Bản tổng hợp ý kiến góp ý của VCCI

Thứ Sáu 09:10 21-01-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

-----------------------------

Số:        0140    /PTM-PC

V/v: góp ý Dự thảo Nghị định

về lệ phí trước bạ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày 20  tháng 01 năm 2011

 

Kính gửi: BỘ TÀI CHÍNH

 

Phúc đáp Công văn số 16615/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý về Dự thảo Nghị định về lệ phí trước bạ (gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                   Đánh giá chung

Việc ban hành một Nghị định mới thay thế các Nghị định đang tồn tại hiện nay về lệ phí trước bạ là cần thiết và hợp lý, khắc phục tình trạng chắp vá, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề. Những nội dung kế thừa và bổ sung của Dự thảo, về cơ bản là hợp lý.

Tuy vậy, lệ phí trước bạ là một khoản tiền mà người có tài sản phải nộp khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, lệ phí trước bạ không phải là một loại thuế, đó chỉ là khoản phí mà người có tài sản phải nộp để bù đắp một phần chi phí của Nhà nước trong việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Vì vậy, không thể sử dụng lệ phí trước bạ để tăng thu cho ngân sách.

Quan điểm cho rằng nâng lệ phí trước bạ để "Góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng, sở hữu tài sản" là chưa hợp lý. Bởi lẽ, để người dân sẵn sàng làm các thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước thì lệ phí trước bạ phải là một khoản thu thấp, chỉ để bù đắp một phần chi phí của Nhà nước trong quản lý tài sản (Điều 13 Pháp lệnh về phí và lệ phí 2001 quy định “Mức thu lệ phí .... không nhằm mục đích bù đắp chi phí, phù hợp với thông lệ quốc tế...”).

II.                Một số góp ý cụ thể

1.      Việc tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe)

Theo quan điểm của một số doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia thì việc nâng tỷ lệ % lệ phí trước bạ lên tới 20% là chưa hợp lý vì cho rằng  lệ phí trước bạ không có chức năng của một loại thuế để điều tiết thu nhập của nhân dân. Hơn nữa, đối tượng sử dụng ô tô dưới 9 chỗ ngồi hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp nhằm phục vụ kinh doanh. Điều tiết thu nhập của các doanh nghiệp là chức năng của thuế thu nhập doanh nghiệp. Tăng lệ phí trước bạ với ô tô loại này là gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế[1]. Hơn nữa, tăng lệ phí trước bạ sẽ chưa hẳn hạn chế được sự gia tăng ô tô vì với người có điều kiện thì việc đóng lệ phí trước bạ không có vấn đề lớn. Song, đó lại là biện pháp làm tăng giá thị trường, góp phần gây ra lạm phát. Nếu có, nên quy định một tỷ lệ % cụ thể để có sự thống nhất áp dụng trong toàn quốc?

Nếu nhìn ở bình diện thông lệ quốc tế, lệ phí trước bạ (registration fee) thường là một khoản nhỏ so với giá trị của tài sản đăng ký (bằng một khoản tiền nhất định hay bằng tỉ lệ % giá trị tài sản đăng ký):

-         Lệ phí trước bạ được tính bằng một khoản tiền nhất định tại các nước như Thái Lan, Châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapore, Canada… Ở Thái Lan, phí trước bạ là một khoản nhỏ, ước tính bằng khoảng 1,5% của giá trị xe ôtô được đăng ký. Mỹ và Canada áp dụng mức lệ phí trước bạ tương đối thấp, khoảng dưới 200 đô la. Ở Singapore, mức phí đối với xe dành cho cá nhân là khoảng 1.000 đô la và 5.000 đô la với xe dành cho công ty.

-         Một số nước khác tính lệ phí trước bạ bằng tỉ lệ % giá trị xe như Hàn Quốc, Trung Quốc. Hàn Quốc tính mức phí đăng ký trước bạ khoảng 5% giá trị xe đăng ký. Trung Quốc áp dụng mức cao hơn nhưng không quá 10% giá trị xe đăng ký.

Như vậy, đối với các quốc gia nói chung trên thế giới, ngay cả Singapore, mức phí lệ phí trước bạ ban đầu đối với ôtô là không cao. Câu hỏi đặt ra là, các quốc gia dùng những biện pháp gì để nhằm tránh ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường ?

