VCCI_Góp ý đề xuất sử đổi Luật Quản lý thuế
Kính gửi: Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế
Để tiếp tục góp ý hoàn thiện Đề cương dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo Đề cương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
VCCI hoan nghênh tinh thần cầu thị của Ban soạn thảo trong hoạt động tham gia tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Đề cương dự thảo luật quản lý thuế ngay từ giai đoạn đầu soạn thảo. Ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu các ý kiến của VCCI và đã có giải trình trong hồ sơ thẩm định. Các nhóm chính sách lớn mà ban Soạn thảo đã tiếp thu, bao gồm:
- Phạm vi điều chỉnh: không lựa chọn phương án cơ quan thuế thu các khoản bắt buộc về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Tờ trình đã bỏ đi phương án 2 (dự thảo tháng 11/2017) khiến cho việc theo dõi và lý giải chưa thực sự thuyết phục và đầy đủ.
- Không gộp tờ khai quyết toán thuế vào báo cáo tài chính: theo ý kiến của các doanh nghiệp sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp trong việc nâng cấp phần mềm ứng dụng liên quan đến việc lồng ghép kê khai quyết toán thuế vào báo cáo tài chính; khó khăn trong tra cứu thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề chưa được tiếp thu, VCCI giữ nguyên quan điểm và tiếp tục có ý kiến như sau:
- Về tiếp nhận hồ sơ khai thuế (Chính sách 5)
Dự thảo Đề xuất về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế: “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày cơ quan thuế có văn bản thông báo, nếu người nộp thuế không hoàn chỉnh hồ sơ gửi cơ quan thuế thì thủ trưởng cơ quan thuế quyết định việc tiếp nhận hay không tiếp nhận hồ sơ thuế và có thông báo gửi người nộp thuế biết”.
Trong trường hợp này, khi người nộp thuế không hoàn chỉnh hồ sơ đúng thời hạn quy định thì thủ trưởng cơ quan thuế sẽ có quyền ra luôn quyết định không tiếp nhận. Nhưng chưa rõ căn cứ cụ thể để thủ trưởng cơ quan thuế quyết định tiếp nhận hay không tiếp nhận? Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu các tiêu chí (đã có) để từ đó công chức thuế có đủ cơ sở giải thích với doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có đủ căn cứ để chuẩn bị hồ sơ khai thuế bảo đảm không bị sai sót, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục nhiều lần.
- Căn cứ ấn định thuế (Chính sách 8):
Dự thảo Tờ trình bổ sung “dữ liệu thương mại” làm một trong các căn cứ để ấn định thuế. Đây là quy định tiến bộ, bảo đảm tính khách quan trong quá trình quyết định việc ấn định thuế đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần xác định thứ tự ưu tiên áp dụng của các căn cứ trong trường hợp cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực và cơ sở dữ liệu thương mại có sự khác biệt.
Ngoài ra, cần có định nghĩa rõ về “dữ liệu thương mại” để bảo đảm tính khách quan, minh bạch của quy định.
- Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động (chính sách 10)
Dự thảo Tờ trình đề xuất làm rõ quy định hiện tại về doanh nghiệp chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp với lý do “Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì chủ sở hữu doanh nghiệp được quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp” và nêu cụ thể các đối tượng này bao gồm: “chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, trưởng ban quản trị của hợp tác xã”.
Nhận định này là chưa chính xác, bởi Luật doanh nghiệp hiện tại không có định nghĩa “chủ sở hữu doanh nghiệp”. Các đối tượng mà đề xuất nêu lên thực chất là “Người quản lý doanh nghiệp” được định nghĩa tại khoản 18, Điều 4 Luật doanh nghiệp.
Chủ sở hữu doanh nghiệp, về nguyên tắc, là chủ sở hữu vốn/phần vốn góp vào doanh nghiệp. Do đó, đây mới là chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước chứ không phải các cá nhân giữ chức vụ quản lý. Họ có thể đồng thời là người quản lý. Nhưng người quản lý không phải đương nhiên nắm một phần hoặc toàn bộ vốn của doanh nghiệp, thậm chí chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch hội đồng quản trị là những người được chủ sở hữu doanh nghiệp thuê, chỉ để thực hiện hoạt động quản lý.
Ở một trường hợp khác, khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động là công ty con của một công ty mẹ nào đó, thì đối tượng phải chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế lúc này là công ty mẹ – chủ sở hữu – chứ không phải là bất kỳ một cá nhân nào.
Với các lý do nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của phần thuế nợ còn lại thuộc về chủ sở hữu doanh nghiệp.
- Phân loại hồ sơ hoàn thuế (Chính sách 11):
Dự thảo Đề nghị quy định thêm trường hợp hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là hồ sơ hoàn thuế của các đơn vị đã được Công ty kiểm toán độc lập có đăng ký hành nghề xác nhận.
