Không ”hình sự hóa” các hành vi vi phạm đấu thầu

Thứ Bảy 18:16 20-05-2006
Không ''hình sự hóa'' các hành vi vi phạm đấu thầu

Theo Tin tức

Sáng 20/8, các đại biểu QH chuyên trách thảo luận về dự án Luật đấu thầu mua sắm công, một đạo luật nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát trong sử dụng các nguồn vốn nhà nước. Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được đã nhấn mạnh đây là một công cụ hữu hiệu chống tham nhũng và tiêu cực.

Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu mua sắm công chỉ tập trung vào các gói thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển và dự án sử dụng vốn nhà nước cho nhu cầu mua sắm thường xuyên thuộc ba lĩnh vực dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa và xây lắp.

Khái niệm gói thầu được mở rộng trong trường hợp các dự án có những nội dung mua sắm giống nhau thì được phép hình thành một gói thầu chung để đấu thầu nhằm giảm chi phí. Dự thảo luật cũng quy định nhà thầu muốn tham gia trước hết phải đảm bảo tư cách hợp lệ. Chủ đầu tư nếu không đủ năng lực thì được phép sử dụng tổ chức chuyên môn làm bên mời thầu.

Về hình thức xử lý vi phạm, nhiều ý kiến đồng ý với các hình thức dự thảo luật đưa ra gồm: cảnh cáo, phạt tiền, đưa vào danh sách cấm tham gia đấu thầu, bị đăng tải trên tờ thông tin hoặc trang điện tử về đấu thầu. Những hình thức xử lý vi phạm này được quy định theo hướng không "hình sự hóa" các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, gây thiệt hại thì bồi thường, có cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự.

Về hợp đồng trong đấu thầu, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng những tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng là rất nhiều, gây lãng phí nghiêm trọng, do đó cần có thêm quy định về giám sát thi công. Có ý kiến khác đề nghị thêm một điều riêng quy định mang tính nguyên tắc về bảo hành.

Để hỗ trợ các nhà thầu trong nước có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, dự thảo Luật quy định nhà thầu nước ngoài khi tham gia đấu thầu tại Việt Nam phải liên doanh với nhà thầu Việt Nam hoặc phải cam kết sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng không nên đặt vấn đề này. Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cho rằng ưu đãi cho nhà thầu trong nước là không phù hợp với chủ trương tạo sự bình đẳng cạnh tranh. Nhiều ý kiến tán thành cho rằng quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng các nhà thầu Việt Nam trông chờ, ỷ lại, không tự vươn lên nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chiều nay, các đại biểu QH chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật đấu thầu mua sắm công và hội nghị đại biểu QH chuyên trách lần thứ 6 sẽ bế mạc.

Các văn bản liên quan