Các quốc gia sử dụng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật khác nhau để đảm bảo tránh ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường. Trong đó, lệ phí trước bạ chỉ là một trong những cách để nhằm hạn chế đưa vào lưu thông những xe có mức độ gây ô nhiễm tới môi trường cao. Ở Châu Âu, lệ phí trước bạ được tính dựa trên các tiêu chí về khí thải CO2, giá trị đăng ký và chiều dài của xe. Các xe càng có lượng khí thải lớn thì mức độ phải đóng phí càng cao. Tương tự, Mỹ có nhiều Bang sử dụng phương pháp thu phí căn cứ vào tuổi đời, giá trị và  trọng lượng của xe ôtô đăng ký.

Đối với mục tiêu nhằm giảm ùn tắc giao thông thì đánh thuế đường (road tax) phương pháp thông dụng. Kỳ hạn đánh thuế thường là 6 tháng hoặc một năm. Ở Anh, thuế đường hàng năm đánh vào xe ôtô khoảng 120 Bảng/năm. Ở Singapore, mức thuế đánh cao hơn, tuỳ vào phân khối của xe, giao động từ 314 đến hơn 3000 Singapore đôla/ 1 năm. Hàn Quốc có một loại thuế tương tự, nhưng được gọi là thuế phương tiện (automobile taxes). Thuế này được thu 3 tháng một lần.

Ngoài ra, các quốc gia còn sử dụng thuế xăng dầu làm biện pháp lưu thông xe hợp lý và công bằng. Đây là phương pháp đánh thuế đối với mỗi km đường xe chạy. Đặc biệt, đối với Singapore, nước này sử dụng hai biện pháp tương đối hiệu quả. Thứ nhất, nước này sử dụng chính sách Chứng chỉ quyền mua (COE). Khi công dân có nhu cầu mua xe ôtô, họ phải tham gia đấu thầu quyền mua xe (tuỳ vào từng loại xe). Thứ hai, Singapore áp dụng biện pháp Tính giá đường đi bằng hệ thống điện tử (ERP). Thiết bị điện tử sẽ được gắn vào xe để tính phí mà các xe phải trả.

Nhìn một cách tổng thể, theo kinh nghiệm quốc tế, thì lệ phí trước bạ không là một biện pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về việc tăng lệ phí trước bạ, nhất là đối với ôtô (dưới 10 chỗ) trước khi hoàn thiện và ban hành Nghị định này.

2.      Lệ phí trước bạ đối với nhà đất

-         Về việc ghi nợ lệ phí trước bạ (Điều 8), phạm vi được ghi nợ được quy định trong Dự thảo là tương đối rộng, trình tự, thủ tục chưa rõ ràng dễ tạo tiêu cực trong quá trình triển khai. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung này trước khi ban hành.

-         Điều 4: Khoản 8 Đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng; khoản 12 Nhà đất thuộc tài sản nhà nước hoặc của Đảng dùng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan Nhà nước... đề nghị chuyển sang điều 9. Miễn lệ phí trước bạ.

-         Điều 4. Các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ có quy định 23 trường hợp; Điều 9. Miễn lệ phí trước bạ quy định 5 trường hợp trong đó có khoản “5. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Nếu hiểu miễn lệ phí trước bạ, tổ chức cá nhân không phải kê khai thì 2 nội dung mới bổ sung thêm:

a.      “3. Nhà, đất  thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của các cơ sở ngoài công lập đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà vào mục đích xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em.

b.      Nhà đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.”

đề nghị cân nhắc 2 nội dung này nên chuyển sang diện không phải nộp lệ phí trước bạ (quy định tại điều 4) thì sẽ phù hợp hơn, vì các đối tượng này tuy không phải nộp, nhưng phải kê khai để quản lý.

3.      Một số góp ý khác

Giá tính lệ phí trước bạ (Điều 6): Dự thảo điều này không quy định lệ phí trước bạ  đối với việc chuyển nhượng tài sản đã qua sử dụng, vì vậy điều này nên quy định 2 khoản: Khoản 1. Quy định nguyên tắc về xác định giá đối với tài sản mới; Khoản 2 Quy định nguyên tắc xác định giá đối với tài sản qua sử dụng.

Tỷ lệ lệ phí trước bạ (Điều 7): Đề nghị khoản 3 tách thành 2 khoản cho dễ thực hiện: Súng săn, súng thể thao: 2%; Xe máy (kể cả khung, tổng thành máy): 2%; Riêng ....

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về lệ phí trước bạ. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Lưu VT, PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

 



[1] VCCI gửi kèm theo Công văn này một số ý kiến của các hiệp hội ngành hàng liên quan về những khó khăn khi lệ phí trước bạ tăng.

Các văn bản liên quan