VCCI góp ý về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 245/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
VCCI góp ý về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
VCCI góp ý về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên
Kính gửi: Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài chính
Sau khi nhận được Công văn số 10958/BTC-CST của Bộ Tài chính ngày 17/8/2017 về việc đề nghị góp ý Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế tài nguyên (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước. VCCI cũng đã tổ chức 02 hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia tại TP. HCM ngày 13/09/2017 và tại Hà Nội ngày 14/09/2017. Trên cơ sở các ý kiến ban đầu mà VCCI nhận được, VCCI có một số ý kiến đối với đề xuất của Bộ Tài chính như sau:
- Quan điểm tiếp cận
- Đánh giá tác động chính sách
Hiện nay, tài liệu Cơ quan soạn thảo cung cấp mới chỉ là một dự thảo sơ bộ và tờ trình. Đối với từng nội dung sửa đổi cụ thể, tờ trình cũng đã nêu được mục tiêu chính sách, các vướng mắc phát sinh trong thực tế, một số kinh nghiệm quốc tế và dự kiến hướng sửa đổi. Tuy nhiên, tài liệu này chưa có các đánh giá cụ thể hơn về tác động có thể có của các chính sách được đề xuất, từ đó có thể khiến cho việc cân nhắc, xem xét các chính sách thuế mới không được đầy đủ, toàn diện. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sớm bổ sung báo cáo đánh giá tác động, đối với mỗi chính sách được đề xuất thì cần trả lời những câu hỏi sau:
- Chính sách đó sẽ tác động như thế nào đến ngân sách, làm tăng, giảm nguồn thu như thế nào? Tác động cụ thể như thế nào đến người có thu nhập thấp?
- Chính sách đó liệu có giúp đạt được mục tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra? Ví dụ, liệu việc đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có giúp làm giảm béo phì, với tỷ lệ bao nhiêu? Chính sách này liệu có làm giảm tiêu thụ đường, ảnh hưởng ngành mía như thế nào?…
- Ngoài việc đạt được mục tiêu đã đề ra, chính sách mới liệu có những tác động tiêu cực nào khác không? Ví dụ, quy định hạn chế vốn mỏng có tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, tăng trưởng tín dụng không? Dự kiến đánh thuế VAT vào chuyển quyền sử dụng đất có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản hay không?…
- Chính sách thuế mới liệu có minh bạch, khả thi không? Có nguy cơ gặp khó khăn khi thực hiện hoặc tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực không?
- Chi phí chung của doanh nghiệp
Hiện nay, chi phí chung của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cao. Theo báo cáo Doing Business 2017, tổng chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam phải nộp cao hơn nhiều nước trong khu vực, tới mức 39,4% lợi nhuận. Năm 2017, 2018 là những năm điều chỉnh cách tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội khiến tổng số tiền bảo hiểm mà cả doanh nghiệp và người lao động phải chịu tăng gấp rưỡi. Chi phí vốn vay, chi phí vận tải, chi phí logistic, thủ tục xuất nhập khẩu còn phiền hà, thủ tục hành chính phức tạp, cơ chế giải quyết tranh chấp chưa hiệu quả đều khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam luôn cao, kém cạnh tranh hơn so với các nước khác. Đó là chưa kể đến những chi phí không chính thức khác có thể chiếm phần lớn trong lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của VCCI.
Về mặt tổng thể với đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích luỹ tư bản để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất hay phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Tác động tiếp theo sẽ là làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giảm năng lực giải quyết việc làm của nền kinh tế, không tạo đủ áp lực để cải cách bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước.
- Đối tượng không chịu thuế GTGT
Luật thuế GTGT hiện hành vẫn quy định rất nhiều loại hàng hoá là đối tượng không chịu thuế GTGT như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến; giống vật nuôi, giống cây trồng; phân bón; máy móc nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi; muối; sách báo, tạp chí; một số loại máy móc, vật tư, phương tiện trong nước chưa sản xuất được; vũ khí, khí tài; bộ phận cơ thể nhân tạo, dụng cụ cho người khuyết tật…
Việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những doanh nghiệp trong nước sản xuất loại hàng hoá này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào. Quy định này khiến các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi, đặc biệt là những mặt hàng có sự cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu. Do hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế GTGT tại Việt Nam nên có lợi thế về thuế hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước. Vô hình chung, quy định này khuyến khích nhập khẩu, đi ngược lại chính sách khuyến khích sản xuất trong nước.
