Càng làm càng rối

Thứ Năm 23:25 10-05-2007

Để chấm dứt tình trạng “càng làm càng rối”

Nguyễn Ngọc Bích

 

Trên TBKTSG số báo ngày 25-4-2007, luật gia Cao Bá Khoát đã nêu sự việc: một công ty có giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) ở một tỉnh này nhưng xin lập chi nhánh ở một tỉnh khác thì bị từ chối vì không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD). Sau khi nhắc lại quy định của Luật Đầu tư (“LĐT”) và Luật Doanh nghiệp (“LDN”), ông nêu một câu hỏi: Hai giấy kia nếu do hai cơ quan khác nhau cấp thì ai chịu trách nhiệm? Cuối cùng ông đề nghị sửa LĐT hoặc thống nhất cơ quan cấp GCNĐT và cơ quan cấp GCNĐKKD vào làm một. Tôi xin góp một số ý kiến về vấn đề này.

 

Nhận định vấn đề

 

Trong LĐT cũ (1987-2000) giấy phép đầu tư mà bây giờ gọi là GCNĐT có hai hiệu lực: chấp thuận dự án và cho lập công ty; hơn nữa luật ấy thiết lập các loại hình công ty khác nhau cho chính nó. LĐT 2005 gộp chung đầu tư của người nước ngoài và người trong nước vào làm một và đẩy việc thiết lập công ty sang LDN. Tuy vậy, khi quy định GCNĐT, luật vẫn cho nó hiệu lực thiết lập công ty. Vì thế mới xảy ra sự việc mà tác giả nêu.

 

Nhìn sự việc theo ngọn ngành ta thấy thế này. Người nước ngoài và người trong nước bây giờ dùng chung các loại hình doanh nghiệp, những cỗ xe kinh doanh cùng kiểu; nhưng tiền để mua cỗ xe đó, tức là tiền đầu tư của họ, khác nhau về nguồn gốc. Người nước ngoài đem tiền từ ngoài vào, đó là ngoại tệ; còn người trong nước lấy tiền của họ nằm sẵn trong nước, nội tệ. Người đem tiền vào thì lúc bán cỗ xe đi họ sẽ đem tiền ra; còn người trong nước không làm như vậy, tiền ở đâu vẫn để đấy.

 

Sự khác biệt này đã buộc LĐT và LDN, kết lại với nhau, phải tạo ra hai cách đối xử khác nhau cho mỗi người đầu tư. Người trong nước được thoải mái lập công ty; chỉ khi nào muốn hưởng đặc khoản đầu tư (về thuế quan, thuế thu nhập, tiền đất) cho một loại dự án nào đó thì họ mới đăng ký dự án để có GCNĐT. Khi đăng ký như thế thì tùy loại dự án, có loại đăng ký, có loại thẩm định. Thế nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài họ không thể và cũng không thoải mái lập công ty như người trong nước vì lập để làm gì nếu dự án họ muốn lập không được chấp thuận; hơn nữa họ cần biết các đặc khoản đầu tư họ sẽ được hưởng để còn tính toán về tài chính. Do đó, họ cần dự án được chấp thuận trước đã rồi mới bỏ tiền mua xe. GCNĐT đáp ứng yêu cầu này. Ngoài ra, về phía chính quyền, để kiểm soát dự trữ ngoại tệ, nhất là lúc nhà đầu tư mang ra, thì bắt buộc phải biết lúc họ mang vào; nếu họ mang ra nhiều hơn đem vào thì chính quyền phải thu thuế của họ. Đăng ký dự án đầu tư là cho mục đích này. Nhiều chuyên gia - trong đó có cả tác giả - đã nêu câu hỏi “phân biệt nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam để làm gì? Hoặc tại sao cứ phải đăng ký dự án?”. Câu trả lời là ở trên. Vậy cứ mỗi lần nhà đầu tư nước ngoài có dự án mới, hay tăng thêm vốn thì họ phải đăng ký. Đáng lý ra, một quan chức nào đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải giải thích việc này. Vậy chúng ta không nên nhầm lẫn giữa thủ tục đăng ký rườm rà với sự cần thiết phải đăng ký. Đừng vì tình trạng rườm rà của thủ tục mà đòi xóa bỏ đăng ký. Vấn đề là phải làm sao đăng ký cho nhanh gọn.

