêu cầu trả tiền của VCPMC và tiếp tục việc sử dụng tác phẩm.

Những ngày tiếp theo, dư luận đã bầy tỏ sự quan tâm tới chủ đề tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc tại khách sạn, trong đó rất nhiều ý kiến tỏ ra bất bình và bức xúc trước yêu cầu của VCPMC.

Ngày 26 tháng 5 năm 2017, Cục Bản quyền tác giả đã yêu cầu CPMC tạm dừng ngay việc thu tiền và thực hiện một số công việc mà Cục yêu cầu.

Ngay lập tức, VCPMC đã dừng thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc tại khách sạn trong cả nước, không chỉ tại khách sạn ở Đà Nẵng.

Ngày 18 tháng 8 năm 2017, VCPMC và Cục Bản quyền tác giả đã có cuộc họp về các công việc mà VCPMC phải thực hiện liên quan đến vấn đề tiếp tục thu tiền.

Vòng thứ hai đã bắt đầu

Ngày 11 tháng 9 năm 2017, VCPMC họp báo tuyên bố được cho phép tiếp tục thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trên TV tại phòng ngủ khách sạn và dự kiến thực hiện từ tháng 10 năm 2017.

Ngày 12 tháng 9 năm 2017, Cục Bản quyền tác giả thông tin với báo chí một số nội dung liên quan đến tuyên bố của VCPMC, cụ thể như sau:

  • Cục không có quyết định cho phép hay không cho phép VCPMC tiếp tục thu tiền;
  • tại cuộc họp ngày 18 tháng 8 Cục chỉ nhắc lại các yêu cầu trước đây đối với VCPMC;
  • VCPMC phải chịu trách nhiệm về việc thu tiền đúng quy định của pháp luật; và
  • Cục Bản quyền tác giả cảnh báo nếu việc thu tiền của VCPMC lại gây bức xúc trong dư luận thì Cục sẽ lại “tuýt còi”.

Bà Dương Thị Thơ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng – cho biết, chiều 13 tháng 9, Ban Chấp hành hiệp hội đã họp và thống nhất gửi văn bản tới Sở Du lịch và các cơ quan liên quan từ chối yêu cầu của VCPMC.

Chiều 15 tháng 9, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết đã gửi công văn tới UBND Tp. Đà Nẵng, Sở Du lịch, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) từ chối yêu cầu thu phí tác quyền qua TV ở khách sạn.

Theo http://tuoitre.vn/lap-dong-ho-dem-bai-hat-cho-ti-vi-o-khach-san-20170915222847051.htm, trong ba ngày Tuổi trẻ Online đã nhận được 512 ý kiến của bạn đọc trước thông tin “thu phí nghe nhạc“. Trong đó chỉ có một ý kiến đồng ý với Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) muốn thu tiền tác quyền âm nhạc tại các khách sạn có ti vi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên.

Như vậy là rõ, vòng thứ hai của ‘vụ tranh chấp VCPMC-Khách sạn’ đã đi qua hai điểm mốc là (i) VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền và (ii) khách sạn phản đối và dư luận bức xúc (mà lần này bức xúc còn mạnh mẽ hơn nhiều so với vòng thứ nhất).

Nếu VCPMC quyết tâm thu tiền, vụ tranh chấp gần như chắc chắn đi tới điểm mốc (iii), tức là  Cục Bản quyền tác giả lại “tuýt còi”.

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn

Nếu Điều 33 Luật SHTT tiếp tục được VCPMC, các khách sạn và cơ quan quản lý nhà nước áp dụng làm cơ sở pháp luật để xử lý vụ tranh chấp thì chắc chắn vòng xoay luẩn quẩn mô tả ở trên sẽ không bao giờ dừng lại.

Bởi một lẽ rất đơn giản là phía khách sạn luôn có quyền từ chối thỏa thuận về khoản tiền VCPMC đưa ra mà không phải chịu bất kỳ một chế tài nào.

Lưu ý rằng trên thực tế không thể áp dụng Điều 33 Luật SHTT vì Điều 33 Luật SHTT không điều chỉnh bất kỳ một hành vi nào (xem bài ‘THỰC HƯ VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 33 LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ’ tại http://vibonline.com.vn/thuc-hu-viec-ap-dung-dieu-33-luat-so-huu-tri-tue.html, hoặc ‘Một “lỗi kỹ thuật” của Luật sở hữu trí tuệ’ tại http://enternews.vn/mot-loi-ky-thuat-cua-luat-so-huu-tri-tue-115898.html).

Ngược lại, nếu áp dụng Điều 20 Luật SHTT thì vụ tranh chấp có thể nhanh chóng thoát khỏi vòng luẩn quẩn.

Bởi một lẽ rất đơn giản là nếu các bên không thỏa thuận được hợp đồng sử dụng quyền tác giả, trong đó có thỏa thuận về khoản tiền mà bên sử dụng tác phẩm phải trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, thì việc sử dụng tác phẩm bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả và có thể bị xử lý theo quy định của Luật SHTT và quy định khác có liên quan của pháp luật.

Lưu ý rằng Điều 20 Luật SHTT là điều duy nhất trong Luật SHTT quy định về quyền tài sản của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả (xem bài ‘KHÔNG ÁP DỤNG ĐIỀU 20 THÌ TÁC GIẢ TRẮNG TAY’ tại http://vibonline.com.vn/khong-ap-dung-dieu-20-thi-tac-gia-trang-tay.html, hoặc http://viac.vn/goc-nhin-trong-tai-vien, hoặc http://www.tamnhin.net.vn/luat-shtt-khong-ap-dung-dieu-20-thi-tac-gia-trang-tay-d4985.html).

Thêm nữa, nếu không sử dụng công cụ pháp luật mà chỉ sử dụng diễn đàn thông tin đại chúng (Internet) để xử lý thì chắc chắn vấn đề càng phức tạp hơn, dư luận càng bức xúc hơn (xem bài ‘Sử dụng diễn đàn Internet để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả?’ tại  http://vibonline.com.vn/su-dung-dien-dan-internet-de-xu-ly-hanh-vi-xam-pham-quyen-tac-gia-2.html, hoặc http://viac.vn/goc-nhin-trong-tai-vien/ky-cuoi:-su-dung-dien-dan-internet-de-xu-ly-hanh-vi-xam-pham-quyen-tac-gia-a924.html).

Ghi chú

Mọi cá nhân hoặc tổ chức có thể sử dụng bài viết này dưới hình thức sao chép, với điều kiện tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, theo quy định tại Điều 19 Luật SHTT.