Về nội dung này, tờ trình mới chỉ phản ánh trường hợp một số doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng như máy nông nghiệp, tàu cá, phân bón chịu thiệt hại từ quy định. Tuy nhiên, như trên phân tích, vấn đề không chỉ dừng lại đối với một vài loại hàng hoá như vậy, mà bao gồm tất cả những loại hàng hoá hiện đang là đối tượng không chịu thuế. VCCI nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí chế tạo phản ánh về tình trạng này. Những chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển… đều có thuế GTGT đầu vào nhưng không được khấu trừ.
Thậm chí, cách tính thuế này còn dẫn đến hệ quả làm giảm động lực chuyên môn hoá và phân công lao động trong những lĩnh vực sản xuất trên. Bởi doanh nghiệp nào càng ít mua sắm, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mua ngoài thì số thuế GTGT không được khấu trừ càng ít và càng được lợi về thuế.
Trước đây, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thường được tổ chức dưới dạng kinh tế hộ gia đình. Năng lực kê khai và nộp thuế của các chủ thể này có thể không tốt bằng các doanh nghiệp nên việc cho phép khấu trừ và hoàn thuế có thể dẫn đến những kẽ hở về thuế. Tuy nhiên, thực tế này cũng đang thay đổi. Cùng với chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất này. Các chính sách thuế cũng cần đồng bộ với chủ trương này.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hạn chế tối đa phạm vi những mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, chuyển các mặt hàng đó sang diện chịu thuế suất 0%, 5% hoặc 10% tuỳ vào mục tiêu chính sách.
- Thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải nộp thuế GTGT dựa trên “giá bán bất động sản chưa thuế trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước”. Tờ trình của cơ quan soạn thảo đưa ra lý do chính để đánh thuế GTGT đối với chuyển quyền sử dụng đất là vì “khó khăn do không có cơ sở hoặc không xác định được thế nào là giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách”.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI rằng việc tính toán giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất của họ không có gì khó khăn. Kể cả khi có vướng mắc trong xác định giá tính thuế đi chăng nữa thì cũng có thể được tháo gỡ thông qua việc hướng dẫn chi tiết cách tính, hoặc ấn định một cách tính giá chuyển quyền sử dụng đất khi tính thuế. Khó khăn trong việc xác định giá trị được trừ khi tính thuế không thể là lý do để không cho phép trừ phần giá trị đó.
Theo Điều 3 của Luật Thương mại, đất đai hay quyền sử dụng đất không phải là hàng hoá, dịch vụ. Điều 2 của Luật Thuế giá trị gia tăng đây là loại thuế “tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.” Do đó, việc đánh thuế GTGT đối với chuyển quyền sử dụng đất sẽ không phù hợp với bản chất của loại thuế này.
Việc đánh thuế GTGT đối với chuyển quyền sử dụng đất đặt ra câu hỏi về người nộp thuế. Liệu người nộp thuế (1) chỉ là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, hay (2) bao gồm cả những tổ chức, cá nhân mua bán bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên (không kinh doanh)?
- Nếu chỉ những tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải nộp khoản thuế này thì sẽ gây ra sự bất bình đẳng về thuế khi mà những tổ chức, cá nhân khác không phải nộp. Hơn nữa, nó sẽ càng làm gia tăng những nhà đầu tư cá nhân mặc dù không đăng ký kinh doanh bất động sản nhưng vẫn mua đi bán lại bất động sản nhằm mục đích thu lợi.
- Ngược lại, nếu yêu cầu cả những tổ chức, cá nhân mua bán bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên (không kinh doanh) cũng phải nộp thuế GTGT thì sẽ gây những khó khăn lớn về việc lưu giữ hoá đơn, khấu trừ thuế, hoàn thuế do thời điểm mua và thời điểm bán bất động sản có thể cách nhau nhiều năm.
Việc đánh thuế GTGT đối với chuyển quyền sử dụng đất còn có thể gây nhiều tác động lớn như làm tăng giá đất đai, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền tiếp cận chỗ ở của người dân.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định chuyển quyền sử dụng đất không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT như Luật Thuế GTGT hiện hành.