 

Tác giả cũng có nêu tính chất của GCNĐT khác với tính chất của GCNĐKKD khi đề nghị sửa LĐT. Xét về lý thì đề nghị này đúng, nhưng về thực tế thì nó không thích hợp. Có ba lý do. Một, nó không đáp ứng một cách thuận tiện yêu cầu của nhà đầu tư lẫn của chính quyền như đã nêu. Hai, lý chỉ giúp chúng ta phân biệt rành rọt các vấn đề, nhưng nó không thống trị cuộc sống này để mỗi lần có gì không hợp lý thì lại sửa. Ba, chính là thực tế chi phối chúng ta, chúng ta phải đương đầu với nó và luật pháp phải phục vụ chúng ta. Luật pháp tạo lập một trật tự chứ không phải để giải quyết một vấn đề triết lý.

 

Một đề nghị

 

Tác giả đề nghị nếu không sửa LĐT thì nên gộp cơ quan cấp GCNĐT vào cơ quan cấp GCNĐKKD. Điều này đúng. Tuy nhiên hiện nay hai cơ quan này đã là một: đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Dù là một, nhưng họ vẫn phải có hai bộ phận tách biệt nhau. Một cho công ty của nhà đầu tư nước ngoài, một cái khác cho người trong nước; bởi có sự khác biệt như đã nói ở trên.

 

Đến đây, cho công bằng, ta phải đề cập đến các cố gắng thống nhất văn bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm liên quan đến đề tài chúng ta đang bàn. Quyết định 1088/2006/QĐ-BKH ngày 19-10-2006 của bộ ấn định ba mẫu GCNĐT: (i) đầu tư nhưng không lập doanh nghiệp (mẫu trong phụ lục II-1) , (ii) có lập chi nhánh (mẫu II-2) và (iii) lập doanh nghiệp (mẫu II-3) . Hơn nữa, hai mẫu sau không còn có câu “GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD” ở cuối cùng như trước; mà ở gần đầu văn bản dưới hàng “Người đại diện” thì nó ghi ngay câu: “Đăng ký thành lập doanh nghiệp và thực hiện dự án đầu tư với nội dung sau”. Như thế nghĩa là một công ty của người nước ngoài tăng vốn dự án, hay của người trong nước xin đặc khoản đầu tư thì họ sẽ được cấp mẫu II-1; nếu đã từng hoạt động nay lập một dự án mới và ở một tỉnh khác thì công ty nước ngoài sẽ được cấp mẫu II-2; còn người nước ngoài mới tinh muốn đầu tư tại Việt Nam thì họ được cấp mẫu sau cùng. Một sự cải tiến rất đáng kể. Một sự thay đổi trong tư duy đã biến thành hành động! Chỉ tiếc là phải mất gần 20 năm (1987-2006) để đạt được.

 

Vậy để “gỡ gạc” cho thời gian này và cũng để giải quyết vấn đề “càng làm càng rối” mà vị đồng nghiệp của tôi đã nêu ra, xin đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra một lệnh rõ ràng cho các đơn vị trực thuộc rằng: phải phân biệt cho rõ: công ty của người nước ngoài nào đã có GCNĐT ở một tỉnh khác, không lập một dự án nào ở tỉnh mình, mà chỉ xin lập chi nhánh thì phải coi GCNĐT của họ là GCNĐKKD theo LDN chứ không chỉ thuần túy là một văn kiện xác lập một hành vi kinh doanh và cho họ lập chi nhánh. Nếu họ có một dự án mới lập ở tỉnh mình thì họ có mẫu II-2, trong đó họ đã đăng ký lập chi nhánh ở tỉnh mình rồi. Còn công ty của người Việt Nam thì chỉ khi nào họ lập một dự án mới ở tỉnh mình và có xin đặc khoản đầu tư thì mới cần mẫu II-2, qua đó họ được lập chi nhánh và không cần phải đăng ký thành lập chi nhánh theo LDN nữa. Một chỉ thị rõ ràng của bộ sẽ chấm dứt tình trạng “càng làm càng rắc rối”.     

 

 Theo TBKTSG số 20-2007 ra ngày 10/5/2007 

Các văn bản liên quan