VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quản lý phương tiện vui chơi dưới nước

Thứ Năm 09:37 04-01-2018

Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 13893/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động của phương tiện vui chơi giải trí dưới nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về đăng kiểm phương tiện (Điều 4)

Khoản 1 quy định “phương tiện khi tham gia hoạt động vui chơi giải trí dưới nước phải thực hiện đăng kiểm phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa”.

Tuy nhiên, theo giải trình của chính Ban soạn thảo trong Tờ trình thì quy định về điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện du lịch, thể thao,vui chơi giải trí “không thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh” của Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa và các văn bản dưới luật liên quan1. Hơn nữa, Nghị định này cũng không căn cứ vào pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Như vậy, pháp luật về giao thông đường thủy nội địa  không có quy định nào sẵn có liên quan đến phương tiện này. Do đó, về mặt pháp lý thì quy định tại khoản 1 sẽ không thể thực hiện được.

Vì vậy, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:

  • Trường hợp phân tích các yếu tố kỹ thuật (thuộc phạm vi đăng kiểm) và chứng minh được rằng về mặt kỹ thuật tính chất của phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tương tự như phương tiện thủy nội địa thì:

+ Hoặc là dẫn chiếu tới quy định cụ thể về hoạt động đăng kiểm áp dụng đối với phương tiện khi tham gia hoạt động vui chơi giải trí dưới nước (theo hướng lựa chọn quy định đăng kiểm đối với phương tiện có tính chất tương tự như phương tiện tham gia hoạt động giải trí dưới nước để áp dụng tương tự);

+ Hoặc là sửa đổi văn bản liên quan tới đăng kiểm phương tiện thủy nội địa để bố sung phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi giải trí dưới nước vào phạm vi điều chỉnh

  • Trường hợp phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tương tự có đặc điểm khác hoàn toàn so với phương tiện thủy nội địa và việc áp dụng quy định đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cho nhóm phương tiện này là không thích hợp thì kiến nghị ban hành văn bản quy định cụ thể về vấn đề này.  

2. Về đăng ký phương tiện (Điều 8)

Theo quy định tại điểm c khoản 3 thì phương tiện phải được đăng ký lại trong trường hợp “trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện chuyển sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác”. Điều này được hiểu là đối với trường hợp chủ sở hữu phương tiện là thương nhân (cá nhân kinh doanh) thì phương tiện sẽ phải đăng ký theo “nơi thường trú” của người này, nếu người này thay đổi nơi thường trú thì phải đăng ký lại.

Tuy nhiên, theo các quy định khác tại Dự thảo thì chủ phương tiện là cá nhân có thể đăng ký cho phương tiện theo “nơi đăng ký tạm trú”, ví dụ:

  • Khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định “trường hợp chủ phương tiện là cá nhân chưa có hộ khẩu thường trú nhưng có đăng ký tạm trú tại địa phương thì việc đăng ký phương tiện được thực hiện như trường hợp có hộ khẩu đăng ký thường trú”, có nghĩa phương tiện cũng có thể đăng ký theo “đăng ký tạm trú” của chủ phương tiện.
  • Trong Phụ lục 04 về Mẫu Đơn đề nghị Đăng ký phương tiện, phần ghi “trụ sở chính” được hướng dẫn “địa chỉ chủ phương tiện đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đối với trường hợp chủ phương tiện là cá nhân chưa có hộ khẩu thường trú nhưng có đăng ký tạm trú tại địa phương”. Trong Đơn thì chủ phương tiện có thể ghi hoặc là “hộ khẩu thường trú” hoặc là “đăng ký tạm trú”.

Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng chủ phương tiện có thể thay đổi nhiều nơi tạm trú nhưng không thay đổi hộ khẩu thường trú thì cũng không phải thực hiện đăng ký lại, và phương tiện vẫn cứ được “quản lý trên giấy tờ” bởi một địa phương mà thực tế không còn quan hệ/quản lý gì đối với chủ phương tiện.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 theo hướng phương tiện phải đăng ký lại trong trường hợp chủ phương tiện chuyển trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú/tạm trú ghi trên đăng ký ban đầu sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác.

