VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

Thứ Ba 09:02 07-02-2023

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 488/VPCP-KTTH ngày 30/01/2023 về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham khảo các doanh nghiệp và một số chuyên gia, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Phương thức điều hành giá

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

  • Thứ nhất, ngay trước mỗi kỳ điều chỉnh giá có tình trạng găm hàng hoặc cố tình nhập hàng nhỏ giọt dẫn đến thiếu hụt đã diễn ra từ lâu. Sự thiếu hụt này chỉ diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và hết ngay khi giá trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới. Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới ít biến động, giá điều hành không khác nhiều so với giá thế giới nên sự thiếu hụt xăng trước mỗi kỳ điều chỉnh diễn ra không phổ biến. Tuy nhiên, khi giá thế giới biến động mạnh như trong nửa cuối năm 2022 thì tình trạng này lan rộng và gây tác động lớn đến xã hội.
  • Thứ hai, gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu ngay cả sau khi điều hành giá. Điều này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (premium, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, chi phí lãi vay, và các chi phí phát sinh khác) trong năm 2022 nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành.

Thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Trong phương thức điều hành giá, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất. Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. Tại văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18/01/2023, Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

Đối với phương án 1, VCCI lo ngại về tính hợp lý và khả thi của phương án  này. Cần lưu ý rằng, tinh thần “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp không phải đến bây giờ mới được đưa ra khi xây dựng công thức tính giá. Các Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các văn bản trước đó đều coi việc “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp là nguyên tắc khi xây dựng công thức tính giá. Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã không làm được, vì nhiều lý do:

  • Thứ nhất, tính toán chi phí này rất phức tạp, nhiều thông số đầu vào không có cơ sở tham chiếu hoặc rất dễ bị báo cáo sai lệch. Đối với phần chi phí mua xăng có giá tham chiếu trên sàn giao dịch thế giới thì tương đối rõ. Nhưng phần chi phí khác như premium hợp đồng với nước ngoài, chi phí vận chuyển, bảo hiểm, premium trong nước, chi phí bán hàng, chi phí lãi vay và các chi phí khác thì mỗi doanh nghiệp, mỗi lô hàng, mỗi kho xăng, mỗi cây xăng lại khác nhau. Nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo nhưng lại luôn phải đối mặt với nguy cơ doanh nghiệp kê khai cao lên nhằm có được giá bán cao hơn. Kể cả trường hợp có kiểm toán thì cũng chỉ xác thực được số liệu trên sổ sách, chứ rất khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp “gửi giá” thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên. Hơn nữa, các chi phí này thường được ghi theo năm kế toán, tức là phải đợi hết năm mới có con số chính xác, trong khi chi phí thực có thể biến đổi mạnh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
  • Thứ hai, như đã phân tích trong Tờ trình của Bộ Công Thương, chi phí định mức này sẽ lấy theo mức bình quân gia quyền chi phí của các doanh nghiệp. Tức là sẽ có khoảng một nửa số doanh nghiệp (tính theo thị phần) có chi phí cao hơn mức trung bình sẽ không còn động lực kinh doanh khi chi phí cao hơn giá bán. Nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng xăng dầu như giai đoạn vừa qua vẫn có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Để ngăn chặn tình trạng này thì buộc phải tăng lợi nhuận định mức cho các doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp có động lực kinh doanh. Nhưng như vậy sẽ khiến giá bán xăng dầu cao, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội.

Như vậy, nếu chọn phương án 1 sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục được.

Đối với phương án 2, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí. Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu (các vấn đề này sẽ được phân tích ở phần sau) và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Với những phân tích trên, VCCI đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án 2. Lý do lựa chọn là vì có biện pháp khắc phục nhược điểm của phương án 2, trong khi phương án 1 không có biện pháp hiệu quả để khắc phục nhược điểm.

Trong trường hợp lần sửa đổi này tạm thời lựa chọn phương án 1 thì cần có lộ trình để sớm sửa đổi theo phương án 2. Bởi như đã phân tích, nếu cơ chế quản lý giá này kéo dài thì an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư, phát triển, nhanh chóng xuống cấp.

Trong văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18/01/2023, Bộ Công Thương đề nghị trước mắt sẽ chỉ sửa đổi một số nội dung để khắc phục bất cập, hạn chế trong triển khai Nghị định 95 và Nghị định 83 và về lâu dài thì sẽ cân nhắc sửa đổi một cách căn bản tư duy quản lý điều hành, thực hiện việc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Tuy nhiên, Công văn 288 chưa xác định rõ khi nào sẽ thực hiện việc này. Nếu tiếp tục kéo dài thì các vướng mắc căn bản của phương thức Nhà nước định giá sẽ không được xử lý. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương xin ý kiến Chính phủ về việc xác định thời điểm và lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường ngay trong Tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi lần này.

