Báo cáo thẩm tra dự án Khí – Điện – Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Tư 10:19 21-03-2007

QUỐC HỘI KHOÁ XI

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ

và Môi trường

 


Số: 1481/UBKHCNMT11

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2007

 

BÁO CÁO THẨM TRA

VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI  VỀ CÔNG TRÌNH

QUAN TRỌNG QUỐC GIA KHÍ - ĐIỆN - ĐẠM TẠI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

 

Kính thưa: Các vị đại biểu Quốc hội,

 

Căn cứ vào Nghị quyết số 06/1997/QH10 của Quốc hội khoá X, trên cơ sở Báo cáo số 14/BC-CP ngày 26/2/2007 của Chính phủ về tổng kết công trình quan trọng Quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các báo cáo giám sát hằng năm của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp toàn thể ngày 16/3/2007 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự phiên họp có đại diện Chính phủ, đại diện Bộ Công nghiệp, đại diện Hội đồng dân tộc của Quốc hội và các cơ quan có liên quan.

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin trình Quốc hội báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau:

 

I - VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN KHÍ - ĐIỆN - ĐẠM TẠI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa X (từ ngày 21/11/1997 đến ngày 12/12/1997), Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 15 dự án thành phần(1) nhằm khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ 7710 triệu m3 khí/ năm từ Bể Cửu Long và Nam Côn Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 6,095 tỷ đôla.

Theo Tờ trình số 399KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997 của Chính phủ, việc thực hiện dự án đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế nước ta, thể hiện ở các mặt sau:

“- Tạo việc làm cho khoảng 5000 lao động trực tiếp trong các nhà máy và hàng chục vạn lao động trong các ngành sử dụng sản phẩm của các dự án và các ngành phụ trợ khác.

- Tạo thêm nguồn năng lượng lớn khoảng 3000 MW với giá rẻ hơn so với giá bán điện bình quân hiện nay.

- Tăng thu cho ngân sách nhà nước gồm thuế tài nguyên, thuế doanh thu và thuế lợi tức:

+ Thu từ bán khí: Tối thiểu bằng 50% sản lượng khí. Từ nay đến năm 2001 sẽ tiêu thụ khoảng 10,5 tỷ m3, thu cho ngân sách từ bán khí dự kiến khoảng 500 triệu đôla Mỹ (tính với giá bán khí bình quân 10 cent/m3 hay 2,3 USD/triệu BTU – giá bán cho điện hiện nay là 9 cent/m3 hay 2,0 USD/triệu BTU).

+ Thu từ thuế doanh thu bán điện: Ước tính tổng điện năng phát từ các nhà máy chạy bằng khí trong thời gian 1997 – 2000 tối thiểu là 15 tỷ kWh, với thuế doanh thu 8% sẽ vào khoảng 74 triệu đôla Mỹ.

+ Thu thuế lợi tức từ tất cả các dự án (trừ thượng nguồn) vào khoảng 60 – 80 triệu đôla Mỹ”.

Ngày 05 tháng 12 năm 1997, tạiKỳ họp thứ 2 khóa X, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 06/1997/QH10 về Dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tinh thần của Nghị quyết này, Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức thực hiện Dự án và lưu ý một số điểm sau:

“- Tính toán kỹ tiến độ xây dựng để bảo đảm sự đồng bộ các công trình trong toàn bộ Dự án, bảo đảm hiệu quả từng công trình từ khai thác, vận chuyển đến sử dụng khí. Đặc biệt đối với Nhà máy phân đạm, cần cân nhắc kỹ, lựa chọn giải pháp tối ưu và những điều kiện để đạt hiệu quả kinh tế và sản phẩm có sức cạnh tranh trước khi quyết định đầu tư;

- Có kế hoạch huy động vốn thích hợp, kết hợp vốn trong nước và vốn nước ngoài trong các công trình của Dự án bảo đảm hiệu quả cao nhất;

- Có biện pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các công trình, cho dân cư;

- Hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Dự án”.

 

II- VỀ QUÁ TRÌNH GIÁM SÁT THỰC HIỆN DỰ ÁN

Theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa X, căn cứ Tờ trình của Chính phủ(2), sau khi đi khảo sát thực tế, làm việc với các cơ quan hữu quan và  tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo thẩm tra dự án công trình quan trọng quốc gia này(3) trình Quốc hội khóa X tại kỳ họp thứ hai, tháng 12/1997. Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu một số vấn đề cần lưu ý đối với dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:

Về tính đồng bộ của Dự án: Đây làDự án có các dự án thành phần liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế với phạm vi rộng lớn, đòi hỏi tính đồng bộ cao và liên quan đến nhiều lĩnh vực đầu tư nằm ngoài phạm vi Dự án nên Chính phủ cần có sự điều hành rất đồng bộ.

Về các hình thức đầu tư của các công trình: Có thể sử dụng nhiều hình thức đầu tư cho các công trình thành phần như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc thêm việc bố trí các hình thức đầu tư cho từng công trình để mang lại hiệu quả tổng thể cao nhất.

Phạm vi của dự án: Đây là một dự án lớn có tổng vốn đầu tư dự kiến trên
6 tỷ USD, thời gian dự kiến kéo dài 8 năm, phạm vi trải rộng từ các mỏ dầu, khí ngoài biển tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, nên nghiên cứu phân kỳ, trước hết đưa vào dự án những công trình dự kiến hoàn thành đến năm 2001 và khoanh gọn các công trình ở khu công nghiệp Phú Mỹ,  (do đó nên gọi là dự án Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ). Còn các công trình khác do các thông số kinh tế - kỹ thuật chưa đủ tin cậy nên để lại giai đoạn 2 là giai đoạn mở rộng của dự án, trình Quốc hội xem xét sau.

Về đảm bảo an toàn và tránh sự cố môi trường cho công trình: Dự án có các tuyến đường ống dài hàng trăm km cả trên biển và trên đất liền để vận chuyển khí với áp suất lớn. Vì vậy, cần phải có các biện pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tuyến đường ống vận chuyển khí cũng như cho toàn bộ Dự án quan trọng này.

Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa X, khóa XI giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khác của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hằng năm, từ năm 1998 đến năm 2004, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đều tổ chức đoàn giám sát công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Trong các báo cáo giám sát hằng năm của mình, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện công trình theo Nghị quyết đã đề ra (xin xem phụ lục kèm theo). Trong báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Chính phủ đã ghi nhận “Trong thời gian đầu tư, xây dựng công trình, các đoàn giám sát của Quốc hội đã có 26 kiến nghị và các kiến nghị này đều được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu thực hiện”.

