Góp ý của ông Phạm Ngọc Long – Công ty kiểm toán Nexia – ACPA

Thứ Tư 16:37 12-01-2011

 

 

V/v: Góp ý dự thảo Công văn Quyết toán thuế năm 2010

 

            Tôi có nhận được lời mời đóng góp ý kiến về dự thảo Công văn quyết toán thuế năm 2010 để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý của Tổng Cục thuế. Về cơ bản, các nội dung nêu trong bản dự thảo được tập hợp từ các công văn hướng dẫn từ Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế cho các cục thuế và doanh nghiệp trong năm 2010. Các hướng dẫn này phản ánh những thay đổi và hướng dẫn tích cực từ phía cơ quan nhà nước để phù hợp và sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp hơn, tôi nhất trí về nội dung tổng thể của dự thảo này và có một số ý kiến đóng góp thêm như sau:

 

Ý kiến đối với Phần A. Một số nội dung cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN năm 2010:

 

Điểm 1, Trang 2: Dự thảo này đề cập đến chi phí khấu hao của tài sản cố định đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng do sự cố tạm thời nên ngừng hoạt động với thời gian ngắn (dưới 12 tháng) để sửa chữa rồi tiếp tục hoạt động thì được tính là chi phí hợp lý hợp lệ trong kỳ đã được Bộ Tài chính hướng dẫn qua Công văn số 10589/BTC -TCT ngày 12/8/2010. Trong Công văn 10589/BTC-TCT thì BTC KHÔNG yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc ngừng hoạt động với thời gian ngắn này nhưng Dự thảo lại yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế về thời gian tạm ngừng ngắn hạn này.

 

-        Theo ý kiến của tôi nên bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế nêu rõ lý do tạm dừng của TSCĐ vì:

 

+        Trong thông tư 130/2008/TT-BTC không yêu cầu doanh nghiệp thông báo đối với trường hợp này, thêm vào đó, Công văn 10589/BTC -TCT hướng dẫn chi tiết đã ban hành trước đó cũng không yêu cầu vấn đề này.

+        Việc thông báo này sẽ làm tăng thời gian cho công việc liên quan đến thuế của doanh nghiệp trong khi BTC đang hướng tới giảm thiểu thời gian doanh nghiệp dành cho công việc báo cáo thuế. Thêm vào đó, việc báo cáo này không đem lại lợi ích nào cho doanh nghiệp ngoài ra chỉ làm tăng thời gian xử lý, lưu trữ và theo dõi của cán bộ thuế đối với doanh nghiệp có  tài sản cố định đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng do sự cố tạm thời nên ngừng hoạt động với thời gian ngắn.

+        Nếu ý kiến của BTC vẫn duy trì, đề nghị nêu rõ lý do và cho biết trong trường hợp doanh nghiệp không thông báo đúng thời hạn thì chi phí khấu hao này có được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ trong kỳ hay không?

 

-        Đề nghị BTC hướng dẫn cho trường hợp chi phí khấu hao của TSCĐ (áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng) dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng TSCĐ hoạt động dưới công suất bình thường do các nguyên nhân như thiếu nguyên vật liệu nên chạy cầm chừng, do mới đi vào sản xuất, do ít đơn hàng... Tôi kiến nghị là vẫn tính chi phí khấu hao này vào chi phí hợp lý do là chi phí thực phát sinh và do phương pháp khấu hao áp dụng là đường thẳng nên đã đảm bảo việc san đều các chênh lệch khi hoạt động với các mức công suất khác nhau.

 

 

Điểm 3, Trang 2: Chi phí tiền lương:

 

-        Về yêu cầu "Ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể" để được tính thưởng vào chi phí được trừ: Trong thực tế hoạt động, các doanh nghiệp không thể đưa ra giao kết cụ thể về điều kiện cụ thể được hưởng và mức được hưởng do doanh nghiệp không thể dự tính được kết quả kinh doanh ra sao và kết quả lao động của nhân viên ra sao. Do vậy, đề nghị BTC nêu ví dụ cụ thể về điều kiện và mức để doanh nghiệp áp dụng. Đồng thời kiến nghị đưa ra yêu cầu nếu mức thưởng được nêu tại thoả thuận của người sử dụng lao động và người lao động đồng thời không trái với quy định của Luật lao động thì khoản thưởng này được tính là chi phí được trừ.

 

Điểm 3, Trang 3: Chi phí tiền học cho con người nước ngoài

 

-        Về chi phí tiền học cho con người nước ngoài, đề nghị BTC cho ý kiến về các khoản chi khác cho con người nước ngoài liên quan đến việc học tại trường học ví dụ như các khoản đóng góp cho nhà trường, sinh hoạt phí, tiền ăn của học sinh tại trường, tiền học các môn phụ đạo... Kiến nghị là các khoản này nếu nêu cụ thể trong hợp đồng lao động với người nước ngoài thì được tính trừ.

-        Về khái niệm "có đầy đủ chứng từ theo quy định" của chi phí tiền học, đề nghị BTC làm rõ chứng từ này là gì? Phiếu thu tiền có ghi tên con người nước ngoài hoặc ghi tên người nước ngoài là người nộp tiền hay phải là thông tin đăng ký thuế của Công ty chi trả.

-        Hiện tại mới chỉ có hướng dẫn về chi phí tiền học phí cho con người nước ngoài trong khi thực tế các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cũng có thoả thuận này. Do vậy kiến nghị bỏ tiêu chí về người nước ngoài mà chỉ nêu là người lao động (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài) để khuyến khích việc các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam hơn và tạo sự bình đẳng giữa các người nộp thuế là Việt Nam và nước ngoài.

 

Điểm 6, Trang 4: Đề nghị thêm chữ "Phần" vào câu: "Doang nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với: Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác trong nước và nước ngoài..." để làm rõ hơn là chỉ phần chênh lệch mới không bị trừ chứ không phải toàn bộ khoản chi.

 

Điểm 12, Trang 6:

 

-        Đề nghị cho ví dụ về các khoản trích trước khác? 

-        Ngoài ra kiến nghị các chi phí trích trước tại thời điểm kết thúc năm tài chính nhưng thực tế thanh toán trước hạn cuối cùng của việc nộp tờ khai quyết toán với cơ quan thuế thì được tính trừ. Ví dụ chi phí kiểm toán báo cáo tài chính, chi phí điện, nước, điện thoại tháng cuối của năm tài chính....: Các chi phí này được trích trước tại ngày kết thúc năm tài chính nhưng phải sau khi dịch vụ hoàn thành thì nhà cung cấp (công ty kiểm toán, công ty cung cấp điện, nước, điện thoại) mới phát hành hoá đơn cho doanh nghiệp thanh toán.

 

Điểm 13, Trang 7: Đề nghị làm rõ chứng từ hợp pháp của các khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng kinh tế không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của cơ quan nhà nước là gì? Hoặc nêu ví dụ để vận dụng như: Chứng từ chi tiền phạt, tiền bồi thường và thoả thuận giữa các bên về khoản phạt, bồi thường.

 

Điểm 14, Trang 7: Về điểm "Thuế TNCN không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là số tiền do doanh nghiệp khấu trừ trên thu nhập của người nộp thuế để nộp vào ngân sách nhà nước". Đề nghị bỏ câu này do khi hạch toán kế toán khoản thuế này được trích từ tài khoản 3341 – Phải trả công nhân viên sang tài khoản thuế 3335 - Thuế thu nhập cá nhân và khi thanh toán thuế thì bút toán hạch toán là trích nợ tài khoản thuế 3335 và ghi Có tài khoản tiền  (tức là việc hạch toán không liên quan tới đầu chi phí) do vậy đề nghị bỏ để tránh hiểu lầm là nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mà trong đó nêu nghĩa vụ thuế do người lao động chịu thì phần tiền thuế (vốn thuộc phần chi phí tiền lương của doanh nghiệp và là khoản được hưởng của người lao động) sẽ không được tính trừ.

 

Điểm 4, Phần III, Trang 8: Đề nghị làm rõ khái niệm "bán phế liệu, phế phẩm mà không liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh". Phế liệu, phế phẩm là thứ được sinh ra từ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên luôn liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh.

 

Ý kiến bổ sung thêm Điểm 5, Phần III, Trang 9: "Thu nhập từ tiền hỗ trợ từ các tổ chức khác". Các khoản tiền hỗ trợ từ các tổ chức khác được tính vào thu nhập khác. Doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn cho các khoản thu nhập này nhưng phải có đầy đủ chứng từ thu tiền.

 

Ý kiến bổ sung Phần IV, Trang 9-10: Đề nghị cho ví dụ đối với trường hợp về chuyển lỗ liên tục đối với doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN.

 

Ý kiến bổ sung Phần VII, Trang 14: Đề nghị cho hướng dẫn đối với trường hợp Doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN (bao gồm thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế) theo các quy định tại các văn bản trước đây về thuế TNDN hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp nhưng có thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư về nội dung địa điểm kinh doanh, ngành nghề nhưng thay đổi này vẫn đáp ứng điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế TNDN (bao gồm thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế) thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.

 

Ý kiến bổ sung Phần VII, Trang 14: Đề nghị BTC thêm câu "cho cả phần thu nhập chịu thuế TNDN tăng thêm theo kiểm tra, thanh tra" vào câu "Doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế TNDN theo quy định, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện tăng số thuế TNDN của thời kỳ miễn thuế, giảm thuế thì doanh nghiệp được hưởng miễn thuế, giảm thuế TNDN cho cả phần thu nhập chịu thuế TNDN tăng thêm theo kiểm tra, thanh tra theo quy định".

 

Ý kiến đối với  Phần B. Một số lưu ý khi thực hiện chính sách thuế GTGT năm 2010

 

Điểm 3, Mục I, Trang 16-17: Đề nghị BTC làm rõ thuế suất thuế GTGT áp dụng cho "Dịch vụ xử lý rác thải cho doanh nghiệp chế xuất" là 0% hay 10%.

