VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp
VCCI_góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
Kính gửi: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 1278/PTTH&TTĐT của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về điều kiện cấp phép một số hoạt động cung cấp dịch vụ quy định tại Nghị định 06
Theo quy định tại Nghị định 06, để được cung cấp một số dịch vụ phát thanh, truyền hình, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện và phải thực hiện các thủ tục hành chính để được cấp phép. Một số điều kiện cũng như thủ tục hành chính liên quan chưa thực sự hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng chưa được đề cập trong Dự thảo, vì vậy cần được đánh giá, xem xét để sửa đổi trong Dự thảo. Cụ thể:
- Điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (Điều 12)
- Về các điều kiện cấp phép
Ngoài thay đổi về điều kiện về nguồn gốc vốn của doanh nghiệp, Dự thảo dự kiến giữ nguyên các quy định hiện tại của Nghị định 06.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 06 thì để được cấp phép, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện:
- (1) Có các phương án: Bố trí nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; dự báo và phân tích thị trường dịch vụ; kế hoạch kinh doanh và giá cước dịch vụ; dự toán chi phí đầu tư và chi phí hoạt động ít nhất trong 02 năm đầu tiên; văn bản chứng minh vốn điều lệ hoặc văn bản giá trị tương đương đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ theo dự toán (điểm d);
- (2) Có phương án thiết lập trung tâm thu phát tất cả các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài tập trung ở một địa điểm, trừ các kênh chương trình thuộc Danh mục kênh chương trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương, … (điểm đ).
Các điều kiện nói trên hiện chứa nhiều bất cập, cần được xem xét lại ít nhất ở các điểm sau:
- Điều kiện (1): Đây là các điều kiện (suy đoán) nhằm hướng đến hoạt động hiệu quả, ổn định của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Từ góc độ pháp luật, điều này dường như không phù hợp với tính chất của một điều kiện kinh doanh (theo nghĩa điều kiện nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng đáng kể) như yêu cầu của Điều 7 Luật Đầu tư.
Từ, góc độ thực tiễn, theo nội dung Tờ trình thì “thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tiếp tục tăng trưởng về số lượng thuê bao, nội dung trên dịch vụ được đổi mới với nhiều nội dung hấp dẫn”[1]. Như vậy, dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đang có thị trường phát triển khá mạnh mẽ, có sự cạnh tranh của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Với yếu tố thị trường này thì những điều kiện để đảm bảo hiệu quả hoạt động, sự ổn định cung cấp dịch vụ, tự bản thân mỗi doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về vốn, các kế hoạch kinh doanh phù hợp nếu muốn tồn tại. Đứng về phía khách hàng, họ có quyền lựa chọn các nhà cung cấp khác nếu cảm thấy không thỏa mãn với các dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp và đây là phương thức để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, từ góc độ Nhà nước, không cần thiết phải kiểm soát việc doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hay không.
Xét về tính minh bạch, Nghị định 06 không quy định về các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá về việc doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này (số vốn như thế nào là đủ cho hoạt động 02 năm đầu; kế hoạch kinh doanh như thế nào là phù hợp, các dự toán chi phí đầu tư, chi phí hoạt động sẽ được đánh giá trên những yếu tố nào?). Việc thiếu vắng các tiêu chí đánh giá điều kiện này sẽ khiến cho việc thực thi trở nên thiếu minh bạch.
- Điều kiện (2): Một số doanh nghiệp cho rằng, điều kiện này là không khả thi và chưa đảm bảo an toàn thông tin và chất lượng dịch vụ, vì thông thường thiết kế hệ thống phát thanh, truyền hình cần phải có điểm dự phòng về địa lý, nên không thể chỉ có ở một địa điểm. Hơn nữa, do hiện nay mô hình thuê hạ tầng từ các nhà cung cấp hạ tầng (trong nước và ngoài nước) là rất phổ biến, nhằm tối ưu hệ thống (về chuyên môn, chi phí …), nên vị trí địa lý thường là phân tán và có thể thay đổi.
Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Dự thảo phần sửa đổi đối với khoản 1 Điều 12 Nghị định 06 theo hướng bỏ các điều kiện nói trên (riêng với Điều kiện 2 thì trường hợp giải trình được đầy đủ lý do cần duy trì điều kiện này thì đề nghị cần sửa đổi theo hướng phù hợp với điều kiện thực tiễn).
- Về thủ tục cấp phép
Dự thảo hiện không dự kiến sửa đổi đối với các quy định từ khoản 2 đến khoản 7 Điều 12 Nghị định 06 về các thủ tục liên quan đến giấy phép. Đây là các đó quy định khá cụ thể các bước thực hiện (hồ sơ, thời gian xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp phép). Tuy nhiên, trong trình tự thủ tục này lại không thấy quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho thời gian giải quyết thủ tục bị kéo dài, bởi vì các thời hạn thẩm định, cấp phép được tính từ thời điểm nhận hồ sơ hợp lệ.