  1. Chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Cần lưu ý rằng, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu. Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị với VCCI để kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương là phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu. Phương án 2 là quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1 với lý do đây là quan hệ dân sự, giành quyền chủ động cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng, với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả như trên đã trình bày và phân tích.

Với lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng như sau:

  • Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.
  • Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
  1. Cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn

Bộ Công Thương đưa ra hai phương án, không cho phép (phương án 1) và cho phép (phương án 2) các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Về vấn đề này, VCCI đề nghị lựa chọn phương án 2, cho phép cửa hàng bán lẻ được lấy xăng từ nhiều nguồn.

Mặc dù cũng thống nhất lựa chọn phương án 2, nhưng trong Tờ trình, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự lo ngại nếu quy định như vậy sẽ trái Luật Thương mại, khó kiểm soát chất lượng xăng dầu và không có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp xăng cho cửa hàng bán lẻ khi nguồn cung khan hiếm. Các lo ngại này không thực sự thoả đáng.

  • Thứ nhất, quy định này trái Luật Thương mại là do Nghị định 95 và 83 đã ấn định rằng cửa hàng bán lẻ chỉ có thể bán theo hình thức giao nhận đại lý. Trong khi đó, việc bán lẻ các mặt hàng có thể được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau theo thoả thuận của các bên, trong đó có hình thức đại lý, hình thức nhượng quyền và hình thức mua đứt bán đoạn. Việc Nghị định 95 và 83 không cho phép các cửa hàng bán lẻ kinh doanh theo hình thức mua đứt bán đoạn là trái với quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại.
  • Thứ hai, chất lượng xăng dầu vẫn có thể kiểm soát tốt mà không cần giới hạn quan hệ phân phối 1:1. Hiện nay, mỗi khi giao xăng dầu từ xe bồn cho các cửa hàng bán lẻ, các bên luôn tiến hành lấy và lưu mẫu hàng hoá. Nếu chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng có vấn đề thì luôn có thể kiểm tra lại các mẫu xăng trên, truy nguồn để xác định trách nhiệm của các bên. Hơn nữa nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn không có nhiều ý nghĩa.
  • Thứ ba, lo ngại cho phép cơ sở bán lẻ nhập hàng của nhiều nguồn sẽ dẫn đến không có đơn vị phân phối chịu trách nhiệm cung cấp xăng dầu là không có căn cứ. Hiện nay, các đơn vị bán buôn khi thiếu nguồn hoặc muốn găm hàng vẫn dừng cung cấp hàng cho đơn vị bán lẻ (bằng cách nâng giá bán buôn lên hay cắt chiết khấu xuống) mà pháp luật không có cách nào hạn chế tình trạng này. Thêm vào đó, khi cho phép nhập hàng của nhiều nhà cung cấp thì bên bán lẻ chủ động hơn và rủi ro đứt gãy nguồn cung giảm đi.

Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng cần cân nhắc điều chỉnh như sau:

  • Cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.
  • Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật.
  • Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật.
  • Sửa đổi quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo hướng bỏ nội dung ghi tên đơn vị bán buôn cho cửa hàng bán lẻ.
  1. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý

Bộ Công Thương dự định sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 03 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh là nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn.

VCCI cho rằng lo ngại này là không thực sự cần thiết. Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường. Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối. Quan trọng hơn là chính sách cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Còn nếu nguồn cung thế giới đã thiếu hoặc giá bị định quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt.  

  1. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương đưa ra phương án Nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi các doanh nghiệp này thua lỗ, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế. Việc hỗ trợ tài chính này về bản chất là việc Nhà nước dùng tiền ngân sách để khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp giảm xuống trong khi Nhà nước vẫn duy trì giá bán xăng dầu ở mức thấp và thu các loại thuế đối với xăng dầu. Điều này dường như không cần thiết khi mà có một giải pháp khác tốt hơn rất nhiều là Nhà nước tăng giá bán lẻ xăng dầu sao cho phản ánh đúng chi phí của doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp tự quyền quyết định giá. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có động lực để kinh doanh mà không cần bất kỳ một sự hỗ trợ nào.

