Theo dõi (1)

DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Ngày đăng: 16:40 11-07-2012 | 5057 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

LUẬT

ĐẤU THẦU (sửa đổi)

          Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật đấu thầu.

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Mục 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về các hoạt động đấu thầu bao gồm:

1. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp theo các hình thức mua, thuê, thuê mua bao gồm:

a) Dự án, chương trình sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển (bao gồm cả dự án, chương trình của doanh nghiệp nhà nước) theo nguyên tắc lũy tiến như sau:

- Đối với dự án, chương trình có tổng mức đầu tư đến 10 tỷ đồng: sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án, chương trình;

- Đối với dự án, chương trình có tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng: sử dụng từ 25% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án, chương trình;

- Đối với dự án, chương trình có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên: sử dụng từ 20% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án, chương trình.

b) Hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

c) Hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng vốn nhà nước;

d) Hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước trừ trường hợp mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. 

2. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, cung cấp dịch vụ công đối với các lĩnh vực, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: điện, nước, giao thông, thủy lợi, dân dụng, môi trường, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao, công trình có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công khác.

Chính phủ quy định chi tiết đối với lĩnh vực, công trình cần lựa chọn nhà đầu tư.

3. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam ra nước ngoài; dự án, chương trình trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng   

1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Điều 1 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân có dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này chọn áp dụng quy định của Luật này.

Điều 3. Áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế

1. Hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở nội dung điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phát sinh từ điều ước quốc tế ngoài quy định tại Khoản 2 Điều này mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ, hàng hóa và xây lắp thuộc dự án, chương trình, đề án, dự toán mua sắm thường xuyên và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, cung cấp dịch vụ công quy định tại Điều 1 Luật này trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

2. Đấu thầu qua mạng hay còn gọi là đấu thầu điện tử, là quá trình sử dụng hệ thống mạng công nghệ thông tin (internet) và các thiết bị điện toán để thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hệ thống đấu thầu qua mạng bao gồm hệ thống máy chủ, các thiết bị điện toán (phần cứng) và các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin được cài đặt trên máy chủ (phần mềm) để thực hiện đấu thầu qua mạng.

4. Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương; giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử dụng mặt nước, tiền thuê đất, thuê mặt nước, giá trị tài sản của Nhà nước mà doanh nghiệp nhà nước mang đi thế chấp hoặc giá trị quyền tài sản khác của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, trừ vốn tín dụng thương mại của doanh nghiệp nhà nước không do Nhà nước bảo lãnh hoặc không được thế chấp bằng tài sản của doanh nghiệp nhà nước.

5. Dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển bao gồm:

a) Dự án, chương trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng;

b) Dự án, chương trình để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp đặt;

c) Dự án quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn;

d) Dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật;

đ) Các dự án, chương trình khác cho mục tiêu đầu tư phát triển.

6. Đấu thầu trong nước là quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu với sự tham gia của các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước.

Đấu thầu quốc tế là quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu với sự tham gia của các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

7. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan được quyền quyết định dự án theo quy định của pháp luật và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện khi được phân cấp, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước hoặc ban giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

8. Người có thẩm quyền là người được quyền quyết định dự án, chương trình hoặc đề án, dự toán mua sắm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng theo quy định tại Luật này.

9. Chủ đầu tư là tổ chức sở hữu vốn hoặc được giao trách nhiệm thay mặt chủ sở hữu, người vay vốn trực tiếp tổ chức quản lý và thực hiện dự án, chương trình.

10. Bên mời thầu là tổ chức chuyên môn có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu bao gồm:

a) Đối với dự án, chương trình, bên mời thầu là tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn, trừ trường hợp chủ đầu tư đồng thời là bên mời thầu.

b) Đối với lựa chọn nhà đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền được người có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

c) Đối với mua sắm thường xuyên, bên mời thầu là đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách. Trường hợp đối với đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách được cấp có thẩm quyền phân cấp quyết định mua sắm thì người có thẩm quyền đồng thời là người đứng đầu bên mời thầu.

d) Đối với đấu thầu tập trung, bên mời thầu là tổ chức, đơn vị đấu thầu tập trung quy định tại Điều 57 Luật này.