- Thuế suất thuế giá trị gia tăng
Đối với thuế suất phổ thông, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng thuế từ 5% lên 6% và tăng thuế từ 10% lên 12% đối với các loại hàng hoá, dịch vụ tương ứng. Đây là một sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong tờ trình. Tờ trình mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế này.
Về mặt xã hội, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thuế GTGT là loại thuế luỹ thoái đánh vào tiêu dùng. Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao. Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế GTGT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.
Về mặt kinh tế, việc tăng thuế GTGT sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tăng thuế GTGT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra. Qua tham luận và trao đổi của các chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần cân nhắc một số hệ quả của chính sách này:
Thứ nhất, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm trở lại đây thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này. Theo một đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập kỷ, và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này.
Thứ hai, trong 3 nhóm doanh nghiệp (quốc doanh, dân doanh trong nước và FDI) thì các doanh nghiệp dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng thuế GTGT. Các doanh nghiệp FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế GTGT. Các doanh nghiệp nhà nước mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đặt ra tại Đại hội Đảng XII.
Thứ ba, việc tăng thuế còn có nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân trong nước có khả năng tạo việc làm tốt nhất trên mỗi đồng vốn đầu tư. Do đó, tiếp theo việc doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tăng thuế GTGT, năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ tư, tác động lạm phát đã được Bộ Tài chính tính toán và được coi là không lớn, chỉ làm tăng CPI một lần trong khoảng 0,06%-0,39%. Do không nắm rõ phương pháp nghiên cứu nên khó có thể bình luận sâu hơn về tác động này. Mặc dù vậy, theo ý kiến một số chuyên gia mà VCCI tiếp nhận được, đây là tác động trong điều kiện giả định là các yếu tố khác không đổi, trong đó có chi ngân sách. Nói cách khác, nếu việc tăng thuế và số tiền thu được tăng thêm (ước đoán 70.000 tỷ đồng) được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng CPI như thế là phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước không thể thu thêm thuế rồi để đó, mà sẽ sử dụng tiền thuế này để chi tiêu công. Việc Nhà nước sử dụng những đồng tiền thuế này chi tiêu như thế nào có thể sẽ kéo theo lạm phát.
Với những tác động kinh tế – xã hội như vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc tăng thuế GTGT như đề xuất.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt
Dự thảo đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10% nhằm mục tiêu chính là bảo vệ sức khoẻ nhân dân do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì. Đây là một mục tiêu hợp lý, vì sức khoẻ cộng đồng, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc, liệu việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt như vậy sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Ngoài việc trả lời câu hỏi về mức độ hiệu quả biện pháp đánh thuế so với mục tiêu chính sách, cũng cần tiên liệu một số tác động tiêu cực của chính sách này. Các tác động đó có thể bao gồm ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và người nông dân trong một số lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ nhất, mức thuế 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng sẽ là tác động đáng kể đối với khả năng chi tiêu của nhiều gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thuế nước ngọt có thể sẽ không chỉ tước đi niềm vui của các em nhỏ nông thôn mà còn có thể làm chậm tiến trình xoá suy dinh dưỡng trẻ em.
Thứ hai, thuế nước ngọt còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và người nông dân. Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa (mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có).
Đơn cử ngành công nghiệp mía đường, hiện nay, thuế giá trị gia tăng đối với đường chỉ là 5%. Nói cách khác, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế đối với ngành mía đường, nhằm bảo đảm quyền lợi của người nông dân trồng mía. Thế nhưng cũng chính sản phẩm đường đó, pha vào nước đóng chai thì lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là Nhà nước không khuyến khích. Như vậy, ở đây đã thể hiện một sự thiếu nhất quán về chính sách.
VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo:
- Chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.
- Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của Singapore. Phương pháp này vừa giúp tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì.
- Cần xác định rõ hơn các khái niệm nước trái cây 100% tự nhiên, khái niệm sữa, cà phê sữa, chè sữa, sữa trái cây…
- Thuế TNDN của thu nhập chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam
Đề xuất thay đổi cách tính thuế nhà thầu chuyển nhượng vốn được cơ quan soạn thảo đưa ra xuất phát từ lý do “chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng” tại nước ngoài. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong thực tiễn, sẽ có một số giao dịch có thể dễ dàng kiểm chứng được giá chuyển nhượng, một số giao dịch khác thì khó khăn hơn. Do đó, việc đưa tất cả các giao dịch về cùng một cách tính thuế có thể sẽ chưa thực sự phù hợp.