 

III- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

Thực hiện Nghị quyết số 06/1997/QH10 của Quốc hội khoá X, từ năm 1998 Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và một số bộ ngành hữu quan khác cùng với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là hai tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Điện lực Việt Nam) khẩn trương triển khai Dự án công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt, đối với dự án Nhà máy phân đạm Phú Mỹ, Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện nguyên tắc đầu tư mà Nghị quyết đã đề ra là “Cân nhắc kỹ, lựa chọn giải pháp tối ưu và những điều kiện để đạt hiệu quả kinh tế và sản phẩm có sức cạnh tranh trước khi quyết định đầu tư”. Do vậy, mặc dù dự án hoàn thành chậm 3 năm so với Nghị quyết đề ra nhưng tổng mức đầu tư giảm, chỉ bằng 73% so với mức dự toán ban đầu (380/520 triệu USD) và mang lại lợi nhuận trung bình từ 700-800 tỷ VNĐ/năm.

Hằng năm, Chính phủ và các bộ ngành hữu quan đều có báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án công trình quan trọng quốc gia này với Quốc hội.

Trong Báo cáo tổng kết về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia  Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chính phủ đã nêu khá đầy đủ tình hình, tiến độ triển khai Dự án, đánh giá hiệu quả đầu tư của Dự án nói chung và từng dự án thành phần đã được hoàn thành nói riêng, tình hình thực hiện quyết toán các dự án thành phần đã hoàn thành, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình trình triển khai thực hiện Dự án và những nguyên nhân chủ quan, khách quan làm cho Dự án công trình quan trọng quốc gia này không thể hoàn thành được tất cả các dự án thành phần như khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Cho đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội,  công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành về cơ bản với những kết quả như sau:

3.1. Dự án đã hoàn thành (8 dự án)

1)     Dự án phát triển mỏ khí thiên nhiên Lan Tây – Lan Đỏ (lô 06.1)

2)     Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn

3)     Nhà máy điện Phú Mỹ 2 – 1 (mở rộng)

4)     Nhà máy điện Phú Mỹ 1

5)     Nhà máy điện Phú Mỹ 3 

6)     Nhà máy điện Phú Mỹ 2 – 2

7)     Nhà máy điện Phú Mỹ 4

8)     Nhà máy phân đạm Phú Mỹ

3.2. Dự án đã hoàn thành về cơ bản (1 dự án): Dự án công trình khí trên bờ.

Dự án này bao gồm các dự án thành phần sau:

- Hệ thống thu gom sử dụng khí Bạch Hổ;

- Dự án trung tâm phân phối khí Phú Mỹ;

- Dự án đường ống Phú Mỹ – Tp. Hồ Chí Minh;

- Hệ thống phân phối khí thấp áp cho các Khu công nghiệp Phú Mỹ – Mỹ Xuân - Gò Dầu.

Dự án này đã hoàn thành và đang vận hành có hiệu quả các công trình thuộc 2 dự án thành phần cơ bản là trung tâm phân phối khí Phú Mỹ và hệ thống thu gom sử dụng khí Bạch Hổ (bao gồm hệ thống thu gom khí và dàn nén khí trung tâm tại mỏ Bạch Hổ, hệ thống thu gom khí Rạng Đông, nhà máy xử lý khí Dinh Cố, hệ thống tuyến ống và kho cảng Thị Vải).

Dự án đường ống Phú Mỹ – Tp. Hồ Chí Minh, hệ thống phân phối khí thấp áp cho các khu công nghiệp Phú Mỹ – Mỹ Xuân – Gò Dầu do gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp khí, năng lực tổng thầu EPC yếu,... nên Chính phủ đã có kế hoạch điều chỉnh trong quá trình triển khai. Dự kiến đến 2008 sẽ đầu tư xây dựng xong tuyến ống Phú Mỹ – Nhơn Trạch – Hiệp Phước và hệ thống phân phối khí thấp áp cho các khu công nghiệp Phú Mỹ – Mỹ Xuân – Gò Dầu. Việc đầu tư xây dựng tuyến ống từ Hiệp Phước cung cấp khí cho Tp. Hồ Chí Minh sẽ được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tiếp tục nghiên cứu bổ sung thông tin thị trường tiêu thụ khí tại Tp. Hồ Chí Minh, cập nhật khả năng cung cấp khí để làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. Những công trình thuộc các dự án thành phần trên thực chất là hệ thống phân phối và dẫn khí đến các hộ tiêu thụ. Việc triển khai xây dựng các hệ thống này phụ thuộc vào nhu cầu phát triển của các hộ tiêu thụ khí, không ảnh hưởng đến hiệu quả của các công trình đã hoàn thành và đang vận hành. Vì vậy, có thể coi dự án Công trình khí trên bờ đã hoàn thành về cơ bản.

3.3. Dự án đang triển khai (1 dự án): Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch

Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch có công suất 1200 MW. Tuy nhiên, căn cứ kết quả cân đối khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng khí khu vực Đông Nam Bộ, thì với các nguồn khí chắc chắn hiện nay, khí chưa đủ cấp cho các hộ phụ tải mới. Vì vậy, tại thông báo số 184/TB-VPCP ngày 28 tháng 9 năm 2005 về các giải pháp nhằm đáp ứng các nhu cầu điện giai đoạn 2006 – 2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án điện Nhơn Trạch 1 công suất 450 MW phù hợp với khả năng cung cấp khí đến 2010. Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đang triển khai dự án với tổng mức đầu tư 382 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm 2008.

3.4. Dự án tạm dừng triển khai (1 dự án): Dự án cải tạo, chuyển đổi nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí.

Dự án đã được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, vì chưa đủ nguồn khí cung ứng và công trình đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp. Hồ Chí Minh mới chỉ có thể tập trung triển khai giai đoạn 1, chưa thu xếp được vốn do kinh phí di dân, giải tỏa đền bù đoạn Nhơn Trạch - Tp. Hồ Chí Minh phát sinh quá cao, nên dự án tạm dừng chưa triển khai các bước tiếp theo.

3.5. Dự án không triển khai (4 dự án)

1) Dự án sản xuất Methanol

2) Dự án sản xuất quặng sắt hoàn nguyên

3) Nhà máy điện Wartsila Bà Rịa

4) Nhà máy điện AMATA

Với tình hình tăng giá nhiên liệu trên thế giới như hiện nay, các dự án sản xuất Methanol, sản xuất quặng sắt hoàn nguyên, nhà máy điện Wartsila Bà Rịa, nhà máy điện AMATA không còn tính khả thi để triển khai. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho dừng triển khai 04 dự án này.