 

Bổ sung thêm Điểm 6, Mục I, Trang 16-17: Đề nghị BTC bổ sung trường hợp: Doanh nghiệp không phải lập hoá đơn GTGT và kê khai thuế GTGT đối với các khoản thu do đóng góp hoặc hỗ trợ của các tổ chức khác.

 

Điểm 1a, Mục I, Trang 17: Đề nghị BTC cho hướng dẫn nghĩa vụ xác định đối tượng cư trú là của người bán hàng hay của người mua hàng? Do thực tế áp dụng có trường hợp Người bán A cung cấp dịch vụ cho Công ty B ở nước ngoài (có hợp đồng cung cấp dịch vụ và thanh toán phí dịch vụ qua ngân hàng). Công ty B có văn phòng đại diện tại Việt Nam (một trong các tiêu chí để xác định là Công ty B là đối tượng cư trú của Việt Nam) và Công ty A không biết việc này. Do vậy Công ty A xuất hoá đơn 0% là phù hợp với quy định hay không?

 

            Ngoài ra nếu trong thời điểm giao kết dịch vụ giữa A và B mà B không tạo thành cơ sở thường trú nhưng ngay sau đó (trong cùng năm dương lịch) B tại thành cơ sở thường trú tại Việt Nam thì Bên A có phải điều chỉnh thuế suất thuế GTGT đã xuất (0% thành 10%) hay không?

 

Điểm 1a, Mục III, Trang 18: Đề nghị BTC cho hướng dẫn cách kê khai hoá đơn trên Bảng kê hàng hoá, dịch vu mua vào (thuộc bộ tờ khai thuế GTGT hàng tháng) đối với mua ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (trừ ô tổ sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ? Cột thuế GTGT chỉ điền số thuế GTGT được khấu trừ hay điền số thuế GTGT theo hoá đơn hay phải ghi chú vào cột Ghi chú của bảng kê.

 

Điểm 1e, Mục III, Trang 20:  Trong Dự thảo này về điều kiện chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào BTC không nêu yêu cầu doanh nghệp ghi phương thức thanh toán vào phần ghi chú trên bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào (theo yêu cầu tại Thông tư 129/2008/TT-BTC).

 

            Trích thông tư 129/2008/TT-BTC: "Hàng hoá, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa bán ra; bù trừ công nợ; thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng mà các phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng; Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Khi kê khai hoá đơn thuế giá trị gia tăng đầu vào, cơ sở kinh doanh ghi rõ phương thức thanh toán được quy định cụ thể trong hợp đồng vào phần ghi chú trên bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào."

 

            Kiến nghị BTC bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ phương thức thanh toán vào phần ghi chú trên bản kê hoá đơn, chứng từ, dịch vụ mua vào do việc này làm tăng thời gian kê khai thuế và theo dõi thuế của doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo việc xuất trình chứng từ chứng minh thanh toán qua ngân hàng thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng. Thêm vào đó, yêu cầu ghi rõ phương thức thanh toán này chỉ thuận tiện cho cán bộ thuế khi kiểm tra, thanh tra.

 

            Nếu kiến nghị bỏ yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ phương thức thanh toán vào phần ghi chú trên bản kê hoá đơn, chứng từ, dịch vụ mua vào không được BTC chấp thuận thì đề nghị BTC hướng dẫn trườn hợp doanh nghiệp không ghi phương thức thanh toán bù trừ vào phần ghi chú (nhưng thoả mãn điều kiện phương thức thanh toán bù trừ nêu tại hợp đồng và phần sau bù trừ được thanh toán qua ngân hàng) thì doanh nghiệp có được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng hay không?

 

Ý kiến đối với Phần D. Một số lưu ý khi thực hiện chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài năm 2010:

 

            Đề nghị BTC hướng dẫn thuế suất thuế TNDN đối với trường hợp doanh nghiệp mua hàng (nguyên vật liệu, hàng hoá) theo phương thức DDU (tức là nhà thầu nước ngoài giao hàng trong lãnh thổ Việt Nam, tại nhà kho của Công ty).

 

            Ví dụ: Doanh nghiệp A (thành lập tại Việt Nam) ký hợp đồng mua nguyên vật liệu theo giá DDU với Công ty B (thành lập tại Nhật Bản). Bên B trả phí vận chuyển đường biển và nội địa để hàng giao tại kho của Doanh nghiệp A. Hợp đồng không tách riêng giá trị hàng hoá vật liệu và dịch vụ vận chuyển.

 

            Vậy, thuế TNDN sẽ áp mức đối với "Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam: 1%") HAY "Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không): 2%" HAY "Dịch vụ: 5%" cho toàn bộ giá trị hợp đồng?

 

            Trên đây là ý kiến đóng góp của tôi đối với Dự thảo Công văn quyết toán thuế năm 2010.

            Xin chân thành cảm ơn!

 

           

 

            Phạm Ngọc Long

Các văn bản liên quan