Trong một số trường hợp, việc chuyển nhượng vốn chỉ nhằm mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư trong cùng một tập đoàn kinh tế nước ngoài. Trường hợp này, việc chuyển nhượng vốn không làm phát sinh lợi nhuận của tập đoàn và vì thế không nên đánh thuế. Một số trường hợp khác khi các bên giao dịch đã thể hiện rõ giá chuyển nhượng trong hợp đồng lớn hơn nhiều giá vốn hoặc giá đó đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài xác nhận thì cũng nên tính thuế theo lợi nhuận chuyển nhượng.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cho phép cân nhắc trường hợp đủ căn cứ để xác định giá chuyển nhượng là trung thực, khách quan thì áp dụng giá đó, trường hợp không xác định được thì xác định trên doanh thu. Đi kèm với đó là quy định chi tiết hướng dẫn cách xác định giá chuyển nhượng.
Ngoài ra, vấn đề chuyển nhượng vốn gián tiếp vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để trong dự thảo. Điều này có thể làm phát sinh những xung đột trong quá trình áp dụng pháp luật giữa cơ quan thuế và các nhà đầu tư. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm và đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Trong trường hợp chưa thể đưa luôn vào Luật thì cần cân nhắc quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dùng này.
Về mức thuế suất, Dự thảo đưa ra mức 1% trên giá trị chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi so sánh với mức thuế suất chuyển nhượng chứng khoán hiện hành chỉ có 0,1% thì đây là mức chênh lệch tương đối lớn. Về bản chất, chuyển nhượng vốn là chứng khoán (cổ phần) và chuyển nhượng vốn không phải chứng khoán (phần vốn góp) không có sự khác biệt đáng kể. Mức chênh lệch thuế suất này còn có thể kéo theo tình trạng tránh thuế hợp pháp bằng cách chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần để giảm số thuế phải nộp, sau đó lại chuyển đổi từ công ty cổ phần về công ty TNHH. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mức thuế suất phù hợp hơn.
- Chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN (vốn mỏng)
Dự thảo đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ vốn vay trong xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thuế TNDN đang áp dụng đại trà cho tất cả các doanh nghiệp (có tỷ lệ khác nhau theo ngành nghề). Quy định này được đưa ra nhằm 2 mục đích: (1) chống thất thoát thuế và (2) lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp.
Đối với mục tiêu đầu tiên, việc kiểm soát chống chuyển giá chỉ nên áp dụng cho các doanh nghiệp có quan hệ liên kết và có chênh lệch thuế suất (hoặc bên cho vay ở nước ngoài). Còn đối với các doanh nghiệp khác thì chi phí của bên này là doanh thu của bên kia, nên khoản thu của Nhà nước vẫn sẽ được bảo đảm. Do đó, việc áp dụng quy định hạn chế tỷ lệ vốn vay khi tính thu nhập chịu thuế một cách đại trà là chưa phù hợp.
Đối với mục tiêu thứ hai, có lẽ Nhà nước không cần thiết phải can thiệp bằng công cụ thuế như vậy. Khi một doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng cho một doanh nghiệp khác vay, bên cho vay luôn phải cân nhắc đánh giá về năng lực trả nợ của bên đi vay. Thông thường, các bên cho vay luôn đòi hỏi bên vay nợ phải có vốn chủ sở hữu đối ứng với một tỷ lệ xác định, tuỳ thuộc vào đánh giá của bên cho vay. Hiện nay, các ngân hàng cũng đã có nhiều biện pháp để kiểm soát rủi ro tín dụng, ví dụ như hệ thống thông tin tín dụng, quy định về hạn mức tín dụng, tài sản bảo đảm… và rất nhiều biện pháp khác.
Tóm lại, việc nhà nước quá lo lắng cho khả năng trả nợ của doanh nghiệp là điều không thực sự cần thiết, thị trường có thể tự giải quyết vấn đề này.
Trong trường hợp áp dụng quy định này thì một số vấn đề cụ thể cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ví dụ, nếu doanh nghiệp vay từ nhiều nguồn khác nhau, với lãi suất, thời gian khác nhau, các điều kiện vay cũng rất khác nhau thì khi đó sẽ tính toán phần chi phí được trừ và không được trừ như thế nào? Nếu doanh nghiệp đã bị lỗ, âm vốn chủ sở hữu thì xử lý thế nào?
Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn đối tượng áp dụng quy định hạn chế vốn mỏng chỉ đối với những giao dịch vay nợ giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, không áp dụng đại trà như Dự thảo. Ngoài ra nếu áp dụng đề án cần có một lộ trình áp dụng phù hợp.
- Thuế chuyển nhượng vốn đối với cá nhân
Đề xuất đánh thuế chuyển nhượng vốn đối với cá nhân tương tự như quy định về thuế chuyển nhượng vốn trong thuế nhà thầu, đánh trên giá chuyển nhượng với mức thuế suất 1%. Cũng tương tự như trên, khi so sánh với mức thuế suất 0,1% của chuyển nhượng chứng khoán thì có một sự chênh lệch thuế suất rất lớn. Nguy cơ dẫn đến tình trạng chuyển đổi loại hình công ty để tránh thuế, tạo chi phí xã hội làm các thủ tục hành chính không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về mức thuế suất 1%.
- Quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Thực tế hiện nay, các cơ quan thuế đang gặp tình trạng quá tải khi làm hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân để hoàn thuế vào khoảng tháng 3 hàng năm. Từ đó, dự thảo đề xuất hai phương án: (1) bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế hay nộp thêm thuế thu nhập cá nhân; hoặc (2) quy định ngưỡng hoàn thuế hay nộp thêm từ 300.000 đồng trở xuống thì không cần quyết toán.
Nếu áp dụng phương án 1 thì có thể giúp giảm rất nhiều chi phí làm thủ tục quyết toán thuế của cả người dân và cơ quan thuế, nhưng có thể ảnh hưởng đến tính luỹ tiến của thuế thu nhập cá nhân và gây ra tình trạng tránh thuế hợp pháp.
Thứ nhất, tính luỹ tiến là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của thuế thu nhập cá nhân, giúp tái phân phối tài sản trong xã hội. Khi bỏ quyết toán thuế đối với thu nhập từ nhiều nguồn và thu nhập vãng lai sẽ làm lợi cho những cá nhân có thu nhập rất cao.
Những cá nhân có thu nhập rất cao lên đến khung thuế suất 20%, 28%, thậm chí 35% và trong đó có nhiều thu nhập vãng lai (như những cá nhân nổi tiếng thu nhập từ chương trình biểu diễn hoặc hợp đồng quảng cáo) sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc bỏ quyết toán thuế. Bởi khi đó, họ sẽ chỉ phải chịu mức thuế suất khấu trừ tại nguồn 10% thay vì mức thuế suất cao của phần thu nhập rất cao.
Ngược lại, đối với những cá nhân có thu nhập thấp hưởng thu nhập vãng lai (như người lao động thời vụ) thì khoản hoàn thuế vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng lại rất có ý nghĩa với họ. Việc bỏ quyết toán thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những người lao động như vậy.
Thứ hai, việc bỏ quyết toán thuế còn có thể có khả năng gây ra tình trạng tránh thuế của các doanh nghiệp. Ví dụ, để giảm số thuế phải nộp cho người lao động có thu nhập cao, một doanh nghiệp có thể tách thành nhiều doanh nghiệp, ký nhiều hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê khoán (thu nhập vãng lai). Cách làm này sẽ dễ dàng giảm đáng kể số thuế phải nộp cho những cá nhân thu nhập cao, và không phản ánh đúng bản chất luỹ tiến của loại thuế này.
Nếu áp dụng phương án 2, tuỳ thuộc vào ngưỡng giá trị cụ thể sẽ giúp giảm số lượng cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế đối với những cá nhân có mức thu nhập trung bình. Tính chất tái phân phối thu nhập xã hội đối với những cá nhân có thu nhập rất cao hoặc rất thấp không bị mất đi.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 2 như trong tờ trình của Dự thảo. Ngoài ra, có thể cân nhắc thêm phương án phân loại đối tượng nhằm giãn thời gian làm thủ tục quyết toán thuế, tránh dồn vào một thời điểm trong năm như vừa qua.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế tài nguyên. VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đang tiếp tục tiến hành các chương trình lấy ý kiến, thực hiện nghiên cứu đánh giá về tác động của Đề án sửa đổi Thuế và sẽ gửi cho Ban Soạn thảo.
Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.