Râu ông nọ…

Thứ Năm 17:07 19-10-2017

RÂU ÔNG NỌ…

Đỗ Khắc Chiến

Chuyên gia sở hữu trí tuệ

                                    Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

 

Vào tháng 4 năm 2017, đã xảy ra vụ tranh chấp giữa Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và một số khách sạn tại Thành phố Đà Nẵng về tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong trường hợp khách lưu trú có thể tiếp cận tác phẩm âm nhạc qua TV lắp đặt tại phòng ngủ khách sạn (tranh chấp VCPMC-Khách sạn).

Hiển nhiên là cơ sở pháp luật, nếu có, của việc VCPMC thu tiền và khách sạn trả tiền phải là quy định của pháp luật, cụ thể là quy định của Luật sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) và/hoặc điều ước quốc tế có hiệu lực áp dụng đối với Việt Nam.

Điều đáng lưu ý là đã sáu tháng trôi qua từ khi xảy ra tranh chấp, cơ sở pháp luật nói trên vẫn chưa được làm rõ hoặc khẳng định, hai cách diễn giải khác nhau thậm chí trái ngược nhau còn đang để ngỏ, đó là:

  • một số ý kiến, trong đó có ý kiến của VCCPMC, khẳng định cơ sở pháp luật của việc thu-trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong vụ tranh chấp được quy định tại Điều 20 Luật SHTT; và
  • nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, khẳng định cơ sở pháp luật của việc thu-trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong vụ tranh chấp được quy định tại Điều 33 Luật SHTT, thông qua việc sử dụng ‘bản ghi âm, ghi hình’.

Quy định của Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan đang đứng trước một thử thách của thực tiễn mà tầm ảnh hưởng vượt rất xa ra ngoài phạm vi của vụ tranh chấp VCPMC-Khách sạn.

Thực chất của vấn đề tranh chấp và cũng là nguồn gốc của sự trái ngược về ý kiến là cách hiểu về nguyên lý cơ bản của hệ thống bảo hộ quyền tác giả.

Về mặt khoa học pháp lý, ý kiến khẳng định Điều 33 Luật SHTT chứng tỏ nguyên lý cơ bản của hệ thống bảo hộ quyền tác giả đã bị hiểu sai hoặc bỏ qua.

Nguyên lý cơ bản đó được quy định rõ ràng tại khoản 1 Điều 6 Luật SHTT và Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (Công ước Berne), theo đó đối tượng bảo hộ của quyền tác giả là tác phẩm, bất kể được thể hiện dưới hình thức nào hoặc bằng phương tiện gì.

Hệ quả tất yếu của nguyên lý trên là các quyền thuộc quyền tác giả cũng không phụ thuộc vào hình thức hoặc phương tiện thể hiện tác phẩm.

Ví dụ, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định tại điểm b) khoản 1 Điều 20 Luật SHTT và quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng quy định tại điểm đ) khoản 1 Điều 20 Luật SHTT tuyệt đối không phụ thuộc vào việc âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm được định hình dưới hình thức nào hoặc bằng phương tiện gì.

Hành vi mà các quyền nói trên điều chỉnh chỉ là hành vi làm cho công chúng có thể nghe được âm thanh hoặc nhìn thấy hình ảnh hoặc nghe được và nhìn thấy cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm.

Vì vậy, trong trường hợp của vụ tranh chấp VCPMC-Khách sạn, việc người lưu trú trong phòng ngủ khách sạn có thể nghe được âm thanh của tác phẩm âm nhạc chắc chắn thuộc phạm vi quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, tuyệt đối không phụ thuộc vào việc âm thanh của tác phẩm âm nhạc có thể được định hình trước trong ‘bản ghi âm, ghi hình’, chương trình truyền hình hoặc dữ liệu số.

Xin lưu ý rằng phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng của Điều 20 Luật SHTT rất rộng, bao gồm:

  • tất cả các loại hình tác phẩm, không chỉ tác phẩm âm nhạc như trong vụ tranh chấp VCPMC-Khách sạn;
  • Tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả được bảo hộ, bất kể trong nước hoặc nước ngoài;
  • tất cả người sử dụng, không chỉ khách sạn như trong vụ tranh chấp VCPMC-Khách sạn.

Ngược lại, nếu áp dụng Điều 33 Luật SHTT vào vụ tranh chấp VCPMC-Khách sạn, quyền được Luật SHTT và Công ước Berne bảo hộ của chủ sở hữu quyền tác giả bị cắt giảm nghiêm trọng, cụ thể là:

  • độc quyền cho phép sử dụng tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả bị lệ thuộc hoàn toàn vào quyền của ‘nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình‘ và chủ sở hữu quyền tác giả chỉ còn quyền được nhận tiền sử dụng tác phẩm khi ‘bản ghi âm, ghi hình’ được sử dụng để ‘phát sóng’ hoặc sử dụng ‘trong hoạt động kinh doanh, thương mại’; và
  • quyền của chủ sở hữu quyền tác giả còn bị phân biệt đối xử theo cách bất lợi hơn so với quyền của các chủ thể quyền liên quan, vì khoản 3 Điều 33 Luật SHTT chỉ quy định “Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng”, nhưng không đề cập đến trường hợp sử dụng tác phẩm, đến quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.

Có thể vẫn cần khẳng định một lần nữa rằng theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật SHTT và Điều 1 Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome) thì mọi ý định hoặc nỗ lực nhằm áp đặt việc áp dụng quy định về quyền liên quan nói chung và quy định tại Điều 33 Luật SHTT nói riêng vào quan hệ về quyền tác giả trong vụ tranh chấp VCPMC-Khách sạn chẳng khác nào làm việc mà dân gian thường nói một cách hài hước bằng hình ảnh ‘râu ông nọ…’.

Thiết nghĩ, tuy là muộn nhưng đã đến lúc phải chấp nhận sự thật, ý kiến của ai là đúng không phải là điều quan trọng mà ý kiến nào là đúng mới là điều quan trọng, không nên vì lý do nào đó mà để tình trạng lộn xộn từ nửa năm qua tiếp tục diễn ra.

Cũng xin đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia pháp luật, cơ quan có trách nhiệm hoặc thẩm quyền phát biểu ý kiến, nhằm sớm chấm dứt tình trạng bế tắc, luẩn quẩn của vụ việc.

Tư liệu tham khảo: