VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán

Thứ Hai 15:17 03-06-2019

Kính gửi: Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 2713/NHNN-TT ngày 16/04/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Hạn mức giao dịch Ví điện tử

Điều 9.5 của dự thảo quy định hạn mức giao dịch của một Ví điện tử là 20 triệu đồng/ngày và 50 triệu đồng/tháng đối với khách hàng cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với khách hàng là tổ chức.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán, quy định này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không phù hợp với nhu cầu sử dụng ví điện tử của khách hàng, đặc biệt là hạn mức theo ngày. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ hiện nay như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, máy vi tính, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… có mức chi trả vượt quá hạn mức 20 triệu đồng. Còn với các doanh nghiệp thì các hoạt động chi trả tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, hỗ trợ cho đại lý bán lẻ trong các đợt khuyến mãi… có thể vượt quá hạn mức 100 triệu đồng/ngày. Việc đặt ra hạn mức sẽ khiến khách hàng buộc phải duy trì hai hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc. Điều này gây tốn kém chi phí xã hội rất lớn và không phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế số.

Cơ quan soạn thảo lý giải quy định này nhằm “giảm thiểu rủi ro về lợi dụng Ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”. Tuy nhiên, các giải trình này không nêu rõ thực tiễn thời gian qua đã có trường hợp nào thực hiện hành vi rửa tiền, hoạt động bất hợp pháp qua Ví điện tử với giá trị giao dịch lớn, vượt hạn mức được nêu trong dự thảo. Ví dụ, theo thông tin từ các cơ quan tố tụng của Việt Nam, trong 20 năm qua mới chỉ có 2 vụ án rửa tiền được ghi nhận[1] và chưa rõ mối quan hệ của các vụ việc này với các giao dịch vượt quá hạn mức qua Ví điện tử. Hơn nữa, giải trình này cũng không rõ vì sao lại đưa ra chủ trương chính sách là “mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”.

Việc xác định hạn mức thanh toán nên để khách hàng tự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân, tổ chức. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, khi khách hàng đăng ký dịch vụ các đơn vị cung cấp ví điện tử sẽ để mặc định hạn mức chi trả tương ứng với quy định của dự thảo và cho phép khách hàng được điều chỉnh theo nhu cầu.

  1. Hạn chế số lượng ví

Dự thảo quy định mỗi khách hàng chỉ được mở 01 ví điện tử tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Lý giải cho quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng là “nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở Ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng Ví điện tử là không thực chất hoặc hành vi lợi dụng mở nhiều Ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.” Lý do này chưa phù hợp vì:

  • Thứ nhất, việc cơ quan nhà nước lo ngại lãng phí, mở ví tràn lan, sử dụng ví không thực chất là không cần thiết. Các doanh nghiệp và khách hàng sẽ tự đánh giá được sự lãng phí hay cần thiết của việc mở thêm ví mới.
  • Thứ hai, không rõ mối quan hệ giữa việc mở nhiều ví và việc thực hiện hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.

Đối với hoạt động thanh toán qua ngân hàng, hiện nay không có quy định nào hạn chế số tài khoản thanh toán một khách hàng được mở tại một ngân hàng. Trên thực tế cũng chưa ghi nhận tình trạng lợi dụng việc mở nhiều tài khoản thanh toán tại cùng một ngân hàng hoặc nhiều ví tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để thực hiện hành vi bất hợp pháp. Việc chống các hành vi bất hợp pháp nên được xử lý bằng các quy định về xác thực thông tin và kiểm soát giao dịch hơn là đưa ra quy định cứng nhắc về hạn chế số lượng ví.

Việc tách thành nhiều ví điện tử hoặc nhiều tài khoản thanh toán phù hợp với nhu cầu của một số khách hàng có nhiều giao dịch và muốn hạch toán riêng từng nhóm giao dịch. Ví dụ, một cá nhân kinh doanh có một ví dành cho chi tiêu cá nhân và một ví dành cho hoạt động kinh doanh; hoặc một số doanh nghiệp cần tách bạch chi phí cho nhân viên, chi phí hoặc doanh thu cho đại lý bán lẻ, hoặc chi phí cho từng chương trình khuyến mãi…

Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về hạn chế số lượng ví điện tử.

