Góp ý của Tổng hội xây dựng Việt Nam

Thứ Bảy 17:39 20-05-2006
BẢN TỔNG HỢP CÁC Ý KIẾN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO “LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG”

Ngày 11/08/2005, Ban Chính sách đã phối hợp với Câu lạc bộ Chuyên gia Xây dựng lão thành của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (XDVN) tổ chức buổi tọa đàm tham gia gópý kiến cho dự thảo “Luật phòng, chống tham nhũng”. Tham gia cuộc họp có 33 người.

Những người tham gia tọa đàm đều đều nhận thấy việc lấy ý kiến toàn dân về dự thảo này là cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ do yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế mà còn là yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế nước ta trong giai đoạn mới và mong muốn luật sẽ được ban hành, thực thi, giám sát mang lại hiệu quả quan trọng và đáp ứng nguyện vọng của mọi người dân.

I. Đánh giá chung

1. Những ý kiến góp ý, ngoài một số ý kiến nêu những hiện tượng bức xúc về tham ô, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng đang xảy ra hàng ngày trong xã hội mà mọi người có thể nhận biết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận trong xã hội, những ý kiến chủ yếu dựa theo bản hướng dẫn góp ý và theo từng vấn đề cụ thể nêu trong dự thảo.

Dự thảo đã đề cập đầy đủ các mối liên quan giữa các hành vi tham nhũng, cách phòng ngừa và biện pháp chống tham nhũng, nhưng chưa nói lên được cái gốc của tham nhũng và cách giải quyết. Những người trong bộ máy chính quyền, cơ quan quản lý kinh tế và doanh nghiệp nhà nước mới là đối tượng, là chủ thể của các hành vi tham nhũng.

Do nội dung của Luật quá rộng, làm loãng mục tiêu chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vài vì vậy có sự trùng lặp nhiều luật khác, nội dung trùng lặp chủ yếu thuộc phạm trù chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm công vụ. Trong dự thảo “Luật phòng, chống tham nhũng” phần nội dung lập các chế tài pháp luật xử lý hành vi phạm tội tham nhũng tiêu cực ít, mà phần lớn nội dung của Luật là thiết chế chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm công vụ, quản lý nhà nước. Nhìn chung dự thảo “Luật phòng, chống tham nhũng” nặng về phòng, nhẹ về chống.

2. Nhiều người tham dự tọa đàm đều nhận thấy: muốn chống tham nhũng tận gốc, cần giải quyết “3 không”. Không cần (thu nhập đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm làm việc mà không tìm cách xoay sở kiếm trác). Không thể: có cơ chế phòng ngừa ngăn chặn từ chính sách, chế độ cho đến công khai, minh bạch. Cần đẩy mạnh cải cách hành chính. Không dám: pháp luật cần xử lý nghiêm minh những kẽ tham nhũng. Giống như việc chống tham nhũng của Trung Quốc: phải làm cho các phần tử tham nhũng khuynh gia bại sản về kinh tế, thân bại danh liệt về chính trị, hối hận không kịp về tâm lý.

3. Giữa “Luật phòng, chống tham nhũng” và những luật khác có những chỗ đã được đề cập rồi thì ở Luật này không cần đề cập đến nữa. Đây là Luật, do đó những nội dung nào có tính chất như chỉ thị, lời khuyên thì không nên đưa vào. Mặ khác, luật cần chi tiết cụ thể để dựa vào đó có thể xử lý các vấn đề tham nhũng dễ dàng hơn.

II. Một số ý kiến cụ thể góp ý trong dự thảo

1. Điều 1: Phạm vi điều chỉnh: Kiến nghị dùng phương án 2 điều chỉnh hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ quyền hạn vì vụ lợi thuộc khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước vì các tổ chức phi chính phủ ngày càng phát triển cả tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và ngày càng có ý nghĩa và tác dụng lớn. Cần giải thích rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chính quyền các cấp, đây là cơ quan nhưng cũng là nơi dễ để xảy ra các tệ nạn trên.

2. Điều 2: Nêu chuyển điều này đưa lên phần mở đầu, không đặt thành một điều trong nội dung của dự Luật. Nếu như thấy cần để trở thành 1 điều thì chuyển điều này thành điều 1, đưa điều 1 vào vị trí của điều 2.

3. Điều 4: Khoản 8 nên sửa thành: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc vì lợi ích của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương hoặc cá nhân mình.

4. Điều 5: Nguyên tắc xử lý tham nhũng:

Khoản 1 của điều này nên sửa cho phù hợp với tiêu đề: Nguyên tắc xử lý tham nhũng. Mọi hành vi tham nhũng khi được phát hiện phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh (không dùng chữ phải được phát hiện).

