Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC LUẬT VỀ ĐẦU TƯ, KINH DOANH

Ngày đăng: 12:26 18-08-2016 | 2916 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC LUẬT

VỀ ĐẦU TƯ, KINH DOANH

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13

1. Sửa đổi Khoản 5 và bổ sung Khoản 5a, 5b vào Điều 3 như sau:

“5. Đầu tư là việc bỏ vốn bằng tài sản để kinh doanh.”

“5a. Điều kiện kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để được kinh doanh trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 của Luật này.”

“5b. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư.”

2. Sửa đổi Khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và môi trường.”

3. Sửa đổi Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 như sau:

“1. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định quyền lợi và ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư được hưởng quyền lợi và ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng quyền lợi và ưu đãi còn lại của dự án.”

2. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định quyền lợi và ưu đãi đầu tư thấp hơn quyền lợi và ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng quyền lợi và ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho thời gian hưởng quyền lợi và ưu đãi còn lại của dự án.

Đối với dự án không thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và văn bản pháp luật mới được ban hành quy định quyền lợi và ưu đãi đầu tư thấp hơn quyền lợi và ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng quyền lợi và ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng quyền lợi và ưu đãi còn lại của dự án.”

5. Sửa đổi tên Mục 1 Chương V như sau:

“MỤC 1. TỔ CHỨC KINH TẾ CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ ĐẦU TƯ THEO HỢP ĐỒNG”

6. Sửa đổi Điều 22 như sau:

“Điều 22. Thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài

1. Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế, tham gia thành lập tổ chức kinh tế nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có sở hữu vốn điều lệ tại tổ chức kinh tế phù hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Hình thức tổ chức kinh tế, phạm vi hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh tế, đối tác Việt Nam tham gia thành lập tổ chức kinh tế phù hợp điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

 2. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức kinh tế thì thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện như sau:

a) Nhà đầu tư là thành viên, cổ đông của tổ chức kinh tế dự kiến thành lập thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh dự kiến thực hiện;

b) Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế tại cơ quan đăng ký kinh doanh tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

c) Cổ đông, thành viên của tổ chức kinh tế dự kiến thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án từ thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đến thời điểm Tổ chức kinh tế được thành lập. Kể từ thời điểm được thành lập, tổ chức kinh tế được thành lập là nhà đầu tư thay cho nhà đầu tư là các thành viên, cổ đông trước đó.

3. Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

7. Sửa đổi Điều 23 như sau:

“Điều 23. Hoạt động của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế mới; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế khác hoặc đầu tư theo hợp đồng BCC nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều này áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước khi thành lập tổ chức kinh tế mới; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế khác hoặc đầu tư theo hợp đồng BCC.

3. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì được làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.”

8. Sửa đổi Điều 26 như sau:

Điều 26. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế

1. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thực hiện tục tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần làm tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên;

c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế;

d) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp có quyền sử dụng đất ở các xã, phường, thị trấn biên giới và hải đảo.

2. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều này thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư sau đó thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm:

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;  

b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

3. Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:

a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;

b) Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do, trừ trường hợp quy định tại điểm c Khoản này.

c) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài mà điều kiện chưa định cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ quản lý ngành về điều kiện kinh doanh và các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này để thông báo cho nhà đầu tư trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;

d) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có quyền sử dụng đất tại địa bàn phường, xã, thị trấn biên giới thì Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai và thông báo cho nhà đầu tư trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

đ) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp kinh doanh chuỗi bán buôn, bán lẻ thì Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương và thông báo cho nhà đầu tư trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.”

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau:

a) Sửa đổi điểm b, c Khoản 1 như sau:

“b) Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không;

c) Xây dựng và kinh doanh cảng biển loại I;”

b) Bổ sung Khoản 5 và Khoản 6 Điều 31 như sau:

“5. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

6. Dự án quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt thì không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Trong trường hợp này, việc quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện như sau:

a) Ban quản lý quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

b) UBND cấp tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.”

10. Sửa đổi,bổ sung Điều 32 như sau:

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ dung các luật về đầu tư, kinh doanh

Ngày nhập

18/08/2016

Đã xem

2916 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com