Như vậy, cho đến nay dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn thành trọn vẹn 8/15 dự án thành phần; 1/15 dự án thành phần đã hoàn thành về cơ bản; 1/15 dự án thành phần đang triển khai; 1/15 dự án tạm dừng và 4/15 dự án thành phần không triển khai được. Các công trình đã hoàn thành và đưa vào vận hành đều là các công trình ở khu công nghiệp Phú Mỹ (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Các dự án thành phần còn lại dù đang thực hiện hoặc không thực hiện do những nguyên nhân đã trình bày ở trên, đều không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của từng dự án đã hoàn thành và đang vận hành. Hiện trạng này phù hợp với khuyến cáo của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu trong báo cáo Báo cáo thẩm tra (số 44/KHCNMT ngày 20/11/1997) về dự án Khí - Điện - Đạm đã trình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa X, đó là: “Nên khoanh gọn các công trình ở khu công nghiệp Phú Mỹ, do đó nên gọi là dự án Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ. Còn các công trình khác do các thông số kinh tế – kỹ thuật chưa đủ tin cậy nên các công trình còn lại thuộc giai đoạn 2 là giai đoạn mở rộng của dự án thì sẽ trình Quốc hội xem xét sau”.

 

IV- NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

4.1. Về chủ trương đầu tư

Chủ trương đầu tư Dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là đúng đắn. Dự án công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các dự án thành phần chủ yếu sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành đã đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế của nước ta trong những năm gần đây, đặc biệt là trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng điện và phân bón phục vụ các lĩnh vực sản xuất cũng như đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành trung tâm điện lực Phú Mỹ có công suất phát điện chiếm gần 1/3 tổng công suất phát điện của cả nước hiện nay; có nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu phân đạm của thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực của đất nước.  

4.2. Về kết quả của dự án

4.2.1. Thành công của dự án

- Mặc dù chỉ hoàn thành về cơ bản 9/15 dự án thành phần với tổng kinh phí đầu tư chỉ bằng 2/3 dự kiến ban đầu (hơn 4 tỷ USD), nhưng với những công trình đã hoàn thành và đưa vào vận hành, dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế – xã hội chính đặt ra ban đầu, đó là:

+ Khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ hơn 7 tỷ m3 khí/năm.

+ Xây dựng được một trung tâm nhiệt điện lớn với công suất phát điện là 3830 MW, chiếm khoảng 30% công suất phát điện của cả nước hiện nay.

+ Xây dựng được một nhà máy phân đạm hiện đại với công suất 740.000 tấn phân đạm, đáp ứng được 30% nhu cầu phân đạm của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

+ Tạo việc làm cho khoảng 5000 lao động trực tiếp và xây dựng được một đội ngũ chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề cao có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại trong ngành công nghiệp Khí - Điện - Đạm.

+ Tạo nên một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, bao gồm thuế tài nguyên, thuế doanh thu và thuế lợi tức (số liệu cụ thể được nêu trong báo cáo Tổng kết công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu”).

- Các công trình nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân đạm, các hệ thống thiết bị vận chuyển và chế biến khí đều sử dụng công nghệ hiện đại, an toàn và đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Qua quá trình triển khai thực hiện dự án, hai tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam đã có bước trưởng thành, lớn mạnh về kinh nghiệm, năng lực quản lý, xây dựng, vận hành những công trình quy mô lớn.

- Dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là công trình quan trọng quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng được thực hiện với nhiều hình thức đầu tư khác nhau (PSC(4), BCC(5), BOT(6), liên doanh, tự đầu tư). Vì vậy, trong quá trình triển khai đầu tư các cơ quan quản lý nhà nước đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc lựa chọn hình thức đầu tư, đàm phán ký kết các hợp đồng đầu tư với nước ngoài, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư... tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các dự án tương tự.

4.2.2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Báo cáo tổng kết của Chính phủ đã rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác chuẩn bị đầu tư dự án, về công tác tổ chức thực hiện đầu tư dự án, về công tác quản lý nhà nước đối với công trình quan trọng quốc gia, về hiệu quả của công trình (Mục III. Các bài học kinh nghiệm). Nhìn chung, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với tổng kết của Chính phủ. Dưới đây, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin nhấn mạnh hai vấn đề cơ bản phải rút kinh nghiệm sâu sắc khi xây dựng và thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia:

- Một là, kinh nghiệm về việc nghiên cứu, khảo sát xây dựng dự án: Dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một dự án lớn, phức tạp gồm 15 dự án thành phần với các chủ đầu tư khác nhau, các hình thức đầu tư khác nhau. Trong 15 dự án thành phần này có những dự án mà ngay từ khi thẩm tra, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa X đã khuyến cáo: “Các thông số kinh tế - kỹ thuật chưa đủ tin cậy” và đề nghị để lại, bổ sung trong giai đoạn mở rộng sau này. Nhưng những khuyến cáo này chưa được coi trọng, vì vậy cho đến nay có đến 4 dự án thành phần Chính phủ phải đề nghị dừng triển khai vì không có hiệu quả kinh tế và 1 dự án thành phần phải tạm dừng.

- Hai là, kinh nghiệm về tổ chức thực hiện dự án, phải quản lý tốt, phấn đấu quyết liệt để không chậm tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng: Các công trình của dự án bị chậm so với Nghị quyết của Quốc hội từ 3 năm trở lên và còn để xảy ra những vụ việc tiêu cực, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình (Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Kho cảng Thị Vải).

V - KIẾN NGHỊ

1. Qua xem xét Báo cáo tổng kết của Chính phủ và thực tế thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội chấp thuận kiến nghị của Chính phủ và đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 11 các nội dung sau:

a) Chấp thuận kiến nghị của Chính phủ:

- Tách ra khỏi dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số dự án thành phần và các hạng mục công trình sau: dự án nhà máy điện Nhơn Trạch, dự án chuyển đổi nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí, phần đầu tư xây dựng tuyến ống Hiệp Phước – Tp. Hồ Chí Minh thuộc dự án đường ống Phú Mỹ – Tp. Hồ Chí Minh; các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 của dự án hệ thống phân phối khí thấp áp cho các khu công nghiệp Phú Mỹ – Mỹ Xuân – Gò Dầu.

- Dừng 4 dự án (liên doanh sản xuất Methanol, sản xuất quặng sắt hoàn nguyên, nhà máy điện Wartsila tại Bà Rịa, nhà máy điện Amata tại Thủ Đức) vì không có hiệu quả kinh tế và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp.

b) Giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành việc thanh quyết toán đối với 9 dự án thành phần (đã được điều chỉnh) của công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và có các biện pháp đảm bảo các công trình của dự án vận hành ổn định, lâu dài, an toàn và hiệu quả.

c) Kết thúc việc hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án này.