Theo Dự thảo Tờ trình thì việc bổ sung nội dung này được thực hiện theo kinh nghiệm của một số quốc gia và cũng là quy định tiến bộ tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng thêm các trường hợp cho doanh nghiệp được hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc xác nhận chỉ do công ty kiểm toán độc lập được thực hiện là khá hẹp. Đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng được phép cung cấp dịch vụ xác nhận hồ sơ hoàn thuế ra các công ty kế toán vì đối tượng này hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện.
- Kiểm tra, thanh tra thuế (Chính sách 14):
- Thời hạn thanh tra thuế: nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuế trên thực tế có thời gian kéo dài vài tháng, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệ Doanh nghiệp phải bố trí cán bộ, nguồn lực trong quá trình cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin, cho dù thời gian này không được tính vào thời gian thanh tra, nhiều cuộc thanh tra phải gia hạn thời hạn nhiều lần.
Chính vì vậy, mục tiêu của sửa đổi lần này là cần giải quyết được vấn đề trên, giảm đến mức tối đa các trường hợp kéo dài thời hạn thanh tra bằng cách đưa ra các tiêu chí chặt chẽ về căn cứ gia hạn thanh tra.Tương tự như vậy với quy định về tạm dừng, tạm hoãn. Hiện tại Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định các căn cứ tạm hoãn, tạm dừng thanh tra.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung này vào đề cương Dự thảo.
- Ngoài ra, có doanh nghiệp cho rằng hiện tại Luật quản lý thuế chưa quy định thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra nếu doanh nghiệp không nằm trong danh sách kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan thuế. Để tránh trường hợp doanh nghiệp không được kiểm tra, thanh tra trong thời gian dài (5-10 năm hoặc lâu hơn), đề nghị bổ sung quy định về thời hạn được miễn kiểm tra/thanh tra cho doanh nghiệp. Nếu để quá lâu thì chứng từ, tài liệu tồn quá nhiều, cần thuê kho lưu trữ phức tap và tốn kém, nhiều chứng từ quá thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật kế toán.
- Về mở rộng mô hình hoạt động của đại lý thuế (Chính sách 19):
Dự thảo Tờ trình nêu: “Mở rộng mô hình hoạt động của Đại lý thuế theo hướng: 01 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề cũng được thành lập Đại lý thuế và Đại lý thuế này chỉ hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tư nhân và phạm vi của các Đại lý thuế này cũng chỉ cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.”
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng về đề xuất chính sách này, ít nhất ở các điểm sau:
- Luật quản lý thuế hiện hành không giới hạn mô hình hoạt động của Đại lý thuế mà chỉ quy định điều kiện về số lượng nhân sự tối thiểu phải có để được kinh doanh.
- Hạn chế phạm vi cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp tư nhân ở các cá nhân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là trái với tinh thần của Luật doanh nghiệp (Điều 7. Quyền của doanh nghiệp).
- Trên thực tế, những tập đoàn, công ty cổ phần quy mô lớn hoàn toàn có thể có có nhu cầu sử dụng dịch vụ đại lý thuế theo dự án, theo vụ việc (công việc có tính chất thời vụ). Doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp này, với cá nhân được cấp chứng chỉ theo đúng quy định của pháp luật hoàn toàn đủ năng lực để cung cấp dịch vụ.
Với các lý do trên, VCCI đề nghị Quý cơ quan dự thảo quy định này để bảo đảm tính thống nhất với các văn bản pháp luật khác và bảo đảm tính hợp lý với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Về quản lý thu thuế đối với thương mại điện tử (Chính sách 28)
Dự thảo đề xuất phương thức thu thuế đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới: “mức thu đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 01 triệu đồng/lần trở lên thì thu thuế GTGT và thuế TNCN theo một tỷ lệ (%), không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 01 triệu đồng/lần. Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 01 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế GTGT và TNCN theo quy định.”
Về quy định này, một số ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia băn khoăn về các điểm sau:
- Tính khả thi của hệ thống theo dõi, thống kê nhằm xác định một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng có tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày để tiến hành áp dụng thu thuế.
- Tiêu chí cụ thể để ghi nhận các lô hàng giống nhau.
Nếu không rõ ràng, quy định này có nguy cơ tạo ra sự diễn giải và áp dụng tuỳ tiện trên thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiêp và người dân. Đề nghị Ban soạn thảo có lý giải cụ thể hơn để việc thực thi được minh bạch, thống nhất.
- Về hồ sơ:
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số nội dung sau:
- Bổ sung đánh giá về thủ tục hành chính. Trong đó, nêu rõ các chi phí kinh tế (tăng lên hoặc cắt giảm được) đối với xã hội, doanh nghiệp, nhà quản lý.
- Trong báo cáo đánh giá tác động, đề nghị nêu rõ các lựa chọn và phân tích các tác động rồi mới lựa chọn phương án. Hiện có nhiều chính sách chỉ nêu nội dung và phân tích tác động là: không có tác động tiêu cực. Như vậy là chưa đáp ứng yêu cầu của một báo cáo đánh giá tác động.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Đề xuất sửa đổi Luật quản lý thuế (bản thẩm định). Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc khi soạn thảo Dự thảo Luật.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.