TÓM TẮT KIẾN NGHỊ SƠ BỘ TĂNG CƯỜNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ HỖ TRỢ KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NỮ TẠI VIỆT NAM
Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) được thực hiện theo Thỏa thuận tài trợ ngày 21 tháng 11 năm 2017 giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các cơ quan Việt Nam đạt được các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ Việt Nam, cụ thể là xây dựng nền kinh tế có năng lực cạnh tranh quốc tế với năng suất lao động tăng, mức độ tham nhũng giảm, thu nhập và việc làm tăng nhanh hơn.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chịu trách nhiệm thực hiện Dự án (Cấu phần 4) Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế với hai mục tiêu lớn, trong đó có: Thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ (women economic empowerment).
Báo cáo sơ bộ “Tiếp cận dịch vụ hỗ trợ kinh doanh đối với doanh nghiệp nữ” tìm hiểu thực trạng cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (business development services) đối với các doanh nghiệp nữ, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ hỗ trợ để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp do nữ làm chủ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nữ) phát triển.
Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, nâng cao vị thế lãnh đạo cho nữ giới và bình đẳng giới được coi là một trong những cách thức nâng cao năng suất xã hội, hướng tới nền kinh tế bền vững hơn. Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào kinh doanh có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, đóng góp hiệu quả cho trách nhiệm xã hội và giúp đạt Mục tiêu Phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên thực tế (chưa đến 30% tổng số doanh nghiệp) chưa tương ứng với tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ trong nền kinh tế (xấp xỉ 50%) và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nữ chưa được khai thác tương xứng. Doanh nghiệp nữ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, sau đây gọi tắt là DNNVV. DNNVV do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn gắn liền với yếu tố giới của chủ doanh nghiệp trong phát triển, bao gồm: tiếp cận nguồn lực, thông tin, kiến thức, kỹ năng và mạng lưới kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ vừa giúp khai thác tiềm năng cho tăng trưởng vừa góp phần thực hiện nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Báo cáo này dựa trên việc khai thác và phân tích dữ liệu khảo sát trên 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và phỏng vấn thực tế ở 8 tỉnh, thành phố để đánh giá cụ thể thực trạng cung cấp và tiếp cận dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, từ đó có các đề xuất nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ phát triển cho DNNVV do phụ nữ làm chủ, phù hợp với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.
Những nhận định và kiến nghị trong báo cáo là quan điểm của nhóm nghiên cứu dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp và phỏng vấn thực tế. Kết quả này không nhất thiết phản ánh quan điểm của VCCI hay cơ quan hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nghiên cứu này.