VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 1330/BTC-QLG của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu đối với Dự thảo như sau:
- Đăng tải thông tin vi phạm (Điều 5)
Điều 5 Dự thảo quy định các nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá liên quan đến đối tượng bị xử phạt sẽ được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
Quy định này là chưa phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá không thuộc nhóm lĩnh vực phải công bố công khai về việc xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 5 Dự thảo.
- Xử phạt đối với hành vi trong thực hiện các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 7)
Khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định xử phạt đối với “hành vi cản trở cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động bình ổn giá theo quy định”. “Hành vi cản trở” là chưa rõ các hành vi nào được cho là cản trở. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các hành vi cản trở để đảm bảo thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.
- Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá (Điều 8)
Khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về báo cáo về Quỹ bình ổn giá (không báo cáo, chậm báo cáo và báo cáo sai lệch, không đầy đủ). Điểm d khoản 2 Điều 8 Dự thảo lại xác định hành vi vi phạm công khai về Quỹ bình ổn giá. Điều này dường như chưa phù hợp với các nhóm hành vi quy định tại khoản 2.
Đề nghị Ban soạn thảo chuyển hành vi vi phạm quy định về công khai Quỹ bình ổn giá tại điểm d khoản 2 ra khỏi khoản 2 và bổ sung “sau 05 ngày” của hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tính từ thời điểm nào.
- Xử phạt hành vi vi phạm quy định về định giá hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điều 11)
Một số hành vi vi phạm tại Điều 11 Dự thảo có tính chất giống nhau nhưng lại được thiết kế ở hai khung xử phạt khác nhau, điều này có thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng và tạo nguy cơ bất lợi cho đối tượng bị xử phạt, khi bị xác định ở khung xử phạt cao hơn, cụ thể:
Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định tại khoản 2 với khung phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng có tính chất tương tự như hành vi “bán không đúng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể” tại điểm a khoản 1 với khung phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại quy định tại khoản 2 Điều 11 để đảm bảo phân biệt với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11.
- Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hiệp thương giá (Điều 12)
Theo quy định của Luật Giá 2023, hiệp thương giá được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Cơ quan nhà nước tham gia khi được bên mua và bên bán đề nghị hiệp thương giá. Cơ quan nhà nước không can thiệp vào mức giá mà các bên đã thương lượng. Khi hội nghị hiệp thương kết thúc, cơ quan hiệp thương giá lập biên bản để các bên ghi nhận kết quả hiệp thương.
Với tính chất này thì trong hoạt động hiệp thương giá, cơ quan nhà nước là chủ thể trung gian, đứng ra tổ chức hiệp thương giá và không can thiệp vào quyền định giá hay giá thương lượng của các bên. Với tính chất này, xác định các hành vi “bán sai đối tượng so với yêu cầu hiệp thương giá”; “bán không đúng đối tượng, loại hàng hóa trong yêu cầu hiệp thương giá”; “bán không đúng giá hiệp thương hoặc đã thống nhất được giá và thực hiện theo giá thống nhất nhưng không báo cáo với cơ quan tổ chức hiệp thương theo quy định” bị xử phạt vi phạm hành chính là chưa phù hợp. Bởi vì, đây là các hành vi có tính chất vi phạm về thỏa thuận dân sự giữa các bên khi không thực hiện theo thỏa thuận đã thiết lập trong hoạt động hiệp thương. Các bên có thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp bằng dân sự, các ghi nhận của cơ quan nhà nước trong hội nghị hiệp thương có thể là bằng chứng cho việc thỏa thuận của các bên.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại Điều 12 Dự thảo.
- Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ (Điều 13)
Khoản 3 Điều 13 Dự thảo đưa ra 2 phương án cho biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ, đó là:
- Phương án 1: buộc thực hiện kê khai đối với mức giá đã thực hiện theo quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 2
- Phương án 2: giống phương án 1, ngoài ra còn có thêm biện pháp “Buộc trả lại cho khách hàng hoặc nộp vào Ngân sách nhà nước tiền chênh lệch của mức giá giữa các lần tăng giá và mức giá lần đầu phải kê khai hoặc kê khai lại”
Phương án 1 là phù hợp, bởi vì “Kê khai giá là việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này gửi thông báo mức giá sau khi định giá, điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường” (khoản 14 Điều 4 Luật Giá 2023). Kê khai giá có tính chất thông báo giá, Nhà nước sẽ không can thiệp vào quyền định giá của doanh nghiệp. Việc vi phạm quy định về kê khai giá chỉ ảnh hưởng đến việc thời điểm đưa ra thông báo mức giá, không ảnh hưởng đến vấn đề định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tiền chênh lệch về mức giá giữa các lần tăng giá và mức giá lần đầu phải kê khai hoặc kê khai lại là chưa phù hợp.
- Xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ (Điều 14)
Khoản 4 Điều 14 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, Dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đang được soạn thảo. Trên thực tế, Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện không còn được áp dụng.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện”.
- Xử phạt hành vi vi phạm khác trong quản lý, điều tiết giá (Điều 16)
Khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định xử phạt đối với “hành vi gian lận, thông đồng về giá bằng cách thay đổi nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian; địa điểm; điều kiện mua, bán; chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ”. Điều này là chưa phù hợp, bởi vì đây là những vi phạm liên quan đến các thỏa thuận trong giao dịch dân sự, các bên có thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự. Việc xử phạt đối với hành vi này là chưa phù hợp với tính chất của xử phạt vi phạm hành chính, khi mối quan hệ quản lý Nhà nước trong hành vi này là khá thấp.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo.
- Xử phạt hành vi vi phạm về việc xây dựng, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về giá (Điều 17)
Khoản 1 Điều 17 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không cập nhật thông tin về giá không thường xuyên theo quy định”. “Không thường xuyên” là khái niệm chưa đủ rõ ràng, cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng định lượng để đảm bảo tạo cách hiểu thống nhất khi áp dụng.
- Xử phạt hành vi vi phạm các quy định khác về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (Điều 24)
Điểm c khoản 4 Điều 24 Dự thảo quy định xử phạt đối với “hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”. Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi này có nguy cơ chồng lấn với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 24 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.