Khoản 1 của điều này chưa chỉ rõ ai là người phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh vấn đề tham nhũng. Cách trình bày này giống như một nghị quyết, chỉ thị, báo cáo.

Khoản 4: hành vi chủ động khai báo không thể miễn xử lý kỷ luật để giữ nguyên chức vụ, mà chỉ là có thể được giảm nhẹ tội. Bỏ 2 từ tích cực trong đoạn tích cực hạn chế thiệt hại.

Khoản 5: việc xử lý tham nhũng cũng phải được công khai theo quy định của pháp luật. Kiến nghị nêu rõ công khai như thế nào? Ai có trách nhiệm công bố công khai việc này? Cần nêu rõ theo quy định của pháp luật nào?

Khoản 6: người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải chịu trách nhiệm. Nếu người đó đã qua đời? Kiến nghị xử lý tham nhũng có liên quan đến tài sản thì các đời sau vẫn phải chịu trách nhiệm. (vì khai báo theo phương án 2 là phải khai báo tài sản của cả vợ, chồng, con cái).

5. Điều 6. Nội dung của điều này nêu các yêu cầu về trách nhiệm chống tham nhũng, nhưng chưa có quy định cụ thể chế tài nào nếu không thực hiện được thì sao? Có chế tài xử lý hay không? Nếu không có chế tài xử lý thì không thành luật.

Khoản 1 điểm a quy định, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng. Vấn đề là tổ chức thực hiện là đúng, nhưng ban hành các quy định của pháp luật thì không đúng, nên viết thành một điều riêng: ban hành quy chế để thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng. Khoản 2, khoản 3 nên đổi chỗ cho nhau, vì người đứng đầu ngoài nhiệm vụ như mọi người có chức vụ quyền hạn thì có thêm một số trách nhiệm khác.

6. Điều 7. Tiêu đề là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhưng nội dung lại là: công dân có quyền phát hiện, tố cáo…không có chữ nào đề cập tới nghĩa vụ. Cần chỉnh lại tiêu đề.

Nhà nước có chính sách khuyến khích …Nội dung này không cụ thể. Đề nghị cụ thể chi tiết thêm về khuyến khích khen thưởng và thêm nội dung nhà nước, cụ thể là cơ quan nào còn có trách nhiệm bảo vệ cho người có thành tích trong việc phát hiện tố cáo.

7. Điều 8. Trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thanh tra, điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án…Các cơ quan này đặt ngang hàng nhau, ở đây không đề cập tới công an. Nên ghi rõ cơ quan công an. Điều 73, Điều 76 cũng đề cập chưa rõ ràng đối với cơ quan trên. Cần chỉnh lý lại cho thống nhất.

8. Điều 9. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 30 thành viên, điều 9 đã nêu như vậy thì tất cả các thành viên trong đó có cả Đảng Cộng sản rồi, Hội nhà báo rồi, thì không cần điều 10 nữa. Mặt khác cần nêu rõ cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một cách cụ thể, rõ ràng, không chỉ là chung chung như dự thảo.

9. Điều 10. Nếu vẫn để điều 10, thì báo chí làm sao có trách nhiệm xử lý tham nhũng được. Trách nhiệm này cần được xem lại. Không nên đưa trách nhiệm xử lý tham nhũng là của cơ quan báo chí.

10. Điều 12. Các hành vi nêu rõ ở điều này là các hành vi bị nghiêm cấm là đúng. Nhưng vấn đề đặt ra là nên xử lý thế nào khi vi phạm. Chính đây mới là cái mà nhiều người quan tâm cần có trong bộ luật này.

11. Điều 22. Cần quy định mọi báo cáo thu chi ngân sách nhà nước là phải được kiểm toán (kể cả quyết toán vốn đầu tư xây dựng).

12. Điều 28. Nên bổ sung 1 khoản về chuyển đổi đơn vị công tác của cán bộ công chức: Khoản 5: Nghiêm cấm việc luân chuyển công tác đối với cán bộ viên chức có hành vi tham nhũng đã bị phát hiện đang bị điều tra và chưa hết thời hạn thi hành kỷ luật tham nhũng.

Việc đưa vào luật quy định chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức. Đây là điều rất mới, không biết đã thực hiện ở nước nào chưa? Đề nghị cân nhắc kỹ sự phản tác dụng của điều luật (cán bộ không yên tâm công tác, thiếu cán bộ chuyên sâu, gây nghi ngờ nội bộ).

