VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng di động

Thứ Ba 14:34 01-09-2015

Kính gửi: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin

        Bộ Công Thương

Trả lời Công văn 6284/BCT-TMĐT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng di động (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

1.      Về nguyên tắc quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng di động (Điều 4)

Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định “với một website thương mại điện tử, thương nhân, tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký một lần cho cả phiên bản web và phiên bản di động”. Quy định này được hiểu là nhằm giảm thiểu thủ tục cho các chủ thể có hoạt động thương mại điện tử trên phiên bản web và di động, tuy nhiên lại không làm rõ ở một số điểm sau:

-         Thủ tục đăng ký hoặc thông báo website thương mại điện tử cho hai phiên bản được thực hiện theo thủ tục đăng ký/thông báo phiên bản web quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BCT[1] hay là thủ tục đăng ký/thông báo phiên bản di động quy định tại Dự thảo hay là được hiểu như thế nào?

Tương tự, nếu trong quá trình hoạt động website thương mại điện tử có một số thay đổi mà theo quy định phải thực hiện thủ tục thông báo thì sẽ thực hiện thủ tục thông báo theo quy định tại văn bản nào?

-         Quy định trên có được hiểu, nếu doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký/thông báo cho website thương mại điện tử cho phiên bản web và một thời gian sau, phát triển thêm phiên bản di động, thì phiên bản di động này không phải thực hiện thủ tục đăng ký/thông báo nữa?

Để tạo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể những vấn đề trên.

2.      Về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng trên nền tảng di động (Điều 5)

Khoản 5 Điều 5 Dự thảo quy định một trong các trách nhiệm của các chủ thể này là “cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử”. Quy định này là chưa rõ về các thông tin mà doanh nghiệp phải cung cấp (loại thông tin cụ thể là gì?), bởi điểu này ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ thông tin của doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định 52 thì hàng năm doanh nghiệp phải gửi báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên Nghị định 52, Thông tư 47 và cả Dự thảo đều không quy định cụ thể các nội dung mà doanh nghiệp phải thông báo, có thể dẫn đến sự lúng túng trong quá trình thực hiện và sự lạm quyền của cơ quan nhà nước khi yêu cầu quá nhiều thông tin từ phía doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các nội dung mà doanh nghiệp phải báo cáo cho cơ quan nhà nước để phục vụ hoạt động thống kê thương mại hoặc ban hành mẫu báo cáo.

3.      Một số góp ý khác

-         Khá nhiều quy định tại Dự thảo này có tính lặp lại đối với quy định tại Thông tư 47 mà không có quy định mới có tính đặc thù đối với hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng điện thoại di động, vì vậy các quy định này tại Dự thảo là không cần thiết và chưa phù hợp với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định có tính lặp lại các giao dịch thương mại điện tử chung và quy định đặc thù đối với hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng điện thoại di động;

-         Mẫu đơn đăng ký ứng dụng trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (Phụ lục):

+ Dự thảo quy định trong Mẫu đơn phải cung cấp “tên và chức danh người chịu trách nhiệm đối với ứng dụng” là không cần thiết, bởi về mặt nguyên tắc, trong các mối quan hệ mà doanh nghiệp thiết lập thì doanh nghiệp sẽ phải là chủ thể chịu trách nhiệm còn cá nhân người chịu trách nhiệm đối với ứng dụng sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp xử lý nội bộ của doanh nghiệp. Do đó việc xác định tên doanh nghiệp, “tên và chức danh người đại diện thương nhân” là đủ để xác định chủ thể chịu trách nhiệm trong hoạt động này. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung phải cung cấp thông tin “tên và chức danh người chịu trách nhiệm đối với ứng dụng” trong Đơn đăng ký tại Phụ lục.

+ Không rõ mục tiêu của việc yêu cầu phải cung cấp thông tin về đơn vị phát triển ứng dụng trong Mẫu Đơn đăng ký này? Trong thủ tục đăng ký ứng dụng trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thì chủ thể cần quản lý là doanh nghiệp sở hữu và/hoặc sử dụng ứng dụng, còn đơn vị phát triển ứng dụng không cần thiết phải cung cấp thông tin vì không phải là chủ thể chịu trách nhiệm cho việc sử dụng ứng dụng trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Hơn nữa, trong Dự thảo thì không có quy định nào liên quan đến chủ thể này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung về đơn vị phát triển ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng di động. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục các góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.



[1] Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 05/12/2014 quy định quản lý về website thương mại điện tử

Các văn bản liên quan