  1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo thuyết minh của Bộ Công Thương, mục tiêu của Quỹ bình ổn là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý. Theo đó, nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hoá khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá khác không giảm theo (nguyên tắc sticky price). Cơ quan Nhà nước kỳ vọng rằng Quỹ bình ổn sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước. Đây là mong muốn hợp lý.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của TS. Phạm Thế Anh thì việc điều hành Quỹ thời gian qua đã không đạt được mục tiêu này – sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ[1]. Lý giải cho sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn này, TS. Phạm Thế Anh cho rằng nguyên nhân là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai. Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới. Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả Quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả Quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả Quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả Quỹ đúng đắn. 

Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

  1. Dự trữ lưu thông

Đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án 2, theo đó, cần có phương án hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các chi phí phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc. Bởi lẽ, trong điều kiện thị trường bình thường, các doanh nghiệp cũng chỉ dự trữ lưu thông vừa đủ, chứ không có động lực dự trữ quá nhiều như yêu cầu an ninh năng lượng của Nhà nước, kể cả khi giá bán được điều hành cao hoặc doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá thì. Do đó, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia luôn được bảo đảm, cần xử lý như sau:

  • Trong trường hợp Nhà nước vẫn điều hành giá thì cần tính chi phí dự trữ lưu thông vào giá bán lẻ để bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ chi phí.
  • Trong trường hợp giá được vận hành theo cung cầu thị trường thì Nhà nước cần chi trả chi phí dự trữ xăng dầu này, có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu từ nguồn ngân sách.
  1. Các vấn đề cạnh tranh và cấu trúc thị trường

Như đã phân tích trong mục 1, việc Nhà nước không điều hành giá mà để cung cầu của thị trường quyết định thì luôn phải đi kèm với tăng cường tính cạnh tranh của thị trường. Chỉ có áp lực cạnh tranh mới khiến nhà cung cấp không thể tăng giá một cách bất hợp lý.

Hiện nay, rất nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh của thị trường, có thể kể đến như sau:

  • Quy định về điều hành giá khiến các doanh nghiệp không cạnh tranh về giá (đã được phân tích tại mục 1 trên).
  • Quy định phân phối 1:1 giữa cửa hàng bán lẻ và đơn vị bán buôn. Quy định này khiến các đơn vị bán buôn không cạnh tranh trực tiếp với nhau khi thu hút cửa hàng bán lẻ. (đã được phân tích tại mục 3 trên)
  • Điều kiện đầu tư kinh doanh, rào cản gia nhập thị trường quá cao khiến các doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường không phải lo lắng nguy cơ có doanh nghiệp mới gia nhập, dẫn đến các doanh nghiệp đang tồn tại không có nhiều động lực cải tiến nâng cấp dịch vụ để thu hút người dùng.
  • Khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng: Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng trên tuyến đường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại quy định tại mục 2.6.11, QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng, theo đó, các cửa hàng xăng dầu phải có khoảng cách tối thiểu là 300m. Việc quy định khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng khiến cho mỗi cây xăng luôn có mức độ độc quyền nhất định, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Nếu cần bảo đảm an toàn chống cháy lan thì khoảng cách 300m là quá lớn. Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc xây dựng các cây xăng gần nhau (4 cây xăng quanh một ngã tư) không phải là hiếm.

Đây là những vấn đề cần được giải quyết nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường, là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tới cho phép giá cả biến động theo cung cầu của thị trường.

Thêm vào đó, cần thiết kế lại thị trường xăng dầu theo hướng giảm các tầng nấc trung gian. Có thể cân nhắc phương án quản lý theo các công đoạn của kinh doanh xăng dầu gồm có: (1) sản xuất; (2) nhập khẩu; (3) bán buôn; (4) bán lẻ; (5) các dịch vụ hỗ trợ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Kết quả tính toán hệ số biến thiên (coefficient of variation), một thước đo mức độ biến động giá của các loại xăng dầu cũng cho thấy: Sau khi sử dụng quỹ, hệ số biến thiên của xăng E5RON92 là 0.2296; xăng RON95 là 0.2310; dầu Diesel là 0.2494; dầu hỏa là 0.2840; dầu mazút là 0.2204. Nếu không sử dụng quỹ, hệ số biến thiên tương ứng của các loại xăng dầu kể trên lần lượt là: 0.2230; 0.2379; 0.2735; 0.3017; 0.2200. Như vậy, việc điều hành quỹ làm giảm biến động giá RON95, dầu diesel, và dầu hỏa, nhưng lại làm tăng biến động giá E5RON92 và dầu mazut. Tuy nhiên, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ là khá nhỏ.