VCCI Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư chứng nhận và công bố hợp quy hàng hoá công nghệ thông tin và truyền thông
VCCI_Góp ý Phương án đơn giản hóa báo cáo định kỳ thuộc quản lý của Bộ Tư Pháp
Kính gửi: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 1149/BTP-VĐCXDPL của Bộ Tư pháp về việc đề nghị cho ý kiến đối với Dự thảo Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
Dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ các báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó chỉ rõ các phương án đơn giản hóa và giải trình lý do. Nhìn chung, các phương án đơn giản hóa được đề xuất trong Dự thảo là hợp lý, dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho các đối tượng áp dụng.
Các phương án trong Dự thảo đã tập trung đơn giản hóa: tần suất báo cáo (số lần phải báo cáo trong năm); hình thức báo cáo (văn bản giấy, phương tiện điện tử); số lượng báo cáo (số báo cáo cho mỗi lần gửi). Đây là những yếu tố quan trọng liên quan đến hoạt động báo cáo. Điều này cho thấy, Dự thảo đã đưa ra các phương án cắt giảm đúng trọng tâm và hợp lý.
Tuy nhiên, để thực sự giảm tải cho các chủ thể thực hiện báo cáo, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau để hoàn thiện Dự thảo:
- Về đề xuất đơn giản hóa hình thức báo cáo
Dự thảo đã đưa ra một số đề xuất phương án đơn giản hóa về hình thức báo cáo, đó là: bổ sung hình thức báo cáo bằng phương tiện điện tử hoặc yêu cầu chỉ thực hiện báo cáo qua phần mềm thống kê. Đây được xem là bước tiến trong cải cách về thủ tục báo cáo, tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng.
Tuy nhiên, việc đơn giản hóa hình thức báo cáo này lại chưa thực sự thể hiện triệt để. Ví dụ: Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Dự thảo đề xuất đơn giản hóa hình thức báo cáo theo hướng “bổ sung hình thức gửi báo cáo bằng văn bản điện tử để đối tượng được lựa chọn”. Phương án này chưa thực sự triệt để, bởi vì, vẫn tồn tại phương thức gửi báo cáo truyền thống (gửi bằng văn bản giấy).
Do vậy, để đảm bảo tính cải cách và đơn giản hóa thủ tục báo cáo, đề nghị Quý cơ quan rà soát các hình thức báo cáo trong tất cả các lĩnh vực và đề xuất chỉ sử dụng duy nhất các hình thức báo cáo là qua phương tiện điện tử, bỏ các hình thức báo cáo theo phương thức truyền thống (gửi trực tiếp văn bản giấy) (tương tự như phương án hiện nay đối với việc báo cáo trong lĩnh vực nuôi con nuôi).
- Về đề xuất đơn giản hóa theo hướng gộp báo cáo
Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Dự thảo đề xuất gộp 02 báo cáo (báo cáo hoạt động công chứng tại địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Thông tư 06/2015/TT-BTP và báo cáo về hoạt động công chứng tại địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 06/2015/TT-BTP) thành 01 báo cáo.
Đề xuất phương án này dường như chưa rõ về hướng đơn giản hóa, bởi hai khoản này của Điều 25 Thông tư 06/2015/TT-BTP quy định về 02 dạng báo cáo khác nhau (về cả chủ thể báo cáo, chủ thể nhận báo cáo):
- Khoản 1: Báo cáo của Sở Tư pháp cho Bộ Tư pháp hoặc (về tổ chức và hoạt động công chứng tại địa phương)Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Khoản 2: Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho Bộ Tư pháp (về thành lập, chuyển đổi, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng Phòng/Văn phòng công chứng trên địa bàn).
Dự thảo đề xuất gộp hai loại báo cáo trên thành một báo cáo thì không rõ gộp theo hình thức nào trong khi các báo cáo này không phải do cùng một chủ thể thực hiện?
Đề nghị Quý Cơ quan giải trình rõ vấn đề này để đảm bảo sự minh bạch của chính sách.
- Về đề xuất đơn giản hóa tần suất báo cáo
- Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Dự thảo đề xuất phương án giảm tần suất báo cáo (theo đó bỏ yêu cầu báo cáo định kỳ hàng tháng, chỉ yêu cầu báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm).
Mặc dù nghĩa vụ báo cáo theo phương án này đã giảm về tần suất nhưng vẫn còn là rất lớn, bởi theo quy định tại Thông tư 05/2008/TT-BTP việc báo cáo phải thực hiện cả với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.
Do đó, để giảm tải cho các tổ chức thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, thể hiện đúng tinh thần cải cách, đơn giản hóa, đề nghị Quý Cơ quan giảm tần suất báo cáo mạnh hơn nữa, theo hướng bỏ yêu cầu báo cáo 06 tháng, chỉ giữ yêu cầu báo cáo hàng năm với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp .
- Trong hoạt động công tác pháp chế
Theo phương án đề xuất tại Dự thảo thì Báo cáo về công tác pháp chế sẽ là báo cáo chung theo định kỳ 06 tháng và hàng năm. Đề nghị xem xét giảm tần suất báo cáo đối với hoạt động này, bỏ báo cáo định kỳ 06 tháng, chỉ còn là báo cáo hàng năm.
- Về đề xuất đơn giản nội dung báo cáo
Hầu hết các phương án đề xuất đơn giản hóa trong Dự thảo đều chưa thấy nhắc đến đề xuất đơn giản liên quan đến nội dung của các báo cáo.
Trong khi đó, đây lại là một trong những yếu tố tác động đến chi phí thời gian, nhân lực của chủ thể thực hiện báo cáo.
Để đảm bảo các phương án đề xuất thực sự thể hiện tinh thần cải cách, đề nghị Quý Cơ quan xem xét đến các đề xuất cắt giảm nội dung của các báo cáo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.