2. Để Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia có tính khả thi cao, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các dự án, công trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

Một là, công tác điều tra cơ bản nơi xây dựng Dự án và những nơi có liên quan đến Dự án phải được điều tra, khảo sát kỹ lưỡng và đầy đủ.

Hai là, luận chứng kinh tế - kỹ thuật của Dự án phải được chuẩn bị chu đáo, có tính khả thi cao và dự báo được khả năng biến động của thị trường cho đến khi Dự án hoàn thành để có thể có được hiệu quả đầu tư cao nhất. Chỉ nên đưa vào Dự án các dự án thành phần có tính khả thi cao và có thể bảo đảm tương đối chắc chắn các điều kiện khi triển khai xây dựng.

Ba là, phải có các phương án khả thi, chắc chắn trong việc huy động vốn đầu tư để có thể bảo đảm được tiến độ xây dựng công trình.

Bốn là, việc lựa chọn công nghệ của Dự án cần được nghiên cứu tìm hiểu kỹ trên thị trường để bảo đảm công nghệ thuộc loại tiên tiến, phù hợp với tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Việt Nam, không để nhà thầu ép về công nghệ và giá công nghệ.

Năm là, phải có biện pháp chỉ đạo tập trung, quyết liệt trong tổ chức triển khai Dự án, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án để đạt hiệu quả đầu tư của Dự án.

3. Các kiến nghị qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia mà Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cần được coi là một nội dung trong phần Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội.

4. Về báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc giá Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị Chính phủ giải trình sâu hơn những vấn đề sau:

- Khả năng và thời gian hoàn vốn của các công trình đã hoàn thành.

- Trữ lượng khí và khả năng cung cấp khí để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của các công trình đến hết đời dự án.

5. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nhanh chóng thực hiện dự án kết nối hệ thống sản xuất và phân phối khí tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các hệ thống khí ở miền Tây Nam Bộ, kết nối hệ thống khí của Việt Nam với khu vực ASEAN để đảm bảo việc cung cấp khí cho các công trình của dự án Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng cũng như các công trình sử dụng khí khác được lâu dài và ổn định.

 

*

*        *

 

Trên đây là báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Lưu HC, Vụ KHCNMT.

 

T/M. ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ

VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC HỘI

Chủ nhiệm

Hồ Đức Việt

(đã ký)

PHỤ LỤC

Kèm theo Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội
về công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

(Số: 1481/UBKHCNMT11 ngày 19 tháng 3 năm 2007)

 

Năm

Những việc đã làm được

và những vấn đề phát sinh

Nhận xét, kiến nghị trong từng năm
(từ 1998 đến 2004)

1998

(*) Đối với các công trình liên quan đến việc sử dụng khí ở Nam Côn Sơn:

Đối với công trình thượng nguồn (mỏ Lan Tây - Lan Đỏ) đã đấu thầu xong thiết kế tổng thể khu mỏ với vốn đầu tư theo phương án cao là trên 538 triệu USD nhưng chưa trình duyệt được vì chưa thỏa thuận xong về giá khí bán tại mỏ.

Đối với công trình trung nguồn (đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn), đã hoàn thành thiết kế tổng thể và hồ sơ gọi thầu nhưng chưa thống nhất được hợp đồng hợp tác kinh doanh do chưa thỏa thuận được về giá cước vận chuyển khí. Công trình này dự kiến tổng đầu tư khoảng 450 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 38% nhưng chưa tìm đủ nguồn vốn góp. So với dự kiến ban đầu đường ống Nam Côn Sơn, tiến độ sẽ chậm lại khoảng 2 năm. Dự kiến năm 2001 mới có khí cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Các công trình hạ nguồn: các nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT đang ở giai đoạn xét thầu (Phú Mỹ 2-2) và đang đàm phán hợp đồng về giá điện, giá khí (Phú Mỹ 3). Hai nhà máy này dự kiến trong năm 2001 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy Phú Mỹ 1 do EVN là chủ đầu tư đang ở giai đoạn triển khai các gói thầu về thiết bị chính của nhà máy và của lưới điện. Dự kiến sẽ đưa nhà máy vào vận hành vào cuối năm 2000 hoặc đầu năm 2001. So với dự kiến trước đây, tiến độ các nhà máy điện Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3 sẽ chậm lại khoảng từ 1-2 năm.

Đối với các nhà máy phân đạm (trong dự án liên hợp điện - đạm cùng với nhà máy điện Phú Mỹ 3), nhà máy methanol và nhà máy thép hoàn nguyên trực tiếp cũng do vướng mắc về vấn đề giá khí nên mới chỉ ở giai đoạn lập dự án khả thi và chờ duyệt chưa thể đánh giá về tiến độ được.

(*) Với cụm công trình sử dụng khí ở mỏ Bạch Hổ cần lưu ý 2 vấn đề sau:

Một là việc bảo đảm an toàn cho các công trình và bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng cũng như khi các công trình đã đi vào hoạt động.

Hai là: Tính toán phương án xử lý tối ưu việc sử dụng khí cho sản xuất LPG và cho nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 mở rộng để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung của các công trình này.

(*) Đề nghị Chính phủ tiếp tục khẩn trương chỉ đạo để sớm khẳng định vấn đề giá khí và xác định được thời gian có khí vào bờ. Nếu có khí vào bờ trước năm 2001 sẽ tạo điều kiến sớm cho việc đưa các công trình hạ nguồn vào hoạt động.

(*) Đối với nhà máy phân đạm, đề nghị Chính phủ hết sức lưu ý tinh toán hiệu quả kinh tế của công trình này. Đối với các công trình nhà máy điện cần tính toán giải quyết giữa nhu cầu phát triển nguồn điện với sự đồng bộ trong tiến độ xây dựng các nhà máy điện và hệ thống cung cấp khí đốt. Nếu để xảy ra sự mất đồng bộ thì sẽ gây ra tổn thất không nhỏ và làm ảnh hưởng tới hiệu quả chung của toàn Dự án.

1999

(*) Đối với công trình đường ống Nam Côn Sơn. Dự kiến ban đầu công trình hoàn thành năm 1999. Trong năm 1999, các bên đã ký bản ghi nhớ về những thỏa thuận đạt được. Thời điểm có khí cung cấp tại trạm phân phối khí Phú Mỹ dự kiến là 1/1/2002. Như vậy tiến độ dự án đã bị chậm hơn 2 năm.