đ) Đối với đấu thầu qua mạng, bên mời thầu còn phải đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

11. Tổ chuyên gia bao gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm và am hiểu các nội dung cụ thể tương ứng của dự án, gói thầu được bên mời thầu thành lập hoặc lựa chọn để đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

12. Nhà thầu là tổ chức, cá nhân có đủ tư cách hợp lệ theo quy định của Luật này.

Trường hợp áp dụng đấu thầu qua mạng, nhà thầu còn phải đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

13. Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm về việc tham dự thầu, đứng tên dự thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu tham dự thầu một cách độc lập gọi là nhà thầu độc lập. Nhà thầu cùng với một hoặc nhiều nhà thầu khác tham dự thầu trong một đơn dự thầu thì gọi là nhà thầu liên danh.

14. Nhà thầu tổng thầu là nhà thầu tham dự thầu để thực hiện gói thầu hỗn hợp quy định tại Khoản 23 Điều này.

15. Nhà thầu phụ là nhà thầu thực hiện một phần công việc của gói thầu trên cơ sở thoả thuận hoặc hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Nhà thầu phụ không phải là nhà thầu chịu trách nhiệm về việc tham dự thầu.

16. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân  thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này, theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:

a) Cá nhân có năng lực hành vi dân sự;

b) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập theo hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư của Việt Nam;

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;

d) Tổ chức nước ngoài có đăng ký hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu mang quốc tịch.

Trường hợp áp dụng đấu thầu qua mạng, nhà đầu tư còn phải đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và được chấp nhận với vai trò là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

17. Doanh nghiệp dự án là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập để thực hiện dự án.

18. Nhà thầu, nhà đầu tư trong nước là nhà thầu, nhà đầu tư được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

19. Nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài là nhà thầu, nhà đầu tư được thành lập và hoạt động theo pháp luật của nước mà nhà thầu mang quốc tịch.

20. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong đấu thầu qua mạng là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được cơ quan vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chỉ định.

21. Người sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư và cơ quan vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

22. Gói thầu là một phần của dự án, chương trình, đề án, dự toán mua sắm thường xuyên, trong một số trường hợp đặc biệt gói thầu là toàn bộ dự án; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần đối với mua sắm thường xuyên, đấu thầu tập trung.

23. Gói thầu hỗn hợp bao gồm thiết kế và cung cấp vật tư, thiết bị (EP); thiết kế và xây lắp (EC); cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp (PC); thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp (EPC); lập dự án, thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp (chìa khoá trao tay).

24. Hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm là toàn bộ tài liệu bao gồm các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm đối với nhà thầu, nhà đầu tư làm căn cứ pháp lý để bên mời thầu lựa chọn danh sách ngắn.

25. Hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm là toàn bộ tài liệu do nhà thầu, nhà đầu tư lập theo yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm.

26. Hồ sơ mời thầu là toàn bộ tài liệu sử dụng khi áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế, bao gồm các yêu cầu cho một dự án, gói thầu làm căn cứ pháp lý để nhà đầu tư, nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu và để bên mời thầu tổ chức đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu; là căn cứ cho việc ký kết hợp đồng.

27. Hồ sơ yêu cầu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho hình thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư, chào hàng cạnh tranh, bao gồm các yêu cầu cho một dự án, gói thầu làm căn cứ pháp lý để nhà thầu, nhà đầu tư được đề nghị chỉ định chuẩn bị hồ sơ đề xuất và để bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất nhằm lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; là căn cứ ký kết hợp đồng.

28. Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất là toàn bộ tài liệu do nhà đầu tư, nhà thầu lập và nộp cho bên mời thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

29. Danh sách ngắn là danh sách các nhà thầu được mời tham dự thầu đối với đấu thầu hạn chế, danh sách nhà thầu trúng sơ tuyển, danh sách nhà thầu có hồ sơ quan tâm được đánh giá đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm.

30. Thời điểm đóng thầu là thời điểm hết hạn nhận hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu và hồ sơ đề xuất.

31. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất là số ngày được tính từ thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

32. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cộng thêm 30 ngày.

33. Giá gói thầu là giá trị được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu của từng gói thầu.

34. Giá dự thầu là giá do nhà thầu nêu trong đơn dự thầu.

          35. Giá đề nghị trúng thầu là giá do bên mời thầu đề nghị trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu được lựa chọn trúng thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có).