3. Về tên của phương tiện (Điều 10)

Khoản 2 quy định “tên của phương tiện do chủ phương tiện đặt nhưng không được trùng với tên phương tiện đã đăng ký trong Sổ đăng ký phương tiện của cơ quan đăng ký phương tiện. Trường hợp lấy tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử Việt Nam để đặt tên phương tiện, chủ phương tiện phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Để đảm bảo minh bạch trong quy định và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Công khai tên các phương tiện đã được đăng ký tại một đầu mối thống nhất để các chủ phương tiện có thể tra cứu thông tin, tránh các tên đã có khi đặt Tên cho phương tiện của mình;
  • Liên quan tới quy định cấm đặt tên theo tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử Việt Nam, cần chú ý rằng trên thực tế, trước thời điểm Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc liên quan đến đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân (do không có văn bản chính thức nào công bố tên các danh nhân không được sử dụng khi đặt tên doanh nghiệp), và vì vậy hiện tại, pháp luật về doanh nghiệp đã phải bỏ quy định cấm này đặt tên trùng tên danh nhân. Tên phương tiện trong trường hợp này cũng không có điểm gì khác biệt lớn so với tên doanh nghiệp (thậm chí tên doanh nghiệp còn có thể có tác động lớn hơn, do đó có nhiều rủi ro hơn. Hơn nữa, các sự kiện lịch sử thậm chí còn khó xác định hơn nữa so với tên danh nhân.

Vì vậy, đề nghị bỏ quy định “trường hợp lấy tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử Việt Nam để đặt tên phương tiện, chủ phương tiện phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Trường hợp có giải trình hợp lý, thuyết phục về việc cần thiết phải có quy định này đối với phương tiện (trong khi tên doanh nghiệp thì không cần quy định này) thì đề nghị quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định cụ thể về các tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử không được phép sử dụng để đặt tên tàu.

4. Về các thủ tục đăng ký lại phương tiện

Từ Điều 16-19 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục đăng ký lại phương tiện trong một số trường hợp cụ thể. Một số thủ tục vẫn chưa đảm bảo tính minh bạch, hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để hoàn thiện, cụ thể:

  • Trường hợp phương tiện chuyển quyền sở hữu phương tiện nhưng không thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện (Điều 17):

Dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân phải cung cấp các loại giấy tờ: “02 ảnh màu có kích thước 10×15 cm chụp toàn bộ mạn phải của phương tiện ở trạng thái nổi” (điểm b khoản 1). Dự thảo yêu cầu phải nộp hai loại tài liệu này là chưa hợp lý, bởi vì, trong hồ sơ đăng ký lần đầu, cơ quan đăng ký đã có “02 ảnh màu có kích thước 10×15 cm chụp toàn bộ mạn phải của phương tiện ở trạng thái nổi” (trường hợp này phương tiện không thay đổi hình dạng, chỉ thay đổi chủ sở hữu, vì vậy hình ảnh trong tài liệu ban đầu là không thay đổi).

  • Trường hợp chủ phương tiện thay đổi trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của chủ phương tiện sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác (Điều 19)

Tương tự như trường hợp trên, Dự thảo cũng yêu cầu trong hồ sơ phải có 02 ảnh màu chụp phương tiện (điểm b khoản 1) trong khi việc thay đổi đăng ký hoàn toàn không liên quan tới hình thức bên ngoài của tàu.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 và điểm b khoản 1 Điều 19.

5. Về thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (Điều 20)

  • Các trường hợp phải cấp lại: Dự thảo quy định thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện nhưng không rõ trường hợp nào thì chủ phương tiện phải thực hiện thủ tục cấp lại. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp này;
  • Hồ sơ: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Dự thảo, hồ sơ phải có “Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đã được cấp đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị hỏng” có thể suy đoán là trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký bị hỏng thì phải thực hiện thủ tục cấp lại. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, Dự thảo cũng yêu cầu trong hồ sơ phải có “02 ảnh màu có kích thước 10×15 cm chụp toàn bộ mạn phải của phương tiện ở trạng thái nổi” (điểm b khoản 1). Yêu cầu này là chưa hợp lý bởi đây là thông tin đã có trong hệ thống tài liệu lưu trữ của cơ quan quản lý, không cần thiết phải cung cấp lại. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Dự thảo;
  • Thời gian: Điểm b khoản 3 quy định thời gian để xem xét hồ sơ đầy đủ, hợp lệ là 02 ngày làm việc, tương đương với thời gian xem xét hồ sơ của thủ tục cấp giấy đăng ký lần đầu, các trường hợp đăng ký lại quy định tại Dự thảo. Điều này là chưa hợp lý, bởi vì trường hợp cấp lại do Giấy đăng ký mất, hỏng thì hồ sơ khá đơn giản, không cần mất nhiều thời gian để xem xét tính đầy đủ, hợp lệ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ còn 01 ngày làm việc.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động của phương tiện vui chơi giải trí dưới nước. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


  1. Trang 1 tờ trình