(*) Về công trình khí trên bờ: Tháng 5/1999, nhà máy khí Dinh Cố đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng, nhưng các công trình phụ trợ dự kiến đến cuối năm mới hoàn thành. Do chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ khí nên năm 1999 nhà máy chỉ hoạt động ở mức 50% công suất thiết kế, dự kiến từ năm 2001 trở đi mới đạt được 100%. Về Nhà máy điện Phú Mỹ 1 dự kiến ban đầu hoàn thành năm 1999. Hiện nay nhà máy đang được xây dựng, dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ hoạt động vào cuối năm 2000 và toàn bộ sẽ hoàn thành vào năm 2001. Như vậy sẽ muộn 2 năm so với dự kiến ban đầu. Về Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1, Phú Mỹ 2-1 mở rộng và Nhà máy điện Amata đã hoàn thành theo dự kiến năm 1998, hiện nay đang hoạt động. Về Nhà máy điện Phú Mỹ 2-2 và Phú Mỹ 3: dự kiến ban đầu hoàn thành năm 2000. Hiện đang trong quá trình đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, dự kiến đưa vào vận hành năm 2002-2003. Như vậy tiến độ bị chậm 2-3 năm. Về Nhà máy điện Wartsila, dự kiến ban đầu hoàn thành năm 1998, đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai được. Về các hạng mục khác: Nhà máy Methanol, Nhà máy thép, Nhà máy điện Phú Mỹ 4, Nhà máy phân đạm ... dự kiến ban đầu hoàn thành vào các năm 2003, 2004. Hiện nay, các nhà máy này đã có đối tác đầu tư, đang chuẩn bị trình báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng cũng còn vướng mắc về giá khí.

(*) Tiến độ triển khai thực hiện các công trình đã rõ ràng hơn, công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường của các công trình đang thực hiện là tốt; về vấn đề vốn khi duyệt Dự án thấy cần tự đầu tư vì dự án có lãi lớn, nhưng khi thực hiện thì thấy đây là vấn đề rất khó khăn, kể cả đối với các công trình BOT; tuy giá khí đã điều đình xong nhưng cũng cần có một số biện pháp khuyến khích phát triển hộ tiêu thụ khí mạnh mẽ thì dự án Khí - Điện - Đạm mới bảo đảm tiến độ và có hiệu quả tốt hơn; vì vậy, nếu có điều chỉnh Dự án cho phù hợp với tình hình mới, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo Quốc hội sớm để có quyết sách đối với các công trình trong dự án, đồng thời để Chính phủ có căn cứ xây dựng kế hoạch 2001-2005.

(*) Đề nghị Chính phủ xem xét lại thứ tự ưu tiên các công trình để bảo đảm tính hiệu quả.

(*) Đề nghị Chính phủ xem xét bảo đảm sự đồng bộ trong tiến độ xây dựng các nhà máy điện và hệ thống cung cấp khí đốt.

(*) Kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ; xem xét, đánh giá lại tính khả thi của các công trình; lựa chọn thời điểm, địa điểm làm Nhà máy phân đạm cho thích hợp; cân nhắc kỹ việc điều chỉnh lại nội dung của dự án trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tới.

2000

(*) Về các công trình khai thác khí (công trình thượng nguồn)

Khai thác, sử dụng khí thiên nhiên Nam Côn Sơn: Đến tháng 3/2000 kế hoạch phát triển mỏ Lan Tây - Lan Đỏ mới được Chính phủ phê duyệt với vốn đầu tư dự kiến là 507 triệu USD (trong đó phía Việt Nam góp 15%) có công suất khai thác 2,7 tỷ m3/năm. Hiện nay giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu nước ngoài còn đang tiếp tục thương thảo để hoàn thiện các loại hợp đồng nhằm phấn đấu có khí vào bờ vào năm 2002.

Khai thác, sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ (vùng bể Cửu Long): Hệ thống khai thác khí đồng hành tại Bạch Hổ đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối 1998, hiện đang cung cấp khí đồng hành 5 triệu m3/ngày cho nhà máy LPG và 3 nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2-1, Phú Mỹ 2-1 mở rộng và Bà Rịa. Hiện nay đang dự kiến nghiên cứu để xây dựng thêm hệ thống đường ống kết nối ngoài khơi từ các mỏ khác như Rạng Đông, Ruby... để tiếp tục cung cấp khí cho  các nhà máy này cũng như cho một số công trình dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng khí đồng hành thay vì dùng khí thiên nhiên Nam Côn Sơn. Việc tận dụng khí đồng hành có ưu điểm là giá rẻ nhưng lại phụ thuộc vào sự khai thác dầu nên tính ổn định không cao, dễ ảnh hưởng tới hoạt động của các hộ tiêu thụ (công trình hạ nguồn).

(*) Công trình đường ống vận chuyển khí Nam Côn Sơn (công trình trung nguồn) có chiều dài 398 km, công suất vận chuyển 6,3 tỷ m3/năm (nhưng công suất khai thác chỉ là 2,7 tỷ m3/năm), vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 505 triệu USD (phía Việt Nam góp 51% vốn), hình thức đầu tư là hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Đến nay phía Việt Nam cơ bản đã thu xếp xong phần vốn tham gia. Theo kế hoạch do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 thì công trình này được hoàn thành vào năm 1999. Nhưng đến tháng 3/2000, báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch đấu thầu xây dựng, mua sắm của dự án mới được Chính phủ phê duyệt và đến tháng 9/2000 mới ký tắt được cam kết và bảo lãnh của Chính phủ (GGU). Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), Hợp đồng mua bán khí (GSA) chưa ký chính thức được vì còn đang xử lý giải quyết một số vấn đề liên quan như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế chuyển nhượng cổ phần trong phạm vi các công ty thành viên của bên nước ngoài. Theo báo cáo của Chính phủ, nếu trong tháng 12/2000 cả hai dự án thượng và trung nguồn được cấp giấy phép đầu tư và thời gian thi công của các nhà thầu dự kiến là 24 tháng, thì phải đến cuối 2002 hoặc đầu 2003 mới có khí vào bờ.

(*) Các công trình hạ nguồn

Đối với các công trình sử dụng khí đồng hành Bạch Hổ

- Theo kế hoạch do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 thì công trình khí trên bờ được hoàn thành vào năm 1998. Tuy nhiên đến nay mới có nhà máy xử lý khí hoá lỏng (LPG) Dinh Cố dùng khí đồng hành Bạch Hổ là hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/1998. Còn lại công trình tuyến ống và kho cảng LPG Thị Vải hiện đang trong quá trình thi công và hoàn thiện. Đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng chỉ đạo để đảm bảo chất lượng công trình và tuyệt đối an toàn khi đưa công trình này vào vận hành (gói thầu 2 LPG).

- Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 mở rộng đã hoàn thành chu trình đơn, hiện đang hoạt động sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, còn phải tiếp tục xây dựng nốt phần đuôi hơi có công suất 150 MW, dự kiến năm 2003 mới đưa vào vận hành.

Đối với các công trình sử dụng khí thiên nhiên Nam Côn Sơn

- Nhà máy Phú Mỹ 1, công suất 1090 MW do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) tự đầu tư bằng vốn vay ODA Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn hoàn thành. Dự kiến đầu năm 2001 sẽ đưa 3 tổ tua bin khí (3x240 MW) vào vận hành (thực tế giám sát cho thấy có thể chậm hơn), còn phần đuôi hơi có công suất 370 MW sẽ bắt đầu vận hành vào quý 3/2001. Như vậy từ cuối năm 2001, nhà máy này sẽ xây dựng xong hoàn toàn, nhưng do chưa có khí Nam Côn Sơn để sử dụng nên sẽ phải chạy bằng dầu DO nhập khẩu. Trong trường hợp sử dụng khí đồng hành thu gom được ở các mỏ đang khai thác dầu ở vùng bể Cửu Long để cung cấp cho các nhà máy này (như dự kiến của Chính phủ) thì áp suất đầu vào của khí tại nhà máy vẫn thấp hơn so với yêu cầu và  đây đang là một vấn đề nan giải cho cả phía cung cấp khí và phía nhà máy.

- Về các nhà máy điện BOT (Phú Mỹ 3 công suất 720 MW, Phú Mỹ 2-3 công suất 715 MW) còn đang trong giai đoạn tiếp tục thương thảo, giải quyết các vướng mắc để hoàn tất các hợp đồng. Cả hai nhà máy này nếu giải quyết xong các vấn đề để hoàn thành hợp đồng và được cấp giấy phép đầu tư của Chính phủ như dự kiến thì đến năm 2003 mới xong hoàn toàn. Do giá khí khai thác ở Nam Côn Sơn cao nên các nhà đầu tư vẫn còn đang đàm phán về hợp đồng mua bán điện, hợp đồng mua bán khí.

- Các nhà máy điện Nhơn Trạch, Wartsila chưa triển khai, nhà máy điện  Thủ Đức và Amata do chưa có khí Nam Côn Sơn nên vẫn đang phải chạy dầu.

- Các công trình hạ nguồn khác do giá khí cao nên công trình nhà máy phân đạm có ý kiến đang nghiên cứu để chuyển hướng sang ta tự đầu tư và sử dụng khí đồng hành từ vùng mỏ Bạch Hổ, nhà máy methanol, nhà máy thép còn đang xem xét. Các công trình này về cơ bản đang dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu khả thi.

(*) Dự án Khí - Điện - Đạm cho đến nay mới hoàn thành được một phần trong việc sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ còn phần cơ bản để khai thác, sử dụng khí thiên nhiên Nam Côn Sơn thì tiến độ triển khai các dự án thành phần đã chậm lại 3 năm và có thể một số dự án thành phần phải hủy bỏ hoặc chuyển hướng sang sử dụng khí đồng hành. Tại Nghị quyết số 06/1997 về dự án Khí - Điện - Đạm, Quốc hội đã lưu ý Chính phủ “Tính toán kỹ tiến độ xây dựng để bảo đảm sự đồng bộ các công trình trong toàn bộ Dự án, bảo đảm hiệu quả từng công trình  từ khai thác, vận chuyển đến sử dụng khí...”. Thực tế hiện nay đã xuất hiện sự thiếu đồng bộ giữa việc cấp khí và xây dựng công trình tiêu thụ khí, giữa việc dự tính công suất khai thác khí 2,7 tỷ m3/ năm trong giai đoạn 1 với công suất vận chuyển khí 6,3 tỷ m3/năm cho giai đoạn phát triển sau của đường ống dẫn khí. Do đó nhà máy Phú Mỹ 1 trong năm 2001 sẽ không có khí để vận hành và phải chạy dầu nhập khẩu làm tăng giá thành sản xuất điện và giảm hiệu quả kinh tế của công trình. Mặt khác khi công trình khai thác và vận chuyển khí hoàn thành vào năm 2002 nhưng các nhà máy điện BOT không kịp đưa vào sử dụng nên chỉ tiêu thụ hết khoảng 1/2 sản lượng khí cũng làm giảm hiệu quả chung của công trình.

(*) Đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, sớm có phương án thu gom khí đồng hành tại vùng bể Cửu Long và sớm có ý kiến kết luận dứt khoát đối với các công trình nhà máy phân đạm, thép, methanol là những công trình đã được Quốc hội lưu ý và cũng đã được nêu trong báo cáo lần này của Chính phủ.

 

2001

(*) Dự án Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có bước tiến bộ rõ rệt hơn so với trước đây, nhất là công trình đường ống Nam Côn Sơn, công trình khai thác mỏ Lan Tây - Lan Đỏ (thuộc nhóm công trình thượng nguồn và trung nguồn).

(*) Công trình nhà máy điện Phú Mỹ 1 tuy đã được đưa vào chạy thử năm 2001 (chậm 2 năm so với kế hoạch) nhưng hiện tại không có khí để vận hành, nên sẽ phải sử dụng dầu DO. Nếu nhà máy này phải chạy dầu trên 1 năm để chờ khí Nam Côn Sơn vào bờ thì sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém. Trong Báo cáo của Chính phủ có nêu phải sử dụng khí đồng hành Bạch Hổ - Rạng Đông và dầu DO khi cần thiết cho nhà máy Phú Mỹ 1 trong giai đoạn này. Nhưng không trình bày rõ trong báo cáo việc thay đổi này được giải quyết như thế nào, có tính khả thi hay không?

(*) Theo báo cáo của Chính phủ trong 15 công trình của Dự án Khí - Điện - Đạm thì chỉ có 1 công trình là nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng được đưa vào vận hành đạt công suất thiết kế và đúng thời hạn (năm 1998), còn công trình nhà máy điện Amata tuy cũng được đưa vào sử dụng từ năm 1998 nhưng chỉ mới xây dựng 2 tổ máy với công suất 6 MW x 2 tổ = 12 MW, bằng 12% công suất dự kiến của nhà máy là 100MW. Như vậy nếu kể cả nhà máy điện Amata thì có 14 công trình của Dự án đều chậm từ 1 tới 4 năm hoặc đến nay vẫn chưa rõ sẽ triển khai như thế nào trong đó có 3 công trình ở trạng thái tạm dừng, hoặc đang đàm phán (nhà máy Methanol, nhà máy điện Wartsila, nhà máy thép) và 1 công trình để lại đến sau năm 2014 mới triển khai (nhà máy điện Nhơn Trạch).