36. Giá trúng thầu là giá được phê duyệt trong kết quả lựa chọn nhà thầu.

37. Giá đánh giá là giá được xác định trên cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại và được dùng để so sánh, xếp hạng hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp. Giá đánh giá bao gồm giá dự thầu do nhà thầu đề xuất để thực hiện gói thầu sau khi đã sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) và cộng với các chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến tiến độ, chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa hoặc công trình thuộc gói thầu trong suốt thời gian sử dụng.

38. Giá sàn là tổng mức đầu tư dự kiến do bên mời thầu xác định theo mức giá trung bình nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền phê duyệt sử dụng làm căn cứ để xét chọn nhà đầu tư. Giá sàn chỉ được áp dụng trong trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án gắn với đầu tư quỹ đất, khu đất.

39. Dịch vụ phi tư vấn gồm vận chuyển, bảo hiểm, quảng cáo, lắp đặt, nghiệm thu chạy thử, tổ chức đào tạo và bảo dưỡng ban đầu, vẽ bản đồ và dịch vụ khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại Khoản 40 Điều này.

40. Dịch vụ tư vấn bao gồm:

a) Dịch vụ tư vấn chuẩn bị dự án gồm có lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi;

b) Dịch vụ tư vấn thực hiện dự án gồm có khảo sát, lập thiết kế, tổng dự toán và dự toán, lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định, giám sát thi công xây dựng và giám sát lắp đặt thiết bị;

c) Dịch vụ tư vấn quản lý dự án, thu xếp tài chính, kiểm toán, đào tạo, chuyển giao công nghệ;

d) Các dịch vụ tư vấn khác.

41. Dịch vụ sự nghiệp công là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước cần quản lý, thực hiện vì lợi ích chung, bao gồm: dạy nghề phục vụ các ngành kinh tế theo chỉ tiêu của Nhà nước, đào tạo giáo viên, cử nhân theo chương trình, kế hoạch của Nhà nước, sáng tác, dựng vở và biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước, đề tài, dịch vụ khoa học, công nghệ, in tiền, điều hành bay, bảo đảm hàng hải, quản lý và khai thác đường sắt, cảng hàng không, công trình thủy lợi và đê điều, trồng và bảo vệ rừng, sản xuất thuốc phòng chống dịch, cung cấp điện, nước sạch cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khảo sát, thăm dò, điều tra tài nguyên thiên nhiên, cứu nạn trên biển và các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác .

42. Hàng hoá gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng.

43. Xây lắp gồm những công việc thuộc quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị các công trình, hạng mục công trình, cải tạo, sửa chữa lớn.

44. Dự án cần lựa chọn nhà đầu tư là dự án cung cấp công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công thuộc quy hoạch được duyệt và có khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư.

45. Hợp đồng là thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn trong lựa chọn nhà thầu, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư được lựa chọn trong lựa chọn nhà đầu tư và giữa bên mời thầu và nhà thầu được lựa chọn trong mua sắm thường xuyên, đấu thầu tập trung đảm bảo phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

46. Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng điện tử được soạn thảo, gửi, nhận và lưu trữ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm: kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu điện tử trao đổi giữa bên mời thầu và nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Hợp đồng điện tử là hợp đồng được tạo ra giữa các bên trong đấu thầu qua mạng.

47. Chứng thư số là chứng nhận dưới dạng điện tử do cơ quan cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp để thực hiện đấu thầu qua mạng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chứng thư số có hiệu lực là chứng thư số chưa hết hạn, không bị tạm dừng, huỷ hoặc thu hồi.

48. Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

49. Bảo đảm thực hiện hợp đồng là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư trúng thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

50. Thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là việc người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu tổ chức kiểm tra, đánh giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là đánh giá lại hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

51. Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là kết quả đấu thầu khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế hoặc kết quả lựa chọn khi áp dụng các hình thức lựa chọn khác.

52. Kiến nghị là việc nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư và những vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng.

53. Vi phạm pháp luật về đấu thầu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Tờ trình Luật đấu thầu (sửa đổi)

Ngày nhập

11/07/2012

Đã xem

5057 lượt xem

DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Ngày nhập

11/07/2012

Đã xem

5057 lượt xem

Báo cáo đánh giá tác động Luật đấu thầu (sửa đổi)

Ngày nhập

11/07/2012

Đã xem

5057 lượt xem

Cáo cáo tổng hợp tình hình thực hiện Luật đấu thầu, Luật sửa đổi

Ngày nhập

11/07/2012

Đã xem

5057 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 4

Cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

Ý kiến về dự thảo ( 6 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com