Góp ý của Ls Lê Nguyên Bằng – Văn phòng luật sư Nguyên Bàng, Hải Phòng

Thứ Năm 10:12 07-09-2006

Kể từ ngày 01/07/2006, Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực. Đây là 2 Luật lớn có tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh, đến từng doanh nghiệp chúng ta. Các quy định của 2 luật này đã thể hiện quyết tâm của đảng và nhà nước ta trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế chuyển đổi, vai trò quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế chưa được xác định rõ ràng, cải cách hành chính còn chậm chạp so với tốc độ cải cách kinh tế nên một số các quy định, các công cụ hành chính rườm rà, cản trở tiến trình phát triển, gây phiền hà và hạn chế bất hợp lý quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại. Một trong những vấn đề đó là “Giấy phép kinh doanh”.

Từ năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, Chính phủ đã rà soát và loại bỏ hàng trăm giấy phép không cần thiết nhưng từ năm 2003 đến nay, số lượng các loại giấy phép do các bộ, ngành địa phương quy định mới lại tăng lên nhanh chóng (trích Tờ trình của Bộ KHĐT)

Để góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Nghị định về quản lý nhà nước đối với giấy phép kinh doanh. Nghị định này là cần thiết để tạo cơ chế giám sát liên tục và hiện quả đối với việc soạn thảo, rà soát, đánh giá, bổ sung, sửa đổi và thực thi các quy định về giấy phép kinh doanh.

Với tư cách là một Văn phòng luật sư thường xuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ pháp lý cho các doanh nghiệp. Tôi xin có một số đóng góp vào Dự thảo Nghị định như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và tên của Nghị định:

Tại khoản 1, điều 1 dự thảo Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh là: “Nghị định này quy định về việc soạn thảo, ban hành, bổ sung, sửa đổi, đánh giá và thực hiện các quy định về giấy phép kinh doanh”. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định như vậy là chưa bao hàm hết chức năng quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này, vì:

- Tại khoản 2 điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ kinh doanh ngành nghề đó khi có đủ điều kiện quay định.

- Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành nghề cụ thể, được thể hiện bằng Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy chứng nhận hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác…”

Do vậy “Giấy phép kinh doanh” chỉ là một trong những hình thức của “Điều kiện kinh doanh”. Nếu nghị định chỉ điều chỉnh về Giấy phép kinh doanh mà không điều chỉnh các điều kiện kinh doanh khác thì các bộ, ngành, địa phương có thể lách luật bằng cách thay đổi tên gọi giấy phép kinh doanh thành một điều kiện nào đó.

- Mặt khác, bản thân từ giấy phép mang hình thức của sự cho phép và xin phép của cơ chế xin – cho. Trong khi các quy định của pháp luật, khi doanh nghiệp có đủ điều kiện thì được đăng ký kinh doanh ngành nghề đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không phải là xin để được nhà nước cho.

Vì vậy tôi đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh tại khoản 1, điều 1 Nghị định như sau: “1. Nghị định này quy định về việc soạn thảo, ban hành, bổ sung, sửa đổi, đánh giá, thực hiện, giám sát và quản lý các quy định về điều kiện kinh doanh”

Về tên Nghị định được sửa lại là: Nghị định về quản lý nhà nước đối với các quy định về điều kiện kinh doanh.

2. Khái niệm về “Giấy phép kinh doanh”

Tại khoản 1, điều 4 dự thảo Nghị định có khái niệm về “Giấy phép kinh doanh” như vậy là chưa phù hợp với Điều 7 Luật doanh nghiệp, vì như đã trình bày ở trên, theo Điều 7 Luật doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh chỉ là một loại biện pháp quản lý điều kiện kinh doanh. Nếu định nghĩa như dự thảo, chúng ta có thể hiểu, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các loại giấy khác cũng được coi là giấy phép.

Do đó, tôi đề nghị bỏ điều khoản này và sử dụng khoản 2, điều 7 để định nghĩa về điều kiện kinh doanh.

3. Khái niệm “Các bên liên quan” và “các bên có liên quan khác”:

Các khái niệm này được đề cập đến tại Khoản 5, điều 6 của Dự thảo và sau đó được liên tục đề cập đến tại điều: 18, 19, 20, 21. Theo đó, các bên liên quan bao gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan khác. Theo tôi, khái niệm này như vậy là chưa rõ ràng, đặc biệt là khái niệm các bên liên quan khác là cơ quan nào cần phải quy định rõ ràng để tránh ách tắc, khó hiểu trong quá trình thực hiện Nghị định sau này.

4. Quy định Hội đồng về Giấy phép quốc gia:

Để đảm bảo phát huy được hiệu lực của Nghị định, thì cần thiết phải có cơ chế quản lý, giám sát việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh (hay còn gọi chung là Giấy phép kinh doanh), nhưng trên thực tế, không ít hội đồng được thành lập nhưng không phát huy được hiệu quả, hoạt động kém hiệu lực. Do đó, tôi rất phân vân về việc nên hay không nên thành lập Hội đồng quốc gia về Giấy phép kinh doanh. Trong lúc chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, giảm biên chế, thành lập thì việc thành lập một hội đồng quốc gia như dự thảo Nghị định sẽ làm tăng biên chế và kinh phí hành chính.

Mặt khác, Hội đồng có chức năng hoạt động thẩm định dự thảo quy định về giấy phép như trong Nghị định là trùng lặp với chức năng của Bộ Tư pháp và Văn phòng chính phủ đã được quy định trong Luật ban hành văn bản pháp luật. Đồng thời, Luật ban hành văn bản pháp luật cũng không có quy định khi ban hành văn bản pháp luật nào cần phải thông qua hội đồng như này, nếu Nghị định quy định khi ban hành quy định về Giấy phép kinh doanh, buộc các bộ ngành, địa phương phải thông qua bước thẩm định tại Hội đồng là trái với văn bản pháp luật cao hơn là Luật ban hành văn bản.

Các văn bản liên quan