13. Điều 29. Xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức tiêu chuẩn. Bỏ chữ “định mức”. Điều này cần ghi rõ: cán bộ, ngành trực thuộc Chính phủ phải xây dựng chế độ, tiêu chuẩn nghề nghiệp thuộc ngành mình thống nhất với Bộ Nội vụ để ban hành thực hiện. Các điều khác để nguyên nhưng phải thêm điều kiện: phải được cấp trên trực tiếp thông qua để ban hành thực hiện.

14. Điều 33. Trình tự, thủ tục báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng không nên chỉ quy định phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan mà cần phải báo cáo với cơ quan bảo vệ pháp luật có thể xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất, vì nếu người đứng đầu cơ quan có hành vi tham nhũng thì không thể thực hiện được việc báo cáo.

15. Điều 34: Không chỉ riêng điều này mà là nhiều điều khác chỉ quy định chung chung “chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật” nhưng sẽ rất khó hiểu không biết theo pháp luật là theo điều nào của pháp luật nào? Điều 47, Điều 49, Điều 61, Điều 66 cũng chung chung tương tự như vậy.

Nêu trách nhiệm của người không báo cáo: chỉ rõ thể nào là người không báo cáo là việc rất khó vì họ sẽ đổ tại không biết, không rõ. Đề nghị bỏ đoạn này thay vào đó là phần khen thưởng để động viên người phát hiện.

Đoạn người có trách nhiệm không xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật còn chung chung quá. Cần nêu rõ hành vi bao che, tòng phạm và cụ thể phải xử lý như thế nào?

16. Điều 35. Việc tặng quà và nhận quà của cán bộ, công chức. Đề nghị sửa khoản 1: cán bộ công chức được nhận quà phù hợp với phong tục truyền thống. Quà tặng phải được tặng trực tiếp công khai ở cơ quan, không được biếu xén riêng tại nhà hay bất kỳ hình thức khác.

17. Điều 36. Quy định tương đối chi tiết những quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Vậy những người làm ở tổ chức chính trị, chính trị xã hội (Mặt trận, Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn…) thì quy định như thế nào chưa thấy đề cập đến vì bản thân họ cũng là cán bộ công chức.

18. Điều 39. Nghĩa vụ kê khai tài sản nên lấy theo phương án 1: “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ, chồng và con”

19. Điều 49. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị khi để xảy ra tham nhũng: dự thảo còn viết sơ sài, chưa định rõ trách nhiệm liên đới của người đứng đầu khi người mà mình trực tiếp giao nhiệm vụ và là người trực tiếp quản lý có hành vi tham nhũng.

20. Mục 6 của điều 50. Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán. Đề nghị bổ sung Cải cách chế độ tiền lương. Nhất định phải có mục cải cách tiền lương, tuy chưa thể làm ngay được. Ý kiến khác lại cho rằng, điều này là chương trình công tác, không thể coi là luật, vì vậy không nên đưa vào luật.

21. Điều 53, điều 54, điều 62: Chưa chỉ rõ nếu không kịp thời thông báo, xử lý hành vi tham nhũng thì sao, xử lý như thế nào? Ai xử lý?

22. Điều 55: Không cần thiết, vì đây là hướng dẫn nghiệp vụ, không phải là luật.

23. Điều 59: Nên bỏ câu: bỏ phiếu tín nhiệm đối với người…vì việc điều tra hành vi tham nhũng những người đứng đầu cơ quan, tổ chức là việc của cơ quan chức năng, cán bộ cơ quan chưa chắc chắn đã nắm được đầy đủ, do vậy bỏ phiếu tín nhiệm có thể có kết quả không chính xác.

25. Điều 63: Trách nhiệm của người tố cáo: nên biết đến đâu tố cáo đến đó, không nhất thiết phải cung cấp đầy đủ, vì người tố cáo ở ngoài cuộc chơi không thể biết được đầy đủ.

26. Điều 65: Khoản 4 đối tượng bị xử lý kỹ luật: là người đứng đầu cơ quan nên chỉ rõ mức trách nhiệm một cách rõ ràng, ngay cả với người lãnh đạo cao nhất.

III. Một số ý kiến khác

1. Về xử lý tham nhũng, cần cụ thể hóa, vi phạm vào điều nào thì bị xử lý theo điều nào của Luật Hình sự.

2. Về người tố cáo hành vi tham nhũng cần bổ sung điều về khen thưởng (%giá trị thu hồi được).

3. Cần hạn chế các quy định mang tính chung chung theo quy định của pháp luật. Cần ghi rõ theo quy định nào? Điểm nào? Của pháp luật nào?

Các văn bản liên quan