VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành danh mục và hướng dẫn thông tin trang thiết bị y tế kê khai giá

Thứ Hai 18:29 16-10-2023

Kính gửi:  Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 5865/BYT-HTTB ngày 15/9/2023 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành danh mục và hướng dẫn thông tin trang thiết bị y tế kê khai giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

Dự thảo đã soạn thảo Danh mục trang thiết bị y tế phải kê khai giá với tiêu chí được định lượng rõ ràng, cụ thể. Việc ban hành Danh mục, với các tiêu chí như vậy, sẽ vừa tiếp tục đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước về giá vừa cụ thể hoá trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, VCCI có một số ý kiến như sau:

  1. Kê khai giá trang thiết bị y tế

Thứ nhất, Điều 3.3 Dự thảo quy định về các thông tin về trang thiết bị y tế cần kê khai, trong đó có thông tin về cấu hình, tính năng kỹ thuật. Tuy nhiên, quy định này là chưa rõ ràng. Một mẫu máy có thể có nhiều cấu hình, phụ kiện thay đổi khác nhau và mỗi cách kết hợp đều đưa ra sản phẩm có giá khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp có thể sẽ phải kê khai một sản phẩm thành rất nhiều các mặt hàng riêng biệt khác nhau, với giá trị khác nhau. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể việc kê khai cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị y tế.

Thứ hai, Điều 3 Dự thảo đang quy định theo hướng doanh nghiệp sẽ phải kê khai lại giá nếu có bất kỳ một thay đổi về giá, dù là nhỏ. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các mặt hàng trang thiết bị y tế chủ yếu là hàng hoá nhập khẩu, và chịu ảnh hưởng của việc dao động tỷ giá. Thay đổi tỷ giá có thể làm hàng hoá nhích nhẹ về giá, và do đó làm tăng nhiều số lượng các lần phải kê khai lại giá. Hơn nữa, các cơ sở y tế công lập khi đấu thầu đều có quyền yêu cầu doanh nghiệp báo giá theo thời điểm đó, nên kê khai giá chỉ nhằm giúp nắm bắt tình hình chung của mặt bằng giá cả. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng doanh nghiệp chỉ phải kê khai lại giá nếu tăng/giảm so với giá đang kê khai lớn hơn mức nhất định (chẳng hạn, 5%).

Ngoài ra, Điều 3.2 Dự thảo quy định cách thức, hình thức kê khai giá theo quy định tại Thông tư 56/2014/TT-BTC, Thông tư 233/2016/TT-BTC. Không rõ cơ quan soạn thảo đang tham chiếu cụ thể đến Điều 1.6 Thông tư 233/2016/TT-BTC (sửa đổi Điều 15 Thông tư 56/2014/TT-BTC) hay chung chung đến toàn bộ Mục 5 Thông tư 56/2014/TT-BTC? Do vậy, để đảm bảo rõ ràng, dễ thực hiện, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ rõ điều khoản tham chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác; đồng thời, nêu rõ “doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hình thức kê khai” (theo pháp luật giá hoặc trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế)

  1. Lộ trình thực hiện

Điều 5 Dự thảo quy định về hiệu lực thi hành và lộ trình thực hiện như sau:

– Thông tư có hiệu lực từ 01/01/2024;

– Thông tin kê khai có hiệu lực từ 01/01/2025

Theo cách quy định như vậy, có thể hiểu như sau: (1) Các quy định về Danh mục phải kê khai giá; cơ quan tiếp nhận, cách thức kê khai giá sẽ được áp dụng từ 01/01/2024; (2) Các doanh nghiệp bắt đầu kê khai thông tin trang thiết bị y tế như Dự thảo từ 01/01/2025. Quy định này cần xem xét ở các điểm như sau:

– Từ ngày 01/01/2024 đến 01/01/2025, các doanh nghiệp sẽ kê khai giá với các thông tin nào?

– Doanh nghiệp đã thực hiện kê khai giá theo quy định cũ tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP có cần phải thực hiện kê khai lại theo quy định tại Dự thảo hay không?

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ các nội dung trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư ban hành danh mục và hướng dẫn thông tin trang thiết bị y tế kê khai giá. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.