  1. Xác thực thông tin khách hàng

Dự thảo quy định các doanh nghiệp ví điện tử phải thực hiện xác thực thông tin khách hàng. Hiện nay, do chưa cho phép nạp tiền trực tiếp vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng, nên muốn sử dụng ví điện tử, khách hàng buộc phải có tài khoản ngân hàng. Nói cách khác, khách hàng đã phải cung cấp thông tin và các ngân hàng đã thực hiện việc xác thực khách hàng theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN. Như vậy, trong trường hợp cần điều tra, xác minh thông tin của khách hàng, cơ quan nhà nước luôn có thể truy xuất dữ liệu từ các ngân hàng. Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử phải xác thực thông tin người dùng lại một lần nữa là không thực sự cần thiết.

Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp ví điện tử phải xác thực lại thông tin khách hàng, mà cho phép sử dụng luôn thông tin xác thực khách hàng đã có của các ngân hàng.

  1. Nạp tiền và sử dụng Ví thông qua tài khoản ngân hàng không liên kết với Ví

Dự thảo hiện đang quy định các Ví điện tử chỉ được nạp tiền và rút tiền ra thông qua tài khoản ngân hàng của chính chủ Ví. Quy định này giảm rất nhiều sự thuận tiện cho các khách hàng sử dụng dịch vụ Ví điện tử. Theo quy định tại Nghị định 101, việc nạp tiền và rút tiền ra khỏi Ví điện tử vẫn phải thông qua tài khoản ngân hàng, nhưng không nhất thiết phải là tài khoản của chủ Ví mà có thể là tài khoản của khách hàng khác. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay việc cho phép chuyển tiền chéo từ Ví của khách hàng này sang tài khoản ngân hàng của khách hàng khác đã được thực hiện và không gây bất kỳ khó khăn, nhầm lẫn nào. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cho phép chuyển tiền giữa các ví và tài khoản ngân hàng của các khách hàng khác nhau.

  1. Đối soát số dư trên tài khoản bảo đảm thanh toán

Thông tư 39 quy định, “Số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số tiền đã nhận của khách hàng mà chưa thực hiện thanh toán cho đơn vị chấp nhận thanh toán (đối với dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ) hoặc tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng (đối với dịch vụ Ví điện tử) tại cùng một thời điểm.” Do trên thực tế, thời điểm các ngân hàng thực hiện hạch toàn thường vào cuối ngày giao dịch nên cơ quan soạn thảo đã sửa đổi quy định này thành: “Tổng số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng tại thời điểm kết thúc ngày giao dịch.” Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, có nhiều ngân hàng hạch toán giao dịch muộn hơn và chỉ có thể đáp ứng yêu cầu đối soát vào ngày giao dịch tiếp theo. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định thời điểm đối soát là “thời điểm kiến thúc ngày giao dịch tiếp theo

  1. Về báo cáo, cung cấp thông tin

Tại khoản 13 Điều 1 Dự thảo quy định “Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gửi Báo cáo về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bằng văn bản (giấy) trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Thanh toán) định kỳ hàng quý, năm…”. Xét thấy việc gửi báo cáo văn bản bằng giấy vừa làm tăng khối lượng công việc, tăng chi phí và phát sinh vấn đề lưu trữ cho các tổ chức báo cáo và Ngân hàng nhà nước, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cho phép việc báo cáo thực hiện thông qua việc gửi bản scan đã có xác nhận, đóng dấu… của tổ chức báo cáo đến đầu mối tiếp nhận báo cáo của Ngân hàng nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.

[1] Báo Đầu tư, Gần 20 năm quy định tội rửa tiền: Số vụ xét xử mới đếm trên đầu ngón tay, 19/09/2018 09:28, xem tại: https://baodautu.vn/gan-20-nam-quy-dinh-toi-rua-tien-so-vu-xet-xu-moi-dem-tren-dau-ngon-tay-d88036.html