 

 

(*) Chính phủ cần phải lưu ý hơn nữa việc bảo đảm tính đồng bộ giữa các công trình trong dự án, đây là vấn đề đã được Quốc hội nhấn mạnh trong Nghị quyết số 06/1997/QH10 của Quốc hội. Ví dụ trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này có dự kiến là đầu năm 2003 sẽ đưa được khí vào bờ và mức tiêu thụ sẽ là 2,1 tỷ m3/năm và 2,7 m3/năm từ năm 2005 trở đi, trong khi công suất vận chuyển khí của đường ống Nam Côn Sơn là 6,3 tỷ m3/năm. Trên thực tế tới thời điểm khí Nam Côn Sơn vào bờ, các dự án nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2-2 chưa thể hoàn thành, các dự án nhà máy thép, nhà máy Methanol ... chưa triển khai được. Mặt khác, nhà máy điện Phú Mỹ 1 lúc đó đã hoạt động và Phú Mỹ 4 nếu hoàn thành đúng kế hoạch là đầu năm 2003 cũng chỉ sử dụng một phần công suất vận chuyển của đường ống. Như vậy do sự thiếu đồng bộ giữa các khâu khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sẽ gây ra thiệt hại lớn và làm giảm hiệu quả kinh tế của toàn bộ Dự án. Mặc dù công trình đường ống Nam Côn Sơn đã chậm 4 năm (đáng lẽ hoàn thành năm 1999 theo dự án trình Quốc hội quyết định) nhưng hiệu quả của công trình vẫn chưa có biện pháp bảo đảm cụ thể nào.

(*) Dự án Khí - Điện - Đạm đã không phục vụ được kế hoạch 5 năm 1996 -2000 như Chính phủ dự kiến, nghĩa là ảnh hưởng tới tốc độ tăng GDP. Ngay đối với kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 cũng vẫn có nguy cơ dự án không phục vụ được tốt vào giai đoạn cuối (2004 -2005) nếu lại tiếp tục bị chậm và nguy cơ này trên thực tế là rất cao.

(*) Kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện dự án trong gần 5 năm qua, báo cáo rút kinh nghiệm, phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan và kiến nghị cụ thể công trình nào của dự án còn làm tiếp, công trình nào thôi không làm nữa, nhất là các biện pháp để bảo đảm cho tính hiệu quả của các công trình đã hoặc sẽ hoàn thành.

2002

(*) Sau 5 năm thực hiện, một số công trình quan trọng của Dự án đã được đưa vào vận hành và đang phát huy hiệu quả như: hệ thống đường ống thu gom và xử lý, phân phối khí đồng hành; Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng; Nhà máy điện Phú Mỹ 1 và Nhà máy khí hoá lỏng LPG Dinh Cố (320.000 tấn LPG/ năm); hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn... Trung tâm phân phối khí thiên nhiên Dinh Cố cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để cung cấp khí cho các công trình hạ nguồn vào cuối năm 2002, đầu năm 2003. Nếu thuận lợi thì nhiều công trình của Dự án sẽ lần lượt hoàn thành trong 2 năm tới (2003, 2004).

Tuy nhiên, so với chủ trương đầu tư và kế hoạch ban đầu (năm 1997) thì tiến độ thực hiện của toàn bộ Dự án là chậm (đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn theo kế hoạch là hoàn thành trong năm 1999, thực tế sẽ hoàn thành cuối năm 2002; Nhà máy phân đạm dự kiến hoàn thành năm 2001, nhưng có khả năng đến giữa năm 2004 mới làm xong...). Trong số 15 dự án thành phần thì chỉ có một số ít dự án như Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng, công trình khí đồng hành... là hoàn thành đúng tiến độ, còn lại đều chậm hơn 2 năm trở lên. Một số công trình của Dự án hiện chưa có điều kiện, khả năng thực hiện như Nhà máy điện Wartsila, Nhà máy điện Amata, Nhà máy metanol, Nhà máy thép. Tiến độ thực hiện chậm đã ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế chung của Dự án; mục tiêu phục vụ kế hoạch 5 năm 1996 – 2000 và 2001 - 2005 cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

 

(*) Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo một số vấn đề sau:

- Đối với các công trình thượng nguồn: Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp thì từ sau năm 2004, nhu cầu sử dụng khí cho các công trình hạ nguồn sẽ tăng nhanh, để sử dụng khí đồng hành cho sản xuất đạm thì cần khẩn trương mở rộng hệ thống thu gom khí đồng hành ở các mỏ vùng bể Cửu Long. Để tránh gây ra lãng phí lớn thì cần hết sức lưu ý đến sự đồng bộ giữa cung cấp khí và tiêu thụ khí.

- Đối với các công trình trung nguồn: Công trình đường ống dẫn khí là mắt xích quan trọng của Dự án, vì vậy cần có phương án bảo vệ an toàn đường ống dẫn khí khi vận hành, có phương án xử lý cụ thể trong trường hợp xảy ra sự cố rủi ro.

- Đối với các công trình hạ nguồn: Khi đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đi vào vận hành, cần rà soát lại dự báo nhu cầu dùng khí của các công trình hạ nguồn, nhu cầu tiêu thụ khí của các cơ sở sản xuất công nghiệp không thuộc Dự án ở Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai... để có kế hoạch tổng thể sử dụng tối đa công suất thiết kế của đường ống (7 tỷ m3/năm). Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa  các công trình hạ nguồn vào hoạt động.

- Để có thể tải hết công suất điện của hệ thống điện Phú Mỹ, việc hoàn thành đường dây 500 KV Phú Mỹ - Nhà Bè- Phú Lâm và các đường dây truyền tải điện khác cần đồng bộ với việc đưa vào vận hành các nhà máy điện (Phú Mỹ 3 và 4) nhằm góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế của toàn bộ Dự án.

- Đối với một số công trình hạ nguồn, hoặc là không khả thi, hoặc vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiện tại không triển khai được (như Nhà máy metanol, Nhà máy điện Wartsila, Nhà máy điện Amata, Nhà máy thép...) đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về khả năng tiếp tục triển khai những công trình này, và nếu không triển khai được thì có biện pháp gì thay thế để đảm bảo tính đồng bộ, tính hiệu quả của Dự án.