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Dự thảo quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.
Góp ý tương tự đối với thủ tục cấp giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước quy định tại Điều 15, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp các kênh chương trình nước ngoài tại Điều 18, cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Điều 20 Nghị định 06.
- Điều kiện cấp Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (Điều 20 Nghị định 06)
Điểm đ khoản 2 Điều 20 Nghị định 06 quy định để được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải “có năng lực tài chính cần thiết thể hiện bởi dự toán chi phí biên tập, biên dịch trong 01 (một) năm và văn bản chứng minh nguồn tài chính hợp pháp bảo đảm thực hiện công tác biên tập, biên dịch theo dự toán”.
Quy định này là chưa rõ về mục tiêu quản lý. Nếu là nhằm đảm bảo cho đơn vị biên tập đủ nguồn tài chính để hoạt động thì đây không phải là mục tiêu phù hợp của một điều kiện kinh doanh (nếu không đủ tài chính để hoạt động, chủ thể gánh chịu rủi ro sẽ chính là đơn vị biên tập, về phía lợi ích công cộng, bị ảnh hưởng là không nhiều, vì sẽ có nhiều các đơn vị biên tập khác tham gia vào hoạt động này).
Mặt khác, điều kiện này chưa đủ rõ ràng, minh bạch, bởi vì không biết như thế nào được xem là “có năng lực tài chính cần thiết”? Tại sao lại chứng minh năng lực trong vòng 01 năm mà không phải là khoảng thời gian dài/ngắn hơn? Làm thế nào để chứng minh đây là “nguồn tài chính hợp pháp”?
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung tại Dự thảo quy định bỏ điểm đ khoản 2 Điều 20 Nghị định 06.
- Về việc sửa đổi quy định liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình (khoản 8 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 Nghị định 06)
Dự thảo bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 06 “không thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình đối với các chương trình phát thanh, truyền hình thời sự – chính trị, các chương trình tin tức, có tính chất chất tin tức, các loại bản tin, phóng sự”.
Quy định này dường như chưa thống nhất với quy định tại điểm d khoản 2 Điều 37 Luật báo chí 2016 theo đó cơ quan báo chí được phép liên kết “Sản xuất chương trình, kênh phát thanh, kênh truyền hình thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội”. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 06 “không thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình đối với các chương trình phát thanh, truyền hình thời sự – chính trị”.
- Về việc bổ sung quy định đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (khoản 10 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 18 Nghị định 06)
Dự thảo bổ sung khoản 9 Điều 18 Nghị định 06 “giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục các sự kiện, chương trình thể thao, văn hóa, giải trí có tác động đến xã hội phải được truyền dẫn trên mọi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình quảng bá và trả tiền phù hợp với từng giai đoạn”.
Quy định này có một số khái niệm không rõ, cụ thể:
- “Tác động đến xã hội”: khái niệm này khá chung chung và có phạm vi rộng, có thể dẫn tới việc xác định rất nhiều chương trình, sự kiện vào trong Danh mục này;
- “Phải được truyền dẫn trên mọi hạ tầng” có thể được hiểu là đơn vị có bản quyền phát sóng chương trình thuộc danh mục buộc phải cung cấp nội dung này cho mọi hạ tầng và không được phép giữ độc quyền phát sóng, hay là mọi hạ tầng buộc phải truyền dẫn các sự kiện, chương trình thuộc danh mục hay là được hiểu theo nghĩa khác? Cơ chế và các điều kiện của việc “phải được truyền dẫn trên mọi hạ tầng” như thế nào?
Đây là quy định tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu các nội dung chương trình, và có nguy cơlàm giảm tạo động lực của các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các nội dung chương trình. Hơn nữa, tùy nội dung quy định là gì, có thể cần phải xem xét tới các vấn đề thuộc pháp luật về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh…Vì vậy quy định về vấn đề này cần rất rõ ràng, thận trọng, chỉ thực hiện sau khi đã cân nhắc đầy đủ tới các hệ thống pháp luật liên quan và tác động tới doanh nghiệp.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chưa bổ sung quy định này vào Dự thảo. Trong trường hợp giải trình được về sự cần thiết phải ban hành quy định cũng như mối quan hệ với các hệ thống pháp luật khác để giữ lại quy định này thì cần phải làm rõ về các tiêu chí xác định các sự kiện, chương trình thể thao, văn hóa, giải trí sẽ có trong Danh mục và cơ chế để thực hiện việc truyền dẫn trên mọi hạ tầng truyền dẫn.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Ngoài ra gửi kèm theo đây là các ý kiến của doanh nghiệp gửi đến VCCI, rất mong quý Cơ quan cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Trang 1