VCCI_Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước

Thứ Sáu 09:02 30-09-2022

Kính gửi: Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 6290/NHNN-VP của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về ngành nghề kinh doanh: hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại

Cùng với các nội dung của Dự thảo, đề nghị cơ quan chủ trì cân nhắc bổ sung thêm đề xuất liên quan đến quy định về trình tự chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; chấp thuận thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài (Điều 13 Thông tư 21/2013/TT-NHNN) như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 21/2013/TT-NHNN, khoản 7 Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-NHNN thì trong giai đoạn thẩm định hồ sơ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ gửi lấy ý kiến:

  • Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến đánh giá về sự cần thiết có thêm chi nhánh trên địa bàn (trong trường hợp đề nghị mở chi nhánh ở trong nước);
  • Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi ngân hàng thương mại dự kiến thành lập chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch có ý kiến đánh giá về sự cần thiết có thêm chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn và việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thông tư này đối với chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch trên địa bàn (trong trường hợp đề nghị thành lập phòng giao dịch).

Đề nghị cân nhắc việc xin ý kiến hai cơ quan này bởi các lý do sau:

  • Điều 6, 7, 10, 11 Thông tư 21/2013/TT-NHNN quy định về điều kiện thành lập chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại, phòng giao dịch và số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được thành lập. Các tài liệu trong hố sơ xin phép thành lập tại Điều 12 đã thể hiện đầy đủ các điều kiện trên. Vì vậy, cơ quan cấp phép có thể dựa vào các tài liệu này để xác định về điều kiện thành lập, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch;
  • Hai cơ quan được lấy ý kiến về vấn đề “sự cần thiết” có thêm chi nhánh, phòng giao dịch – đây yếu tố không thuộc trong điều kiện thành lập của chi nhánh, phòng giao dịch. Hơn nữa, không rõ các cơ quan này sẽ dựa vào yếu tố nào để đánh giá có cần thiết hay không cần thiết thành lập chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại ở trên địa bàn, nhất là từ phía Ủy ban nhân dân?

Từ những phân tích trên, đề nghị cân nhắc bổ sung phương án bỏ việc lấy ý kiến hai cơ quan này để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

  1. Về phương thức gửi báo cáo

Phần IV của Dự thảo đề xuất sửa đổi thủ tục “Báo cáo tình hình hoạt động ATM” bằng phương thức điện tử.

Trong lĩnh vực ngân hàng có rất nhiều loại báo cáo, để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị rà soát thêm quy định về chế độ báo cáo quy định tại Thông tư 14/2019/TT-NHNN để chuyển thêm các chế độ báo cáo định kỳ khác, ngoài “báo cáo tình hình hoạt động ATM”, bằng phương thức điện tử.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.