2003

(*) Sau 6 năm thực hiện, một số công trình quan trọng của Dự án đã được đưa vào vận hành và đang phát huy hiệu quả, tạo thành khu công nghiệp hiện đại tại Phú Mỹ và Tp. Vũng Tàu. Năm 2003, hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn dài 398 km (trong đó có 362 km ngoài biển) dẫn khí từ mỏ Lan Tây – Lan Đỏ về Phú Mỹ được hoàn thành. Đây là công trình thượng nguồn quan trọng nhất của Dự án, đảm bảo cung cấp đủ khí cho các cụm công nghiệp tiêu thụ khí  (các nhà máy điện, nhà máy đạm...) với khối lượng là 2,1 tỷ m3 và nâng dần sản lượng hằng năm lên 2,7 tỷ m3 từ năm 2005. Tháng 1/2003 Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ được khánh thành; tháng 8/2003 Nhà máy điện Phú Mỹ 3 (đầu tư  theo hình thức BOT) vận hành chạy thử tổ máy số 1,  số 2 và dự kiến sẽ chính thức vận hành thương mại vào tháng 1/2004. Các công trình khác đã hoàn thành, dần đi vào ổn định và phát huy hiệu quả. Nhà máy  đạm Phú Mỹ đang được tích cực hoàn thành các khâu còn lại để chạy thử vào cuối năm 2003 và đi vào sản xuất từ tháng 6/2004.

 

(*) Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số vấn đề sau:

- Khẩn trương mở rộng hệ thống thu gom khí đồng hành ở các mỏ vùng bể Cửu Long, tận dụng nguồn khí này để cung cấp cho nhà máy đạm nhằm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất phân đạm (nếu sử dụng khí thiên nhiên thì giá thành của đạm sẽ cao hơn).

- Có phương án bảo vệ an toàn cao nhất cho đường ống dẫn khí; xây dựng phương án xử lý cụ thể trong trường hợp xảy ra sự cố rủi ro; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đường ống.

- Rà soát lại nhu cầu dùng khí của các công trình hạ nguồn, nhu cầu tiêu thụ khí của các cơ sở sản xuất công nghiệp không thuộc Dự án ở Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và vùng lân cận để có kế hoạch sử dụng tối đa công suất thiết kế của đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn (7 tỷ m3/năm). Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa  các công trình hạ nguồn vào hoạt động.

- Giải quyết tốt những vướng mắc để sớm hoàn thành việc xây dựng đường dây chuyển tải điện 500 kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm, tuyến ống dẫn khí Phú Mỹ  - Tp. Hồ Chí Minh nhằm tăng thêm hiệu quả kinh tế của toàn bộ Dự án.

2004

(*) Các công trình trọng điểm của dự án cơ bản đã hoàn thành và đi vào hoạt động gồm: Hệ thống thu gom sử dụng khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ, khí thiên nhiên của mỏ Nam Côn Sơn; các nhà máy điện Phú Mỹ 1 (công suất 1090 MW), Phú Mỹ 3 (công suất 720 MW), Phú Mỹ 4 (công suất 450 MW), đường dây truyền tải điện 500 kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm và trạm biến áp 500 kV Nhà Bè. Nhà máy đạm Phú Mỹ đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 mở rộng cũng đã đưa vào hoạt động 2 tổ máy tuabin khí (công suất 280 MW), còn phần đuôi hơi (công suất 160 MW) sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2005. Nhà máy điện Phú Mỹ 2-2 (công suất 715 MW) đang được hoàn thiện để được vận hành thương mại trong tháng 12/2004. Tuy nhiên, để sử dụng hết công suất thiết kế của hệ thống đường ống dẫn khí và trạm phân phối dẫn khí (7 tỷ m3 khí/năm) thì còn phải triển khai tiếp các dự án thành phần như đường ống dẫn khí từ Phú Mỹ đi Tp. Hồ Chí Minh và các hộ tiêu thụ khí như Nhà máy điện Thủ Đức (công suất 270 MW), Nhà máy điện Nhơn Trạch (công suất 1200 MW), Nhà máy điện Amata, Nhà máy điện Hiệp Phước ...

(*) Kiến nghị Chính phủ một số vấn đề sau đây:

- Sớm quyết toán, tổng kết và rút kinh nghiệm về những dự án thành phần đã hoàn thành;

- Xem xét hiệu quả, tính khả thi của những dự án thành phần còn lại và báo cáo với Quốc hội việc điều chỉnh những dự án thành phần trong Dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu để bảo đảm hiệu quả kinh tế chung của toàn bộ dự án;

- Chỉ đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống đường ống dẫn khí và chế biến khí Bà Rịa - Vũng Tàu, hoàn thiện hệ thống làm kín và thu khí amôniắc của nhà máy đạm Phú Mỹ; khẩn trương thực hiện xử lý rác thải công nghiệp (rắn, lỏng) và sự cố tràn dầu để đảm bảo môi trường cho khu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu;

- Chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm làm rõ, kết luận và xử lý một số tiêu cực trong quá trình xây dựng kho chứa khí hóa lỏng của Dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



1 (1) Phát triển mỏ khí lô 06; (2) Đường ống Nam Côn Sơn; (3) Công trình khí trên bờ; (4) Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 mở rộng; (5) Nhà máy điện Phú Mỹ 1; (6) Nhà máy điện Phú Mỹ 3; (7) Nhà máy phân đạm; (8) Nhà máy điện Phú Mỹ 2-2; (9) Nhà máy methanol; (10) Nhà máy thép; (11) Nhà máy điện Phú Mỹ 4; (12) Nhà máy điện Thủ Đức; (13) Nhà máy điện Nhơn Trạch; (14) Nhà máy điện Wartsila; (15) Nhà máy điện Amata.

( 2 ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư được sự uỷ nhiệm của Chính phủ đã có Tờ trình số 93 BKH/VCL ngày 17/11/1997 về các công trình quan trọng trình Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 2.

( 3 ) Báo cáo thẩm tra số 44/KHCNMT ngày 20/11/1997 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về các công trình quan trọng trình Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 2.

( 4 ) PSC là tên gọi tắt tiếng Anh của Hợp đồng phân chia sản phẩm theo tỷ lệ đóng góp của mỗi bên tham gia dự án (sau khi đó trừ đi các khoản đóng thuế theo quy định của nhà nước).

( 5 ) BCC là tờn gọi tắt tiếng Anh của Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đây là hỡnh thức đầu tư được ký giữa cỏc nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân.

( 6 ) BOT là tờn gọi tắt tiếng Anh của Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Đây là hỡnh thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trỡnh kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trỡnh đó cho Nhà nước Việt Nam.  

Các văn bản liên quan